VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 177/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2025 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HỒ ĐỨC PHỚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Ngày 27 tháng 3 năm 2025, tại Trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì buổi làm việc về tình hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng chí Phan Như Nguyện - ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện các bộ, cơ quan, tổ chức: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ; các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, các Ban chuyên môn nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sau khi nghe Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo, ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc kết luận như sau:
1. Về kết quả hoạt động
Trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận, đánh giá cao kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội sau 23 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo được nhiều điểm sáng trong hoạt động; mô hình và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng được khẳng định, hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng: đã huy động được nguồn vốn đa dạng và quy mô ngày càng lớn, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 416 nghìn tỷ đồng, phục vụ hơn 6,8 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp (0,55% tổng dư nợ). Đặc biệt, các địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm cân đối bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn; đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
2. Một số tồn tại, hạn chế
- Nguồn vốn chưa thực sự đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn ủy thác tại một số địa phương, nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn.
- Chưa có cơ chế, chính sách để thu hút nhân sự có trình độ cao, đặc biệt là nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế.
3. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tiếp theo, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đại biểu tại buổi làm việc hôm nay, trong đó lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Bám sát kết quả thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị hành chính các cấp theo chủ trương của Đảng. Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động, đảm bảo phù hợp với quá trình sắp xếp của các cơ quan, tổ chức chính trị và yêu cầu thực tiễn hoạt động đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội. Lưu ý quá trình sắp xếp lại bộ máy phải đảm bảo được mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo quản lý khoản vay, duy trì quan hệ với người vay.
b) Tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm tăng cường nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương báo cáo, tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ và mở rộng các hình thức huy động vốn, nghiên cứu huy động các nguồn vốn nhận ủy thác từ các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân...
c) Chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, uy tín, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Chú trọng tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế tiền lương, các chế độ, chính sách đãi ngộ, đảm bảo thu nhập tốt hơn cho cán bộ, người lao động để thu hút, ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
d) Tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn (Bigdata), … nhằm tiết giảm chi phí, nhân lực, tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá quy trình quản lý, kiểm soát hoạt động, thực hiện nhiệm vụ được chính xác và an toàn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, tạo điều kiện phục vụ, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
đ) Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị, hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ; kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, ủy nhiệm, sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác quản trị và quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả.
e) Tập trung nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng các quy định, quy trình thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, cắt giảm và đơn giản hoá tối đa các thủ tục để nâng cao hiệu quả công việc, tiết giảm chi phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng.
g) Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Chủ động rà soát, tham mưu cho cơ quan thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền vững, đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, Chiến lược tài chính toàn diện và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030. Từng bước mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, khả năng thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội.
h) Tích cực tham mưu cho Chính phủ, các bộ ngành trung ương, Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30 tháng 10 năm 2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách xã hội thành các chương trình, kế hoạch hoạt động với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; thực hiện thành công Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
i) Tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù. Chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ Tiết kiệm và vay vốn và chất lượng điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội.
k) Ngân hàng Chính sách xã hội bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đáp ứng sự tin tưởng của nhân dân, khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân với phương châm hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững”.
4. Về các kiến nghị, đề xuất
a) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương, trước ngày 20 tháng 4 năm 2025 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc:
- Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị được sử dụng nguồn vốn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng cấp vốn ngân sách trung ương đã hết thời hạn thực hiện và nguồn vốn thu hồi nợ của các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để tập trung nguồn lực cho vay các chương trình tín dụng đang được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Bố trí nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Trong Quý III năm 2025, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30 tháng 10 năm 2024 về việc “báo cáo Bộ Chính trị nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội”.
c) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao khẩn trương, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ các Nghị định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, chính trị theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
d) Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương, đánh giá, rà soát nhu cầu kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm giai đoạn 2026-2030, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các tổ chức, cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.