VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 213/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2019 |
Ngày 24 tháng 4 năm 2019 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam năm 2018 và trọng tâm phối hợp công tác năm 2019. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau khi nghe đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo kết quả phối hợp công tác năm 2018 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện phối hợp, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành trung ương về các kiến nghị, đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ VIỆC PHỐI HỢP CÔNG TÁC NĂM 2018
Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực phối hợp thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mỗi bên và thực hiện hiệu quả, thực chất các mặt công tác theo Quy chế phối hợp công tác hai bên, đây là năm vai trò đồng hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kết quả phối hợp thể hiện rõ nét nhất so với các năm. Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần vào kết quả quan trọng, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2018, đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó 9 chỉ tiêu vượt, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%. Quý I năm 2019 đạt 6,79%. Cơ cấu lại nền kinh tế có chuyển biến thực chất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Trong năm, việc chăm lo, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được quan tâm, phát huy. Hai bên thực hiện nền nếp việc phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát đối với lĩnh vực, nội dung đã ký kết và tham dự cơ bản đầy đủ các sự kiện quan trọng có liên quan do mỗi bên chủ trì hoặc phối hợp chủ trì. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động rất có ý nghĩa như: kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, 50 năm thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng... các Hội nghị biểu dương “Phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu các dân tộc thiểu số trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Chương trình “Xuân quê hương 2018”; Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, khởi nghiệp, sáng tạo. Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chính sách, pháp luật, phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp tổ chức để Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành trực tiếp gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân; tham dự các ngày hội ở khu dân cư, ngày Đại đoàn kết toàn dân. Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách góp phần hoàn thiện cơ chế, đảm bảo các điều kiện, nâng cao năng lực cho hoạt động của Mặt trận trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”,... Tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm lắng nghe và trực tiếp nắm bắt tình hình nhân dân thông qua ý kiến phản ánh của người đứng đầu MTTQ Việt Nam. Nét mới trong năm, đối với những nội dung, lĩnh vực cử tri và nhân dân quan tâm, bức xúc, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước, theo phản ánh của người đứng đầu MTTQ Việt Nam tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp thứ 5, 6 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết và phản hồi, trả lời MTTQ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã sớm có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai Đại hội nhiệm kỳ 2019-2024 (văn bản số 1115/TTg-QHĐP, ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp, tạo điều kiện tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Việc phối hợp tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết bức xúc của nhân dân ở một số nơi còn bị động; tại một số địa bàn khi xảy ra điểm nóng sự phối hợp thiếu chặt chẽ, kịp thời. Trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác vận động có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét ở địa bàn dân cư, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có nhiều tiến bộ nhưng có lúc, có nơi, có việc còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Việc thực hiện các Chương trình phối hợp giám sát của hai bên mặc dù đã được tập trung hơn nhưng chưa tạo ra động lực để thúc đẩy. Đối với những vấn đề xã hội đang đặt ra, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, nhân dân kỳ vọng về chính kiến kịp thời của Mặt trận làm cơ sở Chính phủ điều hành tốt hơn.
II. TRỌNG TÂM PHỐI HỢP CÔNG TÁC NĂM 2019 VÀ THỜI GIAN TỚI
Năm 2019 là năm “bứt phá” trên tất cả các lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm tiến hành Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu tháng 9 năm 2019; năm chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chính phủ xác định Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo khí thế, xung lực mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2019 không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nói riêng, mà còn có ý nghĩa đối với hệ thống chính trị, các giai tầng xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, do vậy cần đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn trong công tác phối hợp, tạo ra bước chuyển biến căn bản, quan trọng trong nội dung, lĩnh vực công tác phối hợp hai bên. Để triển khai đầy đủ, toàn diện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đồng thời tiếp tục góp phần phát huy vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2019, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung phối hợp thực hiện các trọng tâm sau:
1. Tiếp tục phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội, thống nhất về tư tưởng và hành động trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2019. Phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức thành công Đại hội Mặt trận các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; theo đó trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương cần sát sao, trọng tâm, trọng điểm hơn trong việc phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, rộng khắp, quan tâm công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, các điều kiện bảo đảm thuận lợi, chu đáo ở mức cao..., Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019) và ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2019, triển khai và tổng kết giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai và phát động “Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” lần thứ 14; tuyên truyền, vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”; phối hợp tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số ở cấp huyện, cấp tỉnh...
2. Phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thiết thực vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 1 năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh và các cuộc vận động, phong trào thi đua do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Sơ kết, đánh giá và đề ra các biện pháp thực hiện tốt hơn Nghị quyết liên tịch về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020”; rà soát nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở, xây dựng tiêu chí đô thị văn minh; tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 và chăm lo cho người nghèo trong các dịp Lễ, Tốt, giáp hạt...Tiếp tục thực hiện các chương trình phối hợp đã ký kết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; an toàn giao thông, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
3. Phối hợp phát huy dân chủ thực chất, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ; tập trung phối hợp giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở; phối hợp tổ chức tốt việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để nắm bắt và chủ động giải quyết tốt các vấn đề đặt ra tại địa phương, cơ sở; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong kiểm soát quyền lực của Nhà nước; rà soát, kiến nghị điều chỉnh đối với những chính sách bất cập, chưa phù hợp; tiếp tục phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả 8 chương trình giám sát các lĩnh vực đã thống nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
4. Phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát, kiến nghị điều chỉnh kịp thời đối với những chính sách bất cập, chưa phù hợp. Các bộ, ngành chủ động, tích cực phối hợp với MTTQ không chỉ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà còn phối hợp nhịp nhàng để chính sách đi vào đời sống. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch 403 ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Xây dựng và ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và đại biểu. Hội đồng nhân dân các cấp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
1. Về việc rà soát, bổ sung bảo đảm thống nhất các quy định trong việc bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở cơ sở trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng: Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng.
2. Về việc sáp nhập các Ban Chỉ đạo có liên quan đến xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thành một ban chỉ đạo chung để thống nhất trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cấp cơ sở triển khai hiệu quả Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các nội dung nhiệm vụ của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2011.
3. Về việc ban hành các chính sách cụ thể trong việc xây dựng và phát huy vai trò của cốt cán phong trào trong các tôn giáo: Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp đề xuất các nội dung chính sách cụ thể trong việc xây dựng và phát huy vai trò của cốt cán phong trào trong các tôn giáo, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, xử lý trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2014.
4. Về việc nghiên cứu khảo sát, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách để phát huy vai trò và nhân rộng các mô hình điểm của các tôn giáo trong công tác xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề và bảo vệ môi trường: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
5. Về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận giai đoạn 2020 - 2025: Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Về việc thành lập Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam: Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
7. Về việc xây dựng và triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng công tác Mặt trận: Đồng ý về chủ trương, Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Đề án theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
8. Về bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong năm 2019 để triển khai giai đoạn II Dự án xây dựng trụ sở Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện theo quy định.
9. Về việc chấp thuận chủ trương cho đầu tư xây dựng Nhà khách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại số 176 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý, cơ sở nhà, đất được giao theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 06/TTg-CN ngày 16 tháng 01 năm 2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về chủ trương nâng cấp Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam thành Học viện (trên cơ sở tổ chức bộ máy và biên chế không thay đổi): Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lập Đề án, trong đó cần làm rõ sự cần thiết, nội dung, chương trình và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Mặt trận Tổ quốc, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
11. Về bổ sung kinh phí thường xuyên cho Mặt trận Tổ quốc để sử dụng và duy trì hệ thống Hội nghị trực tuyến (bắt đầu từ năm 2021): Giao Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.