UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2006/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2006 |
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI "MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG ĐIỂM VỀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI NĂM 2006"
Qua gần hai năm thực hiện đề án, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố, sự tham gia và phối hợp đồng bộ của chính quyền các quận, huyện, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong toàn Thành phố, một số nhiệm vụ trọng điểm về cải thiện môi trường xã hội của Thành phố cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Các chỉ tiêu đề án đặt ra cũng đã được giải quyết, bước đầu làm cho môi trường xã hội Thành phố được cải thiện về các lĩnh vực: vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, chiếu sáng ngõ xóm; nếp sống văn minh và trật tự nơi công cộng đã chuyển biến tích cực; giảm được số vụ tai nạn giao thông, giảm số lượng các điểm ùn tắc giao thông; ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi một số tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm, cướp giật, cờ bạc, đua xe trái phép; tình trạng người lang thang xin ăn đeo bám khách giảm; công tác tuyên truyền vận động, kết hợp tuyên truyền với kiểm tra, xử lý được tăng cường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về vệ sinh môi trường, về chấp hành các luật lệ giao thông, về nếp sống nơi công cộng, nơi cư trứ v.v…
Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, vẫn còn tồn tại tình trạng đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng; công tác xử lý bụi, xử lý nước thải còn nhiều hạn chế; nếp sống văn minh tại các khu vực công cộng có chuyển biến nhưng chưa mạnh; một số tuyến phố văn minh đô thị không còn được duy trì thường xuyên; kế hoạch xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc và xây dựng các chợ còn triển khai chậm; tình trạng đua xe máy vẫn diễn ra; xe quá hạn, xe không đủ tiêu chuẩn an toàn lưu hành trên đường. Nguyên nhân là do: chỉ đạo các quận huyện, các ngành chưa thường xuyên, kiên quyết; công tác xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị còn chưa triệt để, thếiu kiên quyết; các Nghị định, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi và công tác giải phóng mặt bằng khó khăn; tham gia của chính quyền phường chưa đồng đều.
Nhằm giữ vững và phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại nêu trên và để tiếp tục thực hiện đề án số 31ĐA/TU ngày 21/4/2004 của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành kế hoạch "Một số nhiệm vụ trọng điểm về cải thiện môi trường xã hội trong năm 2006" với các nội dung sau:
- Năm 2006, nỗ lực phấn đầu phát huy kết quả đã đạt được của giai đoạn 2004-2005, tiếp tục tạo bước chuyển biến rõ rệt về cải thiện môi trường xã hội, nhất là trên các lĩnh vực: vệ sinh công cộng, trật tự công cộng, giao thông đô thị và phòng chống tệ nạn xã hội nhằm từng bước xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần phục vụ thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Hội nghị cao cấp APEC 2006.
- Tổ chức chỉ đạo quyết liệt, bền bỉ, liên tục theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, tăng cường phối hợp đồng bộ, coi trọng tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên, đảm bảo chế độ báo cáo để đạt kết quả cụ thể, thiết thực.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
Trong năm 2006, cùng với việc đồng bộ triển khai các lĩnh vực công tác của kế hoạch năm Thành phố đã xác định trên cơ sở của đề án, Thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng điểm sau đây:
1.1- Đẩy mạnh tuyên truyền và tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân giữ gìn vệ sinh nơi cư trú, nơi công cộng, người dân không vứt rác ra nơi công cộng, duy trì đều tổng vệ sinh toàn Thành phố vào chiều thứ 6, sáng thứ 7 hàng tuần. Chính quyền các quận, huyện, phường xã tăng cường trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
1.2- Thực hiện đồng bộ các giải pháp của quyết định 02/2005/QĐ-UB các biện pháp giảm bụi về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội và quyết định 241/QĐ-UB bổ sung điều chỉnh về việc ngăn chặn hiện tường các xe chở vật liệu rời không đảm bảo vệ sinh môi trường lưu hành trên địa bàn Thành phố; kết hợp triển khai quy hoạch các điểm được phép kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra xử lý đối với các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng đảm bảo không rơi vãi khi tham gia giao thông; tại các bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng cát sỏi ven sông phải xây dựng điểm rửa phương tiện vận tải tại cửa khẩu trước khi ra khỏi bãi, trước khi ra khỏi công trình xây dựng.
