BỘ TÀI
CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/TB-TCT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2024 |
NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC THUẾ NĂM 2024
Căn cứ Quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 2282/QĐ-TCT ngày 31/12/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trên cơ sở nhiệm vụ, chương trình công tác thuế năm 2024, Tổng cục Thuế thông báo phân công triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chương trình công tác thuế trọng tâm và thường xuyên năm 2024 như sau:
I. Nhiệm vụ công tác thuế năm 2024
1. Nhiệm vụ thu ngân sách và thực hiện các chức năng quản lý thuế:
1.1. Nhiệm vụ thu NSNN năm 2024
Toàn ngành tập trung, triển khai công tác hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường quản lý thu ngân sách ngay từ đầu năm để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó: Thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; Thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng. (Vụ DTTT chủ trì; các Vụ/Cục/đơn vị liên quan phối hợp, Cục Thuế DNL và Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
a) Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, đặc biệt là đối với các địa phương có số thu điều tiết về NSTW và những khoản thu thuộc NSTW. Rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu. Bám sát tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, phân tích, đánh giá những tác động từ những chính sách tài khóa, tiền tệ mà các quốc gia thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, dự báo thu từng tháng, quý sát với thực tế phát sinh, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành, cân đối thu chi NSNN. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác dự báo và lập dự toán thu NSNN hướng tới mục tiêu xây dựng được cơ sở dữ liệu, mô hình phân tích, dự báo thu và ứng dụng CNTT trong công tác lập dự toán thu. (Vụ DTTT chủ trì, Cục DNL, Cục Thuế các tỉnh, TP phối hợp thực hiện)
Tiếp tục chủ động nghiên cứu tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất của Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN. (Vụ CS chủ trì, Các Vụ/Cục/đơn vị phối hợp, Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
b) Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, trong đó tập trung các giải pháp mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu: Nghiên cứu các giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách đối với các hoạt động kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; Nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chống thất thu đối với các lĩnh vực như thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, cho thuê nhà, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT; chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, kịp thời. (Các Vụ/Cục/đơn vị, Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
c) Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách. Tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thu NSNN; Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2024. (các Vụ/Cục/đơn vị, Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
d) Trên cơ sở kết quả thu NSNN năm 2023 và dự toán thu NSNN năm 2024 được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao, Cục Thuế DNL, Cục Thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức phân tích, đánh giá kỹ các nguồn thu, dự báo khả năng khai thác tăng thu thông qua công tác chống thất thu thuế; xử lý thu hồi nợ thuế; thực hiện xử lý thu NSNN theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, ...; Đồng thời rà soát, đánh giá tác động của các chính sách đến công tác thu NSNN, đặc biệt là các chính sách mới được ban hành sau thời điểm giao dự toán để xây dựng và đăng ký chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2024 với Tổng cục Thuế, đảm bảo mức phấn đấu thu nội địa năm 2024 phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách qua các năm trên địa bàn. (Cục Thuế DNL, Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
1.2. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT, giúp người nộp thuế dễ dàng tiếp cận, nắm bắt, hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Đánh giá được hiện trạng đang triển khai thực hiện; Đề xuất kế hoạch, lộ trình, phương thức, cách thức tuyên truyền hỗ trợ, có thông điệp rõ ràng được truyền tải tới người nộp thuế theo từng tuần, tháng, quý, năm). Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế; Tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp số thu lớn cho NSNN, từ đó thúc đẩy việc tuân thủ chính sách pháp luật thuế một cách tự nguyện.
b) Chủ động trong công tác truyền thông. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo các chủ đề, sự kiện, các vấn đề nóng, quan trọng cần tập trung định hướng dư luận trong từng thời kỳ. Cập nhật, vận hành hiệu quả Trang thông tin của Tổng cục Thuế phục vụ tốt nhu cầu tiếp cận thông tin của người nộp thuế cả nước. Chỉ đạo, hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý, vận hành trang thông tin tại các Cục Thuế và đánh giá chất lượng, hiệu quả vận hành của các Cục Thuế.
c) Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống 479 Kênh thông tin hỗ trợ NNT. Rà soát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ của người nộp thuế dựa trên nội dung hỏi - đáp đã thực hiện qua 479 kênh thông tin và các kênh tuyên truyền hỗ trợ tại các Cục Thuế địa phương; xây dựng các chương trình hỗ trợ người nộp thuế theo từng phân nhóm người nộp thuế, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và đúng vấn đề cần hỗ trợ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải đáp, hướng dẫn về chính sách và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, cụ thể, không đùn đẩy né tránh. Triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế.
