VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2012 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2012
Ngày 11 tháng 01 năm 2012, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, qua mạng trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) và triển khai kế hoạch năm 2012. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, đại diện lãnh đạo của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng và các Bộ liên quan; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Dạy nghề Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn VTC16 thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC…; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại biểu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở liên quan, một số huyện, thị, xã, đại diện của một số mô hình thí điểm và cơ sở dạy nghề.
Sau khi nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Đề án báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 02 năm và nhiệm vụ năm 2012 và ý kiến của các Bộ và các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến kết luận như sau:
Qua 02 năm thực hiện, Đề án 1956 đã được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với các mô hình sản xuất mới, tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập của người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhiều nơi đã có thành công bước đầu trong việc thực hiện mô hình thí điểm và đã có nhiều bài học tốt. Số lượng lao động nông thôn được học nghề theo Đề án khoảng 800 ngàn người, đạt 90% so với kế hoạch, cơ bản đạt được mục tiêu khởi động Đề án trong 2 năm đầu tiên thực hiện.
Các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đã hoàn thiện cơ bản các văn bản hướng dẫn; thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả về quản lý đề án: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt vai trò thường trực Đề án, tổ chức có hiệu quả dạy nghề phi nông nghiệp có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm chính chỉ đạo dạy nghề nông nghiệp, trong đó huy động hệ thống khuyến nông tham gia tích cực cùng với các cơ sở dạy nghề khác. Ngành Nội vụ thực hiện tốt việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức xã theo tiến độ của Đề án. Các Bộ, cơ quan, các hội có chức năng tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn đã tích cực tham gia thực hiện. Đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt Đề án của địa phương mình, có 86% các tỉnh, thành có Ban Chỉ đạo, với 73% xã có Ban Chỉ đạo. Công tác thông tin tuyên truyền đã được tăng cường, hoạt động hiệu quả thông qua hệ thống thông tin truyền thông ở các cấp, Kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn VTC16 thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã có hoạt động hiệu quả về công tác này.
Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa đi sâu, đi sát chỉ đạo, quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Đề án. Sau khi Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt, nhưng đến nay vẫn còn 09 tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực; còn 01 tỉnh chưa có Đề án thực hiện Quyết định số 1956; gần 70% số huyện chưa có cán bộ chuyên trách về dạy nghề. Công tác quy hoạch nhân lực, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án chưa tốt nên còn có tình trạng có nơi nhu cầu lao động học nghề cao nhưng lại thiếu nơi học; có nơi tổ chức lớp học quy mô lớn nhưng có ít học viên tham gia.
II. MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN HOÀN THÀNH TRONG NĂM 2012
1. Tiếp tục tập trung hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 với quy mô đào tạo 600 ngàn lao động nông thôn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản về mục tiêu, yêu cầu thực hiện Đề án cả năm 2012 gửi các địa phương để thực hiện. Chú ý bảo đảm nguyên tắc: Các địa phương chưa hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực, Đề án triển khai Quyết định 1956 cần khẩn trương hoàn thành trong quý I năm 2012 để làm cơ sở triển khai. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.
2. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong Đề án và yêu cầu của thực tiễn đặt ra để có hiệu quả cao nhất như ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo (Thông báo số 06/TB-VPCP ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ). Khẩn trương chuẩn bị nguồn kinh phí 2012 thực hiện Đề án theo đúng tiến độ.
3. Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới dạy nghề gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp nhằm sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế khá cao mà tận dụng được nhân lực nông nhàn, nguyên liệu sẵn có như: Trồng nấm rơm, trồng cây thanh long, lúa năng suất cao, sản xuất hàng mây tre đan, may xuất khẩu, cơ khí nông nghiệp …
4. Tiếp tục hoàn thiện việc thí điểm sử dụng thẻ học nghề tại 02 tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre, để tổng kết và rút kinh nghiệm.
5. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện Đề án ở mọi cấp để góp phần nâng cao chất lượng, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương xử lý những phát sinh cho phù hợp.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN VÀ ĐỊA PHƯƠNG
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì rà soát lại các văn bản để hướng dẫn, điều chỉnh, làm rõ phân công dạy nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp, trình Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét những nội dung vượt thẩm quyền xử lý, hoàn thành trước ngày 27 tháng 02 năm 2012.
