BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM |
Số: 148-QĐ/TW |
Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2024 |
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,
Bộ Chính trị quy định về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, thủ tục, hồ sơ tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (gọi tắt là người đứng đầu cơ quan); cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là cán bộ).
3. Việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Việc tạm đình chỉ đối với các chức danh cấp ủy viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, các chức danh tư pháp, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ủy viên ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của tổ chức.
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, đúng căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, thủ tục, hồ sơ theo quy định.
2. Bảo đảm ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực, gây cản trở việc xem xét, xử lý vi phạm đối với cán bộ. Nghiêm cấm lợi dụng việc tạm đình chỉ công tác vì mục đích cá nhân.
3. Người đứng đầu khi đã có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo thì phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp (hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với những tổ chức đảng không có thường trực cấp ủy) trước khi thực hiện thẩm quyền tạm đình chỉ công tác.
Tạm đình chỉ công tác là việc buộc cán bộ dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời hạn nhất định. Tạm đình chỉ công tác không phải là hình thức kỷ luật.
CĂN CỨ, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC
Điều 4. Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết
1. Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.
2. Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.
4. Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
5. Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Điều 5. Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng
1. Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.
2. Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Điều 6. Thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác
1. Người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới theo Danh mục kèm theo Quy định này khi có một trong những căn cứ được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định. Trường hợp chưa có trong Danh mục thì do người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và quản lý xem xét, quyết định tạm đình chỉ công tác.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
2. Đề nghị cơ quan chức năng, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.
3. Yêu cầu cán bộ bị tạm đình chỉ công tác chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền để phục vụ công tác xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.
Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác
1. Kịp thời ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới khi có một trong những căn cứ được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định này; hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác trong trường hợp không đúng quy định hoặc khi có kết luận không vi phạm, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ.
2. Chịu trách nhiệm về việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác. Công bố quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định hủy bỏ tạm đình chỉ công tác trong cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác và gửi quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định hủy bỏ tạm đình chỉ công tác đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
3. Khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ nếu có nhiều tình tiết phức tạp cần có thời gian tiếp tục xác minh, làm rõ vi phạm của cán bộ thì báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ trước khi gia hạn tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Điều 8. Quyền và trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác
1. Quyền của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác
1.1. Có quyền đề nghị người đứng đầu xem xét lại quyết định tạm đình chỉ công tác nếu có căn cứ xác định việc tạm đình chỉ công tác không đúng quy định.
1.2. Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi được cơ quan chức năng kết luận không vi phạm, không bị xử lý vi phạm.
1.3. Chế độ, chính sách đối với cán bộ trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện như trước thời điểm bị tạm đình chỉ công tác.
2. Trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác
2.1. Chấp hành nghiêm quyết định tạm đình chỉ công tác.
2.2. Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và chấp hành yêu cầu của người đứng đầu, cấp có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.
Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan
Tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm về thông tin, báo cáo, công tác tham mưu, đề xuất, đề nghị tạm đình chỉ công tác và thực hiện việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
THỜI HẠN, THỦ TỤC, HỒ SƠ TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC
Điều 10. Thời hạn tạm đình chỉ công tác
1. Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phải gia hạn thì thời gian gia hạn tạm đình chỉ công tác tối đa không quá 15 ngày làm việc.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng; thanh tra; kiểm tra; kiểm toán; thi hành án.
3. Quyết định tạm đình chỉ công tác đương nhiên hết hiệu lực thi hành khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác.
Điều 11. Thủ tục và quản lý hồ sơ tạm đình chỉ công tác
1. Thủ tục tạm đình chỉ công tác
1.1. Khi xác định có căn cứ tạm đình chỉ công tác được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định này thì chậm nhất sau 2 ngày làm việc, cơ quan (bộ phận) tổ chức cán bộ (nhân sự) có trách nhiệm tham mưu người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
1.2. Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của cơ quan (bộ phận) tổ chức cán bộ (nhân sự), người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
1.3. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày có đủ cơ sở để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác thì người đứng đầu ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
1.4. Quyết định tạm đình chỉ công tác và quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác được gửi đến cán bộ bị tạm đình chỉ công tác, công bố trong cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ và gửi đến cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
2. Quản lý hồ sơ
Quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định hủy bỏ tạm đình chỉ công tác và tài liệu liên quan phải lưu vào hồ sơ cán bộ, được quản lý, sử dụng theo quy định.
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu quy định tại Điều 1 có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới của người đứng đầu; báo cáo kết quả thực hiện về Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị khi có yêu cầu.
3. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan phù hợp với Quy định này.
4. Căn cứ Quy định này, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương quy định cụ thể thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị.
5. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định và báo cáo Bộ Chính trị khi có yêu cầu.
Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
CÁC CHỨC DANH CÓ THẨM QUYỀN TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI
CÁN BỘ CẤP DƯỚI TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT HOẶC KHI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM NGHIÊM
TRỌNG
(Kèm theo Quy định số 148-QĐ/TW, ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị)
I- Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong cơ quan của Đảng
1. Trưởng các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc.
2. Vụ trưởng, cục trưởng và tương đương trực thuộc các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
3. Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; trưởng các ban tham mưu của Đảng ủy Khối; cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
4. Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy; bí thư huyện ủy và tương đương; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; cấp trưởng các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh.
5. Trưởng các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; trưởng, phó đơn vị trực thuộc; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
6. Cấp trưởng các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
7. Bí thư huyện ủy và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó bí thư huyện ủy; bí thư đảng ủy cấp xã; trưởng, phó ban, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của huyện ủy; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc huyện ủy; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp huyện.
8. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh ủy, huyện ủy quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
9. Bí thư đảng ủy cấp xã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó bí thư đảng ủy cấp xã; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp xã.
II- Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong các cơ quan nhà nước
A- Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các ủy viên Hội đồng Dân tộc.
Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các ủy viên Ủy ban.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong Viện Nghiên cứu lập pháp.
2. Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trưởng ban, phó trưởng ban của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện; trưởng ban, phó trưởng ban của hội đồng nhân dân cấp huyện, chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã.
Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã; trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên các ban của hội đồng nhân dân cấp xã.
B- Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Thứ trưởng và tương đương; chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người có chức vụ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
3. Tổng cục trưởng và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc tổng cục và tương đương.
4. Cục trưởng và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
5. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
6. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
7. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong cơ quan chuyên môn trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện.
8. Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
9. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
C- Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong cơ quan toà án, viện kiểm sát
1. Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Toà án nhân dân tối cao; Chánh án Toà án nhân dân cấp cao; chánh án toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương.
Chánh án Toà án nhân dân cấp cao quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp cao; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong Toà án nhân dân cấp cao.
Chánh án toà án nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chánh án toà án nhân dân cấp tỉnh; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong bộ máy giúp việc toà án nhân dân cấp tỉnh.
Chánh án toà án nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chánh án toà án nhân dân cấp huyện; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong bộ máy giúp việc toà án nhân dân cấp huyện.
2. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao.
Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong bộ máy giúp việc viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong bộ máy giúp việc viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
III- Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong các cơ quan khác
1. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
2. Các tổ chức chính trị - xã hội
2.1. Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu các đơn vị trực thuộc. Người đứng đầu các đơn vị trực thuộc tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
2.2. Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu, cấp phó các đơn vị trực thuộc; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị trực thuộc tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh.
2.3. Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.