VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2019 |
Ngày 05 tháng 12 năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Lai Châu. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan nghiên cứu; một số hiệp hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tham gia lĩnh vực phát triển du lịch, dịch vụ.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và các cơ quan liên quan đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Lai Châu.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị xác định: Xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nên việc phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là rất cần thiết để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và nhà nước. Những kết quả quan trọng đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hơn 08 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có những đóng góp tích cực từ du lịch, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Trong thời gian qua, song song với triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, trong đó, đã hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Các loại hình du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, du lịch sinh thái đã và đang phát triển, chiếm tỷ lệ ngày càng cao, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tua du lịch độc đáo, hấp dẫn, bước đầu được du khách đón nhận. Thành tựu của ngành du lịch đã mang lại thu nhập, tạo việc làm, thúc đẩy lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, từng bước khẳng định dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tuy nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như của cả nước và còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là sự manh mún, đơn điệu, chưa có chiều sâu và thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để lưu giữ du khách cũng như tạo sự lôi cuốn để du khách sẽ quay lại; hoạt động du lịch nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối; các sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính độc đáo chưa nhiều; hoạt động xúc tiến, quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp và chưa bài bản; sự phối hợp của các ngành, các cấp còn bất cập, thiếu đồng bộ.
Để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả, trước hết cần có nhận thức và làm rõ nội hàm về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem xét là một giải pháp để xây dựng nông thôn mới, không chỉ là một công cụ để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái.
Cần xem xét đến các yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương; lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường; sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn; vấn đề giới trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn; phát huy vai trò của các bên liên quan khác như: Các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù.
Về cơ bản, nhất trí với báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, địa phương tại Hội thảo. Để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.
2. Các địa phương cần chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tua, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo, hướng vào chiều sâu và bền vững. Muốn vậy, cần huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu. Đối với những địa phương đã có tiềm năng rõ rệt để phát triển du lịch nông thôn, phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại về thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng chịu tác động rủi ro.
Mỗi địa phương phải thực sự chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tua, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch nông thôn, nhất là chính sách liên quan đến các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú; chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch (nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư, quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp); chính sách hỗ trợ đào tạo cho người dân nông thôn làm du lịch.
4. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến trải nghiệm, tiêu thụ. Mỗi tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, phải chú trọng đến việc rà soát, phát huy lợi thế về sản xuất để phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch; xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với các thôn, bản, ấp được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, ấp theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch.
5. Các cấp, các ngành tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng; chú trọng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.