VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 110/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2024 CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
Ngày 12 tháng 3 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (Ủy ban Quốc gia) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia. Tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia; đại diện các cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tại điểm cầu Trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ban Công tác Người cao tuổi, Ban Đại diện, Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện và đại diện một số cơ quan liên quan.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia) và Hội Người cao tuổi Việt Nam, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia kết luận như sau:
1. Trong năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước1, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt với vai trò tích cực của Hội Người cao tuổi Việt Nam và sự chung tay của các tổ chức và Nhân dân cả nước, công tác người cao tuổi đã đạt kết quả quan trọng, toàn diện. Người cao tuổi tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi để tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị và các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao tại địa bàn, khu dân cư2 ...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác người cao tuổi còn một số tồn tại, hạn chế, như: (1) Đời sống của một bộ phận người cao tuổi vẫn còn khó khăn, nhất là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa; (2) Nguồn lực bố trí cho công tác người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; (3) Chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế; các chính sách đón đầu xu hướng già hóa dân số, dân số già và việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi trong tình hình mới... còn chậm.
2. Thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được nêu trong Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Báo cáo của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung một số nhiệm vụ sau:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Chính phủ trong quý IV năm 2024.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình mới.
- Báo cáo Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất và tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 59/CT-TW ngày 27 tháng 9 năm 1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Chăm sóc người cao tuổi” theo quy định. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng văn bản mới về công tác người cao tuổi phù hợp với yêu cầu mới.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác người cao tuổi, tập trung vào nội dung phát huy vai trò, chế độ, chính sách trợ giúp đối với người cao tuổi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi.
- Chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban Công tác người cao tuổi các cấp theo đúng Quy chế.
b) Bộ Tài chính: bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội Người cao tuổi các cấp theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
c) Bộ Nội vụ: kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn các địa phương thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
d) Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở theo quy định; thống nhất hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên ngành lão khoa, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi; có giải pháp phù hợp đảm bảo 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí duy trì các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về việc triển khai thi hành Luật Người cao tuổi và công tác chăm sóc người cao tuổi; tăng cường xây dựng các chương trình, chuyên mục về ứng phó vấn đề già hóa dân số, dân số già.
e) Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và người dân; ưu tiên giải quyết, chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Trên cơ sở Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư, ban hành kế hoạch hành động, bảo đảm từ nay đến hết năm 2024, hoàn thành việc kiện toàn tổ chức hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi tại cơ sở.
- Phân bổ nguồn lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách về người cao tuổi theo quy định; lồng ghép thực hiện công tác người cao tuổi trong các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan; tiếp tục tổ chức tốt công tác chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, cô đơn không có người phụng dưỡng; huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương.
h) Đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ngân hàng thương mại Quân đội và các cơ quan, tổ chức liên quan vận động nguồn lực thực hiện Chương trình nhân đạo “Mắt sáng cho người cao tuổi” theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án khởi nghiệp, tạo việc làm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để triển khai thực hiện, giúp hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người cao tuổi.
- Tiếp tục xây dựng, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Người cao tuổi với cơ quan quản lý nhà nước các cấp bảo đảm để Hội có điều kiện đại diện cho người cao tuổi tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người cao tuổi; tham gia một số hoạt động, dịch vụ thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật và tư vấn, giám sát các chính sách, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan mở rộng hợp tác quốc tế để tham vấn, khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi bảo đảm thích ứng với giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra hiện nay và giai đoạn dân số già trong thời gian tới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
1 Kết luận số 58-KL/TW ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; triển khai Chương trình hành động quốc gia về NCT và Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với NCT; hỗ trợ việc tham gia bảo hiểm y tế đối với NCT chưa có thẻ bảo hiểm y tế; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT.
2 Cả nước có 733.846 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở. 1.100.000 NCT tham gia phòng chống tội phạm, trật tự an ninh ở địa bàn, khu dân cư. Hơn 95.000 NCT làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.