CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 254/KH-UBND |
An Giang, ngày 11 tháng 5 năm 2017 |
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”;
Căn cứ Quyết định số 3951/QĐ-BNN-KTHT ngày 27/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg;
Căn cứ Chương trình hành động số 251/CTr-UBND ngày 27/5/2016 của UBND tỉnh An Giang về thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020”;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh An Giang, cụ thể như sau:
1. Mục đích
Xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng. Đến cuối năm 2020 có 01 liên hiệp hợp tác xã quy mô cấp tỉnh hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo.
2. Yêu cầu
Tập trung củng cố và phát triển các hợp tác xã hiện có, thành lập mới các hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp nhất là lúa gạo.
Đẩy mạnh, mở rộng hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra nông sản.
Phát triển nâng chất hợp tác xã, mở rộng quy mô hoạt động, liên kết thành liên hiệp hợp tác xã có quy mô hoạt động cấp tỉnh.
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
1. Thực trạng và nhu cầu hỗ trợ của các hợp tác xã thí điểm
a) Thực trạng các hợp tác xã nông nghiệp
Toàn tỉnh An Giang có 01 Liên hiệp hợp tác xã và 107 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN), trong đó có 82 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012; 10 hợp tác xã chưa chuyển đổi và sắp xếp lại hoạt động; 15 hợp tác xã đã ngưng hoạt động nhưng chưa được xử lý. Trong 107 HTX NN có 105 HTX liên quan đến lúa gạo; 01 HTX liên quan đến trái cây và 01 HTX liên quan đến nuôi thủy sản. Tổng số thành viên của hợp tác xã là 9.470 người.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh là 282.773 ha, trong đó diện tích đất sản xuất lúa là 254.486 ha (chiếm 90% diện tích). Diện tích hợp tác xã phục vụ khoảng 38.895 ha.
Theo kết quả phân loại hợp tác xã năm 2016, trong tổng số 107 HTX NN có 16 HTX giỏi (chiếm 15% ); 36 HTX khá (chiếm 34%); 29 HTX trung bình (chiếm 27%); 07 HTX yếu (chiếm 6%); 19 HTX chưa phân loại (chiếm 18%).
(Chi tiết theo phụ lục số 04 kèm theo Kế hoạch).
b) Nhu cầu hỗ trợ của các hợp tác xã nông nghiệp thí điểm
Các hợp tác xã tham gia thí điểm theo Quyết định 445/QĐ-TTg có nhu cầu cần được hỗ trợ về:
- Nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã: 199 người;
- Nhu cầu đào tạo, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật: 169 người.
- Nhu cầu thuê đất: Xây dựng trụ sở 5.129 m2; Sản xuất kinh doanh: 767.729 m2.
- Nhu cầu hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản: 10/12 HTX có nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
- Nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh: 19.050 triệu đồng.
- Nhu cầu hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất: 8.380 triệu đồng.
(Chi tiết theo phụ lục số 05 kèm theo Kế hoạch).
2. Nội dung hỗ trợ để củng cố xây dựng các hợp tác xã thí điểm
Việc hỗ trợ để củng cố, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp thí điểm trên địa bàn tỉnh tập trung vào các nội dung sau:
a) Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ tư vấn, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ các ban, ngành chủ chốt cấp xã, bao gồm:
- Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ, thành viên hợp tác xã với các nội dung kỹ năng quản lý; kỹ năng xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản. Dự kiến mở 12 lớp cho 300 người, kinh phí 575,04 triệu đồng.
- Đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ, thành viên hợp tác xã. Dự kiến mở 04 lớp cho 100 người, kinh phí 191,68 triệu đồng.
- Đào tạo, tập huấn các chuyên đề cho thành viên, cán bộ hợp tác xã. Dự kiến mở 04 lớp cho 100 người, kinh phí 191,68 triệu đồng.
- Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn cho hợp tác xã. Tăng cường tư vấn hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ tư vấn chuyên môn cho hợp tác xã. Dự kiến mở 01 lớp cho 25 người, kinh phí 49,77 triệu đồng.
- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn (lãnh đạo UBND; lãnh đạo các ban ngành, Hội, Đoàn thể; các chuyên viên tư vấn, quản lý, cán bộ khuyến nông...) về hợp tác xã, về kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Dự kiến mở 07 lớp cho 175 người, kinh phí 348,39 triệu đồng.
- Tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã. Dự kiến tổ chức 02 cuộc hội thảo với kinh phí 42 triệu đồng.
(Chi tiết theo phụ lục số 06 kèm theo Kế hoạch).
b) Tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp:
- Huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển hợp tác xã.
- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, viện, trường, doanh nghiệp hỗ trợ các chương trình ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, ứng dụng công nghệ cao cho hợp tác xã.
- Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế phát triển hợp tác xã.
- Củng cố nâng chất hoạt động các Quỹ để hỗ trợ hợp tác xã, mở rộng các hình thức cho vay, thực hiện bão lãnh tín dụng cho hợp tác xã.
- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã.
c) Hỗ trợ thu hút lao động và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ khoa học kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp:
+ Triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút cán bộ trẻ, cán bộ qua đào tạo có trình độ từ cao đẳng trở lên, có chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ quản trị, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu của hợp tác xã về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã. Hỗ trợ một lần tối đa 03 lao động/hợp tác xã về làm việc cho hợp tác xã với thời hạn không quá 03 năm. Dự kiến sẽ hỗ trợ đưa 36 cán bộ về làm việc ở hợp tác xã với kinh phí thực hiện 3.758,40 triệu đồng.
+ Tăng cường cán bộ nông nghiệp ở cơ sở có trình độ chuyên môn phù hợp (ưu tiên cán bộ khuyên nông) đến hỗ trợ kỹ thuật tại các hợp tác xã thí điểm.
+ Nghiên cứu đề xuất chính sách cho phép cán bộ nông nghiệp, viên chức tham gia bán thời gian trong việc quản lý điều hành hợp tác xã trong thời gian nhất định.
+ Gắn kết các Chương trình khuyến nông đào tạo nghề theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt cho cán bộ kỹ thuật và thành viên của các hợp tác xã.
d) Tư vấn trực tiếp cho các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
- Mời gọi các chuyên gia ngành nông nghiệp và các ngành khác liên quan thực hiện việc tư vấn, chuyên gia cho các hợp tác xã. Các hợp tác xã xây dựng hợp đồng tư vấn trực tiếp với các nhà tư vấn, với chuyên gia.
- Hỗ trợ tư vấn cho các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh dài hạn: Dự kiến sẽ hỗ trợ tư vấn cho 12 hợp tác xã với kinh phí thực hiện 92,64 triệu đồng.
đ) Đẩy mạnh truyền thông, phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
- Thông tin đầy đủ và kịp thời các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế hợp tác cho nhân dân. Thực hiện các phóng sự, bài viết về các tấm gương điển hình, mô hình hay trong thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới.
- Xây dựng khẩu hiệu tuyên truyền, panô, áp phích, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về hợp tác xã kiểu mới, tuyên truyền kế hoạch thông qua các hội nghị, hội thảo,...; lồng ghép tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lúa, nếp tỉnh An Giang 2016-2025 và các chương trình dự án khác. Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền 600 triệu đồng.
- Hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; quảng bá thương hiệu; phát triển sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đáp ứng yêu cầu sản phẩm sạch, an toàn và nhu cầu thị trường. Kinh phí dự kiến hỗ trợ 350 triệu đồng.
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ lúa gạo giữa doanh nghiệp với hợp tác xã gắn với mô hình cánh đồng lớn, các mô hình khuyến nông. Dự kiến hỗ trợ 22.000 triệu đồng.
(Chi tiết theo phụ lục số 06 kèm theo Kế hoạch).
e) Hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các hợp tác xã:
Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng cho các hợp tác xã thí điểm theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mức hỗ trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư của dự án và vốn đối ứng của các hợp tác xã với mức đóng góp tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Các hợp tác xã được chọn tham gia mô hình thí điểm được hỗ trợ 01 công trình bình quân 01 tỷ đồng/ HTX. Nội dung hỗ trợ theo Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(Chi tiết theo phụ lục số 06 kèm theo Kế hoạch)
3. Tiến độ thực hiện xây dựng mô hình thí điểm
a) Năm 2016:
Quý IV năm 2016 triển khai các công việc chuẩn bị liên quan đến Đề án theo Quyết định số 445/QĐ-TTg:
- Rà soát, thống nhất lựa chọn hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình thí điểm theo tiêu chí lựa chọn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (danh sách các hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình thí điểm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg theo phụ lục số 02 kèm theo Kế hoạch).
- Hướng dẫn các HTX đã lựa chọn đăng ký nhu cầu hỗ trợ.
- Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các HTX tham gia thí điểm và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg của tỉnh.
- Lựa chọn hợp tác xã tham gia mô hình:
+ Nguyên tắc lựa chọn: các hợp tác xã nông nghiệp tự nguyện tham gia thực hiện thí điểm dựa trên nhu cầu và khả năng tham gia; đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí theo quy định của các Bộ, ngành trung ương; có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và phù hợp với các Quy hoạch, Kế hoạch khác của tỉnh.
+ Số lượng: lựa chọn 12 hợp tác xã trong số các hợp tác xã hiện có.
+ Tiêu chí lựa chọn hợp tác xã tham gia mô hình thí điểm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự điều chỉnh phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh.
b) Năm 2017-2018:
- Cấp tỉnh:
Điều chỉnh, bổ sung thành viên, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Tiểu Ban Tổ chức lại sản xuất và Tổ Điều phối thực hiện thêm nhiệm vụ về phát triển kinh tế hợp tác theo Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh An Giang.
Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối quản lý nhà nước chung về kinh tế hợp tác và triển khai kế hoạch phát triển kinh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối quản lý nhà nước và triển khai kế hoạch phát triển kinh hợp tác trong nông nghiệp.
- Cấp huyện:
Điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện thêm nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác; Phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách kinh tế hợp tác. Phân công cụ thể một số thành viên trong Ban để chỉ đạo thực hiện. Điều chỉnh bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cho phù hợp.
