VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 167/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2019 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HẬU GIANG
Ngày 25 tháng 3 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019; chuẩn bị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng phấn đấu, khắc phục khó khăn và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đạt được sau 15 năm chia tách. Năm 2018 cùng với cả nước, Tỉnh đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu, trong đó tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,93% (cao nhất trong 3 năm gần đây); Tỉnh đã xây dựng được một số vùng nông nghiệp quy mô khá lớn như lúa chất lượng cao (32.000 ha), mía, cây ăn trái đặc sản và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với nhiều mô hình và thương hiệu nổi tiếng; Hậu Giang là một trong các tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của vùng đồng bằng sông Cửu Long với 30 xã (trên 55% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới; thu ngân sách tăng 11,90%, xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 6,44% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư toàn xã hội 2.975 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách 1.489 tỷ, đạt 21,25% kế hoạch. Tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc với địa phương.
Hậu Giang đã phát triển mạnh mẽ các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác với cách làm bài bản; nhiều quy định mới trong Luật Hợp tác xã sửa đổi đã và đang tạo ra sức bật mới cho hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn; đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002, Hội nghị lần thứ 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao kinh tế tập thể; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng và chuẩn bị tốt báo cáo chuyên đề sơ kết 5 năm Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Các lĩnh vực an sinh, xã hội, xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện, với nhiều giải pháp, cách làm mới, huy động tốt nguồn lực toàn xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,13%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60,83%; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đã thực hiện tốt Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường.
Kết quả Hậu Giang đạt được thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn: Thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 65% bình quân chung cả nước; tỷ lệ lao động khu vực nông thôn lớn (trên 75%), năng lực cạnh tranh còn thấp; thiếu nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng; xâm nhập mặn, sạt lở đất diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí với các báo cáo của Tỉnh và phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lưu ý một số công việc sau:
1. Bám sát nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là: "tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm trên 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.500 USD và cơ cấu kinh tế là dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp". Chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, hướng đến mục tiêu xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 1 năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
3. Nâng cao hiệu quả chi ngân sách, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư; phát triển công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo, đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách, phấn đấu từ 3 đến 5 năm tới Hậu Giang tự cân đối ngân sách địa phương.
4. Quan tâm hơn nữa truyền thông về hợp tác xã kiểu mới dựa trên các lợi ích kinh tế và phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế hộ trong nền kinh tế thị trường. Tập trung thực hiện Đề án "Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020" và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; rà soát mục tiêu tăng gấp 2 - 3 lần số doanh nghiệp hiện nay theo Đề án khởi nghiệp doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020.
5. Tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành sớm hoàn thiện báo cáo chuẩn bị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao kinh tế tập thể gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, báo cáo Bộ Chính trị.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành để xem xét xử lý 5 kiến nghị đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 16 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ cụ thể: bố trí vốn thực hiện dự án “Đường số 1, Đường số 2 thuộc Khu vực trung tâm của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang”; hỗ trợ vốn đầu tư 03 Đường ô tô về trung tâm các xã Phú Hữu, Phú Tân, Vĩnh Viễn A trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2; chuyển kinh phí (7,92 tỷ đồng) di dời 2 tuyến ống cấp nước bị ảnh hưởng bởi dự án "Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp theo hình thức BOT"; vốn dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và thông báo cho Tỉnh biết trước ngày 15 tháng 5 năm 2019.
2. Về dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B đoạn Ngã ba Vĩnh Tường - thị xã Long Mỹ”: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải căn cứ nguyên tắc và thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội xem xét, đề xuất nguồn vốn dự phòng thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về việc loại trừ các khoản ghi thu, ghi chi tiền cho thuê đất để làm cơ sở giao dự toán năm sau đảm bảo cân đối ngân sách tỉnh Hậu Giang; Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có văn bản gửi Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
4. Về bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Đầu tư phát triển; hỗ trợ vốn thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Hậu Giang từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi được Quốc hội ban hành nghị quyết về quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong năm 2019.
5. Về hỗ trợ vốn thực hiện Đề án di dời dân khẩn cấp do thiên tai và xây dựng đê bao sông Mái Dầm huyện Châu Thành; vốn xây dựng Kè chống sạt lở kênh xáng Xà No huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A; hỗ trợ vốn tiếp tục thực hiện dự án nạo vét kênh Ranh huyện Châu Thành A và huyện Vị Thủy: Tỉnh hoàn tất thủ tục đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư thích hợp, trong đó lưu ý ưu tiên các dự án dở dang gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ.
6. Về vốn đầu tư dự án Đường dọc kênh 8000; dự án Liên kết xây dựng vùng dứa nguyên liệu thuộc các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An giai đoạn 2019 - 2025 và dự án Nạo vét các kênh chính của tỉnh Hậu Giang ứng phó với biến đổi khí hậu kết nối với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan làm rõ vai trò lan tỏa liên kết vùng của các dự án này, đề xuất hỗ trợ nguồn vốn phù hợp trong kế hoạch giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về đầu tư dự án Cấp điện nông thôn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài chính vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện theo quy định.
8. Về Dự án "Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp ngành hàng rau và quả tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2026": Đồng ý chủ trương giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài vận động nguồn vốn ODA cho Dự án theo quy định.
9. Về hỗ trợ (khoảng 67,56 tỷ đồng) đầu tư các công trình cấp bách phòng, chống hạn, mặn; hỗ trợ (khoảng 77,14 tỷ đồng) khắc phục sạt lở cấp bách năm 2019: Đồng ý chủ trương, Tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài chính để chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương 2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng “Trung tâm Trình diễn cơ khí hóa nông nghiệp tỉnh Hậu Giang”: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về hỗ trợ kinh phí để triển khai xây dựng Chính quyền điện tử: Giao Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét khi có chủ trương xây dựng danh mục các dự án hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.