VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 251/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SƠ KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Ngày 17 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch 2016-2020. Cùng dự với Thủ tướng Chính phủ có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày Báo cáo Sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020; báo cáo của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
1. Trong 5 năm qua, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các lĩnh vực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực đã được đơn giản hóa, môi trường kinh doanh được cải thiện; chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan được điều chỉnh, kiện toàn, khắc phục được một bước tình trạng chồng chéo; một số sáng kiến cải cách hành chính đã được áp dụng và bước đầu thành công.
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra, cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế, nổi bật là: Một số quy định pháp luật còn phức tạp, thiếu khả thi; bộ máy còn cồng kềnh, chưa phân định rõ nhiệm vụ, phân cấp chưa hiệu quả. Môi trường đầu tư còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực. Đội ngũ công chức, viên chức đông nhưng năng lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, có một bộ phận còn nhũng nhiễu, tiêu cực, chưa đề cao tinh thần phục vụ nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ những hạn chế này, tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể để khắc phục nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.
2. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, các cấp, các ngành, cơ quan phải quyết tâm thực hiện cải cách hành chính không để rơi vào tình trạng tụt lùi, lạc hậu. Cả hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, xóa bỏ mọi rào cản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp theo hướng xây dựng cơ quan hành chính phục vụ.
Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp cần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, quyết tâm thay đổi căn bản phương thức quản lý, lề lối, tư duy lạc hậu, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức.
a) Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tin cậy, môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi dậy tiềm năng, hình thành cơ chế bảo hộ pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy sản xuất; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phòng ngừa vi phạm. Thay đổi tư duy trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho đối tượng thi hành và lưu ý sự tham gia của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình, Kế hoạch xây dựng pháp luật được giao, chú ý văn bản triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
b) Bộ máy hành chính nhà nước phải luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp chung của đất nước, phục vụ Nhân dân; kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối. Đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền phải liêm khiết, trong sạch, đặt lợi ích chung lên trên hết.
Thực hiện nguyên tắc Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công cuộc cải cách hành chính, cho nên phải lựa chọn bằng được những người có năng lực, chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm; có chính sách phù hợp để thu hút, sử dụng người tài.
Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng được yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu dân.
Làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật.
c) Các bộ, cơ quan, chính quyền địa phương phải hành động quyết liệt, tận tụy vì nhiệm vụ chung, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, nói đi đôi với làm.
Bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước, tuân thủ nghiêm mệnh lệnh hành chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.
d) Kiên quyết thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; hạn chế thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Làm tốt việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước là tiền thuế của người dân vì lợi ích chung của xã hội. Mọi khoản chi tiêu công phải bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bớt các chi phí không cần thiết, chống xa hoa, hình thức.
Đẩy mạnh xã hội hóa, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và giảm chi phí hành chính.
Khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thông suốt của người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp đối với quá trình xử lý công việc, làm cơ sở đánh giá hoạt động công vụ và mức độ hài lòng của người dân.
đ) Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ xây dựng chương trình hành động cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cách làm, đề xuất nhân rộng các mô hình cải cách thành công; chú trọng kiểm tra, đôn đốc công tác cải cách hành chính.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan khác có liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.