BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 290/TB-TCT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2010 |
VỀ VIỆC KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ GIẢI ĐÁP MỘT SỐ NỘI DUNG TẠI THÔNG TƯ SỐ 153/2010/TT-BTC NGÀY 28/9/2010 VỀ HÓA ĐƠN BÁN HÀNG HÓA, CUNG ỨNG DỊCH VỤ
Từ ngày 6/10/2010 đến ngày 19/10/2010, Tổng cục đã tổ chức hội nghị tập huấn Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại 4 khu vực: Khu vực 1 gồm 16 Cục thuế, tổ chức tại Thái Nguyên; Khu vực 2 gồm 19 Cục thuế và Văn phòng đại diện Tổng cục Thuế, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; Khu vực 3 gồm 14 Cục thuế, tổ chức tại Khánh Hòa; Khu vực 4 gồm 14 Cục thuế, các Vụ, đơn vị của Tổng cục, tổ chức tại Hà Nội.
Trong hội nghị, Tổng cục đã giới thiệu nội dung và những điểm cần lưu ý tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ; giải đáp một số nội dung tại Thông tư để đảm bảo thống nhất thực hiện (các nội dung giải đáp kèm theo Thông báo này).
Tổng cục thông báo để các Cục thuế, các Vụ, đơn vị biết và thực hiện.
Nơi nhận: |
TL.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
CÁC NỘI DUNG ĐÃ GIẢI ĐÁP TẠI HỘI NGHỊ TẬP HUẤN THÔNG TƯ SỐ 153/2010/TT-BTC
1. Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn thì sử dụng hình thức hóa đơn gì:
Trả lời:
- Nếu doanh nghiệp có từ 10 lao động trở xuống là doanh nghiệp siêu nhỏ nên thuộc đối tượng được mua hóa đơn của cơ quan thuế.
- Nếu không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, áp dụng hình thức hóa đơn tự in hoặc đặt in.
2. Hộ, cá nhân có hoạt động cho thuê nhà thì không thể được coi là hộ, cá nhân không kinh doanh nên không thuộc đối tượng được cấp hóa đơn lẻ.
Trả lời:
Đối với hộ, cá nhân không kinh doanh có phát sinh hoạt động cho thuê nhà lần đầu đến cơ quan thuế đề nghị cấp hóa đơn lẻ, cơ quan thuế phải giải quyết cấp hóa đơn lẻ cho hộ, cá nhân theo quy định. Trường hợp xác định hoạt động cho thuê nhà mang tính thường xuyên (hoạt động kinh doanh), cơ quan thuế cần có hướng dẫn hộ, cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký thuế và chuyển sang đối tượng được mua hóa đơn của cơ quan thuế.
3. Hóa đơn siêu thị không nhất thiết phải có đầy đủ các tiêu thức bắt buộc như tên, địa chỉ, mã số thuế người mua, trừ trường hợp người mua là đơn vị kế toán yêu cầu. Trường hợp người mua yêu cầu hóa đơn đầy đủ tiêu thức thì hóa đơn phải in ra 2 lần (xác định doanh thu 2 lần) thì xử lý thế nào?
Trả lời:
Việc lập hóa đơn phải đảm bảo nguyên tắc là doanh thu không được tính trùng hai lần. Biện pháp thực hiện có thể hướng dẫn cho siêu thị tổ chức thu ngân thành các quầy: quầy cho cá nhân không cần hóa đơn đầy đủ tiêu thức, quầy dành cho đối tượng cần lấy hóa đơn đầy đủ tiêu thức hoặc siêu thị có thể thu hồi hóa đơn đã lập không đủ tiêu thức để lập hóa đơn mới.
4. Doanh nghiệp có dưới 10 lao động (doanh nghiệp siêu nhỏ) nhưng có vốn điều lệ > 5 tỷ đồng thì có được mua hóa đơn của cơ quan thuế không?
