TOÀ
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/TB-TKTH |
Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2010 |
Trong hai ngày 25 và 26/01/2010, tại Hà Nội, Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010. Thừa lệnh Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Vụ thống kê - Tổng hợp xin thông báo toàn văn kết luận của Chánh án tại Hội nghị.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2010 của ngành Toà án nhân dân đã thành công tốt đẹp.
Hội nghị đã nghe và thảo luận báo cáo tổng kết công tác năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành Toà án nhân dân; báo cáo tham luận của một số đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương. Đặc biệt, Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp và nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công tác của ngành Toà án nhân dân. Qua kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ và tại hội trường cho thấy, về cơ bản các Đại biểu đều nhất trí cao với những đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2009; thống nhất phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành Toà án nhân dân được nêu trong Báo cáo tổng kết trình Hội nghị. Bên cạnh đó, các Đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, thiết thực góp phần làm rõ hơn ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và khó khăn, vướng mắc trong công tác của ngành Toà án nhân dân; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực và đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp thu ý kiến thảo luận, đóng góp của các Đại biểu, sau khi trao đổi thống nhất trong lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, tôi xin nhấn mạnh và kết luận về một số vấn đề như sau:
I. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2009 CỦA NGÀNH TOÀ ÁN NHÂN DÂN
Năm 2009, tình hình kinh tế thế giới suy giảm đã có tác động, ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nước ta. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình, lợi dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” và kích động các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá cách mạng nước ta. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ nền kinh tế nước ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô, và tiếp tục tăng trưởng. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự xã hội đảm bảo. Mặt khác tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gia tăng làm cho số lượng các loại vụ án mà ngành Tòa án nhân dân phải thụ lý, giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, ngành Tòa án nhân dân còn triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, do đó nhiệm vụ của ngành Toà án nhân dân trong năm qua rất nặng nề. Tuy nhiên, do thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, các tổ chức là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, Hội thẩm nhân dân trong toàn ngành nên về cơ bản ngành Toà án nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngành Tòa án nhân dân đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra như: đã xây dựng Dự thảo đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và xin ý kiến Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương; hoàn thành việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện theo đúng lộ trình mà Quốc hội đề ra; thực hiện tốt việc quy hoạch lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp…
Trong công tác giải quyết xét xử các loại vụ án, các Tòa án đã giải quyết nhiều hơn năm trước trên 20.000 vụ án các loại, hầu hết các vụ án được giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hình sự và dân sự đều vượt chỉ tiêu xét xử đã đề ra. Chất lượng giải quyết các loại vụ án tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ. Việc giải quyết đơn khiếu kiện về tư pháp, đặc biệt là đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng. Hầu hết các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật đều được Toà án cấp sơ thẩm ra quyết định thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Ngành Tòa án nhân dân đã tham gia xây dựng nhiều dự án luật, pháp lệnh, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Công tác quản lý ngành có chuyển biến tích cực theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho Toà án địa phương nên đã tạo sự chủ động cho Toà án địa phương trong việc tuyển chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ và phân bổ, sử dụng kinh phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Toà án tiếp tục được tăng cường. Công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán có nhiều tiến bộ, góp phần từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong toàn ngành. Công tác thi đua, khen thưởng và các hoạt động văn hoá, thể thao, đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Các mặt công tác khác như: hợp tác quốc tế, thông tin báo chí, thống kê tổng hợp, công tác văn phòng ...đã có những tiến bộ nhất định, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành. Đặc biệt trong năm qua, ngành Tòa án nhân dân đã tổ chức thành công Hội nghị Chánh án các nước Châu Á, Thái Bình Dương, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Các Đại biểu tham dự đánh giá rất cao vai trò, nỗ lực lớn của Toà án Việt Nam đối với sự thành công rực rỡ của Hội nghị này.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, công tác của các Toà án vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm, đó là: Một số Toà án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị huỷ, sửa còn cao; còn nhiều trường hợp Toà án áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao; vẫn còn có bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ ràng, thiếu tính khả thi. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử ở một số địa phương chưa cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa kiên quyết kháng nghị để sửa chữa, khắc phục những sai lầm của Tòa án cấp dưới.Tiến độ xây dựng một số dự án pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo chưa nhanh; những vướng mắc trong thực tiễn xét xử chậm được giải đáp, hướng dẫn; Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp, trong một số trường hợp chất lượng chưa bảo đảm. Công tác thi hành án hình sự chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác tuyển dụng cán bộ, tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán. Việc tiến hành tái bổ nhiệm Thẩm phán khi hết nhiệm kỳ nhìn chung còn chậm. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, Thẩm phán thiếu tinh thần trách nhiệm, sa sút về phẩm chất, thiếu ý thức rèn luyện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, in ấn và cấp phát hệ thống sổ nghiệp vụ cho các Toà án tiến hành còn chậm; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Toà án chưa được quan tâm đúng mức...
II. VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CÁC ĐẠI BIỂU
Qua các ý kiến, kiến nghị của các Đại biểu về nghiệp vụ, về tổ chức cán bộ và công tác quản lý tài chính rất nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn, bất cập mà Tòa án địa phương hiện đang khó giải quyết, nhưng do thời gian có hạn nên không thể giải đáp hết các vướng mắc, kiến nghị mà Đại biểu đã nêu, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao xin tiếp thu và tùy từng vấn đề cụ thể sẽ giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất để lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết. Tại Hội nghị này tôi xin phép kết luận một số vấn đề sau:
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới nếu Tòa án cấp dưới không đồng tình với quyết định của Tòa án cấp trên thì phải có văn bản kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại.
- Trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nếu phát hiện thấy các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật dù đã được thi hành án, nhưng phát hiện có sai lầm thì vẫn kiến quyết kháng nghị để xét xử lại nhằm bảo đảm đúng pháp luật.
- Công tác giám đốc kiểm tra nhìn chung còn yếu cần phải tăng cường hơn về công tác này, Tòa án nhân dân tối cao sẽ gửi các Kết luận kiểm tra giám đốc của các Tòa án được kiểm tra cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để rút kinh nghiệm chung về công tác xét xử. Tòa án nhân dân cáp tỉnh cũng phải gửi Kết luận kiểm tra công tác xét xử, thi hành án hình sự cho các Tòa án mà mình quản lý. Các Kết luận kiểm tra công tác xét xử, thi hành án hình sự của các Tòa án cấp trên có thể được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và Ban biên tập chịu trách nhiệm biên tập lại không nêu đích danh các Tòa án.
- Nhiều ý kiến hoan nghênh việc các Tòa án cấp phúc thẩm đã tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử đối với Tòa án địa phương; Tòa án nhân dân cấp tỉnh rút kinh nghiệm với Tòa án nhân dân cấp huyện. Thông qua các Hội nghị đó để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Việc làm này có hiệu quả, cần tiếp tục thực hiện thường xuyên; tuy nhiên việc kiểm điểm rút kinh nghiệm cần được tiến hành hai chiều, có nội dung góp ý của Toà án cấp dưới đối với Toà án cấp trên.
- Một số ý kiến chưa đồng tình đối với một số quan điểm nêu trong các báo cáo tham luận về nghiệp vụ. Về vấn đề này, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, các báo cáo tham luận tại Hội nghị chỉ là các tài liệu tham khảo, chưa phải là hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán. Do đó, các Tòa án chưa áp dụng trong công tác xét xử. Tuy nhiên, các tham luận và các ý kiến đóng góp về nghiệp vụ của các Đại biểu là những gợi mở để Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu và sẽ ban hành nghị quyết hướng dẫn.
- Về công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật là khuyết điểm của Tòa án nhân dân tối cao. Trong quý I và quý II/2010, Tòa án nhân dân tối cao sẽ ban hành 04 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về hình sự, dân sự; đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan để ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật
- Hầu hết các ý kiến thảo luận của các tổ thảo luận đều đề cập đến tình trạng tái bổ nhiệm Thẩm phán còn chậm. Về vấn đề này, có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật và của các cơ quan cấp trên chậm được nghiên cứu đề xuất sửa đổi đồng thời cũng có nguyên nhân chậm từ việc hoàn thiện các thủ tục của các Tòa án địa phương và lề lối làm việc của một số đơn vị liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu ý kiến này của các Đại biểu và sẽ giao cho Vụ tổ chức cán bộ nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc nhằm khắc phục việc chậm trễ này.
