VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2025 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC CỦA CÁC ĐOÀN KIỂM TRA RÀ SOÁT, THÁO GỠ CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM CÓ KẾ HOẠCH HOÀN THÀNH NĂM 2025 ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU 3.000 KM ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC
Ngày 29 tháng 3 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc của các Đoàn kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc. Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có lãnh đạo các Bộ, ngành: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Công Thương, Nội vụ. Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre) có lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ngành liên quan và đại diện các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các dự án.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của lãnh đạo Bộ Xây dựng và báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành về kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo kết luận của các Đoàn kiểm tra, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Đoàn kiểm tra, Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:
I. Về nhiệm vụ, yêu cầu chung
1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” để hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 - đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, bắt buộc phải hoàn thành. Hiện nay, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án đang rà soát, xây dựng tiến độ thi công chi tiết các dự án, có giải pháp sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ để bù phần khối lượng thi công đã bị chậm (như thay đổi biện pháp gia tải, giải quyết thủ tục cấp mỏ vật liệu, giải phóng mặt bằng...), có cam kết đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Quốc hội và Chính phủ đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là trên 8% và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt mục tiêu tăng trưởng này cần thúc đẩy đầu tư công, trong đó tập trung chủ yếu cho các công trình lĩnh vực giao thông vận tải. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sẽ góp phần hoàn thành đa mục tiêu: giải ngân vốn đầu tư công, mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ cho các địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, tăng giá trị gia tăng của đất đai, thuận lợi cho kêu gọi xúc tiến đầu tư, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế. Vì vậy, cần tăng tốc, bứt phá, có giải pháp đôn đốc, thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh thay đổi mục tiêu tăng trưởng.
2. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 07 Đoàn Kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc. Qua kết quả của 07 Đoàn kiểm tra của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các dự án đã có chuyển biến tích cực hơn. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các Phó Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương và các bộ, ngành liên quan đã tích cực chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Biểu dương các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã tích cực giải quyết các thủ tục về cấp mỏ cho các dự án trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy, triển khai nhiệm vụ đến khi các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, bảo đảm mục tiêu thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau vào năm 2025.
Yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan cử 01 Thứ trưởng phụ trách từng dự án, chủ động, kịp thời đi kiểm tra, giải quyết các vướng mắc. Các bộ, địa phương, nhà thầu xử lý ngay các ách tắc, có biện pháp giải quyết phù hợp; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; coi trọng công tác chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
3. Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu, không để liên tục “trượt” tiến độ hoàn thành theo cam kết và xác định đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ. Khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần vận dụng linh hoạt các chính sách để không để người dân thiệt thòi, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; quan tâm đến sinh kế của người dân; những đối tượng đặc biệt phải có chính sách đặc biệt; mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước.
II. Một số nhiệm vụ cụ thể:
1. Về nhóm các dự án bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025 (gồm 18 dự án/897km, trong đó: Bộ Xây dựng và Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 16 dự án/871 km[1]; các địa phương 2 dự án/26 km[2]:
Bộ Xây dựng rà soát tiến độ các dự án, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch khánh thành trực tuyến các dự án theo các mốc thời gian: dịp 30/4/2025 (kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước); dịp 02/9/2025 (kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước); và dịp cuối năm 2025 (kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12 và kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12); phối hợp với các địa phương khởi công một số dự án đường cao tốc và các công trình khác như bệnh viện Côn Đảo, các công trình cầu, đường do các địa phương, cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư.
