ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4255/KH-UBND |
Ninh Thuận, ngày 19 tháng 10 năm 2016 |
Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, cụ thể như sau:
1. Đối với cấp học mầm non
Hiện nay, toàn tỉnh có 89 trường mầm non (72 công lập, 17 tư thục) trong đó có 50 trường có trẻ dân tộc thiểu số (DTTS), với 271 nhóm, lớp. Trong những năm qua, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trong cấp học mầm non, nhất là vùng DTTS đã được quan tâm đầu tư.
Tổng số trẻ DTTS ra lớp: 4.828 trẻ, đạt tỷ lệ 28,5% (trong đó trẻ 0-2 tuổi: 63 trẻ, đạt tỷ lệ 0,8%; trẻ 3-5 tuổi: 4.765 trẻ, đạt tỷ lệ 53,1%; trẻ 5 tuổi DTTS: 3.062 trẻ, đạt tỷ lệ 96,9%).
Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là người DTTS trong cấp học mầm non có 217 người (CBQL: 10; GV: 207); Giáo viên dạy trẻ vùng DTTS có 349 người. Đối với vùng đồng bào Chăm, hầu hết giáo viên là người Chăm dạy trẻ, nên thuận lợi trong giao tiếp, dạy học. Tại vùng đồng bào dân tộc Raglai có trên 200 giáo viên giảng dạy, trong đó có 50 giáo viên là người dân tộc Raglai và 20 giáo viên là người dân tộc Chăm; các nhóm, lớp khác trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với giáo viên.
Số đông trẻ DTTS bắt đầu đến trường từ 5 tuổi do đó thời gian trẻ giao tiếp và học nói tiếng Việt tại trường không nhiều. Môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế, nhất là tại các điểm trường, lớp lẻ.
2. Đối với cấp tiểu học
Toàn tỉnh có 153 trường với 206 điểm trường, trong đó có 93 trường có học sinh là người DTTS, với 16.097 học sinh DTTS; có 03 trường phổ thông dân tộc bán trú; một số trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.
Hiện có 1.366 giáo viên đang trực tiếp dạy học sinh DTTS, trong đó có 793 giáo viên người Kinh (chiếm 58,8%); 480 giáo viên là người DTTS (chiếm 35,1%). Số giáo viên không biết tiếng mẹ đẻ của học sinh là 886 người (chiếm 64,9%); nhiều giáo viên đã được tập huấn về phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai.
Tuy nhiên, số học sinh DTTS được học 2 buổi/ngày còn ít. Đồ dùng, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu thốn, xuống cấp. Nhiều trường và điểm trường thiếu sách, truyện, tài liệu để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Những năm qua, kinh phí và nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn eo hẹp; chưa có chế độ, chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1 trong hè.
Học sinh tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp do không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt nên gặp rất nhiều khó trong học tập, đặc biệt là những trẻ không qua lớp mẫu giáo 5 tuổi. Do không biết tiếng Việt nên những học sinh này khó khăn trong giao tiếp với giáo viên, rụt rè, thiếu mạnh dạn trong các hoạt động, hạn chế trong tiếp thu kiến thức. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều học sinh DTTS lưu ban, bỏ học ở cấp tiểu học.
Trong thời qua công tác dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS có những ưu điểm và hạn chế như sau:
1. Ưu điểm:
- Trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS trong thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và các đoàn thể. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường, đạt chuẩn về trình độ, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu dạy học ở vùng DTTS. Nhiều chế độ, chính sách cho học sinh đã được thực hiện tốt.
- Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở vùng DTTS. Các giải pháp khắc phục trở ngại về tiếng Việt cho học sinh DTTS được đẩy mạnh, như: Dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS trong cấp học mầm non; dạy chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trong hè, trước khi vào lớp 1; tạo điều kiện cho học sinh DTTS học thêm buổi thứ hai; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh thông qua dạy học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết... Ngoài ra, đã đào tạo, bố trí sử dụng 140 giáo viên mầm non, tiểu học hệ cử tuyển người dân tộc Raglai cho 18 xã vùng đồng bào dân tộc Raglai; triển khai bồi dưỡng về tiếng dân tộc cho giáo viên là người kinh công tác ở vùng DTTS.
