BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1847/TB-DPMT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2009 |
THÔNG BÁO
VỀ TÌNH HÌNH DỊCH CÚM A(H1N1)
Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế thông báo tình hình dịch cúm A(H1N1) đến 17h00 ngày 29/9/2009 như sau:
1.Tình hình dịch trên thế giới:
Theo thông báo số 67 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 20/9/2009, toàn thế giới đã ghi nhận 318.925 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), trong đó có 3.917 trường hợp tử vong, tại 191 quốc gia.
Tại khu vực nam bán cầu, một số nước ghi nhận số ca tử vong cao như Australia (178), Chi Lê (132), Argentina (538), Brazil (899), Peru (133).
Tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp: Ấn Độ đã ghi nhận 277 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1); Nhật Bản (tử vong: 18); Hàn Quốc (tử vong: 11); Philippine (tử vong: 28); Singapore (tử vong: 18); Malaysia (tử vong: 77); Indonesia (tử vong: 10). Thái Lan (tử vong: 160).
2.Tình hình dịch tại Việt Nam:
Ngày 29/9/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 248 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) (khu vực phía Nam: 213 ca, khu vực miền Bắc: 20 ca, khu vực miền Trung: 09 ca, khu vực Tây Nguyên: 06 ca) và 01 ca tử vong.
Theo báo cáo từ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, có 01 bệnh nhân nữ 21 tuổi, địa chỉ: Xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 22/9/2009, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện huyện Cần Giờ với triệu chứng ho, sốt (đã đi khám và điều trị tại phòng mạch tư 10 ngày trước nhưng không đỡ) và được chẩn đoán: Viêm phổi/thai 7,5 tháng. Sau đó bệnh nhân được chuyển bệnh viện Từ Dũ với chẩn đoán: suy tim độ II/thai 28 tuần. Lúc 12h ngày 22/9/2009, bệnh nhân được chuyển đến Viện Tim TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân được hội chẩn, lấy mẫu xét nghiệm vi rút, thở máy, hồi sức tích cực, đồng thời điều trị ngay bằng thuốc kháng vi rút (Tamiflu).
Ngày 23/9/2009, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H1N1). Tình trạng bệnh ngày càng nặng, bệnh nhân tử vong lúc 22h05 ngày 27/9/2009.
Như vậy, tính đến 17h00 ngày 29/9/2009, Việt Nam đã ghi nhận 8853 trường hợp dương tính, 15 trường hợp tử vong.
Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 7.188, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
3.Khuyến cáo của Bộ Y tế:
Hiện nay tình hình dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1.Học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn; nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan.
2.Những người đang công tác tại các công sở, đặc biệt người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chung cư, ký túc xá... nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
3.Hiện nay, mưa bão đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Trong thời điểm dịch cúm A(H1N1) đang diễn biến phức tạp như hiện nay; Bộ Y tế khuyến cáo người dân (đặc biệt tại các khu vực có tập trung dân cư sơ tán) thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng với dịch bệnh.
4.Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.
5.Hiện nay, dịch cúm A(H1N1) đã ghi nhận tại các khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố, trong đó đã có trường hợp tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân, kể các những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay tới cúm A(H1N1) và đến cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời.
6.Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.
7.Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).
Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, bộ/ban ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của đại dịch tại Việt Nam.
|
CỤC
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.