VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2017 |
Ngày 27 tháng 12 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2017 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam kết luận như sau:
1. Về kết quả thực hiện công tác người cao tuổi năm 2016
Năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, đoàn thể, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách, chương trình về người cao tuổi đạt nhiều kết quả nổi bật. Tất cả người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp đều đã được nhận trợ cấp đầy đủ và đúng thời gian theo quy định; thực hiện việc trợ cấp hàng tháng cho 1.598.934 người cao tuổi thuộc diện chính sách; thực hiện nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội lên 270.000 đồng đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc hộ nghèo từ ngày 01 tháng 01 năm 2016; trên 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; 855.275 người cao tuổi được khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, 598.135 người cao tuổi được khám mắt, 104.840 người cao tuổi được chữa mắt miễn phí; nhiều tỉnh đã triển khai thực hiện giảm giá vé đường bộ, đường thủy cho người cao tuổi như Lai Châu, Bắc Cạn, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đà Nẵng; các hãng hàng không, đường sắt áp dụng giảm 15% giá vé với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng.
Nhiều tỉnh triển khai thực hiện tốt các mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng như các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Hà Giang và Bến Tre.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người cao tuổi còn một số khó khăn tồn tại
Việc triển khai các hoạt động của một số Bộ, ngành, địa phương đối với công tác người cao tuổi vẫn còn hạn chế, chưa chủ động lồng ghép các hoạt động của ngành với công tác người cao tuổi. Đặc biệt là sự phối hợp của các thành viên Ban công tác người cao tuổi ở địa phương còn chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ; một số tỉnh chưa kiện toàn Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh, chưa có quy chế hoạt động và thành lập Ban công tác người cao tuổi cấp huyện theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2014/TT-BNV ngày 19/9/2014 của Bộ Nội vụ.
Một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi; thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể. Công tác tuyên truyền còn hạn chế chưa kịp thời, thường xuyên, chưa nhận thức đầy đủ về xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và tác động của vấn đề này đối với xã hội.
Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí và triển khai thực hiện khám chữa bệnh định kỳ cho người cao tuổi; chưa chỉ đạo, triển khai thực hiện giảm giá vé thăm quan, di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý theo quy định; phòng đại lý bán vé của các hãng hàng không có nơi chưa thực hiện giảm giá vé máy bay cho người cao tuổi theo quy định tại Thông tư số 71/2011/TT-BGTVT.
Mức sống của người cao tuổi nhìn chung còn thấp, nhiều người còn phải lao động kiếm sống; một số người cao tuổi đang sống trong nhà tạm; đặc biệt ở các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số người cao tuổi có tuổi thọ thấp nên số lượng người được hưởng chính sách trợ cấp xã hội còn ít.
Việc xã hội hóa hoạt động chăm sóc người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như: hỗ trợ miễn giảm thuế, ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ.
Công tác thông tin báo cáo của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có cơ sở dữ liệu về người cao tuổi do vậy gặp nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, cũng như hoạch định và xây dựng chính sách về người cao tuổi.
3. Về những nhiệm vụ cụ thể năm 2017
Các cấp chính quyền, toàn xã hội phải cộng đồng trách nhiệm đối với công tác chăm sóc người cao tuổi. Các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai chỉ đạo, lồng ghép các chương trình, thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo kế hoạch nhiệm vụ đề ra, phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương và các quy định hiện hành; tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 và Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh, nhân rộng mô hình người già sống khỏe; có cơ chế khuyến khích xây dựng một số công trình nhà ở, giao thông phù hợp, tiện dụng cho người cao tuổi. Trong đó, tập trung những vấn đề như sau:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiếp tục hướng dẫn, đẩy mạnh việc thực hiện Luật người cao tuổi, Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; đánh giá, báo cáo thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2017 để tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình. Triển khai thực hiện Đề án củng cố, phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025; Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2015-2025 và tầm nhìn đến 2030; nghiên cứu, đề xuất đổi mới chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi đặc biệt là người cao tuổi là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi sống ở vùng đặc biệt khó khăn.
b) Bộ Y tế: Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy định về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và ưu tiên khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại các cơ sở khám chữa bệnh; ban hành quy trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thường xuyên cập nhật, ban hành danh mục dịch vụ mới cho người cao tuổi. Thống nhất hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở; có văn bản hướng dẫn việc thành lập khoa lão khoa và đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên ngành lão khoa cho cán bộ, nhân viên y tế tại cơ sở. Tăng cường y tế cơ sở trong việc chăm sóc người cao tuổi.
