VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NĂM 2024
Ngày 28 tháng 02 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện của Đại sứ quán các nước: Đức, Nhật Bản, Anh, Úc, Luxembourg; đại diện Ngân hàng Thế giới (WorldBank), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Giám sát dịch vụ Tài chính Hàn quốc (FSS), Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell, các tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng chỉ định thanh toán, công ty kiểm toán, các hiệp hội nghề nghiệp. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo, ý kiến tham luận các đại biểu dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ý kiến phát biểu tham luận của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với nhiều ý kiến tâm huyết, xây dựng, trách nhiệm, sát với thực tế và đề xuất các giải pháp cụ thể. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Thị trường chứng khoán Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là yếu tố khách quan trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là hàn thử biểu để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế và của các doanh nghiệp, là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, đồng thời là kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
3. Trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
a) Thể chế, cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán từng bước được xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán trong từng thời kỳ.
b) Thị trường chứng khoán không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và hiện đại hóa, cơ cấu thị trường từng bước được hoàn thiện, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh, số lượng các doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán có sự phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ, việc giao dịch chứng khoán được thực hiện thuận lợi, đa dạng trên nhiều nền tảng công nghệ.
c) Thị trường chứng khoán phát triển không ngừng về quy mô, tăng khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp, quy mô vốn hóa thị trường tăng trưởng tích cực, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng tăng, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngày càng được nâng cao.
d) Thị trường chứng khoán phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng thế giới, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập và tiến bộ của thế giới.
đ) Công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường, nhiều vụ việc được điều tra, xác minh, làm rõ, quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng của thị trường chứng khoán và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
e) Nhiều nhà đầu tư tổ chức bao gồm các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đánh giá cao sự tiến bộ, tiềm năng và dư địa phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
4. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển còn có một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được xử lý:
a) Khung khổ pháp lý cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ nhưng phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững.
b) Còn tình trạng làm giá, thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường, một số cán bộ còn vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ.
c) Năng lực phân tích, đánh giá, hiểu biết về tài chính và nhận thức về rủi ro của các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường chứng khoán còn hạn chế.
d) Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác, minh bạch.
đ) Khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành, giám sát thị trường chứng khoán, hệ sinh thái để vận hành thị trường chứng khoán và hỗ trợ giao dịch cho nhà đầu tư chưa đồng bộ, cải tiến, hoàn thiện.
e) Khó khăn, vướng mắc trong triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
5. Quan điểm chỉ đạo, điều hành:
- Thứ nhất, tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
- Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tăng cường nắm bắt tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách kịp thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
- Thứ ba, các cơ quan chức năng thực hiện quản lý, giám sát thị trường chứng khoán bằng pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy luật của thị trường.
- Thứ tư, Chính phủ và các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan theo quy định. Xây dựng Chính phủ kiến tạo để cùng cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư góp sức thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.
- Thứ năm, Chính phủ quyết tâm để thị trường chứng khoán được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và tập trung phát triển nhanh, bền vững theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
- Thứ sáu, thị trường chứng khoán tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế; phát triển hạ tầng, hệ sinh thái của thị trường chứng khoán, xây dựng hệ thống quản lý, điều hành, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
a) Khẩn trương ban hành ngay các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để triển khai kịp thời, hiệu quả, hoàn thành trong tháng 3 năm 2024.
b) Khẩn trương rà soát toàn diện, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công bố thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.
c) Đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.
d) Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phòng, chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững, vận hành an toàn, công bằng, công khai, lành mạnh.
đ) Mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung để thu hút các dòng vốn gián tiếp đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
e) Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin chính thống tạo sự đồng thuận trong xã hội, ổn định tâm lý thị trường và nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo để nâng cao kiến thức tài chính, năng lực phân tích, đánh giá cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
g) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Nghiên cứu, sử dụng các công cụ quản lý thuế phù hợp, công khai, minh bạch đúng quy định gắn với tăng cường chuyển đổi số để chống thất thu thuế.
h) Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với việc niêm yết đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới; Cải thiện chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi Bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh.
i) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và người hành nghề; từng bước nghiên cứu chuyển giao hoạt động tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.
7. Về công tác nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi:
a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xử lý nhanh chóng, kịp thời và có kết quả các vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong tháng 6 năm 2024.
- Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, báo cáo Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2024.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Nghiên cứu triển khai việc thanh toán, bù trừ an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và phù hợp với quy luật của thị trường, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 5 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024.
e) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các quy trình kiểm soát rủi ro, biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống cấp bách, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, quyền lợi cho nhà đầu tư.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bảo đảm sự an toàn, đồng bộ, thông suốt giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
9. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các đơn vị liên quan:
a) Đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” bảo đảm an toàn tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị công ty, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
b) Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các công ty chứng khoán; nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu; tăng cường vai trò tạo lập thị trường theo quy định pháp luật.
c) Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch và các dịch vụ chứng khoán.
10. Đối với tổ chức phát hành:
a) Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
b) Đẩy mạnh đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng mục tiêu phát hành của cơ quan phát hành, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.
c) Đa dạng hóa các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
d) Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh với mục tiêu tạo ra kênh huy động vốn bền vững, lành mạnh.
11. Đối với các nhà đầu tư:
Chủ động cập nhật, nâng cao hiểu biết, kiến thức về thị trường chứng khoán, năng lực phân tích tài chính, đánh giá rủi ro, tăng cường tính trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.
12. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
13. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.