VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 316/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2010 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ TĨNH
Ngày 4 tháng 12 năm 2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh. Cùng đi với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; thiệt hại do bão lũ gây ra, công tác khắc phục và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra trong thời gian qua, sớm ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất. Năm 2010 mặc dù bị ảnh hưởng lớn do thiên tai nhưng tố độ tăng trưởng GDP của Tỉnh đạt 9,65%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29,1%; xuất khẩu tăng 10,2%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng 27,5% so với năm 2009; thu ngân sách tăng 20,8% so với kế hoạch.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt khá (98,2%); giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,71%; kết cấu hạ tầng miền núi được ưu tiên phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy vậy, Hà Tĩnh vẫn còn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế còn nhỏ; chuyển đổi cơ cấu lao động và ngành nghề khu vực nông thôn chậm và gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư tại các dự án trọng điểm còn nhiều bất cập; cải cách thủ tục hành chính tuy đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục phát huy những thành tưu đã đạt được; đồng thời phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém hoặc những khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để từ đó đề ra giải pháp khắc phục có kết quả trong thời gian tới, Tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ và bố trí ngân sách địa phương để tiếp tục tổ chức chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt có hiệu quả; đồng thời có biện pháp phù hợp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sửa chữa, khôi phục nhanh các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm giống cây trồng, vật nuôi cung cấp kịp thời cho nhân dân tập trung sản xuất vụ Đông Xuân để sớm ổn định sản xuất và đời sống.
2. Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 phải đảm bảo yêu cầu gắn kết quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh với các thị trấn, thị tứ, các đô thị, trung tâm công nghiệp lớn và có tính khả thi cao. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện cho phù hợp quy hoạch chung của Tỉnh và quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
3. Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại 12 xã điểm theo chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, trong đó chú trọng huy động tốt nguồn lực của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các Chương trình, mục tiêu quốc gia, các cơ chế, chính sách,... với phương châm dựa vào nội lực cộng đồng địa phương, Nhà nước hỗ trợ một phần để thực hiện. Triển khai đề án đào tạo nghề cho nông dân, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
4. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong Khu Kinh tế Vũng Áng, khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; đồng thời bảo đảm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân tái định cư và bảo vệ môi trường.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về khắc phục hậu quả lũ lụt:
- Đồng ý hỗ trợ bổ sung cho tỉnh Hà Tĩnh gạo để tiếp tục cứu đói cho nhân dân vùng bị bão lụt; vắc xin phòng dịch gia súc, gia cầm; hóa chất tiêu độc, khử trùng. Giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Tỉnh xác định cụ thể nhu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Tỉnh chủ động sử dụng số giống đã được Trung ương hỗ trợ cung cấp ngay cho nhân dân để sản xuất. Trường hợp còn thiếu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định cụ thể mức kinh phí cần hỗ trợ thêm để mua giống lúa, lạc, ngô, rau phục vụ cho sản xuất vụ Động Xuân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về việc hỗ trợ, trang cấp các phương tiện, thiết bị để phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, xử lý theo quy định.
2. Về khắc phục khẩn cấp 42 công trình thiệt hại do bão lũ: Tỉnh rà soát lại và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, lựa chọn các công trình quan trọng, cấp bách huy động nguồn vốn để làm ngay. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải làm việc với Tỉnh xác định cụ thể tính cấp bách, mức và nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương để Tỉnh khắc phục các công trình bị hỏng do lụt bão, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về đầu tư đường ứng cứu hồ Kẻ Gỗ; đường tránh ngập lũ thành phố Hà Tĩnh - Kẻ Gỗ - Hương Khê: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2242/TTg-KTN ngày 08 tháng 12 năm 2010.
4. Về việc nạo vét luồng lạch các cửa sông chính phục vụ tránh trú bão cho tàu, thuyền; xây dựng các trạm thủy văn ở thượng nguồn; đảm bảo an toàn các hồ chứa, nâng cấp đê sông, đê biển; trồng cây chắn sóng và rừng ngập mặn ven biển; xây dựng hệ thống tiêu thoát lũ, phân lũ của các huyện; xây dựng hạ tầng sống chung với lũ kết hợp xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng bị ngập lũ: Tỉnh làm việc cụ thể với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường xác định sự cần thiết, nguồn và mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về đầu tư các cầu qua sông Ngàn sâu: Tỉnh nghiên cứu để sớm đầu tư xây dựng một cầu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng, bảo đảm an toàn giao thông.
5. Về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ và vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp quốc lộ 15A; xây dụng Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Hệ thống kênh trục sông Nghèn; các công trình an toàn hồ chứa và đường cứu hộ, cứu nạn; các công trình bệnh viện, trường học: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền thì xác định rõ sự cần thiết, tính cấp bách của từng dự án, mức và nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về chủ trương lập dự án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh huyện Hương Khê đến năm 2020: Tỉnh chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện theo đúng quy định.
7. Về tình hình hoạt động khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê: Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê.
8. Về Dự án đầu tư nâng cấp Đài Phát thanh, Truyền hình của Tỉnh: Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục các dự án vận động nguồn vốn ODA để có nguồn vốn thực hiện Dự án.
9. Về hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kết nối với các khu tái định cư của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; vốn giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm các khu tái định cư của Khu kinh tế Vũng Áng: Tỉnh làm việc với các Bộ, ngành liên quan để xem xét, xử lý.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.