VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 259/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2025 |
Ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2025. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, các đồng chí thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia, Lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc Hội, lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đại diện một số cơ quan liên quan. Sau khi nghe báo cáo sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2025, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia kết luận như sau:
Quý I năm 2025, kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng, tạo áp lực lớn đến công tác bảo đảm TTATGT, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT trong quý I năm 2025 về cơ bản được bảo đảm; tai nạn giao thông được kéo giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2024, ùn tắc giao thông được kiểm soát; đặc biệt các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ trong các dịp cao điểm tiếp tục giảm mạnh.
Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT trong thời gian vừa qua, nhất là các Bộ, cơ quan: Công an, Xây dựng, Quốc phòng, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông trong quý I năm 2025, với 34 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2024, trong đó 11 địa phương giảm trên 30% số người chết là Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Hưng Yên, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng. Đặc biệt tỉnh Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình, Thành phố Hồ Chí Minh giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông ở nước ta vẫn còn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân; tình hình ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong các thời điểm lễ, tết, khung giờ cao điểm tại các tuyến trục chính, đường vành đai ra vào nội đô khi nhu cầu đi lại tăng đột biến và lượng phương tiện quá tải so với kết cấu hạ tầng giao thông; tai nạn giao thông liên quan tới xe máy và đến lứa tuổi học sinh vẫn còn xảy ra, gây nhiều hậu quả đau xót; tình trạng xe ô tô, kể cả xe máy chở hàng quá tải trọng, quá số người quy định, xếp hàng trên xe tải làm rơi đổ, gây tai nạn… đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kiên trì và quyết tâm hơn trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QUÝ II VÀ CÁC THÁNG CÒN LẠI NĂM 2025
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động bám sát các quy định trong Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ để triển khai tốt nhất kế hoạch bảo đảm TTATGT của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được quy định trong các văn bản pháp luật mới; có sơ kết, tổng kết, đánh giá bằng các chỉ tiêu cụ thể (theo đúng nội dung chỉ đạo của văn bản 227/TTg-CN ngày 27 tháng 02 năm 2025), đồng thời chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Bộ Công an
a) Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP và các quy định có liên quan để người tham gia giao thông hình thành thói quen chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT, xác định mục tiêu cao nhất là kéo giảm thiệt hại tính mạng, sức khỏe và tài sản cho Nhân dân; chú trọng hoàn thiện các hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện để doanh nghiệp vận tải và người tham gia giao thông phải chấp hành đúng các quy định pháp luật về TTATGT;
b) Tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư hệ thống vận hành; quản lý, khai thác, lắp, sử dụng thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông;
c) Chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, xác định hành vi là nguyên nhân trực tiếp và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan tới các vụ tai nạn giao thông; sơ kết, tổng kết (nếu cần) và kiến nghị các giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế;
d) Cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan, đơn vị làm cơ quan thường trực của Ủy ban ATGT Quốc gia để hoàn thiện Đề án kiện toàn Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31 tháng 5 năm 2025;
đ) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và đào tạo kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh trung học phổ thông và học sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ em lứa tuổi học sinh.
2. Bộ Xây dựng
a) Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, an toàn; xây dựng kế hoạch, báo cáo Chính phủ dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh theo quy hoạch các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư, đang khai thác;
b) Trực tiếp chủ trì rà soát đối với các quốc lộ thuộc phạm vi quản lý, đồng thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát hệ thống quốc lộ theo phân cấp và các tuyến đường khác thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện những bất cập về kết cấu hạ tầng đường bộ, biển báo, đèn tín hiệu, tổ chức giao thông trên đường để xử lý, bổ sung kịp thời (theo trách nhiệm quả lý của Bộ Xây dựng và của địa phương), phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và cần được xử lý sớm (lưu ý phải xử lý ngay đối với những tồn tại, bất cập đơn giản); đối với các tồn tại, bất cập phức tạp cần tổng hợp, lập phương án, ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí để kịp thời xử lý trong thời gian sớm nhất nhằm đạt mục tiêu "Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo đảm người dân dễ hiểu, thuận lợi, an toàn khi tham gia giao thông";
c) Rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực Bộ phụ trách để bảo đảm đồng bộ trong các khâu từ quy hoạch, thiết kế, quá trình xây dựng, vận hành, biển báo, tổ chức giao thông, giao thông thông minh, tích hợp giao thông xanh và bền vững... bảo đảm phục vụ người dân đi lại an toàn, thuận lợi, thông suốt, bền vững.
d) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan, đơn vị làm cơ quan thường trực của Ủy ban ATGT Quốc gia để hoàn thiện Đề án kiện toàn Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành:
a) Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh các cấp; triển khai công tác giáo dục ATGT một cách khoa học, có hệ thống ở tất cả các cấp;
b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và đào tạo kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh trung học phổ thông và học sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (với nhóm học sinh 16-18 tuổi tự điều khiển phương tiện xe đạp điện xe máy điện, xe máy có dung tích nhỏ hơn 50cm3, trong đó phải bảo đảm đầy đủ cả kiến thức và kỹ năng trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông độc lập); nâng cao trách nhiệm của nhà trường, giáo viên trong việc quản lý học sinh chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng phương tiện đến trường và chấp hành các quy định về an toàn giao thông;
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc các cơ sở giáo dục về triển khai công tác giáo dục ATGT trong trường học.
4. Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Tư pháp, Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành tổng hợp các vấn đề từ thực tiễn, kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, bên cạnh hình phạt tiền, đề nghị nghiên cứu đề xuất các hình phạt bổ sung để tăng tính tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT như lao động công ích, hình thức công khai vi phạm phù hợp, và xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm về TTATGT ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
5. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan, đơn vị làm cơ quan thường trực của Ủy ban ATGT Quốc gia để hoàn thiện Đề án kiện toàn Ủy ban ATGT Quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2025.
6. Ủy ban ATGT Quốc gia
a) Ban hành Hướng dẫn xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT dịp cao điểm để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm (lễ, tết, mùa du lịch...), đảm bảo tính chủ động, thực tế, hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng địa phương;
b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan, đơn vị làm cơ quan thường trực của Ủy ban ATGT Quốc gia để hoàn thiện Đề án kiện toàn Ủy ban ATGT Quốc gia.
c) Tập trung hoàn thiện các đề xuất, tổ chức các cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ các vấn đề bất cập có tính chất liên ngành, các giải pháp có tầm chiến lược trong công tác bảo đảm TTATGT, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để kịp thời nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGT, kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải;
d) Tập hợp thông tin, làm việc với các cơ quan đầu mối của các bộ, ngành để có giải pháp với các vấn đề trong thời gian vừa qua:
- Xem xét, rà soát, đánh giá và tăng cường nội dung về kỹ năng cơ bản (như: tốc độ, phần đường, làn đường, chuyển hướng, từ đường phụ ra đường chính, điểm mù, ban đêm...) trong chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy trong thời gian tới;
- Nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật cụ thể hơn về khi vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, hàng hóa cồng kềnh trên xe chở hàng;
- Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tốc độ tối đa cho phép trên các tuyến đường qua khu vực trường học, khu đông dân cư, nhằm nâng cao ATGT;
- Phân tích các nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân gốc (đặc biệt là rà soát các bất cập về quy định của pháp luật) dẫn đến tai nạn giao thông ở các tình huống điển hình để khuyến cáo phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông tương tự trong thời gian tới.
7. Các bộ, ngành, cơ quan trung ương của các đoàn thể: Tài chính, Văn hóa thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia duy trì thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bảo đảm TTATGT theo kế hoạch của từng cơ quan đơn vị, bám sát chức năng nhiệm vụ, coi đây là nhiệm vụ chính trị có tính chất thường xuyên, liên tục.
8. Ủy ban nhân cân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Tăng cường lực lượng, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong công tác bảo đảm TTATGT; quan tâm đầu tư, kết nối và liên thông giữa hệ thống quản lý giám sát xử lý vi phạm của địa phương với hệ thống của các cơ quan trung ương, theo quy hoạch của Bộ Công an;
b) Chủ động rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường và quốc lộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương bằng nguồn kinh phí được cấp theo quy định phân cấp mới trong quy định pháp luật
Bên cạnh việc rà soát, xử lý khắc phục các tồn tại, bất cập đối với hệ thống đèn tín hiệu, báo hiệu giao thông, cần rà soát, báo cáo các bất cập khác trong tổ chức giao thông trên đường bộ (trông giữ xe, các biển báo cấm...) và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giải pháp khắc phục;
c) Trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ngoài việc bảo đảm tiến độ, cần thực hiện đầy đủ công tác bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn;
d) Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT tại các địa bàn thu hút đông khách tham quan, du lịch, riêng với các địa phương có các tuyến đường thủy phải chủ động kiểm tra và phải có giải pháp bảo đảm ATGT cho người dân trên các tuyến đường thủy trong mùa mưa lũ 2025; với các địa phương có các tuyến đường đi qua các địa hình phức tạp (như các tỉnh miền núi phía Bắc) cần đặc biệt chú trọng rà soát các khu vực có khả năng xảy ra thiên tai như lũ ống, lũ quét, sụt sạt... và có giải pháp tăng cường ATGT cho hệ thống kết cấu hạ tầng khi mùa mưa bão sắp tới;
đ) Trong thời gian sắp xếp bộ máy tại các địa phương, phải duy trì, giữ vững công tác bảo đảm TTATGT; các địa phương tiếp tục giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo đảm TTATGT, duy trì công tác quản lý nhà nước (trong đó có công tác thanh tra kiểm tra chuyên ngành về giao thông vận tải) với các hoạt động liên quan đến TTATGT, công tác tham mưu và phối hợp liên ngành, trước mắt thực hiện tốt nhiệm vụ để bảo đảm TTATGT dịp cao điểm du lịch hè 2025;
e) Chủ động đầu tư theo quy hoạch các tuyến quốc lộ đã được phân cấp, bàn giao kết cấu hạ tầng đường bộ về địa phương quản lý, khai thác, bảo trì; rà soát và đưa các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông vào danh mục các công việc cấp bách cần thực hiện xử lý, đặc biệt là các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn.
9. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện mô hình “Thành phố an toàn giao thông”; đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định bắt buộc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy, loại bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông; hoàn thiện đề án quản lý phương tiện cơ giới cá nhân, phát triển vận tải công cộng, phát triển giao thông xanh theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn quy định chung để giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực trung tâm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.