1.3- Thu dọn 95% rác thải sinh hoạt đô thị trong ngày, chôn lấp hợp vệ sinh 100% rác thải sinh hoạt tại khu liên hiệp xử lý CTR Nam Sơn, xử 98% rác thải y tế độc hại, xử lý 30% rác thải công nghiệp độc hại; lắp đặt mới 20 nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực trung tâm, nơi công cộng, sửa chữa nhà vệ sinh công cộng tại bờ hồ phía Đinh Tiên Hoàng; UBND các quận, huyện nghiên cứu đề xuất vị trí lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quản lý. Duy trì công tác xã hội hóa thu gom và vận chuyển rác thải tại 5 quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ; tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường ở các huyện ngoại thành; thực hiện cơ chế đặt hàng vệ sinh môi trường trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Giải quyết 7 điểm úng ngập cục bộ tại quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Đống Đa.
1.4- Tiếp tục triển khai xử lý chống ô nhiễm 2 bệnh viện (bệnh viện Đống Đa và bệnh viện Phụ sản), 2 nhà máy (nhà máy Rượu và nhà máy dệt 8/3). Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương xây dựng kế hoạch xử lý chống ô nhiễm và di dời 3 bệnh viện của trung ương đóng trên địa bàn.
1.5- Tăng cường giám sát xử lý nước thải và cấp phép xả thải vào hệ thống thoát nước Thành phố. Kiểm tra các điểm xả nước thải có lưu lượng lớn gồm khu công nghiệp, khu đô thị; Thực hiện cống hóa các mương Nghĩa Đô và chuẩn bị cống hóa các mương Nguyễn Văn Huyên, Thành Công, Nguyên Hồng,… để phục vụ công ích, bãi đỗ xe nhưng đảm bảo duy trì thoát nước.
1.6- Thực hiện các kế hoạch phát triển tăng công suất nước máy sinh hoạt, giảm thất thu thất thoát, đảm bảo 92% người dân ở các quận được dùng nước máy; cải tạo nâng cấp trạm nước nông thôn đủ chất lượng và đáp ứng 80% dân các huyện dùng nước sạch.
1.7- Tiếp tục củng cố và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng các nhà tang lễ, các nghĩa trang của Thành phố đảm bảo thuận tiện, vệ sinh môi trường chung. Triển khai kêu gọi xã hội hóa 1 nhà tang lễ khu vực Gia Lâm.
1.8- Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây trong năm 2006. UBND quận Tây Hồ xây dựng trình Thành phố ban hành quy chế quản lý hồ Tây; hoàn thành công viên Tuổi trẻ giai đoạn I năm 2006, công viên Yên Sở giai đoạn I năm 2008, hoàn thành hồ Láng Thượng. Xây dựng đề án để triển khai tận dụng đất nhỏ lẻ tạo không gian xanh.
1.9- Tiếp tục lắp đặt chiếu sáng ngõ xóm trên địa bàn 2 quận Long Biên, Hoàng Mai đạt 70%. Thí điểm triển khai lắp đặt chiếu sáng ngõ xóm cho các ngõ dưới 2m tại một số khu vực trên địa bàn các quận nội thành.
1.10- Triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và các giải pháp về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
1.11- Ban Chỉ đạo 197, Công an thành phố, Sở Giao thông công chính tăng cường kiểm tra, xử lý về trật tự đô thị, chống đua xe trái phép.
2.1- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương (khóa VIII) triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đưa các nội dung cuộc vận động vào tiêu chuẩn thi đua ở khu dân cư, đơn vị, trường hợc, cơ quan. Thực hiện hết năm 2006 có trên 85% gia đình đạt tiêu chuẩn "gia đình văn hóa".
