VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 207/TB-VPCP |
Hà Nội ngày 05 tháng 6 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH SƠN LA
Ngày 19 tháng 5 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo, đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:
Thay mặt đồng chí Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận và đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của Tỉnh đạt 8,71% và phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm 2021; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp, công nghiệp được chú trọng phát triển theo đúng hướng, phù hợp điều kiện tự nhiên và các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh, năm 2022 tổng lượt khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt với doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 3,29 lần so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước các năm 2021, 2022 đều vượt dự toán Trung ương giao khoảng 21%; thương mại, xuất nhập khẩu dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được chú trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia được quan tâm triển khai thực hiện; các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều thành tựu, tỷ lệ thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản được tăng lên; an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đoàn kết dân tộc, giữ gìn văn hóa đặc sắc của các dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm, trật tự an toàn xã hội được duy trì, ổn định; công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được đẩy mạnh, đạt một số thành tựu tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, Sơn La cần tiếp tục phấn đấu, vượt qua một số khó khăn, thách thức như: GRDP quý I/2023 tăng chậm hơn so với GDP cả nước (đạt 2,09%); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 04 tháng đầu năm 2023 còn hạn chế (đạt 11,73% Kế hoạch được giao); công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tuy có tăng điểm nhưng giảm 3 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan (SIPAS) năm 2022 giảm 11 bậc, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (17,83%), đời sống của người dân ở một số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn...
II. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thời cơ đan xen với thách thức; để phát huy các thành tựu, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, tỉnh Sơn La và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần lưu ý một số quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023, số 123/CĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và Thông báo kết luận số 176/TB-VPCP ngày 17 tháng 6 năm 2022 tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Sơn La; phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
2. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để làm động lực thúc đẩy và khơi thông “dòng chảy” sản xuất, tiêu dùng hàng hóa - dịch vụ. Kiên quyết rà soát, thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
3. Khẩn trương hoàn thành công tác lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong Quý III năm 2023 bảo đảm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế, tiềm năng của địa phương. Chú trọng nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực sau: (i) Công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; (ii) Nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (iii) Phát triển lâm nghiệp bền vững và nuôi trồng dược liệu có giá trị gia tăng cao: (iv) Du lịch với sản phẩm đa dạng, gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên đặc hữu.
4. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút có hiệu quả đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức phù hợp. Nghiên cứu và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
5. Là Tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, Sơn La phải tiếp tục làm tốt công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao mức thụ hưởng vật chất và đời sống tinh thần của Nhân dân; đồng thời bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, bản sắc riêng của từng dân tộc, đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
6. Tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao tỷ lệ thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; chú trọng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các vùng, xã an toàn khu, chế độ với người có công với cách mạng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội.
7. Chủ động đề xuất và tích cực tham gia trong các hoạt động liên kết Vùng, nhất là các lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, chuỗi sản phẩm liên kết, xúc tiến đầu tư, xử lý môi trường.
8. Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các địa phương có điều kiện tương đồng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau với tinh thần quyết tâm sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ toàn bộ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế tối đa rủi ro và sai phạm trong công tác thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA TỈNH
1. Về các kiến nghị liên quan đến một số dự án ODA trên địa bàn Tỉnh.
- Đối với Dự án cải tạo hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La sử dụng vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp (ADF) và dự án phát triển nông nghiệp thích ứng với thiên tai tỉnh Sơn La sử dụng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư của các Dự án theo quy định, gửi Bộ Tài chính để chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục đàm phán ký kết thỏa thuận vay đối với các nhà tài trợ theo quy định hiện hành; hoàn thành trong Quý III năm 2023.
- Đối với dự án "Tăng cường hạ tầng kết nối trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Sơn La" sử dụng nguồn vốn vay của ADB: Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề xuất dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ; hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.
2. Về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Các Bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Ủy ban Dân tộc khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các Văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng nhiệm vụ và tiến độ được giao tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ; hoàn thành trước ngày 10 tháng 6 năm 2023.
- Giao các Bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nghiên cứu các kiến nghị của Tỉnh tại Phụ lục kèm theo, có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể trước ngày 10 tháng 6 năm 2023 để Tỉnh thực hiện theo đúng quy định hiện hành; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
3. Về đề nghị hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh Sơn La (ngoài kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đã giao) để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ Tỉnh khi có điều kiện về nguồn vốn.
