VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 238/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2024
Ngày 10 tháng 5 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo), Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban quốc gia) đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo và Uỷ ban quốc gia, đại diện một số tổ chức quốc tế; tại 63 điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Ban chỉ đạo và Ủy ban quốc gia, nhận định của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thiên tai thời gian tới, ý kiến của một số Bộ, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã kết luận và chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận thiên tai lớn gây thiệt hại nặng nề trên thế giới và khu vực. Ở nước ta, bão không đổ bộ trực tiếp vào đất liền; mưa lớn gây ngập úng, lũ quét, sụt lún, sạt lở ở nhiều địa phương; nắng nóng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài; dông lốc, mưa đá,... liên tiếp xảy ra trên diện rộng; sự cố tràn dầu, tai nạn tàu thuyền,…, nhất là vụ cháy chung cư mi ni ở Thanh Xuân, Hà Nội đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn luôn nhận được sự quan tâm của người dân và cả hệ thống chính trị; thể chế, chính sách được tập trung hoàn thiện; dự báo, cảnh báo thiên tai có nhiều tiến bộ; công tác chỉ đạo, ứng phó được thực hiện quyết liệt, cơ bản chủ động, kịp thời, hiệu quả; bước đầu huy động được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Phó Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức xã hội, Ban chỉ đạo và Ủy ban quốc gia, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang, cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai, sự cố; cảm ơn các tổ chức quốc tế đã tham gia hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những năm qua.
Về tồn tại, hạn chế: Nhận thức về trách nhiệm của người dân và thậm chí của cán bộ cơ sở và cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa được thường xuyên, liên tục, kể cả việc kiểm tra trước mùa mưa bão; chất lượng dự báo một số hình thế thiên tai nguy hiểm, cục bộ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; một số quy định pháp luật còn chồng chéo, quá cũ, chưa thông suốt, không đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp, kịp thời của công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn yếu; nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; phương án ứng phó chưa cập nhật sát thực tiễn; “phương châm 04” tại chỗ có nơi còn hình thức.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, những tháng cuối năm có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina (đã diễn ra năm 2020). Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, trong đó quan điểm chỉ đạo chung là phải chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “04 tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai, sự cố.
Cơ bản thống nhất nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại báo cáo của Ban chỉ đạo và Ủy ban quốc gia, đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), trong đó đối với quy định về tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự chỉ quy định các nội dung đã rõ, được luật giao, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phù hợp với Luật phòng thủ dân sự, Luật phòng chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan, không đưa vào dự thảo Nghị định những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.
2. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và cơ quan tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự theo quy định của Luật phòng thủ dân sự, Luật phòng, chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoạt động từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trong đó lưu ý phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện, kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có, không để gián đoạn trong tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhất là những tháng tới là thời kỳ cao điểm về bão, mưa lũ.
3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn để công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, cứu hộ cứu nạn được kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
4. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác nhất diễn biến thiên tai, nhất là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
5. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương.
6. Chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ; xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”.
7. Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai, sự cố của từng bộ, ngành, từng địa phương; chỉ đạo vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo các tình huống, phương án, kế hoạch đã xây dựng.
8. Đa dạng hoá việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn; có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội hoá, nhất là trong khắc phục hậu quả thiên tai.
9. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai nhằm trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật, tài chính nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.