BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM |
Số: 262-QĐ/TW |
Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014 |
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;
- Bộ Chính trị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như sau:
NGUYÊN TẮC, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM
- Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cấp; việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
- Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
- Kết quả phiếu tín nhiệm đối với cán bộ được công khai trong tập thể lãnh đạo cùng cấp (ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị) và báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với chức danh cán bộ đó.
- Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Những đồng chí có tín nhiệm thấp, tùy theo mức độ sẽ xem xét không quy hoạch chức vụ cao hơn hoặc cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm
2.1- Phạm vi
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy các cấp và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.
2.2- Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm
- Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp.
- Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo ở cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc (cấp cục và tương đương trở lên ở các ban, bộ, ngành Trung ương; cấp sở, cấp huyện và tương đương trở lên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
NƠI LẤY PHIẾU VÀ ĐỐI TƯỢNG GHI PHIẾU TÍN NHIỆM
Điều 3. Nơi lấy phiếu tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với mỗi chức danh cán bộ tối đa ở hai nơi: tại cấp ủy cùng cấp (đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy) và nơi công tác (nêu tại Điều 5 của Quy định này).
Điều 4. Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy
- Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội).
- Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm đối với ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp là: Ủy viên ban chấp hành đảng bộ cùng cấp và đại biểu hội đồng nhân dân (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội).
Điều 5. Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý
5.1- Các chức danh cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý
1- Đối với Tổng Bí thư và đồng chí Thường trực Ban Bí thư: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
2- Đối với Chủ tịch nước
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
3- Đối với Phó Chủ tịch nước: Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
4- Đối với Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước
Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Chủ tịch nước; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước.
5- Đối với Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
6- Đối với các Phó Chủ tịch Quốc hội khác; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội
- Đại biểu Quốc hội (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội).
- Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội.
7- Đối với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
- Đại biểu Quốc hội (đối với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo quy định của Quốc hội).
- Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan Văn phòng Quốc hội.
8- Đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước và Phó tổng Kiểm toán Nhà nước
- Đại biểu Quốc hội (đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Quốc hội).
- Ủy viên Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước; ủy viên ban chấp hành đảng bộ, trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể ở cơ quan Tổng Kiểm toán Nhà nước.
9- Đối với Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
10- Đối với các Phó Thủ tướng Chính phủ khác
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
- Thành viên của Chính phủ.
11- Đối với Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
- Đại biểu Quốc hội (đối với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo quy định của Quốc hội).
- Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Chính phủ; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan Văn phòng Chính phủ.
12- Đối với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an là Ủy viên Bộ Chính trị
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
13- Đối với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và thứ trưởng các bộ, ngành (không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư)
- Đại biểu Quốc hội (đối với bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo quy định của Quốc hội).
- Ủy viên ban cán sự đảng bộ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan bộ; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan bộ; bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) các doanh nghiệp trực thuộc bộ.
14- Đối với Trưởng ban đảng và tương đương là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
15- Đối với Trưởng ban (không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư), phó trưởng ban đảng và cơ quan ở Trung ương: Lãnh đạo cơ quan, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể của cơ quan.
16- Đối với lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Ủy viên Đoàn Chủ tịch (đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); ủy viên ban chấp hành đối với các tổ chức khác.
- Ủy viên đảng đoàn, ủy viên ban chấp hành đảng bộ, trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
17- Đối với Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Ủy viên ban chấp hành đảng bộ, trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan Trung ương Đoàn.
18- Đối với Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ
Trưởng ban, phó trưởng ban, ủy viên chuyên trách, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể của cơ quan ban chỉ đạo.
19- Đối với Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
a) Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (là Ủy viên Ban Bí thư)
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
b) Đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
- Đại biểu Quốc hội (theo quy định của Quốc hội).
- Phó Viện trưởng, ủy viên ban cán sự đảng, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan, trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
c) Đối với Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Chánh án, phó chánh án, viện trưởng, phó viện trưởng; ủy viên ban cán sự đảng; ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan, trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng đoàn thể cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
20- Đối với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (là Ủy viên Ban Bí thư)
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Ủy viên Quân ủy Trung ương.
21- Đối với lãnh đạo cấp trưởng và cấp phó của Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo cấp trưởng: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Lãnh đạo cấp trưởng và cấp phó của đơn vị, ủy viên ban biên tập (Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản), ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể của cơ quan.
22- Đối với bí thư tỉnh ủy, thành ủy là ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố.
23- Đối với bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; ủy viên ban thường vụ là chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố.
- Đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (nếu thuộc đối tượng quy định của Quốc hội).
