VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2012 |
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Ngày 23 tháng 3 năm 2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội về Đề án tái cơ cấu và Chiến lược phát triển đến năm 2020. Cùng dự làm việc có đại diện các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo về tình hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội từ khi thành lập đến năm 2011, dự thảo Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2020, dự thảo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Chính sách xã hội và ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
1. Về nội dung đánh giá kết quả 9 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Đồng ý cơ bản với báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội do đồng chí Tổng giám đốc trình bày và ý kiến bổ sung của các đại biểu. Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả, đóng góp vào thành tích chung của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo.
b) Về kết quả đạt được: Ngân hàng chính sách xã hội cần tập trung phân tích, đánh giá kỹ thêm về kết quả 9 năm hoạt động trên các nội dung chính như sau:
- Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
- Quy mô tín dụng chính sách xã hội ngày càng mở rộng; mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội từng bước được hoàn thiện; chất lượng tín dụng được nâng cao; phương thức quản lý tương đối phù hợp với từng giai đoạn, từng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển chung của đất nước.
- Thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần tích cực vào thành tựu chung về kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
c) Về các tồn tại, hạn chế: Ngân hàng Chính sách xã hội cần phân tích trên một số nội dung như sau:
- Nhu cầu về tín dụng chính sách lớn, nhưng nguồn lực thì có hạn, gây áp lực đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc huy động và cân đối vốn.
- Đối tượng thụ hưởng, mức độ và phương thức hỗ trợ tín dụng còn chưa hợp lý, thiếu thống nhất; một số nơi vẫn còn tình trạng cho vay sai đối tượng.
- Chưa có cơ chế tài chính (cơ chế xử lý rủi ro, hỗ trợ thu hồi nợ khó đòi,…) thực sự phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
d) Với kết quả đạt được qua 9 năm hoạt động, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chúc mừng và biểu dương kết quả công tác của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, của toàn thể cán bộ, viên chức trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ, ngành liên quan cần sớm có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.
2. Về dự thảo Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2020:
a) Chiến lược phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội cần bám sát, cụ thể hóa nội dung của Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội 10 năm mà Đảng ta đã đề ra, xác định rõ Ngân hàng Chính sách xã hội là một công cụ chính, trụ cột và rất cần thiết trong công cuộc xóa đói giảm nghèo không chỉ trong 10 năm tới mà là cả một quá trình lâu dài.
b) Chính sách tín dụng xã hội cần được tập trung để phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn, gắn tín dụng chính sách với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tăng tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với những đối tượng khác, cần có các giải pháp hỗ trợ phù hợp với khả năng của ngân sách và tình hình phát triển của đất nước. Hình thức và mức độ ưu đãi cần được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, đối tượng khó khăn nhiều thì được ưu đãi nhiều, đối tượng khó khăn ít thì hưởng mức ưu đãi thấp hơn. Cần có chỉ tiêu đánh giá chất lượng phù hợp đối với tín dụng chính sách xã hội.
c) Trong chiến lược cần có định hướng về cơ cấu nguồn vốn phù hợp, trong đó xác định nguồn vốn chủ yếu là do Chính phủ cấp. Ưu tiên cho Ngân hàng Chính sách xã hội được vay hoặc tạm ứng từ các nguồn vốn nhàn rỗi, lãi suất thấp hoặc không lãi. Xây dựng lộ trình cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong 10 năm trên cơ sở cân đối các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn ODA, nguồn viện trợ, hoặc các nguồn vốn giá rẻ khác, đảm bảo cho Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động chủ động, ổn định. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đảm bảo nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao.
d) Cần có cơ chế khoán tài chính ổn định trong từng giai đoạn, có cơ chế quản trị phù hợp với hoạt động đặc thù, có quỹ dự phòng rủi ro, cơ chế cấp bù thích hợp để phát huy tính chủ động và đảm bảo khả năng đánh giá hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có cơ chế khoán, phân phối tiền lương, thưởng, phúc lợi phù hợp với đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm khuyến khích và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên.
đ) Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tốt về đạo đức nghề nghiệp, học tập tấm gương của bác Hồ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp với phương thức hoạt động.
e) Chiến lược cần khẳng định và xác định rõ vai trò, nghĩa vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức hội, đoàn thể.
3. Về Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Chính sách xã hội:
Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vì vậy nội dung cơ cấu cần phù hợp với đặc thù hoạt động, về cơ bản được tiến hành theo những nội dung đã được xác định trong Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2020, bao gồm ba nội dung chính là: tái cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính; củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; hoàn thiện công tác quản trị và điều hành.
4. Về các kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Về Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2020 và Đề án tái cơ cấu đến năm 2015: Trên cơ sở các gợi ý nêu trên, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
b) Đồng ý Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động.
5. Về nguồn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm, đảm bảo nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách mà Chính phủ đã ban hành.
b) Để đảm bảo nguồn vốn ổn định cho Ngân hàng Chính sách xã hội ngay từ năm 2012, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2012 phương án tổng thể đảm bảo nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách mà Chính phủ đã ban hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận : |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.