VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2010 |
Ngày 21 tháng 5 năm 2010, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp xem xét tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2010 và việc thực hiện các biện pháp hạn chế nhập siêu năm 2010; chỉ đạo việc tháo gỡ các khó khăn và bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Tập đoàn, Tổng công ty và Hiệp hội các ngành hàng sản xuất, xuất nhập khẩu chủ yếu. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công thương, ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp, Hiệp hội, đại diện các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng đã kết luận:
1. Qua gần 5 tháng thực hiện các chủ trương, giải pháp của Chính phủ tại các Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 và số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010 và ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2010, tình hình sản xuất, kinh doanh đã có những dấu hiệu tích cực; nền kinh tế tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng trong quý I năm 2010 gần gấp hai lần quý I năm 2009; tốc độ tăng trưởng các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh còn rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, chi phí đầu vào gia tăng; thiếu điện trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp thiếu nước do khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn; dịch bệnh gia súc chưa được kiểm soát hoàn toàn; thị trường xuất khẩu còn khó khăn, nhập siêu từng bước được kiểm soát nhưng vẫn đang là nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cán cân thanh toán tổng thể; thị trường vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tương đối ổn định nhưng biến động giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã làm tăng thêm chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của khu vực nông thôn, công chức, người nghèo.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhóm giải pháp theo các Nghị quyết của Chính phủ, yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện những công việc sau:
a) Các Bộ: Công thương, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế theo nhiệm vụ, chức năng, cần tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, đồng thời có các biện pháp phù hợp tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong nước và xuất khẩu; kiểm tra, đánh giá thực tế tồn kho của một số sản phẩm, như than đá, thép, vật liệu xây dựng, đường kính, muối… để có các biện pháp đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng hóa và kiểm soát không để xảy ra việc đầu cơ, găm hàng, nâng giá trái quy định;
b) Bộ Công thương chỉ đạo và giám sát hoạt động sản xuất, cung ứng khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu và phù hợp tiến độ cho sản xuất, cung ứng điện của các nhà máy điện tuốc-bin khí. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện nhanh việc khôi phục 4 nhà máy nhiệt điện đang có sự cố để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất; tiếp tục huy động, khai thác các nguồn điện khác cho sản xuất; tuyên truyền, vận động và có các chính sách thiết thực khuyến khích tiết kiệm điện đối với từng khu vực tiêu dùng;
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung điều hành sản xuất, bảo đảm đủ giống, phân bón và điều tiết đủ nước cho các vùng sản xuất lúa trên cả nước, hạn chế xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn để vùng có khó khăn về nước chuyển vụ sản xuất cho phù hợp tình hình thời tiết và điều kiện sản xuất; có biện pháp duy trì đủ điện cho các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm, nhất là sản xuất, chế biến thủy sản; tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; khuyến khích kịp thời hoạt động chế biến, cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm cho các thành phố lớn trong điều kiện thiếu hụt nguồn cung sản phẩm thịt gia súc hiện nay;
d) Bộ Công thương chủ động làm việc và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng ngành hàng; tăng cường và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn các Hiệp hội ngành đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại theo các đề án cụ thể, mục tiêu rõ ràng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục các biện pháp kiểm soát nhập khẩu các nhóm hàng không khuyến khích, cần hạn chế nhập khẩu.
đ) Các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai các giải pháp hạn chế nhập siêu ngắn hạn và dài hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2600/TTg-KTTH ngày 30 tháng 12 năm 2009; sớm đưa các dự án sản xuất thay thế hàng nhập khẩu vào vận hành; thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình thuộc các dự án cơ khí trọng điểm, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất cấu kiện… để tăng cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu và vật tư cho các ngành sản xuất, giảm tối đa nhập khẩu đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách.
e) Giao Bộ Công thương chủ trì làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để nắm tình hình và nhu cầu vốn sản xuất của từng ngành hàng; chủ động làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tháo gỡ cụ thể cho từng ngành hàng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Về những kiến nghị của Bộ Công thương
a) Về việc thực hiện các dự án đầu tư các sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công thương làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để bố trí vốn thực hiện; trường hợp có khó khăn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Về Đề án cho vay xuất khẩu ngắn hạn có mục tiêu, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
c) Về kinh phí hỗ trợ cuộc vận động tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, Bộ Công thương thu xếp, điều phối từ nguồn hỗ trợ Chương trình xúc tiến thương mại nội địa 2009 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
d) Việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu làm nhà ở khu vực nông thôn, thực hiện theo quy định hiện hành tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công thương chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân để thực hiện từ quý III năm 2010; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
đ) Về việc thực hiện các biện pháp, nội dung liên quan đến thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu theo chủ trương của Chính phủ, yêu cầu Bộ Công thương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và làm việc với từng ngành hàng để xử lý từng nội dung cụ thể; báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.