VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 260/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2016 |
Ngày 11 tháng 8 năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến số 1) và làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị của Thành phố. Tham gia đoàn công tác và dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần hàng không Vietjet.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế của cả nước. Trong thời gian qua, Thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, tất cả các lĩnh vực của Thành phố đều tăng trưởng cao hơn so với bình quân của cả nước, văn hóa - xã hội được bảo đảm, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống người dân được cải thiện.
Thành phố đã thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, lấy hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị làm trọng tâm, nhờ đó bộ mặt Thành phố ngày càng khang trang, tạo tiền đề trở thành Trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực và Châu Á.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân cư tự nhiên, Thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lớn về hạ tầng giao thông, nhà ở và hạ tầng xã hội. Mặc dù Thành phố đã nỗ lực giải quyết, nhưng do việc phát triển giao thông công cộng chậm, trong khi đó phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng, cùng với thách thức về biến đổi khí hậu gây ngập úng nghiêm trọng tại một số khu vực đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ Thành phố và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, lưu ý một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian, gắn công tác quy hoạch với tái cấu trúc ngành nghề, bảo đảm kết nối đồng bộ các loại hình giao thông và liên kết vùng.
2. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình thoát nước, phát triển nhà ở xã hội, trong đó đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ.
3. Nâng cao năng lực hạ tầng giao thông (các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai, các tuyến đường bộ trên cao và tàu điện ngầm...) bằng nguồn lực của Thành phố và thu hút nguồn lực xã hội qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
4. Chú trọng các giải pháp tổ chức giao thông, phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương thức vận tải khối lượng lớn, hướng tới giảm phương tiện giao thông cá nhân; có kế hoạch hình thành, mở rộng các khu phố đi bộ.
5. Tăng cường chỉnh trang đô thị và kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng, chống thất thoát, lãng phí và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
II. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Lĩnh đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ
a) Về đầu tư nút giao thông An Phú, đảm bảo kết nối giao thông với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với mạng lưới giao thông của Thành phố: giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam rà soát nguồn vốn và làm việc với các nhà tài trợ xem xét sử dụng vốn dư Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để triển khai đầu tư phần xây lắp, Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm phần bồi thường giải phóng mặt bằng.
b) Về đầu tư xây dựng, phục vụ cho việc kết nối một số cụm cảng, khu đô thị mới gồm đường Vành đai 4 (đoạn Bến Lức - Hiệp Phước): đồng ý Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư xây dựng Dự án. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
c) Về việc áp dụng cơ chế thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để rút ngắn thủ tục, khởi công sớm nhất đối với các dự án: Xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài; Xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm và một số dự án khác kết nối ngoài nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm ùn tắc giao thông: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định việc chỉ định thầu theo thẩm quyền. Trường hợp không thực hiện được việc lựa chọn nhà thầu theo quy định, Thành phố làm rõ tính cấp bách của từng dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch các tuyến kết nối gồm xây dựng tuyến mới song song Quốc lộ 50: giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Về đầu tư đường sắt quốc gia đoạn trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng cùng với cầu đường sắt Bình Lợi, ga Bình Triệu, ga Hòa Hưng; xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành: giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kiến nghị của Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Lĩnh vực cảng biển: Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, bảo đảm điều phối lượng hàng hóa giữa các cảng phù hợp với tình hình thực tế.
4. Lĩnh vực quản lý, khai thác hạ tầng giao thông
a) Về quy định cụ thể các loại thiết bị cân cũng như quy trình sử dụng các thiết bị cân phục vụ công tác kiểm soát tải trọng đường bộ: Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kiến nghị của Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Về bàn giao đường vành đai sân bay cho Thành phố quản lý để giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn nhất: giao Bộ Quốc phòng xem xét giải quyết.
5. Về chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
6. Về đường sắt đô thị:
a) Dự án tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên:
- Về chủ trương sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện cấu phần xây dựng phần lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng tại khu vực Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành và việc điều chỉnh Dự án: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét kiến nghị của Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tổng hợp tình hình triển khai Dự án, báo cáo Quốc hội theo quy định.
- Về việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện các hạng mục khai thác thương mại thuộc Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định việc chỉ định thầu theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
b) Dự án tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 5:
- Đồng ý về nguyên tắc chủ trương phân kỳ đầu tư Dự án như kiến nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố. Yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 235/TTg-KTN ngày 04 tháng 02 năm 2016; đồng thời, triển khai các trình tự, thủ tục về việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với giai đoạn 1 của Dự án theo đúng quy định pháp luật về dự án quan trọng quốc gia.
- Việc triển khai gói thầu tư vấn quản lý dự án: gói thầu tư vấn quản lý dự án chỉ triển khai khi chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định pháp luật.
III. VỀ CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ TÂN SƠN NHẤT
Do sự tăng trưởng nhanh của ngành hàng không trong thời gian qua, hiện nay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, thiếu cả đường lăn, sân đỗ và nhà ga, dẫn đến nhiều chuyến bay phải bay chờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Để giải quyết tình thế trong thời gian Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chuẩn bị được triển khai đầu tư (nhanh nhất đến năm 2025 mới có thể hoàn thành), việc nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là giải pháp hiệu quả nhất và cần thiết trong giai đoạn trước mắt.
1. Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng khu đất quốc phòng phía Tây Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (khoảng 21 ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài nhà ga lưỡng dụng đã có trong quy hoạch, thống nhất với Bộ Quốc phòng nghiên cứu quy hoạch thêm các nhà ga khoảng 10-20 triệu hành khách/năm và 01 Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay trên khu vực nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
3. Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà ga hành khách lưỡng dụng đã có trong quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để đầu tư cải tạo, mở rộng sân đỗ tàu bay và đầu tư mở rộng đường lăn.
4. Trong thời gian triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn bay, cả dân sự và quân sự; tổ chức khai thác có hiệu quả để hạn chế tình trạng máy bay phải bay chờ lâu. Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Quốc phòng quy hoạch lại đường bay trên không. Bộ Quốc phòng cần tính toán điều chỉnh các hoạt động bay quân sự cho phù hợp, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đáp ứng được yếu tố quốc phòng.
5. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lại hệ thống giao thông kết nối vào sân bay để hạn chế tình trạng ùn tắc; sớm thực hiện đầu tư tuyến đường mới vào sân bay và các nút giao thông khác mức.
6. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan đề xuất việc hỗ trợ vốn nhà nước thực hiện các dự án nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (nếu có), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.