(Vụ TTHT chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị, Cục Thuế các tỉnh, TP thực hiện)
1.3. Công tác đăng ký, kê khai, kế toán thuế, quản lý hoàn thuế GTGT
a) Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế. Nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tiếp theo về công nghệ thông tin, điện tử hóa, số hóa các khâu, các bước để hỗ trợ NNT. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kê khai thuế của NNT, tập trung rà soát, kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, đặc biệt là trong những lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro kê khai không đủ thuế.
b) Xây dựng và triển khai Đề án thống kê thuế nhằm cung cấp dữ liệu phục vụ tốt nhất cho công tác chỉ đạo, điều hành, công tác quản lý thuế và dự báo đánh giá thu ngân sách nhà nước.
c) Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, đảm bảo thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác hoàn thuế theo phương thức điện tử, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động trên toàn quốc đảm bảo phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế tại địa phương. Kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT; Phát hiện kịp thời những trường hợp lợi dụng chính sách để gian lận hoàn thuế; Tập trung triển khai công tác kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro theo Bộ chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT ban hành kèm theo Quyết định 1388/QĐ-TCT ngày 18/9/2023 của Tổng cục Thuế, trường hợp xác định doanh nghiệp có rủi ro cao cần chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để có giải pháp xử lý; Tăng cường sự chủ động trong công tác phối hợp xác minh hóa đơn giữa các cơ quan thuế, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế trong phòng chống gian lận hoàn thuế GTGT; Nghiên cứu triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT (bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoàn thuế GTGT, chủ động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoàn thuế phục vụ cho công tác giải quyết hoàn thuế,…).
(Vụ KK, Ban QLRR, Cục TTKT chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; Cục CNTT và các Vụ/Cục/đơn vị phối hợp, Cục DNL, TTKT, các Cục Thuế địa phương thực hiện)
1.5. Công tác thanh tra, kiểm tra
a) Tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; Xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế GTGT, gian lận sử dụng HĐĐT, khai thác tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ (Golf). Nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chuyên đề chống thất thu trong lĩnh vực tài chính (giao dịch tài chính, chứng khoán, các quỹ đầu tư), các lĩnh vực xã hội hóa như y tế, giáo dục.
b) Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế theo rủi ro; Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của NNT trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi, vi phạm pháp luật. Nghiên cứu ứng dụng AI phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đảm bảo dự báo được số xử lý sau thanh tra, kiểm tra.
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy trình thanh tra, kiểm tra thuế. Hoàn thiện từng bước quy trình đánh giá rủi ro lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và kiểm soát chặt chẽ tính tuân thủ của các đoàn, đội và cán bộ thực thi nhiệm vụ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thanh tra so với mục tiêu, yêu cầu khi lập kế hoạch thanh tra để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ. Tổ chức công tác giám sát đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giám sát thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử. Tăng cường điện tử hóa trong trao đổi thông tin, dữ liệu trong thanh tra, kiểm tra. Nghiên cứu Xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho Cơ quan thuế để báo cáo trình cấp thẩm quyền xem xét.
(Cục TTKT chủ trì, Cục DNL, Vụ DNNCN, Cục Thuế các tỉnh, TP triển khai thực hiện).
a) Tăng cường các biện pháp quản lý đôn đốc, thu hồi, cưỡng chế nợ thuế. Thực hiện phân tích, phân loại các khoản nợ để áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế đảm bảo theo đúng quy trình, quy định. Rà soát, giao chỉ tiêu thu nợ thuế trong năm 2024 cho từng Cục Thuế; Các Cục Thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng Phòng, Chi cục Thuế, từng Đội thuế, từng công chức thuế và hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện. Nghiên cứu xây dựng Đề án tự động hóa các khâu trong công tác Quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế hướng tới mục tiêu thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ quan thuế các cấp trong triển khai thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ, xử lý nợ tại các địa bàn có số nợ thuế lớn, tăng cao.
b) Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan như: cơ quan công an, ngân hàng nhà nước, kế hoạch đầu tư, quản lý thị trường, quản lý xuất nhập cảnh... trong thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN nhằm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và thu khác vào NSNN, hạn chế tối đa nợ mới phát sinh.