Trả lời:
Vẫn thuộc đối tượng được mua hóa đơn của cơ quan thuế trong năm 2011.
5. Doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tự tạo hóa đơn để sử dụng. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hình thức hóa đơn tự in nhưng có phát sinh những hoạt động không áp dụng được hình thức tự in thì có được mua hóa đơn của cơ quan thuế không:
Trả lời:
Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng tự tạo hóa đơn thì phải tự tạo tất cả các loại hóa đơn để sử dụng.
6. Đối tượng áp dụng hình thức hóa đơn tự in có cần phải có phần mềm kế toán không?
Trả lời:
- Đối tượng áp dụng hình thức hóa đơn tự in tại điểm a khoản 1 Điều 6 không cần phải có phần mềm kế toán. Việc chọn 3 đối tượng này được thiết lập trên cơ sở phân loại rủi ro. Đối với doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ thực góp từ 5 tỷ đồng trở lên thì khả năng phát sinh rủi ro là thấp. Vì vậy không quy định về điều kiện phần mềm kế toán đối với đối tượng này, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng về chương trình tự in hóa đơn, phải ra quyết định tự in hóa đơn và tự chịu trách nhiệm về quyết định này.
- Đối tượng áp dụng hình thức hóa đơn tự in tại điểm b khoản 1 Điều 6 mới cần phải có phần mềm kế toán liên kết với phần mềm bán hàng.
7. Chi nhánh sử dụng cùng mẫu hóa đơn với trụ sở chính thì có cần phải phát hành hóa đơn không?
Trả lời:
Trường hợp chi nhánh thực hiện khai thuế GTGT riêng thì vẫn phải thực hiện thông báo phát hành hóa đơn với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp trụ sở chính khai thuế GTGT cho chi nhánh thì chi nhánh không cần gửi thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
8. Bán hóa đơn lần đầu theo hướng dẫn mới không cần thủ tục xác minh địa điểm kinh doanh, cơ quan thuế thực hiện bán ngay hóa đơn (hiện hành là 5 ngày). Vậy khi đến cơ quan thuế mua hóa đơn, tổ chức, hộ, cá nhân có cần đóng dấu tên, địa chỉ, mã số thuế lên hóa đơn không?
Trả lời:
Thực hiện đóng dấu tên, mã số thuế lên hóa đơn như hiện hành.
9. Hóa đơn đã được đặt in nhưng chưa lập, còn lưu trữ nếu mất thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Nghị định 51 và Thông tư 153 đã trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc in, phát hành hóa đơn. Vì vậy doanh nghiệp phải có trách nhiệm lưu trữ bảo quản hóa đơn. Trường hợp hóa đơn chưa lập thì không thực hiện xử phạt. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải báo cáo mất theo quy định. Nếu không báo cáo mất thì thực hiện xử phạt theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP .
10. Theo quy định thì tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng, hóa đơn. Nếu không báo cáo mất hóa đơn thì bị xử phạt. Tuy nhiên nếu lập báo cáo muộn quá 5 ngày thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp quá 5 ngày mà tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập chưa báo cáo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì bị xử lý như hành vi không báo cáo.
11. Hóa đơn đặt in, hóa đơn mua của cơ quan thuế trước ngày 1/1/2011 nhưng đăng ký để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/03/2011, nếu mất hóa đơn trong thời gian này thì xử lý thế nào?
Trả lời:
Trường hợp tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký hóa đơn tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/3/2010. Thời gian đăng ký chậm nhất là ngày 20/1/2011. Như vậy, từ ngày 1/1/2011 đến ngày 31/3/2011 nếu mất hóa đơn thì xử lý theo quy định của Nghị định 51 và Thông tư 153.
12. Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 153 về sử dụng hóa đơn của người mua hàng thì “Hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu, nội dung theo quy định và phải nguyên vẹn”, tuy nhiên tại khoản 3 Điều 4 lại quy định một số trường hợp hóa đơn không nhất thiết có đầy đủ các nội dung bắt buộc. Đề nghị giải thích rõ?
