VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 179/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2013 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH GIA LAI
Ngày 12 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai; dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên; thăm các đơn vị: Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên, Quân đoàn 3 và Công an tỉnh Gia Lai. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có đồng chí: Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2012 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và các kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong các năm qua. Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực nên Tỉnh đã đạt được các kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,9%; trong đó, công nghiệp tăng 16,35%, dịch vụ tăng 15,26%; nông nghiệp tăng 7,29%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.200 USD; thu ngân sách đạt trên 3.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 10.300 tỷ đồng; đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, có 13 xã điểm hoàn thành từ 9 - 18 tiêu chí.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,8%/năm; cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư, mở rộng; chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt trên 98%; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn là tỉnh nghèo, một số tồn tại, hạn chế như: cơ sở hạ tầng còn kém phát triển nhất là hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế; tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (gần 20%); đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Trong thời gian tới, Tỉnh cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trong đó cần làm tốt một số việc sau:
1. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình để duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho theo chỉ đạo của Chính phủ có hiệu quả.
2. Tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để phát huy hơn nữa về phát triển nông, lâm nghiệp; giải quyết tốt nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thâm canh tăng năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao trên thị trường gắn với đó là cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm mà Tỉnh có thế mạnh như cao su, hạt tiêu, cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc,...
3. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương cần huy động mọi nguồn lực trong dân để thực hiện có hiệu quả.
4. Cùng với phát triển kinh tế, tiếp tục quan tâm phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nhất là công tác kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông; Chủ động nắm tình hình và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức chống đối, gây mất ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về việc đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay của sân bay Pleiku: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh sớm triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
2. Về phân giới cắm mốc và khởi công cột mốc 30 (mốc Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh): Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán với phía Cămpuchia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về một số vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện Hiệp định vận tải; Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; các thủ tục tạm nhập, tái xuất máy móc, phương tiện; thủ tục đăng ký tạm trú cho người lao động; quy định về sử dụng lao động nước ngoài trong các dự án khi đầu tư vào Cămpuchia: Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu, đàm phán với phía Cămpuchia để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
4. Về việc sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu cụ thể các tiêu chí về giao thông, trụ sở xã, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở, y tế,... ở vùng Tây Nguyên để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế lồng ghép, thủ tục giải ngân, thanh toán để giúp các Tỉnh thực hiện thuận lợi.
5. Về việc cho các tỉnh Tây Nguyên được thực hiện niên độ xây dựng cơ bản đến tháng 6 năm sau và cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vào công tác chuẩn bị đầu tư: trước mắt, thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu đề nghị của Tỉnh, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền quyết định cho phù hợp với đặc thù thời tiết của các tỉnh Tây Nguyên.
Đối với số kinh phí thu hồi do giải ngân không kịp tiến độ của năm 2011 (208 tỷ đồng): giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất nguồn và mức hỗ trợ cho Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Về việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 14: Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện theo hướng doanh nghiệp ứng trước vốn, Ngân sách Nhà nước bố trí vốn hoàn trả theo quy định kể cả phần cấp bù lãi suất, về nguồn vốn của dự án, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất bổ sung vào nguồn trái phiếu Chính phủ, trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
7. Về việc bố trí vốn đầu tư Khu thi đấu thể thao khu vực tại tỉnh Gia Lai: Tỉnh tính toán, cân đối khả năng ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đầu tư.
8. Về việc đầu tư xây dựng một số đập điều hòa phía sau đập công trình thủy điện An Khê - Kanat: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Tỉnh nghiên cứu sự cần thiết, hiệu quả đầu tư; trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện quy trình vận hành hồ chứa, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2013.
9. Về việc hỗ trợ 2,56 tỷ đồng cho Tỉnh để mua giống cây trồng giúp nông dân khắc phục hậu quả hạn hán: đồng ý, giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.