(Vụ QLN chủ trì; Cục DNL, Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện)
1.6. Công tác Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn
a) Theo dõi chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp lớn và các khoản thu có dư địa thu lớn; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
(Giao Cục Thuế DNL và Các Cục Thuế địa phương chủ trì thực hiện)
b) Tổ chức theo dõi, đôn đốc và đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN định kỳ và ước thực hiện cả năm 2024 đối với một số khoản thu NSTW (dầu thô, khí thiên nhiên, lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia, thu tiền sử dụng đất, phí và lệ phí thuộc NSTW,...); Theo dõi, tổng hợp, báo cáo khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoản thu tiền sử dụng khu vực biển, khoản thu tiền cấp quyền hàng không do cơ quan Trung ương cấp phép; Theo dõi, bám sát diễn biến về giá dầu để có phương án báo cáo Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ để phục vụ công tác điều hành NSTW năm 2024; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu thu NSNN do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao đối với các khoản thu này.
(Giao Cục Thuế DNL chủ trì, Vụ KK, DT và các Cục Thuế địa phương phối hợp thực hiện)
c) Chủ động rà soát, nắm bắt, nghiên cứu các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn để tham mưu Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính các giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp lớn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính.
(Giao Cục Thuế DNL và Các Cục Thuế địa phương chủ trì thực hiện).
1.7. Công tác Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
a) Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh hướng tới mục tiêu kiểm soát doanh thu để xây dựng mức thuế khoán phù hợp, kiểm soát sử dụng hóa đơn điện tử. Tập trung xây dựng quy trình quản lý thu hiệu quả, đi kèm với các ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng CSDL, phân tích rủi ro để có cơ sở theo dõi, quản lý thuế nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chung cũng như quản lý rủi ro đối với từng nhóm đối tượng người nộp thuế thu nhập cá nhân, hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ... thông qua đó tăng cường công tác quản lý thuế góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
b) Thực hiện các biện pháp quản lý thuế, kiểm tra theo chuyên đề đối với các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân theo ngành nghề, lĩnh vực có tính chất, đặc thù có rủi ro như kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi (thông qua các thương lái, môi giới, đại lý...); cho thuê nhà, giao dịch chuyển nhượng bất động sản, v.v.
c) Tổ chức rà soát, điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp với thực tế kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu NSNN.
(Vụ DNNCN chủ trì, Cục CNTT, TTKT, các Vụ/Cục/đơn vị liên quan và Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện)
1.8. Triển khai hiệu quả Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
a) Xây dựng mô hình quản lý toàn diện hệ sinh thái TMĐT, bao gồm các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT như: chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, các đơn vị logistic, vận chuyển, ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp các dịch vụ về quản lý tài chính, quản lý hệ thống công nghệ thông tin, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT,... với mục tiêu kép là vừa phát triển thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vừa chống thất thu NSNN.
(Vụ DNNCN chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị liên quan, Cục Thuế các tỉnh TP phối hợp thực hiện)
b) Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, áp dụng triệt để chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế nói chung và đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số nói riêng để theo kịp yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý. Tăng cường điện tử hóa, hiện đại hóa các ứng dụng, phần mềm trong thực hiện nghiệp vụ giữa người nộp thuế với cơ quan thuế và giữa cơ quan thuế với cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về TMĐT, trong công tác quản lý đối với TMĐT, hướng tới mục tiêu kết nối 100% các sàn TMĐT và 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế; Kiểm soát hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội. Kiểm soát doanh thu khác ngoài doanh thu từ hoạt động thương mại như doanh thu từ quảng cáo, phần mềm.
(Cục CNTT chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị liên quan, Cục Thuế các tỉnh, TP triển khai thực hiện)
c) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật cũng như các quy trình, quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nguyên tắc: tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, doanh nghiệp vận chuyển, trung gian thanh toán trong việc khấu trừ, kê khai, nộp thuế, phát hành hóa đơn cho các giao dịch TMĐT, đảm bảo quản lý thuế hiệu quả ngay tại nguồn; Hoàn thiện quy trình về việc tiếp nhận, khai thác và xử lý thông tin TMĐT để cơ quan thuế các cấp khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, thông tin, phục vụ quản lý thuế.
