BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 217/TB–BGDĐT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2011 |
KẾT QUẢ HỘI NGHỊ GIAO BAN LẦN THỨ HAI NĂM HỌC 2010-2011 KHỐI CÁC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2010-2011 khối các sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã được tổ chức tại 7 vùng từ ngày 18/3/2011 đến ngày 8/4/2011, theo hướng dẫn tại Công văn số 1042/ BGDĐT-VP ngày 3/3/2011 của Bộ GDĐT.
Lãnh đạo Bộ GDĐT đã đến dự và chỉ đạo hội nghị giao ban tại 7 vùng.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở, Chánh Văn phòng Sở, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục các địa phương, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố đăng cai. Tham dự hội nghị còn có đại điện lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các báo, đài Trung ương và địa phương đã đến dự và đưa tin về hội nghị.
Tại Hội nghị giao ban ở từng vùng, các trưởng vùng đã báo cáo kết quả tình hình nhiệm vụ trong học kì I năm học 2010-2011 trong toàn vùng, chỉ ra những khó khăn, tồn tại; giải pháp để thực hiện nhiệm vụ học kì II năm học 2010-2011, những kiến nghị, đề xuất với Bộ GDĐT.
Đại biểu của các Sở đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học, những vấn đề còn gặp khó khăn ở địa phương.
Đại diện các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao đổi về 105 vấn đề các địa phương quan tâm kiến nghị, đề xuất với Bộ GDĐT, trong đó tập trung một số vấn đề: Triển khai Nghị định số 115 của Chính phủ, Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, công tác thi đua trong vùng, chính sách nhà giáo, kiên cố hóa trường lớp...
Tại 7 vùng giao ban, lãnh đạo Bộ đã ghi nhận, biểu dương các Sở GDĐT đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ năm học, triển khai nội dung chỉ đạo của Bộ sau hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011:
Trong học kỳ I và nửa đầu học kỳ II năm học 2010-2011, các nhiệm vụ trọng tâm của năm học đã được các Sở GDĐT chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Một số tỉnh trong Vùng 3, Vùng 4 chịu thiệt hại nặng nề do lũ, lụt gây ra, song đã có nhiều biện pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định nền nếp dạy và học.
Từ Hội nghị giao ban lần thứ nhất đến nay, tại các địa phương đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, sau Đại hội Đảng các cấp, nhiều đồng chí lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo đã trúng cử thành ủy viên/ tỉnh ủy viên. Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thành công đã mở ra bước phát triển mới cho cả nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đảng, Chính phủ tiếp tục quan tâm ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển (Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục...).
Các Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng các cấp. Nhiều Sở chủ động xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của địa phương, kết hợp với quy hoạch và phát triển cơ cấu nguồn nhân lực của địa phương giai đoạn 2011-2015…
Hệ thống quy mô mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều Sở GDĐT đã thực hiện tốt công tác tham mưu để tỉnh ban hành các văn bản về học phí, về đầu tư kinh phí cho giáo dục, thực hiện các dự án, đề án phát triển giáo dục, đề án kiên cố hoá trường học, đề án chuyển đổi loại hình trường, đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, tham mưu với tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên phù hợp với điều kiện địa phương, chỉ đạo xây dựng phong trào khuyến học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, chỉ đạo về dạy thêm học thêm, …
Việc thực hiện Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng nội dung, yêu cầu; các Sở GDĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chấn chỉnh về thực hiện công khai các khoản thu đầu năm, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện của các cơ sở giáo dục.
Các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả và sáng tạo ở nhiều địa phương như “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị” (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng); “Xây dựng nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” (Hà Nội)... Các sở Vùng 1 thi đua tạo môi trường “Trò thật sự muốn học, thầy tận tình giúp đỡ”, Vùng 4 đã kết hợp với phong trào "xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của địa phương.
Nhìn chung, số học sinh bỏ học các cấp học trong học kỳ I năm học 2010-2011 ở tất cả các Sở giảm so với năm học trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh ở các cấp học được thực hiện có hiệu quả, nhiều học sinh bỏ học đã được vận động trở lại lớp. Các Sở GDĐT đã chỉ đạo tất cả các trường tổ chức khảo sát, phân loại học sinh ngay từ đầu năm học để tiến hành phụ đạo cho đối tượng học sinh yếu.
