NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 198/TB-NHNN |
Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2012 |
Ngày 7/2012, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012 dưới sự chủ trì của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo đối với hoạt động của ngành ngân hàng. Hội nghị cũng vinh dự được đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư gửi thư và lẵng hoa chúc mừng. Tham dự Hội nghị có: Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (Phó Thống đốc Trần Minh Tuấn không tham dự vì được phân công chủ trì Hội nghị với các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức), đại diện một số Bộ, Ban, Ngành và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; đại diện Đảng uỷ, các tổ chức đoàn thể trong ngành Ngân hàng; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội cho thuê tài chính, Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân.
Hội nghị đã nghe và thảo luận Báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2012. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và các đại biểu đã có ý kiến nhất trí cao về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2012 là đúng hướng, quyết liệt và kịp thời, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều hành chính sách tiền tệ đã chủ động, dẫn dắt thị trường, tăng niềm tin vào hệ thống ngân hàng; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo và có xu hướng cải thiện, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh; thị trường ngoại tệ, vàng và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao; chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được triển khai quyết liệt, an toàn, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát; hoạt động của các tổ chức tín dụng về cơ bản an toàn, trật tự kỷ cương được khôi phục và tiếp tục duy trì ổn định.
Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2012 còn nổi lên một số vấn đề cần tập trung xử lý trong 6 tháng cuối năm 2012, như: Tín dụng tăng thấp, mặt bằng lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam còn cao so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế; nợ xấu có xu hướng gia tăng; quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém gặp một số khó khăn nhất định làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành theo kế hoạch ảnh hưởng tới yêu cầu quản lý hoạt động ngân hàng trong tình hình mới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, ý kiến phát biểu thể hiện sự quyết tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị và để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2012, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo:
1. Các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) tiếp tục triển khai mạnh mẽ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2012. Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với các cân đối vĩ mô, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 từ 8-10%, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 7-8%, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (5,2-5,7%), hạn chế áp lực lạm phát cho năm 2013 và các năm tiếp theo, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững.
2. Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống và của từng tổ chức tín dụng, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nếu tổ chức tín dụng có đề nghị, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn hệ thống, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
- Đánh giá tình hình hoạt động tín dụng đối với từng ngành, lĩnh vực kinh tế để đề xuất kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Chủ động làm việc với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề, các địa phương mà chủ yếu là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp tìm các giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xử lý nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình thanh khoản ngoại tệ để chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá với mức biến động không quá 2-3% trong năm 2012; tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục căn bản tình trạng đô la hóa, tập trung nguồn ngoại tệ vào hệ thống các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai đề án bình ổn thị trường vàng thông qua sử dụng nguồn lực trong nước.
- Tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết số 01/NQ-CP , Nghị quyết số 13/NQ-CP và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12/3/2012, trong đó tập trung thanh tra chất lượng tín dụng, việc chấp hành quy định về lãi suất, việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng, hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng, chấp hành các quy định về việc góp vốn, cổ đông, cổ phần, năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và thực hiện không đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục triển khai phương án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém theo đúng Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngay 1/3/2012.
- Khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình năm 2012, trong đó có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu đảm bảo an toàn để đánh giá chính xác về khả năng hoạt động, đặc biệt về khả năng thanh khoản của tổ chức tín dụng.
- Tiếp tục tăng cường công tác thống kê, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô tiền tệ để phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục triển khai có hiệu quả theo kế hoạch Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015. Chủ động và kịp thời thông tin, tuyên truyền chủ trương và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
3. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
- Chậm nhất từ ngày 15/7/2012, làm việc với các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng) trên địa bàn để kiểm tra và đôn đốc việc tổ chức thực hiện các giải pháp về tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay...), áp dụng lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở mức hợp lý và theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15%/năm để chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp và hộ dân.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các tổ chức tín dụng tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn (chủ yếu là địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có thị phần tín dụng lớn) nhằm đánh giá sát những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng, từ đó có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
- Giám sát chặt chẽ đối với từng tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam.
- Nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về biện pháp quản lý hoạt động và mạng lưới tổ chức tín dụng, sửa đổi các cơ chế và chính sách phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Đối với các tổ chức tín dụng:
- Đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước 15/7/2012; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2012; trường hợp có kế hoạch tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét.
- Thực hiện nghiêm túc quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi phí và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân.
- Tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu. Đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15%/năm để giúp các doanh nghiệp và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.
- Chậm nhất đến ngày 15/7/2012, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp này.
Thừa lệnh Thống đốc, Văn phòng Ngân hàng Nhà nước thông báo để các đơn vị liên quan quán triệt và triển khai thực hiện.
Nơi nhận: |
TL.
THỐNG ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.