2. Về nhóm các dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra (gồm 10 dự án/291 km có kế hoạch hoàn thành năm 2025 (Bộ Xây dựng 01 dự án/18 km[3]; các địa phương 09 dự án/273 km[4]) và 02 dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh phấn đấu hoàn thành trong năm 2025:
Yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương phối hợp xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và nâng công suất mỏ vật liệu như báo cáo của Bộ Xây dựng. Các chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu cập nhật lại tiến độ thi công, xác định rõ đường “găng” (phải có giải pháp để bù lại khối lượng đã chậm, dự phòng thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là với các dự án khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ cần hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa); tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công 3 ca 4 kíp đảm bảo hoàn thành các dự án vào năm 2025 theo đúng kế hoạch đề ra, với các nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Các tỉnh khối lượng GPMB còn nhiều như Đồng Nai (Biên Hòa - Vũng Tàu), Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang), Bình Dương (Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Quảng Trị (Vạn Ninh - Cam Lộ) tập trung chỉ đạo hoàn thành trước ngày 15/4/2025 và không được lùi tiến độ.
b) Các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bình Dương, Long An phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để hoàn thành di dời đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
c) Thành phố Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan) và tỉnh Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ đá, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/4/2025.
d) Tỉnh Long An (Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh) đẩy nhanh tiến độ triển khai nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành để bảo đảm khai thác đồng bộ 20km dự án Bến Lức - Long Thành vào dịp 30/4/2025 (dự kiến ngày 19/4/2025).
đ) Tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang), Đồng Tháp (dự án Cao Lãnh - An Hữu) chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bổ sung nguồn vốn cho dự án để hoàn thành trong năm 2025.
e) Tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị - Chi Lăng) và Cao Bằng (Đồng Đăng - Trà Lĩnh) chỉ đạo các nhà đầu tư, quyết liệt triển khai để bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.
g) Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng Tháp (An Hữu - Cao Lãnh), Tuyên Quang (Tuyên Quang - Hà Giang) rà soát lại tiến độ, chủ động về nguồn vật liệu, có các giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, hiệu quả, không lùi tiến độ hoàn thành dự án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
h) Các địa phương phối hợp với Chủ đầu tư xác nhận thực trạng hư hỏng của nhà dân do ảnh hưởng của thi công để chi trả bồi thường đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, tuân thủ quy định, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự khu vực. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng chống đối gây mất trật tự an ninh.
i) Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành, chia sẻ, ủng hộ, tạo điều kiện cho các đơn vị tranh thủ thời tiết tốt, thi công “3 ca, 4 kíp”; xuyên ngày nghỉ, ngày tết; tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió” để hoàn thành đúng tiến độ; đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công cần có giải pháp thi công hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân trong quá trình thi công tăng ca vào ban đêm.
III. Về nhiệm vụ của các cơ quan liên quan
1. Bộ Xây dựng và các chủ đầu tư, nhà thầu cần huy động tối đa máy móc, nhân lực để tổ chức thi công trên tinh thần “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “đã hứa phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”. Đồng thời, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành phải sáng, xanh, sạch, đẹp. Có chế độ bồi dưỡng làm ngoài giờ bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
2. Đối với các dự án hoàn thành đúng tiến độ, Bộ Xây dựng và các địa phương là cơ quan chủ quản cần xem xét khen thưởng kịp thời theo đúng Nghị định số 15/2023/NĐ-CP của Chính phủ; bên cạnh đó, phải xử lý đối với các đơn vị, cá nhân, nhà thầu không hoàn thành đúng tiến độ và không cho tham gia các công trình giao thông tương tự trong thời gian 5 năm.
3. Bộ Tài chính
a) Chủ trì phối hợp với các địa phương để rà soát, ưu tiên bố trí đủ nhu cầu vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2025; báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung vốn cho các dự án An Hữu - Cao Lãnh đoạn qua Đồng Tháp, Tuyên Quang - Hà Giang, hoàn thành trong tháng 4/2025.
b) Khẩn trương hoàn thành thủ tục thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư/thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành; hướng dẫn các địa phương trong triển khai các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dịp 30/4/2025 (dự kiến ngày 19/4/2025).
c) Qua thực tiễn triển khai các dự án trọng điểm thời gian qua, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn các nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm; loại bỏ các quy trình, thủ tục mang tính hình thức làm kéo dài thời gian thực hiện không cần thiết (nhất là việc đấu thầu, bán thầu gây tiêu cực, tham nhũng).
4. Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật để hướng dẫn các địa phương: thủ tục hoàn trả bãi đổ thải vật liệu thừa sau khi thi công xong công trình; đánh giá mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân do thi công các dự án; bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Điều 103 Luật Đất đai; hướng dẫn việc san lấp, đổ thải vào các công trình theo quy định.
5. Bộ Công Thương phối hợp, hỗ trợ các địa phương; EVN khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế, nhất là đối với các dự án khu vực phía Nam như Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Công Thương cùng EVN trực tiếp đi kiểm tra hoặc họp trực tuyến để giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc trong tháng 4/2025.
6. VEC rà soát lại tiến độ, đẩy nhanh hoàn thiện các gói thầu để sớm đưa vào khai thác 20km từ nút giao QL1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo vào dịp 30/4/2025 (dự kiến khánh thành vào ngày 19/4/2025); khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho gói J3-1 dự án Bến Lức - Long Thành trong tháng 4/2025.
7. Bộ Nội vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 673/TTg-CN ngày 05/9/2024; tổ chức sơ kết phong trào thi đua đợt 2 vào tháng 6 năm 2025 và tổng kết phong trào thi đua vào cuối tháng 12 năm 2025.
8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các doanh nghiệp quốc phòng hỗ trợ các nhà thầu yếu kém thi công không bảo đảm tiến độ; chỉ đạo các Quân khu tham gia các hoạt động công ích, tạo phong trào sôi nổi tại các công trình trọng điểm quốc gia ngay tại khu vực đóng quân.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc từ Cà Mau đến Đất Mũi, bảo đảm triển khai xây dựng trong thời gian nhanh nhất có thể.
9. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng thu xếp chương trình làm việc hàng tháng cho các Đoàn kiểm tra để kiểm điểm kết quả thực hiện hoặc kiểm tra đột xuất để chỉ đạo ngay các các vấn đề mới phát sinh ngay tại công trường (kết hợp hoạt động của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải).
IV. Về các đề xuất, kiến nghị:
1. Đồng ý các kiến nghị về việc bổ sung vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2024 cho các dự án hoàn thành trong năm 2025 nếu các chủ đầu tư giải ngân bảo đảm tiến độ. Giao Bộ Tài chính xử lý theo đúng quy định.
2. Về đầu tư tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk: Đồng ý nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk triển khai theo quy định của Luật Đường bộ và Luật PPP.
3. Về đề nghị của tỉnh Lạng Sơn về nâng tỷ lệ tham gia vốn nhà nước trong Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70%: Giao Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn Tỉnh thực hiện theo quy định (đặc biệt chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, làm thất thoát lãng phí tài sản, tài chính của nhà nước); báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo chỉ đạo tại văn bản số 2503/VPCP-CN ngày 26/03/2025 của Văn phòng Chính phủ. Đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo để đảm bảo công bằng, khách quan; từ tháng 4/2025 dứt khoát không điều chỉnh vốn nhà nước tham gia các công trình PPP lên 70% (trừ những dự án được pháp luật quy định và các công trình cấp bách cần phải hoàn thành theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
4. Về việc đầu tư đường giao thông sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính: Các địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện rà soát nhu cầu để đề xuất đầu tư, trên tinh thần qua sông bắc cầu, qua núi đào hầm, qua ruộng thì đắp đất, đắp cát, tạo ra các không gian phát triển mới, phù hợp với địa giới các tỉnh sau sắp xếp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
[1] 12 DATP thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Liên - Túy Loan, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bến Lức - Long Thành.
[2] Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Long An.
[3] DATP 2 Biên Hòa - Vũng Tàu.
[4] Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. DATP 1 Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua Khánh Hòa và Đắk Lắk, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Tuyên Quang và Hà Giang, An Hữu - Cao Lãnh.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.