VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 152/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ - TRƯỞNG BAN BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ HAI BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO TRÊN TRỤC BẮC - NAM VÀ CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Ngày 26 tháng 3 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia theo Quyết định số 1143/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ (Ban Chỉ đạo). Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và lãnh đạo các bộ, cơ quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Tổ Tư vấn giúp việc cho Ban Chỉ đạo và các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo về tình hình tình hình thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Đề án) và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
Ghi nhận, biểu dương Bộ Giao thông vận tải đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng tài liệu phục vụ Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo. Tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu “phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao”, với giải pháp “Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn... xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới”. Như vậy, việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để hoàn thiện Đề án đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị, yêu cầu:
1. Bộ Giao thông vận tải:
a) Nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu (các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, bao gồm ý kiến của GS.TSKH Lã Ngọc Khuê), trong đó đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế... để lựa chọn kịch bản tối ưu.
b) Phương án triển khai phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy...; Đối với các ga tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao... bảo đảm thuận tiện cho hành khách;
c) Về tốc độ thiết kế: tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới như Bộ Giao thông vận tải báo cáo (làm rõ tiêu chuẩn, tổ chức khai thác vận tải, cách làm của từng nước); phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tải hàng hóa.
d) Về chuyển giao công nghệ: nghiên cứu đề xuất lập Đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ (thành lập mới 01 tập đoàn nhà nước, giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, đơn vị quân đội...).
đ) Phân kỳ đầu tư: nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí,...
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan, doanh nghiệp liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.