VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2025 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN CHÍ DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Ngày 01 tháng 4 năm 2025, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Bộ KH&CN về tình hình hoạt động của Bộ sau hợp nhất, kết quả công tác giai đoạn 2020-2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, các đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ KH&CN.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ KH&CN, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng kết luận như sau:
Đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Bộ KH&CN, đặc biệt là sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và công tác kiện toàn tổ chức bộ máy sau hợp nhất.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà ngành KH&CN đã đạt được trong giai đoạn 2020-2024. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành đã khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia và cải thiện đời sống nhân dân.
Cơ bản thống nhất với các định hướng, giải pháp cụ thể đã được Bộ KH&CN đề xuất và thảo luận tại buổi làm việc đối với các lĩnh vực: phát triển AI, trung tâm dữ liệu, hạ tầng số, Chính phủ số, kinh tế số, công nghiệp công nghệ số (tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như robot, UAV, xe điện, vắc xin...), đổi mới sáng tạo, hạ tầng KH&CN dùng chung (trung tâm đo lường, thử nghiệm...), sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng lượng nguyên tử. Lưu ý việc đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng về mô hình (nhà nước đầu, hỗ trợ doanh nghiệp, PPP...), hiệu quả và cơ chế quản lý, vận hành, về nguồn vốn, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng, vấn đề quan trọng là Bộ cần xây dựng các đề án, dự án cụ thể, khả thi, có cơ chế triển khai và sử dụng vốn hiệu quả.
Với sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tin tưởng tập thể Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ KH&CN sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
II. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Một số tồn tại, hạn chế ngành KH&CN cần tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới:
- Khoảng cách về trình độ phát triển KH&CN của Việt Nam so với các nước tiên tiến còn lớn.
- Nhận thức về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc chưa ưu tiên đúng mức cho lĩnh vực này.
- Hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều điểm nghẽn, rào cản, kìm hãm sự phát triển.
- Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa đạt được những đột phá mang tính chiến lược, khả năng ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế.
- Nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu hụt, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công nghệ mới, chiến lược.
- Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng KH&CN (cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hạ tầng số) còn chưa tương xứng, thiếu đồng bộ.
2. Nguyên nhân và bối cảnh tác động: Bối cảnh quốc tế cho thấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang có những biến chuyển nhanh chóng, chưa từng có, với các xu hướng lớn như: (i) Dòng vốn đầu tư tăng mạnh; (ii) AI và AI tạo sinh phát triển bùng nổ; (iii) Hoạt động KH&CN dựa trên hệ sinh thái và hợp tác đa bên, chịu tác động địa chính trị; (iv) Cạnh tranh gay gắt về nguồn lực (con người, dữ liệu, năng lực tính toán); (v) Các Chính phủ điều chỉnh chính sách mạnh mẽ, cạnh tranh dẫn dắt trong các lĩnh vực chiến lược (bán dẫn, AI, ô tô, UAV, robot...).
Trong bối cảnh đó, việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước xác định là yếu tố then chốt, sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Đề nghị Bộ KH&CN cần nghiêm túc đánh giá, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm khắc phục hiệu quả trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao phó, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
III. VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Bộ KH&CN tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ: Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sau sáp nhập, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Coi đây là cơ hội để tái cấu trúc ngành, lĩnh vực; sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có năng lực, tư duy đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới, đảm bảo tính kế thừa và liên tục.
2. Quán triệt và triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước: Tổ chức thực hiện quyết Hệt, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2024/QH15 ngày 19 tháng 2 năm 2025 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, nhà nước đóng vai trò kiến tạo. Xây dựng chương trình hành động cụ thể, có lộ trình, phân công trách nhiệm rõ ràng; thiết lập cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện khoảng 180 nhiệm vụ quan trọng đã được xác định (bao gồm cả các nhiệm vụ trong Nghị quyết 57 và các nhiệm vụ bổ sung), đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các nhiệm vụ có thời hạn trong năm 2025.
3. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn. Loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đề cao tính linh hoạt, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, trở thành lợi thế cạnh tranh. Tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Hoàn thiện thể chế về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, sàn giao dịch dữ liệu; xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho công nghệ mới; hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ (nghiên cứu phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục để xử lý nhanh chóng, hiệu quả)..
4. Phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến cáp quang biến mới, triển khai mạng 5G toàn quốc. Xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại. Đầu tư phát triển các công nghệ mũi nhọn, chiến lược (AI, bán dẫn, hydrogen, sản xuất thông minh...). Đảm bảo hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
5. Tập trung nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ưu tiên các ngành công nghệ chiến lược. Thúc đẩy liên kết ba nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài KH&CN trong và ngoài nước (đặc biệt là trí thức Việt kiều). Giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, ban hành tiêu chí xác định chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện chính sách miễn thị thực nhập cảnh. Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc; cơ chế ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các nhà khoa học. Phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra đến năm 2030 (chi cho R&D đạt 2% GDP, nhân lực R&D đạt 12 người/1 vạn dân).
6. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo. Có chính sách khuyến khích thu hút FDI công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, xem xét các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo).
7. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế: Tranh thủ tối đa các nguồn lực, tri thức, công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế.
8. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ và toàn ngành.
Về các kiến nghị, đề xuất cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản gửi các Bộ để xem xét giải quyết. Giao các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.