Phòng Tài chính Kế hoạch làm đầu mối quản lý nhà nước chung về kinh tế hợp tác. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố phối hợp quản lý, tư vấn, hướng dẫn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thực hiện thêm nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (như Tổ Điều phối phát triển kinh tế hợp tác cấp huyện), do Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hay Trưởng phòng Kinh tế) phụ trách chính.
Xây dựng, củng cố và phát triển các hợp tác xã thí điểm:
- Triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã thí điểm. Triển khai thực hiện các chính sách phát triển hợp tác xã.
- Tư vấn, hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo Kế hoạch được phê duyệt.
- Tăng cường thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về kinh tế hợp tác, phát triển hợp tác xã kiểu mới.
- Tập trung thực hiện các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý hợp tác xã; cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp.
- Tăng cường hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã.
- Tập trung thực hiện các giải pháp kêu gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển hợp tác xã; xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
- Kiểm tra, giám sát đối với các mô hình HTX thí điểm.
- Sơ kết đánh giá mô hình.
c) Năm 2019 - 2020:
Hoàn thiện mô hình thí điểm hợp tác xã nông nghiệp; mở rộng và phát triển quy mô hợp tác xã:
- Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã thí điểm.
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động bồi dưỡng tập huấn, đào tạo, truyền thông, xúc tiến liên kết sản xuất gắn vơi tiêu thụ.
- Hoàn thiện mô hình, thành lập Liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô hoạt động toàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các mô hình thí điểm.
- Tổng kết mô hình thí điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng việc thí điểm hoàn thiện mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo.
4. Dự toán Kinh phí thực hiện Kế hoạch
Nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch 40.262,60 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 36.716,80 triệu đồng. Thực hiện bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã, hỗ trợ trả lương cán bộ trẻ về làm việc ở hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng mô hình liên kết lúa gạo.
- Ngân sách tỉnh: 3.545,80 triệu đồng (Vốn sự nghiệp 3.545,80 triệu đồng). Thực hiện bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ tư vấn về kinh tế tập thể; hỗ trợ hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; các hoạt động tuyên truyền; hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại; xây dựng mô hình liên kết lúa gạo.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án của trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân khác, cụ thể:
+ Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016.
+ Vốn thực hiện Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lúa, nếp tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 945/QĐ-UBND ngày 05/4/2016 của UBND tỉnh An Giang.
+ Vốn Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại An Giang
+ Vốn thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp.
+ Vốn các Chương trình, Đề án Xúc tiến thương mại: Hỗ trợ kinh phí tham gia xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.
+ Vốn từ các chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực khác, các tổ chức, cá nhân khác.
- Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân.
- Vốn đối ứng của các hợp tác xã theo quy định để thực hiện theo Kế hoạch hỗ trợ được duyệt.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và đơn vị thực hiện; Tổng hợp các đề xuất chính sách đặc thù nhằm phát triển hợp tác xã trình UBND tỉnh quyết định; Tổng hợp nhu cầu kinh phí, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách thực hiện hàng năm.
Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Liên minh Hợp tác xã:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các hợp tác xã tham gia xây dựng mô hình thí điểm.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Kế hoạch; Tham gia phối hợp tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng hợp tác xã. Thực hiện tư vấn hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch của các địa phương; Phát hiện, tổng hợp các vấn đề vướng mắc, kiến nghị của các hợp tác xã thành viên trong quá trình thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch kinh phí để thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ.
Làm đầu mối hướng dẫn các hợp tác xã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục về đầu tư và ưu đãi đầu tư.
4. Sở Tài chính: Hằng năm hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng kế hoạch kinh phí; Xem xét, thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện kế hoạch theo tiến độ.
5. Sở Nội vụ: chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh:
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực về công tác có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện tăng cường cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho các hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian thực hiện thí điểm.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
6. Sở Công thương: Mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị với các HTX, tiêu thụ nông sản; xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn.
7. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư: Hỗ trợ các HTX quảng bá thương hiệu, nhãn mác sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm.
8. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: phát triển các hình thức cho vay của các ngân hàng thương mại theo liên kết chuỗi giá trị và cho vay mua máy, thiết bị.
9. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo chức năng nhiệm vụ. Lồng ghép các chương trình, dự án đang quản lý thực hiện để phát triển hợp tác xã. Xây dựng, đề xuất chính sách cụ thể, chính sách đặc thù thuộc ngành mình quản lý để phát triển hợp tác xã. Phối hợp với các sở, ngành và địa phương để thực hiện kế hoạch này theo chức năng nhiệm vụ được giao.
10. Hội nông dân tỉnh, và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí; Đài phát thanh truyền hình An Giang: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết, tham gia hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã.
11. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; Củng cố, phát triển hợp tác xã; Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã và thí điểm một số mô hình huy động nguồn vốn giữa các HTX. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung, giải pháp của kế hoạch tại địa phương.
(Chi tiết phân công nhiệm vụ theo phụ lục số 01 kèm theo Kế hoạch)
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh An Giang.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.