5.2- Các chức danh cán bộ khác ở Trung ương
1- Đối với lãnh đạo cấp phó: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Lãnh đạo cấp trưởng và cấp phó của đơn vị, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan; trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể của cơ quan.
2- Đối với tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng và tương đương
Tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, ủy viên ban chấp hành đảng bộ tổng cục, trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể ở cơ quan tổng cục.
3- Đối với cục trưởng, phó cục trưởng và tương đương
Cục trưởng, phó cục trưởng, ủy viên cấp ủy đảng của cục (đảng ủy viên hoặc chi ủy viên), trưởng các đơn vị trực thuộc, trưởng các đoàn thể ở cơ quan cục (nếu có).
5.3- Các chức danh cán bộ khác ở địa phương
1- Đối với phó chủ tịch hội đồng nhân dân và phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (không là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy), ủy viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (theo quy định của Quốc hội).
- Giám đốc sở, ngành, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
2- Đối với giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương thuộc tỉnh, thành phố
- Đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội).
- Giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương; ủy viên cấp ủy đảng (đảng ủy viên hoặc chi ủy viên) của sở, ban, ngành; cấp trưởng các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành; trưởng các đoàn thể ở cơ quan sở, ban, ngành.
3- Đối với bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ủy viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố
Thành phần lấy phiếu tín nhiệm tương tự như quy định đối với cấp tỉnh.
5.4- Chủ tịch hội đồng thành viên (quản trị), tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng các tập đoàn, tổng công ty (công ty) nhà nước
Ủy viên hội đồng thành viên (quản trị), tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng; ủy viên ban chấp hành đảng bộ tập đoàn, tổng công ty (nếu tổ chức đảng toàn tập đoàn, tổng công ty) hoặc ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan tập đoàn, tổng công ty; trưởng các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty; bí thư đảng ủy (chi bộ), chủ tịch hội đồng thành viên (quản trị), tổng giám đốc (giám đốc) các tổng công ty (công ty) trực thuộc tập đoàn, tổng công ty; trưởng các đoàn thể của tập đoàn, tổng công ty.
THỜI GIAN, NỘI DUNG, QUY TRÌNH LẤY PHIẾU VÀ TỔNG HỢP KẾT QUẢ PHIẾU TÍN NHIỆM
Điều 6. Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Cụ thể như sau:
- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội.
- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn.
- Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
Điều 7. Nội dung lấy phiếu tín nhiệm và tổng hợp kết quả phiếu tín nhiệm
7.1- Nội dung lấy phiếu tín nhiệm
1 - Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
- Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức.
- Tính trung thực, động cơ trong sáng, công bằng, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc trong công việc; khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ và tự phê bình, phê bình.
- Việc chống tham nhũng, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống và chấp hành chính sách, pháp luật.
- Uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
2- Năng lực thực tiễn
- Kết quả lãnh đạo cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công.
- Tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; năng lực dự báo, xử lý tình huống khó, phức tạp trong phạm vi phụ trách.
- Kết quả, chất lượng tham mưu, đề xuất về lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc trong phạm vi phụ trách.
- Kết quả lãnh đạo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; năng lực phát hiện, đào tạo, sử dụng người có đức, có tài trong công việc.
- Kết quả lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.
7.2- Phiếu tín nhiệm và việc ghi phiếu tín nhiệm
- Phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu ban hành kèm theo Quy định này. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
- Căn cứ vào các tiêu chí theo nội dung lấy phiếu tín nhiệm nêu trên, người ghi phiếu tín nhiệm tự nhìn nhận, đánh giá khách quan về người được lấy phiếu tín nhiệm, để ghi phiếu theo 3 mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
- Phiếu không hợp lệ là phiếu có một trong các trường hợp sau: Phiếu không do Ban Kiểm phiếu phát ra; phiếu có gạch xóa họ tên người được in trên phiếu; phiếu có ghi thêm tên người hoặc các thông tin khác vào phiếu; phiếu không đánh dấu vào ô nào hoặc đánh dấu vào hai hoặc ba ô tương ứng với tên của một người được lấy phiếu tín nhiệm.
7.3- Tổng hợp kết quả phiếu tín nhiệm
- Kết quả phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban Kiểm phiếu tổng hợp như sau: Họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; tổng số phiếu phát ra; tổng số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ; tổng số phiếu tín nhiệm cao và tỉ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về; tổng số phiếu tín nhiệm và tỉ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về; tổng số phiếu tín nhiệm thấp và tỉ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về.
- Đối với cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều nơi, việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định, trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.
Điều 8. Trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lấy phiếu tín nhiệm
8.1- Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo
- Lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.
- Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả tín nhiệm đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
- Quy định và chỉ đạo việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý và kiểm tra, hướng dẫn cấp dưới thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.
8.2- Trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ
- Phối hợp với các cơ quan liên quan, giúp lãnh đạo chuẩn bị việc lấy phiếu tín nhiệm.
- Tập hợp yêu cầu cung cấp thông tin và trả lời yêu cầu cung cấp thông tin, cụ thể như sau:
+ Ban Tổ chức Trung ương tập hợp yêu cầu cung cấp thông tin đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; khi cần thiết phối hợp với các cơ quan có liên quan xác minh về các vấn đề liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trả lời người yêu cầu sau khi xác minh và có ý kiến của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
+ Cơ quan tổ chức cán bộ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập hợp yêu cầu cung cấp thông tin đối với cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm và trả lời người yêu cầu sau khi xác minh và có ý kiến của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
8.3- Trách nhiệm của người được lấy phiếu
Cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến nội dung lấy phiếu tín nhiệm (nếu được yêu cầu); trả lời yêu cầu cung cấp thông tin tới cơ quan tổ chức cán bộ để trả lời người yêu cầu (chậm nhất 3 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm).
8.4- Trách nhiệm của người ghi phiếu
- Tự nhìn nhận, đánh giá khách quan về người được lấy phiếu tín nhiệm để ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh cán bộ theo 3 mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
- Người ghi phiếu tín nhiệm có thể ký tên hoặc không ký tên vào phiếu tín nhiệm.
- Khi có vấn đề cần làm rõ, người ghi phiếu có thể đặt yêu cầu đối với người được lấy phiếu bằng văn bản (chậm nhất là 15 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm).
Điều 9. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm
9.1- Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư
- Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban Kiểm phiếu.
- Bộ Chính trị chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm; Ban Kiểm phiếu phát phiếu; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu.
- Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.
9.2- Đối với ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp
Tiến hành tương tự như lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
9.3- Đối với các chức danh cán bộ khác (nêu tại Điều 5 của Quy định này)
- Cơ quan tổ chức, cán bộ chuẩn bị phiếu tín nhiệm và đề xuất Ban Kiểm phiếu.
- Phiếu tín nhiệm có danh sách cán bộ (thuộc đối tượng lấy tín nhiệm), tiêu chí lấy tín nhiệm và có dấu treo của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của tổ chức, cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
- Ban Kiểm phiếu phát phiếu, dành thời gian cần thiết để hội nghị ghi phiếu, bỏ phiếu; lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo kết quả với hội nghị; niêm phong phiếu và bàn giao cho cơ quan tổ chức cán bộ quản lý, lưu giữ.
- Biên bản kiểm phiếu được lập thành 3 bản; 2 bản gửi cấp trên trực tiếp; 1 bản lưu tại địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị theo chế độ mật.
- Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể kết hợp tổ chức với hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị; trường hợp thật đặc biệt có thể gửi phiếu đến cá nhân và quy định thời gian nhận phiếu.
- Dự hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có cán bộ của các ban xây dựng Đảng (tổ chức, kiểm tra, văn phòng cấp ủy) và cơ quan tổ chức cán bộ của cơ quan nhà nước cấp trên.
Điều 10. Công khai kết quả phiếu tín nhiệm
10.1- Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân sau:
- Thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm của hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
- Tập thể lãnh đạo cấp trên trực tiếp (cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với cán bộ).
- Cá nhân cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
10.2- Cách thức công khai kết quả phiếu tín nhiệm
- Việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có thành phần ghi phiếu tín nhiệm nêu tại Điều 5 của Quy định này.
- Căn cứ vào tình hình cụ thể, cấp có thẩm quyền quyết định công khai tín nhiệm đối với cán bộ ở phạm vi, đối tượng khác.
Điều 11. Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm
- Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
- Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp.
- Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương lãnh đạo, tổ chức thực hiện Quy định này; tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn cấp dưới thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm; tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (qua Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp).
- Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, báo cáo Bộ Chính trị.
- Quy định này thay thế Quy định số 165-QĐ/TW, ngày 18-02-2013 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Tên tổ chức, cơ
quan, đơn vị ……………………….. |
…………., ngày ….. tháng ….. năm 201… |
của ……………
đối với …………
năm 201...
- Thực hiện Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 08-10-2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đề nghị đồng chí thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với các đồng chí có tên dưới đây bằng cách đánh dấu (x) vào ô tương ứng:
STT |
Họ và tên |
Chức vụ công tác |
Tín nhiệm cao |
Tín nhiệm |
Tín nhiệm thấp |
1 |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
……….. |
|||||
n |
|
|
|
|
|
|
Người ghi phiếu |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.