VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 281/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2009 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNGTẠI BUỔI LÀM VIỆC TRỰC TUYẾN VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẮC CẠN
Ngày 26 tháng 8 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Sau khi nghe Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm những tháng còn lại của năm 2009 và một số đề nghị; ý kiến của Văn phòng Chính phủ (sau khi đã trao đổi, tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan về hướng xử lý những đề nghị trên của Tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Trong tình hình khó khăn chung của cả nước do chịu tác động của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới và những khó khăn do thiên tai, bão lụt xảy ra trên địa bàn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả lũ lụt: tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2009 đạt 7,68%; nông nghiệp tăng 4,09%; công nghiệp tăng 3,25%; dịch vụ tăng 13,45%; Thu ngân sách 7 tháng đầu năm tăng 2,94%. Tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách của Chính phủ về kích cầu đầu tư, tiêu dùng, phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chương trình xoá đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm - có nhiều tiến bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bắc Kạn vẫn là một tỉnh nghèo, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiến độ thực hiện một số đề án phát triển nông - lâm nghiệp còn chậm, tốc độ giải ngân xây dựng cơ bản ở mức thấp so với cả nước.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần tập trung vào hai nhiệm vụ chủ yếu: phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai thắng lợi Đại hội Đảng các cấp. Tập trung vào những định hướng và giải pháp cụ thể sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2009.
2. Có các biện pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.
3. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các các nguồn vốn, trước hết là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường, lớp học, bệnh viên tuyến huyện, bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
4. Trong năm học 2009 - 2010, Tỉnh cần tập trung chỉ đạo để bảo đảm số lượng học sinh đến trường đạt tỷ lệ cao, hạn chế việc học sinh bỏ học, đồng thời quan tâm giúp đỡ cho sinh viên nghèo được vay vốn đi học.
5. Tiến hành rà soát các quy hoạch hiện có, tiến hành thực hiện công tác quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành giai đoạn 2011 - 2020, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
6. Tích cực triển khai các chương trình bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh cũng cần chọn thêm một số xã nghèo nhằm tập trung nguồn lực của địa phương để giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.
7. Khẩn trương hoàn tất công bố Bộ thủ tục hành chính, đồng thời tiến hành rà soát, đề xuất hủy bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
8. Tập trung ổn định sản xuất và đời sống của người dân ở vùng bị thiên tai vừa qua, đồng thời chủ động các biện pháp phòng chống lụt, bão, di dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân hạn chế thiệt hại nhất là thiệt hại về người.
III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về hỗ trợ số vốn còn thiếu để hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình: thực hiện theo quy định tại Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Số vốn còn thiếu, Tỉnh chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện.
2. Về nâng cấp đường 258B đoạn Ba Bể - Pác Nặm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ để Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
3. Về phát triển hạ tầng y tế: Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu tăng vốn cho hạ tầng y tế chung của các địa phương cả nước (trong đó có Bắc Kạn) và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý chung. Trước mắt, Tỉnh chủ động sử dụng, số vốn được giao theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 để đầu tư phát triển hạ tầng y tế.
4. Về bổ sung vốn đầu tư hạ tầng giáo dục (đầu tư kiên cố hóa 613 phòng học và 771 8m2 nhà công vụ cho giáo viên): Tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để bổ sung vào danh mục bố trí vốn. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí vốn theo tiến độ thực hiện dự án.
5. Về tăng nguồn vốn để thực hiện chương trình hỗ trợ các đối tượng di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao, các dự án tái định cư: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung (trong đó có tỉnh Bắc Kạn), đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc di chuyển 40 hộ dân (thôn Khên Lền - xã Công Bằng huyện Pác Nặm và 28 hộ dân, tại Thôn Khuổi Coóc, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn) khỏi vùng nguy hiểm: đồng ý, Tỉnh tổ chức sớm việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính kiểm tra nếu đã có dự án được phê duyệt thì cho ứng vốn kế hoạch năm 2010 để thực hiện sớm.
6. Về 6 dự án an toàn hồ chứa: ủng hộ về chủ trương. Tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định dự án cấp bách cần làm trước trong 6 hồ trên, hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định để thực hiện.
7. Về đề nghị bổ sung cho Bắc Kạn số tiền mà Tỉnh đã chi cho các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ: Các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ để Bắc Kạn có Điều kiện triển khai sớm.
8. Về vốn đối ứng cho các dự án ODA trên địa bàn Tỉnh: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đảm bảo đủ vốn đối ứng trong năm 2009, đồng thời bố trí đủ vốn đối ứng trong năm 2010 cho các dự án ODA của Tỉnh.
9. Về ứng trước kế hoạch 300 tỷ đồng và lùi thời gian hoàn trả vốn ứng trước sang các năm kế hoạch tiếp theo: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, xử lý hoặc đề xuất cơ chế hỗ trợ các tỉnh có Điều kiện khó khăn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.