- Sớm chủ trì, tổ chức cuộc họp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ và các Bộ liên quan xác định nguồn và xây dựng phương án bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong năm 2012, xem xét việc ứng vốn cho các cơ sở dạy nghề đang gấp rút hoàn thành hoặc đã hoàn thành khối lượng công việc nhưng còn gặp khó khăn về kinh phí.
- Tổng hợp việc triển khai Đề án cũng như kết quả kiểm tra, đánh giá của các Bộ và của Ban Chỉ đạo.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo việc dạy nghề nông nghiệp, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác này.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề của ngành và hệ thống trung tâm khuyến nông của ngành tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, tăng tỷ lệ cán bộ khuyến nông đã chuẩn hóa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.
- Tập trung tổ chức tốt việc thí điểm hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp, sớm hoàn thành, tổng kết, nghiên cứu nhân rộng hình thức này.
3. Bộ Nội vụ:
Chủ trì chỉ đạo, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan liên quan và các địa phương hoàn thành bổ sung biên chế cán bộ chuyên trách dạy nghề cấp huyện; trong quý II hoàn thành chương trình đào tạo cán bộ công chức xã do 10 Bộ, ngành phối hợp xây dựng.
4. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Quốc phòng và các Hội, các cơ quan có chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn.
Chỉ đạo hệ thống dạy nghề và cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, ngành, cơ quan tham gia Đề án, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan xây dựng danh mục, chương trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; chú ý nâng cao hiểu biết của người lao động về sản xuất kinh doanh, thông tin đầu ra của sản phẩm.
5. Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan bố trí đủ kinh phí và hướng dẫn thực hiện kịp thời theo kế hoạch thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo Tổ công tác tài chính rà soát, thống kê công bố công khai các chính sách hỗ trợ người học sau khi học nghề trước 27 tháng 02 năm 2012.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hoàn thành xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 về việc làm và dạy nghề.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Cung cấp các băng đĩa tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Đề án và các báo cáo mô hình tiên tiến cho các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương thực hiện.
- Chỉ đạo Tổ thông tin cần tăng cường hoạt động có thông tin hai chiều; bổ sung cán bộ của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ tham gia Tổ Thông tin.
8. Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục công khai chính sách cho lao động nông thôn vay học nghề, vay khởi nghiệp hoặc tổ chức kinh doanh sau học nghề.
9. Trách nhiệm của chính quyền các địa phương:
- Các địa phương tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg và triển khai kế hoạch năm 2012 vào giữa tháng 02 năm 2012.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo trong quý I năm 2012, hoàn thành 04 công việc sau: Xây dựng và phê duyệt Đề án của tỉnh; biên chế cán bộ chuyên trách theo dõi dạy nghề cấp huyện; thành lập Ban Chỉ đạo, phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Chỉ đạo đài truyền hình, đài phát thanh địa phương có chương trình riêng về dạy nghề cho lao động nông thôn trong đó có nội dung tuyên truyền cho chính sách của Đề án này đến người dân.
+ Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, sau khi thông qua ở cấp tỉnh, huyện phải chuyển giao được đến cấp xã, thôn; có tờ thông tin, tờ rơi, bảng tin tại xã để cung cấp thông tin.
+ Phải có hướng dẫn về chỉ tiêu kiểm tra: Lãnh đạo tỉnh, huyện đi thăm và kiểm tra cơ sở dạy nghề ít nhất mỗi năm 01 lần, Bí thư, Chủ tịch xã đi kiểm tra cơ sở dạy nghề ít nhất mỗi tháng 01 lần.
+ Bắt đầu từ quý I năm 2012, các tỉnh căn cứ tiêu chí đánh giá mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành, tự theo dõi, đánh giá kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn hàng quý từ đó có sự điều chỉnh, phấn đấu.
+ Các tỉnh tỷ lệ người học có việc làm sau khi được học nghề nhỏ hơn 70% năm 2011, cần rút kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan để sớm khắc phục.
+ Các địa phương dự kiến kế hoạch kiểm tra trong năm 2012 để tổ chức thực hiện.
IV. KẾ HOẠCH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VÀ KIỂM TRA CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
- Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2012 các Bộ, các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp chủ động đi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án. Tháng 7 năm 2012 sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án.
- Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2012 hoàn thành kế hoạch kiểm tra cuối năm để chuẩn bị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án, dự định tổ chức vào tháng 01 năm 2013.
Văn phòng Chính phủ thông báo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.