VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 193a/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4, 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2024; TÌNH HÌNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Ngày 02 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục Thống kê.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất như sau:
1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan đã xây dựng các dự thảo Báo cáo, tài liệu phục vụ cuộc họp; các đại biểu dự họp đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc, sát thực tiễn, nêu rõ các khó khăn vướng mắc cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, tài liệu phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024, trong đó lưu ý:
a) Về kết quả đạt được, cần đánh giá khái quát và có số liệu chứng minh cụ thể, thuyết phục; trong đó nhấn mạnh hơn một số nội dung sau:
- Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, 3 khu vực kinh tế được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
- Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia được cải thiện và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu.
- Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; an sinh xã hội được bảo đảm, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là trong thời điểm giáp hạt, thể hiện rõ nét quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
- Quốc phòng an ninh được bảo đảm và tăng cường về tiềm lực, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình hình chính trị xã hội ổn định, góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng.
- Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, kịp thời xây dựng các kế hoạch hành động và triển khai có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các cam kết quốc tế, các nội dung trao đổi trong các chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
b) Về nguyên nhân của kết quả đạt được cần nhấn mạnh có sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế.
c) Về tồn tại, hạn chế, lưu ý một số nội dung sau: (i) kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; (ii) thị trường bất động sản còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập; (iii) tăng trưởng tín dụng chậm, tiếp cận tín dụng còn khó khăn, giải ngân gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn thấp; (iv) việc nắm bắt diễn biến, tình hình, phản ứng chính sách của một số bộ, ngành chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, thiếu hiệu quả; (v) vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị cần phải được đề cao hơn nữa, cần phải thể hiện chính kiến rõ ràng, cụ thể, mạch lạc hơn...
d) Về bài học kinh nghiệm, nhấn mạnh hơn vai trò chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt hơn nữa của người đứng đầu trong quản lý điều hành công việc theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các cơ quan, đơn vị cần phải chủ động, trách nhiệm, rõ ràng và hiệu quả hơn trong công tác tham mưu, đề xuất.
đ) Về nhiệm vụ thời gian tới, nhấn mạnh hơn một số yêu cầu, nhiệm vụ sau:
- Nắm chắc diễn biến tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Các Bộ, ngành căn cứ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo quy định.
- Chuẩn bị kỹ, chất lượng các tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, nhất là đối với 4 Nghị quyết báo cáo Quốc hội bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (Về việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT).
- Ban Chỉ đạo điều hành giá tăng cường nắm tình hình giá cả thị trường, phân tích kỹ các mặt hàng tăng giá để có giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội trên tinh thần không giật cục, tăng giá đột ngột và tăng giá cùng một thời điểm, hạn chế áp lực lên lạm phát.
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt, khẩn trương hơn chính sách tài khóa để phối hợp đồng bộ và hỗ trợ cho chính sách tiền tệ; sớm đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế; triệt để và cương quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách. Đưa vào hoạt động hiệu quả các Trung tâm đổi mới sáng tạo; khẩn trương hoàn thiện Đề án nhân lực cho bán dẫn.
- Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là tại 6 Bộ, cơ quan chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 còn lại; nghiên cứu, kịp thời điều chuyển số vốn kế hoạch chưa phân bổ chi tiết cho các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, có nhu cầu và khả năng giải ngân trong năm 2024.
e) Rà soát nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung thực hiện trong tháng 5 và Quý II năm 2024, bao gồm cả các nhiệm vụ đã giao tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ trước đây nhưng chưa hoàn thành; trong đó lưu ý một số nhiệm vụ sau:
- Bộ Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu, công bố Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE); nghiên cứu, có giải pháp, biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật liên quan đến việc chống bán phá giá đối với một số mặt hàng (như thép cán nóng); đẩy nhanh việc nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực sản xuất hydrogen, điện gió ngoài khơi.
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội (kỳ họp thứ 7) cho phép Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trình Chính phủ trước ngày 10 tháng 5 năm 2024. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc điều chuyển số vốn kế hoạch chưa phân bổ chi tiết cho các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, có nhu cầu và khả năng giải ngân trong năm 2024, báo cáo Chính phủ; nghiên cứu, ban hành tiêu chí định hướng thu hút FDI đối với công nghệ xanh, công nghệ sạch hướng đến chuyển đổi xanh.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc xây dựng kênh đào Funan Techno của Campuchia đối với Việt Nam; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan để có cách thức truyền thông phù hợp vừa phát huy những kết quả tích cực, đạt được, vừa hạn chế thông tin tiêu cực, cực đoan, kích động, chia rẽ mối quan hệ, tình đoàn kết bền chặt giữa hai nhà nước, nhân dân hai nước; không để ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Campuchia.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương ven biển đẩy mạnh triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU; chuẩn bị chu đáo để làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC và gỡ Thẻ vàng trong năm 2024.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho công tác lập quy hoạch; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai việc thành lập Quỹ và Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 5 năm 2024.
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là di dời đường điện cao thế để bàn giao mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
- Các Bộ, cơ quan quan tâm hơn nữa việc thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, nhất là tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương hoàn thành 6 văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết đã có hiệu lực; chủ động rà soát các vướng mắc liên quan đến thể chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; chủ động rà soát, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp tháo gỡ gắn với thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan... gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo tại các cuộc họp của Thường trực Chính phủ.
g) Hoàn thiện Tờ trình báo cáo các nội dung tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024, bảo đảm không quá 10 trang A4.
3. Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp phân công cho từng Bộ, cơ quan, địa phương gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể để gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp.
4. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao và xử lý vướng mắc theo thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.