ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 940/KH-UBND |
Cao Bằng, ngày 22 tháng 4 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI “CHIẾN DỊCH TUYÊN TRUYỀN ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG HOẠT ĐỘNG TỘI PHẠM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG”
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao có chiều hướng diễn biến phức tạp với sự chuyển dịch nhanh chóng từ phương thức truyền thống sang hiện đại, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương nhưng kết quả chưa phản ánh đúng thực chất diễn biến tình hình và còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia ngày 25/8/2023 về việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đấu tranh, đẩy lùi hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao; căn cứ Kế hoạch số 578/KH-BCA-A05 ngày 17/11/2023 của Bộ Công an triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt nhấn mạnh vai trò người đứng đầu nhằm phát huy sức mạnh tống họp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, nhận diện sớm sự chuyển dịch phương thức tội phạm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, giải quyết được tình hình, yêu cầu thực tiễn đặt ra.
- Định hướng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân tiếp cận, tìm hiểu quy định pháp luật, phương thức, thủ đoạn và kỹ năng nhận biết, phòng ngừa tội phạm lợi dụng không gian mạng vi phạm pháp luật; tích cực tham gia tuyên truyền, tố giác tội phạm.
- Công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, đa dạng, phù hợp từng đối tượng, gắn với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung tuyên truyền phải liên tục đổi mới, cập nhật, theo sát xu thế và diễn biến tình hình thực tế.
- Nhân rộng, biểu dương các mô hình hay, cách làm hiệu quả, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chiến dịch.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung tuyên truyền
- Quy định pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các cấp, các ngành được phép tuyên truyền, không thuộc nội dung bí mật Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận liên quan đến công tác bảo đảm an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
- Hình thức, phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến hoặc mới phát sinh của tội phạm trên không gian mạng.
- Cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.
- Kết quả, thành tích nổi bật, những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
2. Hình thức tuyên truyền
- Khai thác tối đa ưu thế sức mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội; các hội, nhóm đông thành viên; người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng đế tham gia công tác tuyên truyền, lan tỏa nhanh chóng thông tin chính xác, tích cực đến mọi đối tượng tiếp cận.
- Xây dựng các bài viết, ấn phẩm, phóng sự, chuyên mục về đề tài phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, phát trên các kênh truyền thông, báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội).
- Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội báo cáo chuyên đề tại các lớp bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi bộ do cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức.
- Phối hợp đa dạng các hình thức nghệ thuật biểu diễn, như: Kịch ngắn, sân khấu hoá tình huống, hoạt cảnh,... để truyền tải thông điệp về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
- Biên soạn tờ rơi, khẩu hiệu, Motiongraphic, Infographic, cẩm nang phòng, chống tội phạm trên không gian mạng để phát, tuyên truyền tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông gửi tin nhắn SMS tới thuê bao khách hàng sử dụng trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung công tác theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an tại Kế hoạch số 578/KH-BCA-A05 ngày 17/11/2023 triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”, thường xuyên cập nhật, bổ sung giải pháp sát yêu cầu thực tiễn.
- Tham mưu triển khai “Bộ cẩm nang tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng” đảm bảo thống nhất nội dung, định hướng tuyên truyền cho Sở, Ban ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng dân dân trên địa bàn tỉnh.
- Biên tập, cung cấp thông tin, tư liệu và phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng tin, bài, chuyên mục, chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để các Sở, Ban ngành, đoàn thể, địa phương tham khảo, khai thác phục vụ tuyên truyền.
- Thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh, chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, sâu rộng Kế hoạch này trên phạm vi toàn tỉnh; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, định hướng hoạt động của cơ quan truyền thông, báo chí nhằm tranh thủ năng lực, tiềm lực hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo 35 tỉnh:
+ Huy động đội ngũ cộng tác viên tích cực tham gia viết bài, chia sẻ thông tin cảnh báo, hướng dẫn nhân dân cảnh giác phòng ngừa, phát hiện tội phạm.
+ Huy động hệ thống tuyên giáo các cấp tổ chức tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố, đoàn thể xã hội nội dung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
+ Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng” (phê duyệt tại Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 30/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ), gắn với thực hiện tốt công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
- Chủ trì tham mưu thực hiện hiệu quả các giải pháp triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 69/KH-BCA-A03 ngày 22/4/2022 của Bộ Công an về thực hiện Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030 của Chính phủ” nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, nhi đồng trên môi trường mạng.
- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nội dung Kế hoạch; tham mưu tiến hành sơ kết, tổng kết theo quy định và theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh mở các chuyên mục, điểm tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng với các nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi theo dõi.
- Chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật sẵn có về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, bao gồm:
+ Gửi tin nhắn SMS qua ứng dụng của nhà mạng với thông điệp cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trên không gian mạng.
+ Cảnh báo cho người dùng khi nhận các cuộc gọi VoIP, cuộc gọi từ nước ngoài, các cuộc gọi rác, các trang mạng có dấu hiệu lừa đảo.
+ Khi thực hiện các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung tiếp thị sản phẩm đến người dùng phải được người dùng chấp thuận trước.
+ Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với đơn vị chức năng của Công an tỉnh ngăn chặn, xác minh, xử lý thông tin về tội phạm.
- Định hướng cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông tích cực tổ chức các sự kiện, sản xuất các video clip ngắn tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo, hướng dẫn 100% các trường, cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng, tổ chức các chương trình ngoại khóa, lồng ghép hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với chương trình học, lứa tuổi, bậc học.
- Cập nhật diễn biến tình hình, khuyến cáo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên cảnh giác về tội phạm trên không gian mạng thông qua các hình thức phù hợp như: bảng thông báo, bảng điện tử, áp phích,...
4. Sở Công Thương: Chỉ đạo, vận động các siêu thị, chợ truyền thống, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng qua các banner, áp phích, màn hình quảng cáo.
5. Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo các đơn vị vận tải tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng trên các phương tiện giao thông công cộng, bến xe... bằng hình thức phù hợp.
6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cao Bằng
- Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kỹ năng trong phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, công chức, nhân viên, người lao động ngành ngân hàng trên địa bàn.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh: Tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao tại 100% các điểm giao dịch; phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, xử lý thông tin về các giao dịch đáng ngờ, giao dịch nghi vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng.
7. Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình trên địa bàn tỉnh
Mở các chuyên mục, điểm tin, tăng thời lượng tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng với các nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp, thu hút được các tầng lớp Nhân dân, mọi lứa tuổi theo dõi; đăng tải các tin, bài vào các khung giờ vàng, trang nhất.
8. Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố
- Căn cứ nội dung Kế hoạch này, xây dựng, ban hành Kế hoạch của cơ quan, đơn vị; gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, theo dõi trước ngày 20/5/2024.
- Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân thuộc phạm vi quản lý bằng các nội dung, hình thức phù hợp; chia sẻ các thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng từ các nguồn chính thống.
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Chiến dịch tuyên truyền đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng kịp thời, hiệu quả.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, các tầng lớp nhân dân, người lao động về phương thức, thủ đoạn, kỹ năng nhận diện, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này được sử dụng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và lồng ghép với các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện. Với các nội dung phát sinh kinh phí lớn để triển khai, các đơn vị được giao chủ trì thực hiện phối hợp với Sở Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo khả năng cân đối ngân sách địa phương.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6), 01 năm (trước ngày 05/12) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), các cơ quan, đơn vị tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh theo quy định.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.