- Nhiều ý kiến của các tổ thảo luận nêu về việc Tòa án nhân dân tối cao lấy tỷ lệ án bị hủy, sửa của công tác thi đua khen thưởng làm căn cứ để đánh giá Thẩm phán khi xét tái bổ nhiệm. Về vấn đề này, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã giao Vụ tổ chức cán bộ và Hội đồng thi đua khen thưởng của ngành nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp cải sửa. Cần đánh giá mức độ hậu quả của bản án, quyết định bị huỷ sửa đã gây ra đối với bị cáo, các bên đương sự; xác định rõ mức độ trách nhiệm của cấp xét xử (bản án, quyết định sơ thẩm sai được phúc thẩm khắc phục nên hậu quả gây ra mức độ thấp hơn, án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, Thẩm phán của Toà án cấp trên phải chịu trách nhiệm cao hơn Thẩm phán Toà án cấp dưới...). Trước mắt, đối với các trường hợp các Thẩm phán đang bị tạm dừng, chưa tái bổ nhiệm vì lý do có tỷ lệ án bị sửa, hủy cao hơn mức quy định thì Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải xem xét lại và có kết luận, đánh giá đối với từng vụ án bị hủy, sửa và có ý kiến đề nghị chính thức với Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết.
- Về các ý kiến đối với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, hiện nay Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức ngành Tòa án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định để giải quyết những vấn đề bất hợp lý.
- Đối với những ý kiến đề nghị về việc bổ sung cán bộ văn phòng cho Tòa án nhân dân cấp huyện và tình trạng thiếu Thư ký Tòa án, Vụ tổ chức cán bộ nghiên cứu, đề xuất để có thể bổ sung cho các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện có số lượng lớn các vụ án phải thụ lý, giải quyết đồng thời cần đảm bảo tỷ lệ thư ký và Thẩm phán là 1/1 (nơi có số lượng cao, Thẩm phán phải xét xử nhiều có thể tăng tỷ lệ cao hơn).
- Về các ý kiến cần quy định niên hạn khi luân chuyển cán bộ từ miền xuôi lên miền núi hoặc đến các vùng sâu, vùng xa, Tòa án nhân dân tối cao xin tiếp thu, nghiên cứu và sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
- Về ý kiến xin nợ bằng (tiêu chuẩn chuyên môn để bổ nhiệm Thẩm phán), vấn đề này đã được gia hạn rồi nếu đồng chí nào chưa hoàn thiện tiêu chuẩn về bằng cấp thì không bổ nhiệm lại.
- Đối với các ý kiến tạo nguồn tuyển dụng cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã được nêu tại Hội nghị tổng kết năm 2008. Đây mới là các ý tưởng, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Vụ tổ chức cán bộ xây dựng Đề án cụ thể về vấn đề này.
- Về các tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ đối với các Tòa án miền núi, miền Trung Tây Nguyên, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì không máy móc phải tuyển dụng đối với những người có đủ các tiêu chuẩn như tốt nghiệp loại khá, hệ đào tạo chính quy mà có thể tuyển dụng đối với những người tốt nghiệp trung bình hoặc có bằng tại chức.
- Về việc phân cấp quản lý cán bộ cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao phải tự điều hành và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
3. Về công tác quản lý tài chính
- Về các ý kiến cho rằng cần đổi mới việc phân bổ kinh phí theo định mức như hiện nay. Việc định mức kinh phí trên đầu người là quy định của Chính phủ nên không thể thay đổi được. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao đã căn cứ vào đặc thù của từng địa phương để cấp kinh phí, đáp ứng yêu cầu công tác, có nghĩa là kinh phí của các địa phương không đồng đều nhau (địa phương cần chủ động đề xuất).
