VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 158/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 1634/CT-TTG NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 47-CT/TW NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 2015 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Ngày 18 tháng 6 năm 2016, tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Ban Bí thư về phòng cháy, chữa cháy. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các tổ chức đoàn thể liên quan ở Trung ương; tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan cấp tỉnh; Công an các đơn vị, địa phương và các tập đoàn kinh tế trọng điểm. Sau khi nghe Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tình hình, kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về phòng cháy, chữa cháy; các ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg, 3 năm thực hiện Quyết định số 1110/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của các Bộ, ngành, địa phương, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đạt được những kết quả quan trọng. Các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tích cực tham mưu từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác tuyên truyền và phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày càng phát triển sâu, rộng; hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được tăng cường. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từng bước được củng cố, kiện toàn, phát triển theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Qua đó đã kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được, đặc biệt là những cố gắng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm qua.
Mặc dù, đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra gần 12.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 300 người, bị thương hơn 900 người, thiệt hại về tài sản 6.900 tỷ đồng và gần 8.500 ha rừng. Đặc biệt, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy và chữa cháy. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ còn hạn chế; tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn khá phổ biến. Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; phê bình Chủ tịch Ủy ban nhân dân 21 địa phương chưa xây dựng và phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể về phòng cháy, chữa cháy ở địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; việc triển khai thành lập các đội chữa cháy khu vực, đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp ở các địa bàn, khu vực trọng điểm còn chậm. Đầu tư trang bị phương tiện và các điều kiện cơ sở hạ tầng bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều bất cập.
2. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1635/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 1634/CT-TTg, Quyết định số 1110/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải coi công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công khai phê phán các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân. Bộ Công an phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các kiến thức, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an ban hành chương trình khung bồi dưỡng, huấn luyện kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật; phát động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, nhân rộng các mô hình tiên tiến; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện và thực hiện chế độ, chính sách nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định để xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tổ chức thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo sớm xử lý dứt điểm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, cơ sở sản xuất, kho hàng hóa lớn có nguy hiểm về cháy, nổ. Hàng năm, Bộ Công an chủ trì thành lập các đoàn công tác liên ngành của Trung ương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một số Bộ, ngành, địa phương trọng điểm.
- Các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ hàng ngày; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, thống nhất chỉ huy giữa các lực lượng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
- Tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; tăng cường giáo dục, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chủ tịch, thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu tổng kết, đề xuất xây dựng quy hoạch thành lập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế; đề xuất mô hình tổ chức cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở Trung ương bảo đảm yêu cầu thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới và tổ chức thực hiện đề án quy hoạch tổng thể về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với quy hoạch hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Chú trọng phát triển mạng lưới các đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, đội Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ khu vực, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp, các khu vực đô thị. Bộ Công an điều chỉnh trong biên chế tăng cường cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy cháy, chữa cháy thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Các Bộ, ngành, địa phương hàng năm cân đối ngân sách để bố trí kinh phí đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, ưu tiên kinh phí đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ các tổ chức nước ngoài; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đầu tư cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2016 - 2020. Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác và chiến đấu.
- Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Có chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, trang thiết bị phát hiện cảnh báo sớm, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.