VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2013 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Ngày 21 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại thành phố Cần Thơ; thăm và làm việc với trường Đại học Cần Thơ; dự lễ Mít tinh Ngày Nước thế giới; Lễ khai mạc Hội thảo ASEM về quản lý nguồn nước và lưu vực sông. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngoại giao, Y tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2012, quý I năm 2013; nhiệm vụ, giải pháp năm 2013 và một số kiến nghị của Thành phố; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ về xử lý kiến nghị của Thành phố; ý kiến lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và các kết quả đã đạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Cần Thơ. Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực nên Thành phố đã đạt được các kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 11,55%; trong đó, công nghiệp tăng 4,6 %, dịch vụ tăng 17,7%; nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cả về năng suất và chất lượng, sản lượng lúa đạt hơn 1,3 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách đạt trên 5.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 34.400 tỷ đồng; đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,92%, thấp hơn so với cả nước.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, xoá đói, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ: đã giải quyết việc làm trên 51.000 lao động; đào tạo nghề cho trên 36.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,23%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,19%; cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư, mở rộng; chất lượng giáo dục được nâng cao; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường; thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn; công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thành phố Cần Thơ vẫn còn nhiều bất cập, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, cảng; quy mô công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng còn nhỏ; là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, thủy sản nhưng sức cạnh tranh, hàm lượng khoa học công nghệ của các sản phẩm còn thấp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, số giường bệnh thấp hơn bình quân chung của cả nước.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Về cơ bản, nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp của Thành phố đã đề ra. Trong thời gian tới, Thành phố cần phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra nhằm tiếp tục đưa Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị của vùng đồng bằng sông Cửu Long; lưu ý làm tốt một số việc sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; cụ thể hóa và có giải pháp đồng bộ để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP , số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho.
2. Tập trung chỉ đạo rà soát, tính toán phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ du lịch… Có các giải pháp đổi mới giống cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa.
3. Tăng cường huy động và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư thông qua các hình thức; đồng thời có biện pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn ngân sách nhà nước.
4. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, lâu dài, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, cần huy động mọi nguồn lực trong dân để thực hiện. Việc xây dựng nông thôn mới phải gắn với việc giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí của người dân, tạo việc làm ổn định và đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030: Thành phố tiếp thu ý kiến các Bộ, sớm hoàn thiện thủ tục theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Về việc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Hungary: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Y tế và thành phố Cần Thơ nghiên cứu kỹ các nội dung, kiến nghị của phía Bạn, để tiến hành đàm phán bảo đảm dự án sớm triển khai thực hiện; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về việc bố trí vốn đối ứng ODA cho dự án Vườn ươm công nghệ Công nghiệp: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương bổ sung dự án vào danh mục dự án ODA giai đoạn 2012 - 2015, trên cơ sở đó xem xét, bố trí vốn đối ứng cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc hỗ trợ vốn cho dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui: trước mắt, Thành phố tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đã được giao; đối với việc hỗ trợ vốn tiếp theo, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải căn cứ tiến độ dự án xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về dự án Kè sông Cần Thơ (đoạn Bến Ninh Kiều - cầu Cái Sơn và đoạn cầu Quang Trung - cầu Cái Răng):
- Thành phố tập trung triển khai thực hiện kế hoạch vốn đã được giao trong năm 2013; trường hợp đã giải ngân hết, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ứng nốt số vốn đã được giao trong kế hoạch giai đoạn 2013 - 2015 để đầu tư xây dựng tuyến kè bờ bên trái.
- Đối với việc bổ sung số vốn còn thiếu cho giai đoạn 2013 - 2015: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất phương án bổ sung vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, Thành phố chủ động sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ.
6. Về hỗ trợ vốn cho dự án mở rộng quốc lộ 91: giao Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 91; chủ trì, phối hợp với Thành phố triển khai thực hiện dự án theo quy định.
7. Về việc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng thêm một đơn nguyên cầu Quang Trung: Thành phố hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất nguồn cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về hỗ trợ vốn cho dự án Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Y tế và Thành phố Cần Thơ xác định cụ thể cơ cấu nguồn vốn của dự án (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác); trên cơ sở đó đề xuất mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
9. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ thẩm quyền và quy định hiện hành, xem xét, xử lý các kiến nghị sau của Thành phố; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ:
- Tổ chức sơ kết Quyết định 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009-2015.
- Bổ sung vốn cho Thành phố từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước thuộc thành phố Cần Thơ;
- Tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện của Thành phố;
- Triển khai Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ.
10. Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu về chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp của Thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình xem xét cần liên hệ với các cơ chế hiện hành đang áp dụng cho các Khu công nghiệp, Khu kinh tế để vận dụng cho phù hợp
11. Bộ Giao thông vận tải xem xét, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý nguồn vốn đầu tư dự án Luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu (Quan Chánh Bố) và nạo vét luồng Định An; đồng thời nghiên cứu việc mở thêm các tuyến bay nội địa, quốc tế để phát huy hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ. Đối với việc nạo vét luồng Định An, Bộ có chỉ đạo, kiểm tra kỹ phương án xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.