2.2- Xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị tại một số khu vực trọng điểm, nơi tập trung đông người và khách tham quan như khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ, xung quanh Hồ Tây và các tuyến đường trục các khách sạn có nhiều khách nước ngoài. Triển khai các đợt cao điểm xử lý hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị trước các hội nghị SOMI, SOMI IV – APEC 2006.
2.3- Triển khai các nội dung của quyết định 68/2005/QĐ-UB ngày 13/5/2005 về các tuyến phố văn minh – đô thị; Chủ tịch UBND các quận rà soát, chấn chỉnh và ban hành quyết định công nhận các tuyến phố văn minh đô thị theo tiêu chí mới.
2.4- Tăng cường quản lý nhà nước đối với thông tin quảng cáo, các sản phẩm văn hóa. Đảm bảo cơ bản các cơ sở quảng cáo, dịch vụ văn hóa không phép vi phạm phải được phát hiện, xử lý; tập trung xử lý quảng cáo tấm lớn vi phạm quy định trên các tuyến sân bay quốc tế Nội Bài đến trung tâm Hà Nội, cát nút giao thông.
2.5- Triển khai điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đầu tư xây dựng và quản lý chợ gắn với trung tâm thương mại, siêu thị; tiếp tục triển khai cải tạo nâng cấp hệ thống chợ đã có; xóa bỏ 35 chợ tạm, chợ cóc; xây dựng và cải tạo từ 5 – 10 chợ; kiểm tra, xử lý các lò giết mổ gây ô nhiễm môi trường và triển khai xây dựng các lò giết mổ theo kế hoạch, quy hoạch; tiếp tục hướng dẫn thực hiện tốt tiêu chí văn hóa kinh doanh trung tâm thương mại và chợ, sắp xếp lại các chợ đảm bảo "An toàn – Văn minh - Hiệu quả"; hướng dẫn chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý sang doanh nghiệp. Đầu tư quản lý khai thác chợ nhằm phát huy hoạt động có hiệu quả.
3.1- Tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện luật giao thông đường bộ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ; các quyết định, chỉ thị của Thành uỷ; nghị quyết của HĐND, UBND Thành phố về Trật tự an toàn giao thông đô thị.
3.2- Hoàn thiện quy trình xử lý về tổ chức giao thông, kiện toàn tổ công tác liên ngành kiểm tra, nghiên cứu và tổ chức giao thông để giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố. Xây dựng phương án tổ chức giao thông tổng thể Thành phố Hà Nội, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.
3.3- Thực hiện 11 tuyến xã hội hóa vận chuyển hành khách bằng xe buýt; triển khai thực hiện thí điểm xã hội hóa cống hóa 1 đến 2 tuyến mương thoát nước làm điểm đỗ xe, trong đó đưa điểm cống hóa đoạn mương Nghĩa Đô vào khai thác;
3.4- Hoàn thành và đưa vào sử dụng nút Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở (19/5/2006) thông xe cầu vượt); đường vành đai I Kim Liên – Ô Chợ Dừa giải quyết giao thông hướng đông tây Thành phố; hoàn thành đường Lạc Long Quân, La Thành – Thái Hà, các công trình trọng điểm phục vụ APEC 2006. Lắp đặt thêm 27 nút đèn tín hiệu giao thông thuộc dự án tăng cường năng lực giao thông (20 nút) và các đèn tín hiệu giao thông độc lập (07 nút). Tổ chức điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông 3 pha, lệch pha, đúng chu kỳ.
3.5- Tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự giao thông, tăng cường thực hiện chỉ thị 01/CP của Chính phủ về chấn chỉnh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xóa bỏ bến cóc, xe dù; xử lý phương tiện giao thông quá liên hạn sử dụng; xử lý các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trái phép; tổ chức giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hè đường và sắp xếp bố trí các điểm đỗ xe để tăng khả năng đỗ xe; đảm bảo trật tự an toàn giao thông nơi diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, Hội nghị APEC – 2006 tại Hà Nội.
