VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 263/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2015 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ GIANG
Ngày 22 tháng 7 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Cùng đi và dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban dân tỉnh báo cáo tình hình, nhiệm vụ phát phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 và một số đề xuất, kiến nghị; ý kiến lãnh đạo các Bộ, cơ quan; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Năm 2014 với sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn và những thành tựu đạt được của Đảng, bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, kinh tế của Tỉnh tiếp tục tăng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,32%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,43%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 26,17%; Dịch vụ chiếm 36,4%,. Thu nhập bình quân đầu người 16,2 triệu đồng/người/năm (tăng 11,3% tương đương 1,65 triệu đồng).
Chương trình xây dựng nông thôn mới chủ động tích cực; các xã trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 (41 xã), mỗi xã tăng bình quân 1-2 tiêu chí; công nhận 3 xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá. Giải quyết việc làm mới cho 15.893 lao động; tỷ lệ hộ nghèo còn 21,65% (giảm 5,3% so với năm 2013).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được tập trung đẩy mạnh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Làm tốt công tác quản lý biên giới, duy trì thực hiện tốt Quy chế quản lý nhà nước về biên giới. Tình hình biên giới, quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định.
Về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,34%; các chỉ tiêu kinh tế xã hội...đều đạt và tăng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và lạc hậu; quy mô nền kinh tế nhỏ bé. Trong số 24 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết HĐND tỉnh vẫn còn 8 chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực còn hạn chế, chưa thật sự rõ nét; GDP bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của cả nước (38%); chất lượng nguồn lao động còn thấp; thiên tai thường xuyên xảy ra... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế, hiệu quả thấp, chưa quan tâm đào tạo lao động có chất lượng cao, việc đào tạo nghề còn phân tán chưa tập trung. Số lao động sang Trung Quốc làm thuê chưa được quản lý còn nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, số hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao (tỷ lệ hộ nghèo 21,65%).
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đặt ra cho năm 2015 và các năm tiếp theo, nhất trí nhiệm vụ giải pháp mà Tỉnh đã đề ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015, phấn đấu hoàn thành, vượt kế hoạch 5 năm 2011- 2015 và mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIV đề ra.
2. Khai thác và phát huy lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, thủy điện, kinh tế biên mậu, xuất, nhập khẩu, vùng nguyên liệu: gỗ, cây dược liệu,... để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông lâm sản, dịch vụ thương mại biên giới nhanh và bền vững, gắn với cơ sở công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, không xuất khẩu nguyên liệu thô, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng giao thông.
3. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng (kể cả nguồn vốn ODA), xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức BOT, BT, BTO,... và các hình thức đầu tư khác; tiếp tục cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương; có phương án giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
4. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực có hiệu quả phù hợp với tình hình của địa phương. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển rừng; tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý tài nguyên nước, điều tra đánh giá thủy điện trên địa bàn kiên quyết loại bỏ thủy điện kém hiệu quả. Có kế hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
5. Tổ chức thực hiện Chương trình nông thôn mới hiệu quả, thiết thực. Lồng ghép, thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Không để xảy ra thiếu đói, dịch bệnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Có các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo bền vững; ổn định dân cư, nhất là ổn định dân di cư tự do, tái định cư các dự án thủy điện trong vùng, dân cư biên giới, vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung cho phát triển giáo dục, dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số. Quan tâm triển khai tốt công tác y tế, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
6. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại đề cao cảnh giác, hết sức chú trọng bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xây dựng Tỉnh thực sự là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về lập đề án quy tụ dân cư giai đoạn 2015 -2020 và hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện đề án: Tỉnh rà soát quy hoạch bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó cần ưu tiên thực hiện di dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét).
2. Về thực hiện và mở rộng dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tại 6 huyện 30a: Đồng ý về nguyên tắc cho mở rộng 02 huyện như đề nghị của Tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết, đánh giá cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.
3. Về hỗ trợ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho dự án phòng chống thiên tai, các công trình thủy lợi: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 1001/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 7 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
4. Về thuê tư vấn nước ngoài để lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Giang và hỗ trợ kinh phí: Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về bổ sung kinh phí để hỗ trợ cho hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013: Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng để xem xét, xử lý.
7. Về ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn I (2013-2015) của dự án cấp điện nông thôn, miền núi: Giao Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
8. Về nâng mức hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: Trước mắt, Tỉnh thực hiện theo Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xem xét, đề xuất phương án xử lý chung cho các địa phương khó khăn trong đó có Hà Giang.
9. Về hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án dở dang tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
10. Về đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các công trình đường giao thông và hạ tầng cửa khẩu Nghĩa Thuận (Quản Bạ); Săm Pun (Mèo Vạc): Đồng ý về chủ trương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương tổng hợp vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 -2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
11. Về nâng mức hỗ trợ từ vốn đối ứng của ngân sách Trung ương cho tỉnh Hà Giang từ 50% lên 80% để thực hiện nhiệm vụ xử lý ô nhiễm môi trường các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Về hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính: Đối với các địa phương có khó khăn, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Về bố trí vốn để thực hiện hoàn thành dự án rà phá bom mìn, vật cản trên khu vực biên giới: Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.
14. Về triển khai dự án kè bờ sông Lô đoạn từ cầu Mè mới đến trường Cao đẳng sư phạm, thành phố Hà Giang: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại văn bản số 3268/VPCP-KTN ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
15. Về bổ sung nhà máy xi măng Hà Giang vào quy hoạch phát triển xi măng 2011 - 2020 Việt Nam: Giao Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.