ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 09 năm 2013 |
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XỬ LÝ NỢ XẤU ĐỐI VỚI CÁC CHI NHÁNH
TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN
(Theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/05/13 của Thủ tướng Chính phủ)
Thực hiện Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/05/13 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch triển khai xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh cụ thể như sau:
Xử lý nợ xấu của các Chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho các Chi nhánh TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh TCTD. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của “Đề án cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” được ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
I. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN
1. Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý.
2. Tổ chức đánh giá lại các khoản cấp tín dụng, ủy thác đầu tư để phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý. Trong đó, ưu tiên các khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo, khách hàng vay không còn tồn tại và nợ xấu thuộc nhóm 5.
3. Chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi để giảm bớt khó khăn cho khách hàng.
4. Tiếp tục đầu tư cho vay, bảo lãnh đối với khách hàng có nợ xấu có khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phục hồi và phát triển tốt.
5. Rà soát, đánh giá lại tài sản đảm bảo; thỏa thuận với khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo hợp pháp; phối hợp với khách hàng và các cơ quan tổ chức liên quan hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với những món vay, tài sản đảm bảo chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
6. Tích cực đôn đốc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ...
7. Tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu.
8. Kiên quyết chấm dứt hoạt động, sáp nhập, giải thể các điểm giao dịch, phòng giao dịch kinh doanh không hiệu quả.
9. Hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, công tác kiểm soát nội bộ, thường xuyên quan tâm phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ ngân hàng, nâng cao trình độ chuyên môn, tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.
II. ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG VAY VỐN
1. Khách hàng phải chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường áp dụng công nghệ, chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng và triển khai các phương pháp cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, chủ động phát triển thị trường.
2. Các doanh nghiệp cần chú trọng thay thế các yếu tố đầu vào nhập khẩu bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tăng cường sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước.
III. ĐỐI VỚI CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
1. Về chính sách tiền tệ tín dụng và ngân hàng
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại nợ của các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu thông qua sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo.
- Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nêu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các nhóm giải pháp giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
a) Về xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư.
- Các Sở, ngành trên địa bàn cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước, cụ thể:
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành trên địa bàn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân cho các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, học sinh, đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn,... Triển khai đồng bộ các biện pháp huy động và giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn và công nghệ cao.
+ Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; tổ chức, quản lý và phát triển có hiệu quả thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước; triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn.
+ Các Sở, ngành (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...) chủ trì, phối hợp với các cơ quan trên địa bàn và hiệp hội ngành nghề phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động và hàng tồn kho của các ngành, lĩnh vực, địa phương để xây dựng, triển khai các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho và hỗ trợ tín dụng phù hợp thông qua các chương trình như cho vay nông nghiệp, nông thôn, chương trình cho vay hỗ trợ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...; giải phóng hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, các Sở, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp sau đây:
+ Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đối ứng vốn ODA cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. Triển khai các biện pháp nâng cao nguồn thu ngân sách, chống thất thu ngân sách, nâng cao hiệu quả chi ngân sách và tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở giảm chi ở các ngành, lĩnh vực chưa cấp thiết.
+ Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở; doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sắt, thép, xi măng, gạch, ngói; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
+ Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010 (theo chính sách thu tiền thuê đất trước ngày Nghị định số 121/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành). Trường hợp tiền thuê đất sau khi được giảm vẫn lớn hơn 2 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì được giảm tiếp tiền thuê đất đến mức bằng 2 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010.
+ Cho phép các chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán, tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế.
Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách, UBND tỉnh xem xét, quyết định thời gian được gia hạn nộp tiền sử dụng đất cụ thể cho từng dự án sau khi báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Các Sở, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục nợ đọng trong xây dựng cơ bản tại các địa phương. Tập trung huy động mọi nguồn vốn để xử lý nhanh nợ đọng trong xây dựng cơ bản và sớm hoàn thành các công trình sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng, đồng thời kiên quyết dừng hoặc chuyển đổi các dự án đầu tư kém hiệu quả. Các khoản thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản phải được ưu tiên sử dụng để trả các khoản nợ quá hạn cho ngân hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền công cho cán bộ.
c) Về hỗ trợ xử lý nợ xấu
- Các Sở, cơ quan, tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Tư pháp và Tòa án đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. Hạn chế hình sự hóa các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng; ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý về mặt kinh tế, dân sự để khắc phục hậu quả và thu hồi tối đa tiền, tài sản cho ngân hàng. Phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp chây ỳ, cố ý không trả nợ ngân hàng, cố ý làm trái và gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng;
- Các Sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai các giải pháp sau đây:
+ Hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay để có thể thu hồi tài sản và sớm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;
+ Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp nhà nước theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”, Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”, Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, Đề án tổng thể “Tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước gắn với việc xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa tài chính của các doanh nghiệp nhà nước; phối hợp chặt chẽ các giải pháp lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp nhà nước với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tăng cường công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và mục tiêu, giải pháp đã nêu; nâng cao khả năng cảnh báo, phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng; chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
Các Sở, ngành trên địa bàn đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát thị trường vốn, thị trường tiền tệ, quy hoạch và phát triển đô thị.
1. Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp theo kế hoạch để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
- Thanh tra, giám sát, kiểm tra các TCTD trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu.
2. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành trên địa bàn
- Triển khai các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, thương mại, tiêu dùng và phát triển thị trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Sở, ban ngành liên quan;
- Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, thúc đẩy đầu tư thương mại để xử lý nợ xấu theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát các cấp xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự để tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu của các TCTD.
3. Trách nhiệm của các TCTD
- Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về xử lý nợ xấu.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chủ động triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu.
- Tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hoạt động cấp tín dụng, thực hiện việc phân loại và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ kết quả triển khai xử lý nợ xấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
4. Thực hiện báo cáo định kỳ
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh làm đầu mối báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1/6 và ngày 30/11 hàng năm về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đề án và đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
- Các Sở, ban ngành liên quan định kỳ gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh TT Huế trước ngày 20/5 và 20/11 hàng năm về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đề án và đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.