VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 160/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2016 |
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Ngày 16 tháng 6 năm 2016, tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham dự buổi làm việc có đại diện các cơ quan, tổ chức: Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Sau khi nghe lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trình bày báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
I. VỀ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN QUA:
Nhất trí với báo cáo tại buổi làm việc của Ngân hàng Chính sách xã hội và ý kiến của các đại biểu dự họp. Ngân hàng Chính sách xã hội là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, không chỉ góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển mặt kinh tế - xã hội mà còn giúp ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với một số thành tựu tiêu biểu như sau:
1. Đã đạt được thành tích toàn diện trong việc huy động các nguồn lực, đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người vay, nâng cao chất lượng tín dụng.
2. Hoạt động hàng năm được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đánh giá chấp hành đúng các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, thoát nghèo, giảm tệ nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn,
3. Đã hình thành mô hình tổ chức quản trị đặc thù và hiệu quả, từ Hội sở chính xuống tới các Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản; Hội đồng quản trị được tổ chức đến cấp huyện, có sự tham gia của các Chủ tịch xã; bộ máy điều hành được xây dựng gọn nhẹ; công tác quản lý tín dụng chính sách có nhiều đổi mới; xây dựng và thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo, phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam.
Đây là hướng đi đúng, đảm bảo chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh, hiệu quả đến đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã tập hợp được lực lượng, phát triển hội viên, thực hiện tổ chức tuyên truyền, phổ biến, lồng ghép hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội với tín dụng chính sách xã hội.
4. Đã chủ động báo cáo, tham mưu với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tiêu biểu là Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Có được những kết quả và thành tích nêu trên là sự nỗ lực của Hội đồng quản trị các cấp, của tập thể cán bộ trong toàn hệ thống, của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh và biểu dương các thành tích mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được trong thời gian qua.
II. VỀ ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là giải pháp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:
1. Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, bảo đảm hài hòa yếu tố Nhà nước và yếu tố thị trường (trong đó yếu tố Nhà nước đóng vai trò chủ đạo) để tăng tính chủ động, sáng tạo, phân cấp, phân quyền trong việc huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực ngân sách Nhà nước cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
b) Nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách tín dụng còn tồn tại bất cập để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với thực tế (đặc biệt là các chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc), đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn cụ thể (huyện, xã), bám sát thực tiễn, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
c) Tích cực, chủ động huy động vốn theo hạn mức phát hành trái phiếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo kịp thời nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
d) Phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục tích cực triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ. Chủ động làm việc với các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, cấp ủy và chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội để tăng nguồn vốn ủy thác và huy động các nguồn lực từ xã hội, huy động theo nguyên tắc thị trường để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi.
đ) Nghiên cứu tập trung và tăng cường cho vay các chương trình về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay hộ nghèo, cho vay theo dự án, tăng cường liên kết thông qua mô hình trang trại, nông trại, hợp tác xã, nhóm hộ gia đình để có tác dụng lan tỏa về kinh tế, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương.
2. Chính quyền các địa phương các cấp:
a) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị.
b) Tăng cường bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
c) Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cần bố trí nguồn lực tương xứng để thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
d) Chỉ đạo thường xuyên việc điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này sớm được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
III. VỀ NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:
1. Về bổ sung Ngân hàng Chính sách xã hội vào danh mục cơ quan được phân bổ dự toán chi ngân sách Trung ương hàng năm: Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền theo qui định.
2. Về bổ sung kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016 từ 8% lên 10%: Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh theo qui định.
3. Về bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cân đối, bố trí từ các nguồn cấp bổ sung vốn điều lệ còn thiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng chủ động thực hiện cho vay, giảm cấp bù từ ngân sách. Xem xét ưu tiên bố trí từ các khoản vay ưu đãi, giải ngân nhanh của các tổ chức quốc tế.
4. Về vốn thực hiện một số chương trình tín dụng ưu đãi (cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP , cho vay bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP): Các cơ quan chủ quản chương trình (Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có báo cáo cụ thể về nhu cầu nguồn vốn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán phương án bố trí vốn để Ngân hàng Chính sách cho vay theo qui định.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương liên quan tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp tốt với các tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tăng cường bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với tình hình mới, phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều.
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương sớm triển khai áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra, thống kê, công bố đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế thuộc diện được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, tổ chức liên quan biết, phối hợp thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.