VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 153/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VỀ DỰ THẢO CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Ngày 19 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (sau đây gọi tắt là Hội đồng) đã chủ trì Phiên họp của Hội đồng để cho ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Tham dự có các thành viên Hội đồng; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội Khuyến học Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nội vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và đại diện Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Cơ quan thường trực của Hội đồng, ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng kết luận như sau:
1. Ghi nhận và đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Chiến lược có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
2. Chiến lược phải kiên trì thực hiện quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29). Từ đó xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp mới, đột phá về chương trình, tiêu chuẩn, tiêu chí về cơ sở vật chất, nguồn lực… đối với từng bậc học (phổ thông, học nghề, đại học, sau đại học). Hoạt động giáo dục, đào tạo phải gắn kết giữa cung cấp kiến thức với hình thành kỹ năng và tư duy tự học, giữa thực học và thực nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới, cũng như quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Chiến lược cần có điểm nhấn, nhiệm vụ trọng tâm, tư duy cốt lõi; kiên trì định hướng, quan điểm, mục tiêu, giải pháp đúng đắn nhưng cũng cần có sự đổi mới, đột phá.
3. Việc triển khai Chiến lược phải huy động sự tham gia của cả hệ thống, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân để nguồn lực xã hội song hành cùng với nguồn lực nhà nước, tăng đầu tư hiệu quả cho giáo dục. Cần tính đến cấu trúc của nền kinh tế, cơ cấu các ngành nghề, lĩnh vực trong tương lai, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong tham gia vào quá trình hoạch định mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với giáo dục và đào tạo.
4. Giáo dục, đào tạo phải là tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế; cần sử dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp tăng cường tiếp cận, nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ cấp bậc học… hướng tới xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; Thực hiện công bằng, bình đẳng và hoà nhập trong giáo dục và đào tạo; Xây dựng nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng, ý kiến các đại biểu dự họp để hoàn thiện Chiến lược với cách tiếp cận khoa học, bài bản, khả thi, trong đó lưu ý:
- Có lộ trình, kế hoạch nguồn lực, giải pháp rõ ràng, đồng bộ, toàn diện.
- Lựa chọn những khâu đổi mới, đột phá; có sự linh hoạt để tạo điều kiện cho các địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội có thể mạnh dạn "đi trước, làm thử" những cơ chế, chính sách mới trong trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với mục tiêu cao hơn, lộ trình thực hiện sớm hơn.
- Tạo môi trường công bằng và bình đẳng đối với người học lẫn cơ sở giáo dục; bổ sung các nội dung về giáo dục nghề nghiệp để có sự gắn kết với Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo thành hệ thống giáo dục mở, liên thông.
- Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong dự báo nhu cầu, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và các cơ quan liên quan; xác định rõ vai trò, sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội… trong quá trình thực hiện Chiến lược.
- Các mục tiêu cụ thể được xác định cho từng bậc học và có các giải pháp tương ứng bảo đảm có tính đột phá, khả thi.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Chiến lược và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định sau khi Trung ương, Bộ Chính trị có chỉ đạo, bảo đảm kịp thời, chất lượng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.