VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2014 |
Ngày 31 tháng 12 năm 2013, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về kết quả công tác năm 2013, kế hoạch nhiệm vụ năm 2014 và ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2013:
Nhất trí với những đánh giá nêu trong Báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả về các thành tích, kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, yếu kém hiện tại của ngành nông nghiệp. Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp; với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Trong thành tựu, kết quả chung của đất nước năm 2013, có sự đóng góp to lớn, rất quan trọng của ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Ngành nông nghiệp đã bảo đảm an ninh lương thực, thực sự là trụ đỡ, là nền tảng cho sự ổn định và phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị - xã hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn như thị trường bị thu hẹp, giá nông sản giảm, giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu) không giảm, có loại còn tăng, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng trong 3 lĩnh vực then chốt là trồng trọt, chăn nuôi và xuất khẩu. Tăng trưởng toàn ngành đạt 2,67%, trung bình 3 năm vẫn đạt 3,0% như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai khá đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù kinh tế chung còn khó khăn, nguồn vốn eo hẹp, nhưng cơ sở hạ tầng nông thôn vẫn được chú trọng cải thiện, có bước chuyển biến khá rõ, nhất là giao thông, thủy lợi. Công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh đã có nỗ lực lớn, ứng phó chủ động, kịp thời, giảm nhẹ được thiên tai.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong mấy năm qua có xu thế giảm dần, chậm lại, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao (49%), trong khi tỷ trọng kinh tế từ từ nông nghiệp thấp (gần 19%), đời sống người lao động trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp phải tiếp tục chọn lọc, phát huy những cách làm tốt, kết quả đạt được, đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém để khắc phục, xử lý, giải quyết trong thời gian tới.
II. CÁC MỤC TIÊU NHIỆM VỤ NĂM 2014 VÀ THỜI GIAN TỚI:
Nhất trí với các mục tiêu và các nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ năm 2014 được đề ra trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương cần lưu ý thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tỷ lệ tăng trưởng trong nông nghiệp đang có xu thế giảm dần, thu nhập của người nông dân tăng chậm trong khi nhu cầu đời sống ngày càng cao, khoảng cách giữa thu nhập của người lao động trong nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ tiếp tục giãn ra, nên yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội. Phải tập trung chỉ đạo và nguồn lực để tái cơ cấu, tổ chức sản xuất nông nghiệp để có được năng suất, hiệu quả và giá trị gia tăng cao hơn, thu nhập của người làm nông nghiệp tăng nhanh hơn, nhằm rút ngắn dần khoảng cách thu nhập, phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của bà con nông dân. Đây là đòi hỏi chính đáng và bức xúc của người nông dân, của toàn xã hội.
- Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, vì không xây dựng nông thôn mới thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp thành công, ngược lại không tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả thì không thể xây dựng được nông thôn mới như yêu cầu. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới để đổi mới phương thức và quan hệ sản xuất, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân là tất yếu, là yêu cầu bức xúc. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó người nông dân giữ vị trí trung tâm, giữ vai trò chủ thể; các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải coi tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong các nhiệm vụ chính trị hàng đầu, trọng tâm thường xuyên để tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả.
- Để tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới thành công phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau:
+ Một là, phải coi khoa học công nghệ là then chốt, đề ra được các cơ chế, chính sách để ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Mục đích tái cơ cấu là để nâng cao giá trị gia tăng, muốn nâng cao giá trị gia tăng thì phải tăng năng suất, giảm chi phí thông qua ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu của sản xuất nông nghiệp, trước hết là giống, quy trình canh tác, tưới, bón phân, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
+ Hai là, khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành chuỗi giá trị phù hợp; hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp để phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và xu thế toàn cầu hóa; thay thế cho mô hình kinh tế hộ, cá nhân manh mún, lạc hậu, hiệu quả thấp.
+ Ba là, tái cơ cấu nông nghiệp, gắn liền với xây dựng nông thôn mới: Phát triển sản xuất có hiệu quả, thực sự đem lại lợi ích và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, trong đó chú trọng cả loại hình công nghiệp chế biến tiên tiến và công nghiệp thu hút nhiều lao động để sử dụng lao động nông nghiệp tại chỗ theo phương châm "ly nông không ly hương". Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách mạnh hơn, cụ thể hơn về thuế, tiền thuê đất và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất cho nông nghiệp và tại địa bàn nông thôn.
+ Bốn là, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng nông thôn: nhu cầu đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội rất lớn, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, thông tin. Các địa phương cần tiếp tục huy động từ nhiều nguồn lực, bao gồm cả ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng, các nguồn lực khác từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, xã hội và nguồn vốn đóng góp của nhân dân để cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho hạ tầng nông thôn và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
+ Năm là, tập trung đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo 2 hướng: Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn đội ngũ lao động đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa cao hơn. Đồng thời, đào tạo nghề mới, trước hết là cho thanh niên nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp; có chính sách huy động và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề và sử dụng lao động sau đào tạo.
+ Sáu là, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, các chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp:
- Trước hết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là các Luật, Nghị định mới được ban hành, sửa đổi. Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của các lĩnh vực; đồng thời bổ sung các cơ chế, chính sách… để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.
- Trong việc xây dựng chính sách cần lưu ý rà soát, tăng cường việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Xác định cụ thể danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng; quy định cụ thể điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe của nhân dân. Quản lý phân bón có hiệu quả (kể cả phân vô cơ), không để tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất của nông dân.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn; khuyến khích liên kết, hợp tác đa dạng giữa người nông dân với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra; đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để giữ và phát huy lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng chủ lực.
- Hồ đập thủy điện: Chủ đập phải chịu trách nhiệm việc đảm bảo an toàn của hồ đập được giao, nếu hồ đập không đảm bảo an toàn thì kiên quyết không cho tích nước, chấp nhận thiếu nước cho sản xuất; hoặc không cho phát điện, chấp nhận thiếu điện để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân.
Bộ Công Thương chủ động kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.
- Đối với hồ đập thủy lợi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về an toàn các hồ đập do Bộ quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc an toàn của hồ đập trên địa bàn. Đối với những hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, xác định các hồ đập xung yếu, có nguy cơ mất an toàn, đề xuất bố trí kinh phí sửa chữa, đồng thời ngân sách địa phương phải chủ động bố trí để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.