- Chất lượng dạy học ở vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc. Tỷ lệ huy động ra lớp ngày càng tăng. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm nhiều. Học sinh yếu, kém giảm trong khi học sinh đạt khá, giỏi tăng nhanh. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng đã thu hẹp một bước so với vùng đồng bằng.
2. Hạn chế, bất cập:
- Đến nay, chất lượng dạy học ở vùng DTTS vẫn còn thấp. Số học sinh trong độ tuổi chưa ra lớp và nghỉ học cách nhật vẫn còn cao. Tỷ lệ học sinh yếu, kém còn nhiều; học sinh lưu ban, bỏ học còn khá lớn... Trở ngại về tiếng Việt của học sinh, nhất là học sinh không qua lớp mẫu giáo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh các dân tộc Raglai, K.Ho, Churu ở các lớp đầu cấp tiểu học. Đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ở cấp tiểu học và các cấp học tiếp theo.
- Các điều kiện để triển khai công tác dạy và học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS còn nhiều hạn chế, bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường vùng DTTS còn thiếu nhiều, nhất là cấp học mầm non và giáo viên Anh văn cấp tiểu học. Số đông giáo viên không biết tiếng dân tộc, khó khăn trong giao tiếp với học sinh và phụ huynh.
- Cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi, sách, tài liệu... còn thiếu nhiều. Kinh phí đầu tư cho việc tăng cường tiếng Việt còn hạn chế. Chế độ cho giáo viên dạy chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 lâu nay chưa có. Nguồn lực xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế.
- Nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động tăng cường môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh trong các trường triển khai chưa nhiều.
- Do khó khăn về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất nên số trẻ DTTS được huy động ra lớp ở cấp học mầm non còn quá thấp, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày còn hạn chế.
- Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số xã vùng DTTS, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn chưa quan tâm đúng mức. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa nhiều. Nhận thức, sự quan tâm của nhiều phụ huynh trong việc học tập của con em còn hạn chế.
Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh.
1. Mục tiêu chung:
Tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của địa phương và đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi;
b) Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi;
c) Hằng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt.
1. Đẩy mạnh công tác truyền thông.
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS;
b) Xây dựng và triển khai các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em;
c) Tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em. Biên soạn tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp và học 2 buổi/ngày, bảo đảm chuyên cần.
2. Tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt.
a) Trên cơ sở tài liệu nguồn của Bộ, tổ chức biên soạn các tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp với địa phương, thân thiện với trẻ em người DTTS cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng DTTS;
b) Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt;
c) Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em người DTTS;
d) Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các địa phương phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền, để cán bộ quản lý, giáo viên được tham quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình;
3. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người DTTS, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ của trẻ em người DTTS.
a) Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên người Kinh và người dân tộc khác, dạy trẻ em người DTTS.
b) Xây dựng các mô - đun hướng dẫn giáo viên phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục; phương pháp khai thác, sử dụng, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số trong thực hiện nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học thông qua sách, tranh ảnh, truyện tranh, văn học, văn hóa dân gian, ...
c) Đưa nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận.
d) Tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, tham quan mô hình ở các tỉnh bạn làm tốt.
4. Đẩy mạnh các hoạt động tăng cường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
a) Triển khai tốt việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS ở cấp học mầm non thông qua các hoạt động lồng ghép trong các lĩnh vực theo chương trình giáo dục mầm non;
b) Tổ chức tốt việc dạy chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS ít nhất 4 tuần trong hè, trước khi trẻ vào lớp 1, đặc biệt là trẻ em chưa học qua lớp mẫu giáo, trẻ em các dân tộc Raglai, K.Ho, Churu. Tạo điều kiện cho học sinh DTTS học thêm buổi thứ hai để nâng cao chất lượng; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt;
c) Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh thông qua dạy học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống; phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong nhà trường;
d) Tăng cường giao lưu học sinh giữa các dân tộc để tăng thêm tính đoàn kết, tăng cường giao lưu tiếng Việt cho các em; tổ chức các hoạt động ngoài giờ như trò chơi dân gian, đọc báo Dân tộc và Miền núi, truyện tranh…;
5. Xây dựng và thực hiện một số chính sách.
a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;
b) Nghiên cứu xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
c) Tiếp tục triển khai việc dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học người dân tộc Chăm. Nghiên cứu tổ chức thí điểm việc đưa tiếng dân tộc Raglai vào dạy trong trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc Raglai.