(Vụ CS, Vụ DNNCN chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị liên quan, Cục Thuế các tỉnh, TP phối hợp)
d) Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng CP về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ sở dữ liệu về TMĐT từ các nguồn thông tin từ người nộp thuế, thông tin quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp, thông tin từ kết quả thanh tra, kiểm tra và thông tin từ bên thứ ba (các Bộ, ban ngành có chức năng quản lý có liên quan, v.v), tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Cơ sở dữ liệu phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáng tin cậy và phải được rà soát thường xuyên, liên tục.
Tiếp tục đẩy mạnh và triển khai quyết liệt công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân để đẩy nhanh việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quản lý thuế để thực hiện định danh và xác thực điện tử, phục vụ truy vấn thông tin, định danh và xác thực cá nhân, tổ chức một cách chính xác hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế, phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử.
(Vụ DNNCN chủ trì, các Vụ, đơn vị: Cục CNTT, Vụ KK, DNL, TTKT, Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp và triển khai thực hiện)
Hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, trong đó tập trung vào việc trình cấp có thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Thường xuyên rà soát những điểm bất cập, chồng chéo trong quy định pháp luật thuế, các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính để tham mưu sửa đổi và bổ sung kịp thời.
Chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao phục vụ công tác xây dựng các Dự án Luật thuế theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, trong đó tập trung tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng kết quả, tình hình thực hiện các Luật, rà soát đầy đủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để đề xuất, kiến nghị với cơ quan soạn thảo sửa đổi, đảm bảo tính khả thi trong triển khai khi Luật được ban hành. Chủ động triển khai các công việc được phân công khi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn sau khi Luật được thông qua.
Chủ động triển khai kịp thời các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2024 bao gồm các Đề án thuộc thẩm quyền Chính phủ: (1) Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; (2) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ; (3) Nghị định sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết; và các Đề án xây dựng thông tư thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính.
(Vụ CS, Vụ KK, Cục TTKT chủ trì; Các Vụ/đơn vị liên quan và Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện)
2.2. Cải cách thủ tục hành chính
a) Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. (Văn phòng chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị phối hợp thực hiện).
b) Tiếp tục triển khai các đề án về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và TTHC nội bộ; phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề ra (Văn phòng chủ trì, Cục CNTT phối hợp thực hiện).
Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh giải quyết TTHC bằng phương thức điện tử. Tiếp tục triển khai các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy, hoạt động cho thuê nhà; các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến bằng dữ liệu theo thời gian thực. (Cục CNTT, Vụ KK, Vụ DNNCN, Văn phòng, các Vụ/Cục/đơn vị liên quan, Cục Thuế các tỉnh, TP phối hợp, triển khai thực hiện)
2.3. Cải cách tổ chức, bộ máy hành chính
a) Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn bộ máy cơ quan thuế các cấp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
b) Rà soát, xây dựng các Quyết định thay thế các Quyết định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Cục, Vụ, Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế; Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố và chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế.
c) Triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm sau khi được Bộ phê duyệt.
(Vụ TCCB chủ trì, các Vụ/Đơn vị và Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp)
2.4. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
a) Thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Lãnh đạo; đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong ngành theo quy định của Bộ Tài chính.
b) Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, đáp ứng nhu cầu công việc và các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo tổng thể, toàn diện đối với từng chức năng/lĩnh vực công tác và theo suốt quá trình công tác của công chức thuế. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo bồi dưỡng (đào tạo trực tiếp, trực tuyến, hỗn hợp; đào tạo qua ứng dụng, đào tạo qua giảng dạy,...), trong đó tập trung Xây dựng ứng dụng đào tạo, bồi dưỡng công chức thuế, kiểm tra, sát hạch tự động trên hệ thống.
c) Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2024 đối với Cơ quan Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế các tỉnh, thành phố, đảm bảo bổ sung kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cho ngành. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để thu hút nhân tài, đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc.
d) Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính và theo Đề án, Kế hoạch tinh giản biên chế của ngành Thuế.