3.6- Hoàn thành Trung tâm đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe của Thành phố tại Sóc Sơn theo tiêu chuẩn quốc gia; tăng cường quản lý nhà nước trong công tác kiểm định các phương tiện thủy, bộ.
4.1- Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lấy chủ động phòng ngừa từ cơ sở, từ gia đình là biện pháp chỉ đạo; giáo dục ý thức tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản; giáo dục cho đạo đức, lối sống trong thanh niên, học sinh v.v… quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại cộng đồng dân cư.
4.2- Quản lý tốt số người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội lao động, kinh doanh. Tập trung nuôi dưỡng người lang thang ăn xin, đeo bám khách du lịch.
4.3- Kiểm tra, rà soát để tăng cường quản lý dân cư các khu đô thị mới nhằm gắn quản lý hành chính với quản lý địa phương.
4.4- Đẩy mạnh triển khai kế hoạch liên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Du lịch, Văn hóa – Thông tin giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin, đeo bám khách du lịch trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương, các Tỉnh thành xây dựng cơ chế quản lý các khu vực trọng điểm tham quan, du lịch, đền chùa, di tích lịch sử - văn hóa.
4.5- Chủ động nắm bắt tình hình, không để phát sinh các "xóm liều", các tụ điểm phức tạp về hình sự, ma tuý; tập trung xóa các "xóm liều", các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, nhất là các khu vực nhạy cảm, các khu đô thị mới.
4.6- Phát hiện, đấu tranh, trấn áp, xử lý tội phạm hình sự. Tập trung trấn áp bọn lưu manh chuyên nghiệp, hoạt động theo băng, nhóm; bọn côn đồ hung hãn, đâm thuê, chém mướn, sử dụng vũ khí "nóng" để phạm tội hoạt động trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh, các khu đô thị mới; khám phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý, các đối tượng tàng trữ, bán lẻ ma tuý gây nhức nhối dư luận; không để hình thành các tụ điểm phức tạp về mại dâm, cờ bạc, nghiện hút. Tiếp tục giải quyết xong cơ bản tệ nạn ma tuý tại 3 địa bàn trọng điểm (Trung Phụng, Phúc Tân, Bạch Mai).
4.7- Duy trì 49 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn mới, 20 xã không có ma tuý. Năm 2006 xây dựng 18 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn mới; xây dựng mới phường xã không có ma tuý.
III. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Giao nhiệm vụ cho các Sở, Ngành triển khai xây dựng, thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị:
- Sở Giao thông công chính là cơ quan thường trực, giúp UBND Thành phố Hà Nội theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ Thường trực UBND Thành phố, Ban Thường vụ Thành uỷ - 6 tháng, 1 năm. Đồng thời, Sở Giao thông công chính lập kế hoạch, giải pháp thực hiện:
+ Đảm bảo vệ sinh môi trường: thu gom rác, đất, phế thải, chống bụi, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng.
+ Giữ gìn trật tự và vệ sinh ở nơi công cộng.
+ Về cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, công viên – cây xanh, vận tải hành khách công cộng.
+ Về giao thông đô thị: duy trì và xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, tổ chức giao thông, phối hợp Công an Thành phố hướng dẫn giao thông, xử lý vi phạm… giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
+ Giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc trong lĩnh vực giao thông công chính.
- Sở Tài nguyên và Môi trường nhà đất lập kế hoạch, giải pháp thực hiện:
+ Tăng cường kiểm tra, kiểm sát các dự án công trình đã đánh giá tác động môi trường của các đơn vị trên địa bàn thành phố.
+ Tiếp tục kiểm soát việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngầm, nguồn gây ô nhiễm nước măt và xử lý vi phạm.
+ Tăng cường kiểm tra, xử lý các nguồn chất thải rắn nguy hại công nghiệp.
- Sở Xây dựng lập kế hoạch, giải pháp thực hiện: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, hoạt động các lò gạch, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường.
- Sở Văn hóa thông tin lập kế hoạch, giải pháp thực hiện:
+ Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư.
+ Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nếp sống văn minh đô thị.
+ Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm dịch vụ văn hóa, quảng cáo tấm lớn, quảng cáo rao vặt, karaoke, vũ trường…
+ Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn VSMT, trật tự nơi công cộng nếp sống văn minh đô thị.
+ Xây dựng văn bản pháp quy thay thế Quyết định 10/QĐ-UB.
+ Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 11/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch văn hóa công cộng.
- Sở Thương mại lập kế hoạch, giải pháp thực hiện:
+ Tăng cường quản lý các tuyến phố văn minh đô thị.
+ Chương trình quản lý, cải tạo hệ thống chợ, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm.
- Sở Lao động thương binh và Xã hội lập kế hoạch, giải pháp thực hiện:
+ Phối hợp các Ngành, các Tỉnh, Thành phố giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn, đeo bám khách du lịch.
+ Phối hợp các Ngành thực hiện công tác phòng chống ma tuý, mại dâm.
+ Tổ chức cai nghiện, chữa bệnh cho người nghiện ma tuý, gái mại dâm.
- Công an Thành phố là Thường trực Ban chỉ đạo 197 Thành phố lập kế hoạch chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, trọng tâm: ngăn chặn "đâm thuê, chém mướn", cướp giật, gây rối an ninh trật tự, tệ nạn ma tuý, mại dâm, lang thang, xin ăn, đeo bám khách du lịch.
- Sở Du lịch chủ trì phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố và Sở Lao động Thương binh và Xã hội giải quyết tình trạng người lang thang đeo bám khách du lịch.
- Sở Y tế: thường trực phối hợp với các ngành thực hiện chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm và kéo gọi xã hội hóa 01 nhà tang lễ.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: phối hợp với UBND các quận, huyện, với các ngành triển khai kế hoạch về giết mổ gia súc.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có kế hoạch bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện.
- UBND các Quận, Huyện:
+ Rà soát, chấn chỉnh và ban hành quy định các tuyến phố văn minh đô thị theo tiêu chí mới.
+ Giữ gìn trật tự kỷ cương đô thị, kiểm tra xử lý vi phạm.
+ Thực hiện phân cấp quản lý của Thành phố.
- Các Ban, Ngành khác theo nhiệm vụ được Thành phố giao có kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến kế hoạch "Một nhiệm vụ trọng điểm về cải thiện môi trường xã hội năm 2006".
2- Đề nghị các Quận uỷ, Huyện uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ có trách nhiệm phổ biến quán triệt tới các cấp uỷ cơ sở, các đoàn thể và nhân dân về nội dung, mục tiêu và tổ chức thực hiện đề án, đề nghị các cấp chính quyền lập kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trên địa bàn quản lý.
3- UBND quận, huyện, phường, xã có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh hàng tuần (chiều thứ sáu đối với các cơ quan, xí nghiệp và sáng thứ bảy đối với khu vực dân cư); thực hiện quy định về nếp sống văn minh đô thị, khu dân cư, nơi công cộng, tuyến phố văn minh đô thị; giải tỏa hết điểm chợ tạm, chợ hàng rong vỉa hè, có biện pháp chống tái họp các điểm đã giải tỏa, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và có kế hoạch thực hiện Đề án này.
4- Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội lập kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện, tuyên truyền quán triệt đến đoàn viên, hội viên của mình và phối hợp chặt chẽ hơn với các Ngành, các cấp chính quyền trên từng lĩnh vực cụ thể theo từng giai đoạn (xong trong tháng 5/2006).
5- Các Sở, Ngành, UBND các Quận, Huyện, các đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện trong tháng 5/2006; hàng quý báo cáo tình hình thực hiện cho Ban chỉ đạo Thành phố vào ngày 15 tháng cuối quý.
6- Các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện Đề án này.
7- Ban chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo nội dung của Đề án và Kế hoạch triển khai này của UBND Thành phố.
UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành của Thành phố chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch của Cấp mình, Ngành mình và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án số 31 của Thành uỷ và Kế hoạch của UBND Thành phố./.
Nơi nhận: |
T/M ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.