- Về thanh lý tài sản, nhất là thanh lý xe ôtô, xe máy tiến hành quá chậm, nhiều địa phương xe đã hư hỏng, không sử dụng được những không được hướng dẫn thanh lý. Đây là khuyết điểm của Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Vụ kế hoạch-tài chính phải có hướng dẫn thực hiện cụ thể và hoàn thành trong tháng 3/2010.
- Về vấn đề tạm thời ngừng xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện năm 2009 là chủ trương của Chính phủ do suy giảm kinh tế nên ngành Tòa án nhân dân phải chấp hành. Trước mắt chỉ có thể đáp ứng các yêu cầu sửa chữa, nâng cấp các trụ sở để đáp ứng yêu cầu tăng thẩm quyền của các Tòa án nhân dân cấp huyện; đồng thời nghiên cứu để xác định các đơn vị sẽ trở thành Tòa án sơ thẩm khu vực để đầu tư xây dựng.
4. Về phương hướng nhiệm vụ công tác
- Có kế hoạch hướng dẫn việc tổng kết công tác Hội thẩm nhân dân trong nhiệm kỳ qua để chuẩn bị bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ mới trong năm 2010.
III. VỀ CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CỦA CÁC TÒA ÁN TRONG THỜI GIAN TỚI
Năm 2010 là năm đất nước ta có nhiều ngày Lễ lớn: kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 65 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 65 năm ngày truyền thống ngành Tòa án nhân dân. Do vậy, ngành Tòa án nhân dân cần nỗ lực phấn đấu lập nhiều thành tích chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước và kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành Tòa án nhân dân. Chỉ tiêu công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án năm 2010 được đề ra là:
a) Chỉ tiêu giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đối với các Toà án địa phương từ 95% trở lên, đối với các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao từ 90% trở lên;
b) Chỉ tiêu giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự đối với các Toà án nhân dân địa phương từ 90% trở lên, đối với các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao từ 85% trở lên;
c) Chỉ tiêu giải quyết xét xử các vụ án hành chính đối với các Toà án nhân dân địa phương từ 85% trở lên, đối với các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao từ 80% trở lên;
d) Phấn đấu đảm bảo 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định;
đ) Phấn đấu bảo đảm ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
e) Phấn đấu giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán thấp hơn năm 2009.
(Các chỉ tiêu a, b, c, d và đ được tính trên tổng số vụ án phải giải quyết, xét xử được thụ lý từ ngày 01/10/2009 đến ngày 30/9/2010)
Để hoàn thành xuất sắc phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2010 đã được các Đại biểu nhất trí thông qua tại Hội nghị và các chỉ tiêu nêu trên, tôi yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội liên quan tới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân;
- Giáo dục, động viên cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao;
- Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tòa án. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho Thẩm phán, cán bộ Toà án về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ xét xử và các kiến thức bổ trợ khác như kinh tế, xã hội, ngoại ngữ, tin học; đặc biệt chú ý đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về tư pháp quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực;
- Tổng kết rút kinh nghiệm thi hành các Thông báo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về quy định tạm thời việc phân cấp và trình tự giải quyết đơn khiếu nại tư pháp trong ngành Toà án nhân dân và về việc phân công bổ sung nhiệm vụ giải quyết các vụ việc dân sự cho: Toà lao động, Toà hành chính, Toà kinh tế để sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Nghiên cứu giao việc quản lý, theo dõi công tác thi hành án hình sự cho một đơn vị đầu mối; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, in ấn và cấp phát hệ thống sổ nghiệp vụ, trong đó có sổ theo dõi việc chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cho các đơn vị để áp dụng thống nhất trong toàn ngành;
- Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nghiêm túc lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Toà án nhân dân là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với giai đoạn hai của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành Toà án nhân dân. Các đơn vị phải xây dựng các tiêu chí, kế hoạch thi đua cụ thể để tổ chức thực hiện thường xuyên. Triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức ngành Tòa án nhân dân”; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ không giữ chức vụ lãnh đạo; tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ngành Tòa án nhân dân.
- Tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng và tuyển chọn đủ biên chế cán bộ, Thẩm phán Toà án các cấp theo hướng: đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi có khó khăn về nguồn cán bộ tuyển dụng thì phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương để có những giải pháp thu hút cán bộ, sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật đến công tác tại Toà án; mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Nhà nước những vấn đề liên quan đến chế độ đãi ngộ, chế độ bảo vệ cán bộ, Thẩm phán khi thi hành công vụ;
- Tăng cường kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ Đảng địa phương trong công tác quản lý cán bộ; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp có vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với việc để cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình có hành vi vi phạm; tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống tham nhũng trong toàn ngành Toà án nhân dân.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án: Đề án chiến lược về công tác cán bộ của ngành Toà án nhân dân đến năm 2020; Đề án nâng cao năng lực và quy mô Trường cán bộ Tòa án; Đề án thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm và đổi mới tổ chức, hoạt động của Toà án nhân dân tối cao; Đề án cải cách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân; Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống trụ sở làm việc ngành Tòa án nhân dân; Đề án phát triển công nghệ thông tin..., trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án mua sắm trang thiết bị của ngành Toà án nhân dân. Đề án biên chế cán bộ ngành Toà án nhân dân;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của Tòa án; thực hiện tốt các phần mềm dùng chung trong toàn ngành như: phần mềm quản lý, thống kê các vụ án hình sự; phần mềm quản lý, thống kê các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; phần mềm quản lý cán bộ, công chức; phần mềm kế toán;
- Tiếp tục hợp tác có hiệu quả với các nước; triển khai thực hiện tốt Đề án về công tác đối ngoại của ngành Toà án nhân dân từ năm 2008 đến năm 2012;
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành và thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động Toà án theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành ở Trung ương và địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của Toà án.
- Tổ chức phát động các phong trào thi đua, các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao trong toàn ngành, nhằm rèn luyện thể chất, tạo không khí phấn khởi cho cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong toàn ngành để lập nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm các ngày Lễ trọng đại của đất nước và kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Toà án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2010).
Sau Hội nghị này, Chánh án Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác của đơn vị mình và phổ biến, quán triệt các phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành tới toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch trọng tâm công tác của đơn vị mình.
Các Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự các cấp và các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao phải tiến hành ngay việc rà soát các công việc còn tồn đọng hoặc bức xúc để xử lý dứt điểm, đặc biệt lưu ý giải quyết dứt điểm đối với các vụ án đã quá thời hạn luật định; các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa ra quyết định thi hành án; các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bức xúc, kéo dài; các trường hợp Thẩm phán đã hết nhiệm kỳ nhưng chưa được xem xét, bổ nhiệm lại; tiếp tục kiểm tra, đánh giá và kiểm điểm xử lý vi phạm việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo của các Tòa án để có báo cáo cuối cùng với Quốc hội; đối với các bản án tuyên không rõ ràng thì các Tòa án phải phối hợp với Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự rà soát có kết luận để giải quyết dứt điểm...; đồng thời, căn cứ vào nhiệm vụ công tác được giao, phân công rõ trách nhiệm trong lãnh đạo đơn vị và cán bộ, công chức giải quyết, phụ trách từng công việc cụ thể.
Kính thưa các đồng chí
Với niềm tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp cải cách tư pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội được sự quan tâm của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành ở trung ương và các địa phương; với kinh nghiệm và truyền thống tốt đẹp của ngành Toà án nhân dân trong 65 năm qua, ngành Toà án nhân dân quyết tâm tạo ra không khí mới để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao và Ban tổ chức hội nghị, tôi chân thành cảm ơn đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quan tâm tới công tác của ngành Toà án và có ý kiến chỉ đạo cụ thể tại Hội nghị này; xin cảm ơn đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, các vị khách quý, các đại biểu, các phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các báo, đài của trung ương và địa phương đã theo dõi và đưa tin về Hội nghị.
Chuẩn bị bước sang năm mới, năm Canh Dần, thay mặt lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, tôi xin kính chúc các vị khách quý, các đồng chí đại biểu cùng toàn thể cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân và gia đình một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích mới trong công tác.
Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị.
Nơi nhận: |
TL.
CHÁNH ÁN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.