(Vụ TCCB, Trường Nghiệp vụ thuế chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị, Cục thuế các tỉnh, TP phối hợp và triển khai thực hiện).
2.5. Quản lý tài chính, tài sản nội ngành
a) Quản lý, điều hành dự toán đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc đảm bảo bám sát chủ trương, định hướng quản lý tài chính ngân sách chung của Nhà nước. Phân bổ dự toán theo đúng cơ chế tài chính, quyết định ban hành định mức chi quản lý hành chính của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế theo đúng nội dung, danh mục được Bộ Tài chính phê duyệt.
b) Tổ chức thẩm định, xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục. Tổng hợp báo cáo quyết toán năm của Tổng cục Thuế gửi Bộ Tài chính; Thông báo số liệu quyết toán năm 2023 và công khai quyết toán theo quy định. Công khai dự toán và báo cáo tình hình thực hiện công khai dự toán được giao năm 2024 cho các đơn vị dự toán.
(Vụ TVQT chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị và Cục thuế các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện).
c) Công tác tài vụ Cơ quan Tổng cục Thuế: tham mưu Lãnh đạo Tổng cục phân bổ danh mục dự toán chi tiết theo các nội dung và theo các Vụ, đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục Thuế để làm căn cứ thực hiện; Tổ chức điều hành dự toán, kiểm soát chi, thanh toán các khoản chi đúng chế độ, định mức và bảo đảm đầy đủ hồ sơ, trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định. (Văn phòng chủ trì, Vụ TVQT các Vụ/Cục/đơn vị phối hợp thực hiện).
2.6. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế
a) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ công tác quản lý thuế. Tổ chức quản trị, vận hành tốt hệ thống CNTT, các phần mềm ứng dụng quản lý thuế, nâng cao chất lượng hệ thống đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện từ đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, liên tục và thông suốt, không để xảy ra lỗi hệ thống gây ách tắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT.
Xây dựng Đề án tái cấu trúc CNTT của ngành đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo các quy trình nghiệp vụ mới.
(Cục CNTT chủ trì, Vụ DNNCN, Vụ KK và các Vụ/Cục/đơn vị liên quan phối hợp, Cục DNL và Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
b) Tiếp tục triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đảm bảo vận hành ổn định, thông suốt, an toàn an ninh thông tin và hiệu năng đáp ứng yêu cầu khai thác dữ liệu của cơ quan thuế các cấp. Rà soát, bổ sung các chức năng hỗ trợ cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ. (Cục CNTT chủ trì, Vụ DNNCN và các Vụ/Cục/đơn vị Liên quan phối hợp, Cục DNL và Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện).
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo một cách thực chất; Rà soát, xây dựng CSDL đầy đủ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để đẩy mạnh triển khai, đặc biệt đối với nhóm dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh xăng dầu, phí đường bộ, dịch vụ sân golf, dịch vụ cáp treo, v.v. (Vụ DNNCN chủ trì, Cục CNTT phối hợp, Cục Thuế các tỉnh, TP thực hiện).
Triển khai thực hiện quyết liệt hóa đơn điện tử xuất theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc thanh kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu đảm bảo thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử xuất theo từng lần bán hàng. (Cục DNL chủ trì, Cục Thuế các tỉnh, TP thực hiện).
c) Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng CSDL lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào các mặt công tác quản lý thuế như phân loại hồ sơ hoàn thuế; phân tích, đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử, phân tích rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế, lựa chọn đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra... nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Tổ chức vận hành hiệu quả trung tâm phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử; tiếp tục rà soát nâng cấp, cập nhật ứng dụng cảnh báo xuất khống hóa đơn điện tử (theo hệ số K) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các bộ chỉ số tiêu chí rủi ro và áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; vận hành, triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT theo các Bộ chỉ số tiêu chí trong các nghiệp vụ quản lý thuế.
(Ban QLRR, Cục CNTT chủ trì, Vụ DNNCN, các Vụ/Cục/đơn vị liên quan phối hợp thực hiện)
d) Tiếp tục hoàn thiện và triển khai vận hành hiệu quả trên phạm vi toàn quốc các ứng dụng hỗ trợ phục vụ công tác quản lý thuế: Bản đồ số Hộ kinh doanh; Bản đồ số mỏ tài nguyên, khoáng sản; Bản đồ số đất đai, bất động sản;...