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 51 quy định: “Bộ Tài chính quy định cụ thể đối với hóa đơn không cần thiết phải có đủ những nội dung quy định tại khoản này”
Thông tư 153 quy định một số trường hợp không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung theo quy định.
13. Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều loại hóa đơn không? Trong thông tư chỉ quy định doanh nghiệp sử dụng nhiều hình thức hóa đơn.
Trả lời:
Trong Thông tư tuy không nói cụ thể là doanh nghiệp được sử dụng nhiều loại hóa đơn nhưng trong từng nội dung hướng dẫn cũng đã nêu rõ: Doanh nghiệp vừa bán hàng nội địa vừa xuất khẩu hàng hóa thì sử dụng hóa đơn GTGT và hóa đơn xuất khẩu; doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ nhưng có hoạt động kinh doanh vàng bạc ngoại tệ thì sử dụng hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng.
14. Tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 153 quy định: “Trường hợp khi nhận được Thông báo phát hành do tổ chức, hộ, cá nhân gửi đến, cơ quan Thuế phát hiện thông báo phát hành không đảm bảo đủ nội dung theo đúng quy định thì trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho tổ chức, hộ, cá nhân biết. Tổ chức, hộ, cá nhân có trách nhiệm điều chỉnh để thông báo phát hành mới”. Vậy có cách nào hướng dẫn doanh nghiệp không sai sót khi in để phải hủy gây lãng phí?
Trả lời:
Tại Thông tư 153 đã thiết kế các mẫu hóa đơn có đầy đủ các tiêu thức bắt buộc, mẫu thông báo phát hành để doanh nghiệp tham khảo để việc phát hành hóa đơn của doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến từng doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm được các bước cần làm khi thực hiện đặt in hóa đơn. Các Cục thuế cần tập huấn kỹ cho các doanh nghiệp nhận in hóa đơn.
15. Về trách nhiệm của nhà in hóa đơn: Tại sao không quy định doanh nghiệp nhận in hóa đơn không được tiết lộ ký hiệu mật trên hóa đơn của khách hàng đặt in?
Trả lời:
Việc quy định doanh nghiệp nhận in hóa đơn không được tiết lộ ký hiệu mật là không cần thiết vì đây là quyền tự chủ thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp. Nếu vi phạm hợp đồng thì hai bên giải quyết theo pháp luật dân sự.
16. Trong năm 2011, doanh nghiệp siêu nhỏ có điều kiện tốt thì có buộc họ đặt in hóa đơn được không?
Trả lời:
Doanh nghiệp siêu nhỏ được mua hóa đơn trong năm 2011 không phụ thuộc vào địa bàn. Tuy nhiên, trong năm 2011, cơ quan thuế cần làm tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ chủ động chuyển sang áp dụng hình thức hóa đơn tự in hoặc đặt in mà không đợi đến hết năm 2011.
17. Tại khoản 4 Điều 9 quy định: “4. Thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất năm (05) ngày trước khi tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành.” Vậy bắt buộc cả hai điều kiện về thời gian nêu trên hay là chỉ một.
Trả lời:
Thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất năm (05) ngày trước khi tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành (đồng thời cả hai điều kiện về thời gian)
18. Doanh nghiệp có nhiều thành viên, mỗi thành viên có nhiều sản phẩm khác nhau, muốn in riêng hóa đơn cho từng chi nhánh có được không?
Trả lời:
Doanh nghiệp được phép in riêng hóa đơn cho từng chi nhánh, từng chi nhánh gửi thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
19. Cách xác định ngày lập hóa đơn của Thông tư 153 chưa thống nhất với Thông tư 129 (ví dụ lập hóa đơn đối với xăng dầu)
Trả lời:
Về nguyên tắc khi bán hàng phải lập hóa đơn, tuy nhiên tùy từng trường hợp cụ thể Bộ Tài chính có thể hướng dẫn cho phù hợp với thực tế: đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, do khối lượng hóa đơn và khách hàng lớn nên ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.