4. Về việc nâng cấp cửa khẩu Pa Háng (Hủa Phăn) thành Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng.
Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 182/NQ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về việc nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập, tỉnh Sơn La thành cửa khẩu quốc tế; tiếp tục trao đổi, thúc đẩy, phối hợp với phía Lào thực hiện các thủ tục cần thiết để nâng cấp cửa khẩu Pa Háng thành cửa khẩu quốc tế, tiến tới tổ chức Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (tỉnh Sơn La) - Pa Háng (tỉnh Hủa Phăn); báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
5. Về đề nghị đầu tư liên hồ chứa trên địa bàn tỉnh phục vụ các dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu (Liên hồ Tà Phình 1, hồ Tà Phình 2, hồ Km67 nông trường bò sữa thị trấn Nông Trường, hồ Chiềng Đi).
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La nghiên cứu, cập nhật, bổ sung danh mục hồ chứa phục vụ các dự án phát triển nông nghiệp trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030 theo đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Tỉnh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đầu tư công, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý IV năm 2023.
6. Về Đề án Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La tại huyện Mộc Châu.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La nghiên cứu, cập nhật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ Tỉnh xây dựng Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các quy định của pháp luật liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về các kiến nghị liên quan đến Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La được phê duyệt tại Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 666).
- Về kiến nghị giao vốn (2.110 tỷ đồng) để tỉnh Sơn La sớm triển khai công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào vùng tái định cư thủy điện Sơn La: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.
- Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án 666 và kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2024.
- Về kiến nghị bố trí nguồn vốn (400 tỷ đồng) để tỉnh Sơn La triển khai sắp xếp, ổn định dân cư lần 2 đối với các hộ dân tại các điểm tái định cư và các vị trí nền nhà có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nhằm ổn định đời sống, sản xuất bền vững cho đồng bào vùng tái định cư thủy điện Sơn La: Đối với trường hợp cấp bách cần có phương án di dời người dân ngay đến nơi an toàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chủ động rà soát, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La rà soát các dự án cần xử lý cấp bách mà không bố trí được ngân sách địa phương để thực hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể bảo đảm phù hợp khả năng cân đối của ngân sách trung ương và khi có điều kiện về nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2023.
8. Về kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo để giải quyết tổng thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn toàn quốc nói chung và địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Sơn La và kiến nghị tương tự của các địa phương khác trên cả nước, đề xuất phương án xử lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.
9. Giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện theo quy định và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện định kỳ hàng năm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 03 CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
(Kèm theo Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Văn phòng
Chính phủ)
STT |
Nội dung khó khăn vướng mắc |
Nội dung đề xuất kiến nghị |
Bộ, cơ quan chủ trì xử lý |
1 |
Đối với nội dung đầu tư cứng hoá đường đến trung tâm xã thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 4: Tại Điều 3, Quyết định 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì định mức “Cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa” là 1,6 tỷ đồng/km. Tuy nhiên, định mức như vậy đối với các tỉnh miền núi có địa hình dốc, phức tạp là quá thấp không thể thực hiện được; mặt khác, đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Sơn La khả năng cân đối ngân sách địa phương để lồng ghép triển khai đầu tư xây dựng các dự án là rất khó khăn (theo quy định định mức đầu tư phần mặt đường thực tế trên địa bàn tỉnh là từ 2-4,6 tỷ đồng/km tùy thuộc vào cấp độ đường giao thông). |
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phép sử dụng 100% vốn chương trình MTQG nguồn vốn ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa. |
Ủy ban Dân tộc |
2 |
Việc phân bổ vốn theo lĩnh vực chi sự nghiệp (y tế, giáo dục, văn hoá, kinh tế...) chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương, làm giảm tính chủ động trong việc phân bổ nguồn kinh phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. |
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận cho các địa phương chủ động điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các dự án, tiểu dự án để phù hợp với nhu cầu của địa phương |
Bộ Tài chính |
3 |
Dự án 10 Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chưa hoàn thiện xây dựng trang Thương mại điện tử "Chợ sản phẩm trực tuyến" cho đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và đồng bào vùng DTTS và MN. |
Đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sớm đưa vào hoạt động trang Thương mại điện tử "Chợ sản phẩm trực tuyến" để địa phương triển khai thực hiện |
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam |
4 |
Tại Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 và Thông tư 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 có hướng dẫn nội dung hỗ trợ “trang thiết bị phục vụ sản xuất”, tuy nhiên nội dung chưa quy định cụ thể "trang thiết bị phục vụ sản xuất" bao gồm những loại trang thiết bị nào, do vậy tỉnh chưa có cơ sở để triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ |
Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn Nội dung hỗ trợ “trang thiết bị phục vụ sản xuất” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
5 |
Đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đề nghị giao vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn để lập, phê duyệt dự án. Vì hiện nay nếu giao vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất theo năm thì không thể thực hiện việc phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai dự án |
Đề nghị giao vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các Chương trình MTQG |
Bộ Tài chính |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.