(Vụ DNNCN, Cục DNL chủ trì theo nhiệm vụ được phân công, Vụ KK, Cục CNTT phối hợp, Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện)
3. Triển khai Chiến lược cải cách quản lý thuế đến năm 2030
Tiếp tục thực hiện và giám sát kết quả triển khai Chiến lược cải cách quản lý thuế đến năm 2030 trên cơ sở Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được phê duyệt tại các Quyết định của Bộ Tài chính; các đề án thành phần đã được phê duyệt tại Quyết định của Tổng cục Thuế.
(Ban CC chủ trì, các các Vụ/Cục/đơn vị, Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện).
a) Tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và đa phương về thuế với Cơ quan thuế các nước và tổ chức quốc tế, phục vụ thiết thực tiến trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế; triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về thuế và các nội dung liên quan trong Luật quản lý thuế.
b) Triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động của Đề án về rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam; Xây dựng Bộ nguyên tắc đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần phù hợp với bối cảnh mới của Việt Nam và xu thế quốc tế.
c) Trình Chính phủ phê duyệt chủ trương tham gia “Sáng kiến Châu Á” nhằm nâng cao năng lực trong việc thực hiện các chuẩn mực về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế của Diễn đàn Toàn cầu đã được quốc tế thống nhất và sử dụng để giải quyết vấn đề trốn thuế và các dòng tài chính bất hợp pháp.
d) Phối hợp với các Vụ/đơn vị trong Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để triển khai thực hiện các kế hoạch hành động BEPS với các ưu tiên và lộ trình được Bộ Tài chính phê duyệt: Xây dựng phương án tham gia Hiệp định đa phương MLC (phân chia quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ kinh tế kỹ thuật số - Trụ cột 1); Xây dựng phương án tham gia Hiệp định đa phương STTR áp dụng đối với lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số hoạt động dịch vụ chịu thuế tại nước nhận thu nhập chịu thuế dưới mức 9% (Trụ cột 2).
(Vụ HTQT chủ trì, Vụ CS và các Vụ/Cục/đơn vị liên quan, các Cục Thuế địa phương phối hợp thực hiện).
a) Triển khai công tác kiểm tra nội bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tổng hợp, phân tích, đánh giá các lĩnh vực, địa bàn thường xảy ra vi phạm và các hành vi vi phạm thường gặp của cán bộ công chức để tham mưu các biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời.
b) Tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra xác minh đơn tố cáo thuộc thẩm quyền và hướng dẫn giải quyết tố cáo; tổng hợp những vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại; có văn bản chấn chỉnh kịp thời và chỉ đạo các Cục Thuế tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(Cục KTNB chủ trì, các Vụ/Cục/đơn vị và Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện)
II. Một số chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024: Theo phụ lục 1 đính kèm thông báo này.
III. Các nhiệm vụ triển khai thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ: Theo phụ lục 2 đính kèm thông báo này.
1. Thủ trưởng Các Vụ/Cục/đơn vị, Cục Trưởng Cục Thuế các tỉnh, Thành phố căn cứ nội dung thông báo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương cụ thể hóa thành chương trình công tác tuần, tháng, quý và từng nhiệm vụ chi tiết và phân công cụ thể tại đơn vị để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đầy đủ, đúng tiến độ các công việc được giao. Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng, Lãnh đạo Tổng cục về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Tổng cục Thuế (Văn Phòng) để tổng hợp.
2. Giao Văn phòng là đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc các Vụ/Cục/đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo; Định kỳ tổng hợp báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện của các đơn vị; Kịp thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
3. Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ là cơ sở để đánh giá thi đua năm 2024 đối với các đơn vị.
Trên đây là nhiệm vụ, chương trình công tác thuế trọng tâm năm 2024 của Tổng cục Thuế. Trong quá trình triển khai thực tế phát sinh những nhiệm vụ trọng tâm mới theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ có thông báo điều chỉnh, bổ sung. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo Tổng cục để chỉ đạo, giải quyết./.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.