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc niêm yết và thực hiện giảm giá vé thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi theo quy định và khuyến khích thực hiện các biện pháp ưu tiên khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được thăm quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Xây dựng và lan rộng các mô hình rèn luyện sức khỏe người cao tuổi vừa vui, vừa có ích gắn với các hoạt động, sự kiện. Đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa, thể dục thể thao đối với người cao tuổi giai đoạn 2012-2020.
d) Bộ Tài chính: Bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình, đề án đối với người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí trong việc giám sát, đánh giá thực hiện pháp luật về người cao tuổi. Ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có cơ sở bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi) sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn lồng ghép đưa các chỉ tiêu về người cao tuổi vào chương trình mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia; chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm.
e) Bộ Nội vụ: Chỉ đạo, kiểm tra việc kiện toàn Ban công tác người cao cấp tỉnh và thành lập Ban công tác người cao tuổi cấp huyện; quy chế hoạt động theo quy định; Đề xuất bổ sung, sửa đổi Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội.
g) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội khuyến học và các cơ quan liên quan xây dựng và đẩy mạnh chương trình giáo dục phù hợp người cao tuổi.
h) Bộ Giao thông vận tải: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Triển khai các giải pháp tăng cường tiếp cận, ưu tiên người cao tuổi sử dụng phương tiện giao thông, nhà ga, bến đỗ...
i) Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan duy trì và nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về luật pháp, chính sách về người cao tuổi; chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình tăng cường xây dựng các chương trình, chuyên mục về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng.
k) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để người cao tuổi còn đủ sức khỏe, có nhu cầu tham gia vào các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn.
l) Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội trong tổng thể đề án “Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội”; khi xây dựng mới hoặc cải tạo chung cư, công trình công cộng phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em...; tiếp tục triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, trong đó có hộ người cao tuổi thuộc nhóm ưu tiên về nhà ở.
m) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai thực hiện nhằm nâng tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế không thấp hơn bình quân chung của cả nước.
n) Các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Luật, Chương trình hành, động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, các Đề án, dự án thuộc Chương trình, các chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
o) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức thành viên, hội viên tổ chức và tham gia tích cực các phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; lồng ghép việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong các phong trào của cơ quan, tổ chức.
p) Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”, Chương trình: “Mắt sáng cho người cao tuổi”, “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”, “Tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo”; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người cao tuổi và giám sát có hiệu quả việc thực hiện Luật người cao tuổi; đánh giá tổng kết và hướng dẫn xây dựng, phát triển Quỹ “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”; hướng dẫn việc xây dựng, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020 và tăng cường huy động tài trợ cho mô hình này; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc sửa đổi Luật người cao tuổi.
q) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về luật pháp, chính sách đối với người cao tuổi; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Chủ động phân bổ nguồn lực thực hiện đầy đủ các chính sách, chương trình, đề án về người cao tuổi theo quy định; lồng ghép, phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật, Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020, Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020, “Tháng hành động vì người cao tuổi”; Chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, cô đơn không có người phụng dưỡng; huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa trong công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người cao tuổi.
r) Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi tham mưu xây dựng, triển khai các hoạt động theo chương trình kế hoạch năm 2017; kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác người cao tuổi theo kế hoạch; tập huấn, nâng cao năng lực cho Ban công tác người cao tuổi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia, nghiên cứu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc tế Madrid về người cao tuổi; tổng hợp báo cáo, chuẩn bị nội dung báo cáo sơ kết, tổng kết của Ủy ban Quốc gia.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.