20. Về hóa đơn tự in: Mỗi liên của một số hóa đơn chỉ được in ra một lần, nếu in ra từ lần thứ 2 trở đi phải hiện là bản sao (copy). Vậy bản sao (copy) có giá trị không?
Trả lời:
Thông tư quy định hóa đơn tối thiểu phải có 2 liên, tối đa 9 liên. Do đó, căn cứ nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp có thể phát hành hóa đơn nhiều liên để sử dụng. Nguyên tắc mỗi liên chỉ có một bản chính duy nhất. Bản sao không có giá trị như bản chính.
21. Đối với trường hợp cấp hóa đơn lẻ cho tổ chức, hộ, cá nhân không kinh doanh cần hóa đơn lẻ, chứng từ mua bán kèm theo là gì?
Trả lời:
Chứng từ mua bán kèm theo có thể là hợp đồng hoặc các giấy tờ mua bán khác (trong trường hợp không xác định là hợp đồng).
22. Trong Thông tư không hướng dẫn trên hóa đơn chỉ được ghi một mức thuế suất?
Trả lời:
Thông tư không quy định nội dung này. Các mẫu hóa đơn tại phụ lục chỉ mang tính tham khảo. Doanh nghiệp có thể thiết kế mẫu hóa đơn có nhiều thuế suất chỉ cần đảm bảo đầy đủ các tiêu thức bắt buộc.
23. Khoản 1 Điều 16 Nghị định 51 hướng dẫn các trường hợp bán hàng dưới 200.000 đồng không nhất thiết phải lập hóa đơn. Trong phần xử phạt, nếu bán hàng trên 200.000 đồng không lập hóa đơn thì bị xử phạt. Vậy nếu bán hàng ở mức 200.000 đồng thì phạt thế nào, có mâu thuẫn không?
Trả lời:
Quy định như vậy hoàn toàn không mâu thuẫn. Việc xử phạt chỉ thực hiện đối với hành vi không lập hóa đơn trên 200.000 đồng.
24. Lập hóa đơn khống phạt từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ nhỏ thì mức phạt tối thiểu 10 triệu là lớn nhưng đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ lớn thì mức phạt tối đa 100 triệu cũng vẫn là nhỏ?
Trả lời:
Đây chỉ là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong tạo, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn. Trường hợp xác định là gian lận thuế, trốn thuế thì xử lý theo Luật Quản lý thuế và pháp luật hình sự.
25. Thời điểm đăng ký tiếp tục sử dụng hóa đơn chậm nhất là ngày 20/1. Trong vòng 20 ngày đó, người mua không biết hóa đơn có tiếp tục sử dụng hay hủy?
Trả lời:
Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo ngay tại thời điểm 31/12/2010 sẽ không khả thi đối với doanh nghiệp. Để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chỉ cần gửi báo cáo đăng ký tiếp tục sử dụng hóa đơn cùng với báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 12/2010 nên đã hướng dẫn thời điểm chậm nhất là ngày 20/1/2011.
26. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn sẽ phải nộp vào thời điểm nào? Tại Điều 25 chưa hướng dẫn rõ?
Trả lời:
Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn Quý I sẽ nộp chậm nhất là ngày 20/4; quý II sẽ là ngày 20/7, quý III là ngày 20/10 và quý IV là ngày 20/01 của năm sau. Một số trường hợp khác phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư.
27. Tại điều 33 khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng tiếp hóa đơn thì cơ quan thuế có cần phản hồi chấp thuận hay không chấp thuận không?
Trả lời: Cơ quan thuế không cần ra thông báo chấp thuận hay không chấp thuận. Doanh nghiệp được tự xác định đăng ký sử dụng tiếp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.