6. Tăng cường công tác xã hội hóa.
a) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn hợp tác khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
b) Huy động cán bộ, chiến sỹ, cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức đoàn thể địa phương, đặc biệt là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội khuyến học, Hội Liên hiệp phụ nữ cùng tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và trẻ em người DTTS.
c) Huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
1. Kinh phí để thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục. Căn cứ vào Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo lập dự toán kinh phí cụ thể cho từng nhiệm vụ từ nguồn chi thường xuyên, thông qua Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 2016 đến 2020 và từ 2020 đến 2025.
2. Các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu, biên soạn tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc phù hợp với từng vùng miền, bồi dưỡng đội ngũ tại địa phương và các nội dung khác của Kế hoạch.
1. Giai đoạn 2016-2020:
- Xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS.
- Rà soát đầu tư xây dựng, mua sắm, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.
- Tổ chức tốt việc dạy chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trong hè, trước khi trẻ vào lớp 1, đặc biệt là trẻ em chưa học qua lớp mẫu giáo, trẻ em các dân tộc Raglai, K.Ho, Churu.
- Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em người DTTS;
- Bồi dưỡng giáo viên dạy trẻ em người DTTS học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác.
- Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS, phục vụ tăng cường tiếng Việt.
- Xây dựng và triển khai các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em.
- Tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người DTTS.
- Tập huấn, bồi dưỡng về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.
- Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người DTTS, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ.
- Hướng dẫn giáo viên khai thác sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
- Hướng dẫn xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình về tăng cường tiếng Việt.
- Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách của địa phương.
2. Giai đoạn 2020-2025:
- Xây dựng, triển khai phần mềm dạy học tiếng Việt.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm.
- Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên dạy trẻ người DTTS
- Đưa nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong Trường Cao đẳng Sư phạm.
- Tổ chức thí điểm, đưa tiếng dân tộc Raglai vào dạy trong trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc Raglai.
- Huy động cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia dạy tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người DTTS; cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị, xã hội tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và trẻ em người DTTS.
- Huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng đồ chơi; kỹ thuật, ... hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Là cơ quan thường trực của Kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trợ giảng và cha mẹ học sinh ở cấp mầm non, tiểu học;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương, hướng dẫn việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên giảng dạy đáp ứng yêu cầu tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS; việc hợp đồng cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho học sinh DTTS.
- Chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận có kế hoạch đưa nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học của nhà trường.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dạy học tăng cường tiếng Việt nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy học;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định; tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến việc tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học DTTS.
2. Sở nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tham mưu phân bổ số lượng giáo viên trên cơ sở đề án xác định vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và đảm bảo theo định mức quy định nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học và các hoạt động tăng cường tiếng Việt, nhất là vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan cân đối, phân bổ vốn đầu tư phát triển để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.
4. Sở Tài chính:
Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu về kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch theo khả năng cân đối ngân sách.
5. Sở Thông tin Và Truyền thông:
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan Báo chí, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tuyên truyền kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.
6. Ban dân tộc tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục, tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người DTTS.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch.
7. Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn:
Hỗ trợ, tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của việc học tập và việc tăng cường tiếng Việt đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học là người DTTS. Tham gia bồi dưỡng tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ người DTTS.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường tiếng Việt trên địa bàn huyện, thành phố trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Căn cứ vào quy định phân cấp quản lý, bố trí kinh phí, bổ sung cơ sở vật chất, các trang thiết bị, đồ dùng, tư liệu... tại các đơn vị trường học;
- Chỉ đạo các ngành chức năng liên quan ở địa phương cùng tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với trẻ em, học sinh DTTS.
- Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm; đề xuất kiến nghị cho Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để tổng hợp báo cáo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
Nơi nhận: |
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.