Các Sở GDĐT đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học tiếp tục được củng cố và nâng dần, chất lượng mũi nhọn được duy trì và phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh đã đột phá với “Xây dựng trường học chất lượng cao, vì một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Đà Nẵng, Cần Thơ đưa nhiều hội thảo đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đến từng trường; Hà Nội quán triệt “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”. Tình trạng đọc chép, học vẹt, học tủ, học lệch đã đang dần được khắc phục.
Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tuyển mới bổ sung hàng năm, giáo viên giảng dạy phổ thông đã tương đối đảm bảo. Cán bộ quản lý và giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, đạt tỷ lệ chuẩn, trên chuẩn khá cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ các cấp học được thực hiện theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng qui định. Công tác giáo dục tư tưởng chính trị được coi trọng.
Tuy các sở có nhiều cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011, song vẫn còn những hạn chế sau:
- Tỉ lệ học sinh yếu kém, số lượng học sinh bỏ học vẫn chưa giảm nhiều ở những vùng khó khăn.
- Một bộ phận giáo viên yếu về năng lực chuyên môn, chất lượng giảng dạy thấp, chưa tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy.
- Định mức biên chế của nhiều phòng GD, sở GD còn thấp; việc điều chuyển cán bộ về phòng, sở còn gặp khó khăn do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý.
- Cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị dạy học tuy có đầu tư song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
- Tại một số trường học, Ban Đại diện cha mẹ học sinh vẫn tổ chức thu các khoản đầu năm học trái quy định, tổ chức huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh khi chưa được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, gây bất bình trong dư luận xã hội.
- Tình trạng học sinh đánh nhau vẫn chưa được khắc phục triệt để.
III. Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại các vùng
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học 2010-2011, tại 7 vùng, Lãnh đạo Bộ yêu cầu toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Hoàn thiện việc xây dựng Chương trình hành động của ngành GDĐT triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh/ thành phố, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nâng cao hơn nữa vai trò chủ động tham mưu của Sở GDĐT đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục ở mỗi địa phương. Triển khai phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.
2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở tất cả các đơn vị, trường học. Phối hợp với ngành công an và các địa phương đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho học sinh đến trường. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, ngăn chặn bạo lực trong học sinh, sinh viên; Tăng cường tuyên truyền, định hướng cho học sinh, sinh viên để nhận thức được mặt trái của trò chơi điện tử trực tuyến (game online) và các loại phim, ảnh có nội dung xấu. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn nội dung sinh hoạt hè cho học sinh.
3. Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học. Tăng cường chỉ đạo việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong đó chú trọng đến học sinh đầu cấp, cuối cấp, nhất là học sinh lớp 12. Hoàn thành chương trình năm học, tổ chức tổng kết năm học, lễ tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp. Tổ chức vinh danh các thầy cô giáo và học sinh có nhiều thành tích trong năm học. Tổ chức nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả, đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt nhất cho học sinh tham dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011.
4. Tích cực tham mưu với chính quyền địa phương kế hoạch bố trí nguồn lực để triển khai các đề án phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó, đặc biệt chú ý đến Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020; Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tiếp tục duy trì công tác phổ cập giáo dục, xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
5. Tiếp tục tổ chức có hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông về chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp. Tổng kết công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo Đề án liên kết Việt Nam - Singapore. Triển khai thực hiện đại trà chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học (trung học cơ sở và trung học phổ thông), chuẩn hiệu trưởng trường trung học; tập huấn đánh giá giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng trường mầm non, hiệu trưởng trường tiểu học theo chuẩn.
6. Cần chỉ đạo tốt việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2012. Tổng kết đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo 2011-2015. Xây dựng và áp dụng mức học phí mới phù hợp điều kiện địa phương. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012.
7. Tập trung công tác tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự trường học; thực hiện công tác bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
8. Các Sở cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, bám sát chủ đề năm học, tăng cường công tác quản lý chỉ đạo để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Tăng cường trao đổi thông tin giữa các tỉnh với nhau trong vùng và cung cấp thông tin kịp thời về Bộ.
Trên đây là thông báo kết quả Hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2010-2011 tại 7 vùng thi đua. Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo để các Sở GDĐT, các vùng thi đua và các đơn vị thuộc cơ quan Bộ triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.