ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 934/KH-UBND |
Nghệ An, ngày 29 tháng 12 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
CAO ĐIỂM CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO NĂM 2023
Thực hiện Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 ngày 10/12/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
- Phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, kinh doanh các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, các hành vi gian lận thương mại,... góp phần ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết, đón Xuân lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
2. Yêu cầu
- Việc kiểm tra phải có kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm phải đúng quy định pháp luật; đảm bảo các hoạt động hợp pháp của cơ sở sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường. Mọi hành vi vi phạm được phát hiện phải xử lý kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gắn công tác kiểm tra, xử phạt với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN, MẶT HÀNG, THỜI GIAN KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra
Kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh như vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, bao gồm:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ;
- Các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện trên đường bộ, đường thủy, có điều kiện, khả năng hoặc biểu hiện nghi vấn các hoạt động trên, đặc biệt số đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới, cảng biển, các kho hàng, các trung tâm phát luồng hàng hóa...;
- Các đối tượng hoạt động trong các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong hoạt động buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại;
- Các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách xuất nhập khẩu.
2. Địa bàn kiểm tra
Kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, cả trên đất liền, trên biển, trong đó tập trung:
- Tuyến biên giới trên đất liền: tập trung các cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Thanh Thủy (Thanh Chương); Tam Hợp (Tương Dương), Ta Đo (Kỳ Sơn), Thông Thụ (Quế Phong), Cao Vều (Anh Sơn) và các đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở biên giới;
- Tuyến biên giới trên biển: tập trung các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, các thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai; Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy và các cửa sông, cửa lạch chính;
- Tuyến đường bộ, thị trường nội địa: tập trung các kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa, các trung tâm phát luồng hàng hóa tại thành phố Vinh và các huyện, thị xã. Các tuyến quốc lộ: Quốc lộ 1A, 7A, 7B, 46, 46B, 48, 48B, 15A, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, Cảng hàng không Vinh, Ga Vinh;
- Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Các mặt hàng tập trung kiểm tra
Tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, hàng điện tử, điện thoại, hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc ...
4. Thời gian thực hiện
Từ ngày ……./12/2022 đến ngày 15/02/2023.
III. NHIỆM VỤ CHUNG
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 tỉnh; các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
- Xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...; phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới; tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như: Thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, sản phẩm thời trang...
- Căn cứ vào tình hình thực tế và cấp thiết, Ban chỉ đạo 389 tỉnh chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
IV. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Công an tỉnh
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các loại mặt hàng liên quan đến các nhóm hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ ... hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán như hàng điện tử, thuốc lá, xăng dầu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, nông sản, hoa quả…; hàng gian lận xuất xứ như đường cát, sản phẩm từ gỗ, linh kiện điện tử, thép, nhôm, ... đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết luận các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp, đang được dư luận xã hội quan tâm; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp truy tố, kịp thời xét xử nghiêm minh trước pháp luật các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để răn đe, phòng ngừa chung; chủ động phát hiện, tham mưu, kiến nghị các cấp, các ngành chức năng kịp thời; tăng cường lực lượng xuống cơ sở tổ chức phát động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm mua, bán trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội...; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng; xây dựng, triển khai phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình về tội phạm và vi phạm pháp luật; xây dựng triển khai các phương án, tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, không để hình thành các tụ điểm, kho bãi tập kết, chứa hàng hóa nhập lậu trong khu vực biên giới, các hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa và các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép qua biên giới; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các cửa khẩu, lối mở biên giới, khu vực cảng biển, cửa sông, cửa lạch và trên biển mà các đối tượng thường lợi dụng để buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ..., mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, Cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không tham gia tiếp tay và tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và vùng biển.
4. Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển
Xây dựng, triển khai kế hoạch, các phương án tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các vùng biển thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An; tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, thuốc lá điếu, khoáng sản, pháo nổ, vũ khí, các mặt hàng thiết yếu...; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình trên biển, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các vùng biển.
5. Cục Hải Quan tỉnh
Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, tuần tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh,... thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý xuất nhập cảnh; xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung vào các mặt hàng cấm (ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã) và hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu, điện thoại di động, hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, triển khai thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển.
6. Cục Thuế tỉnh
Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế; tăng cường công tác quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý đối tượng buôn lậu, gian lận liên quan đến công tác quản lý thuế.
7. Sở Công Thương
Chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường; phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời đưa tin, bài phản ánh tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phản ánh các biểu hiện tiêu cực, bao che, tiếp tay, bảo kê hoặc trực tiếp tham gia buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường thời lượng tuyên truyền về các chính sách, pháp luật; tuyên truyền kịp thời các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
9. Sở Giao thông vận tải
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách mang theo hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (trọng điểm là các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe, các phương tiện là ôtô chở khách từ các tỉnh biên giới về nội địa, tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam).
10. Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa và Thể thao, Du lịch:
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm soát sách in lậu, sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy; các vi phạm về đo lường, chất lượng trên thị trường; phối hợp kiểm tra, kiểm dịch các loại hoa quả, đồ uống, thực phẩm, gia súc, gia cầm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm từ động, thực vật.
11. Các sở, ngành chức năng khác
Căn cứ kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tiến hành thanh tra, kiểm tra theo lĩnh vực quản lý.
12. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các ngành chức năng để kịp thời đưa tin, phản ánh tình hình thị trường, xử lý vi phạm.
13. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An: Triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực tố giác các đối tượng sản xuất, kinh doanh vi phạm và giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.
14. UBND các huyện, thành phố, thị xã
Chỉ đạo các đơn vị lực lượng chức năng trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão năm 2023.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành là Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sử dụng kinh phí được giao trong dự toán ngân sách của đơn vị.
2. Kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố do ngân sách cấp huyện đảm nhận, được giao trong dự toán ngân sách của đơn vị.
VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Báo cáo các vụ việc phát hiện, xử lý trong các ngày Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (từ ngày 20/01/2023 đến ngày 26/01/2023) gửi theo chế độ báo cáo nhanh qua hệ thống báo cáo trực tuyến.
2. Báo cáo đột xuất: Theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
3. Báo cáo tổng kết việc thực hiện Kế hoạch gửi trước ngày 20/02/2023. Nội dung:
- Đánh giá tổng quát tình hình thị trường (về mặt hàng, tuyến, địa bàn trọng điểm; những biến động bất thường của thị trường);
- Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm;
- Các vụ việc điển hình;
- Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch;
- Kiến nghị đối với cấp có thẩm quyền.
4. Địa chỉ nhận báo cáo: báo cáo gửi bằng thư điện tử qua địa chỉ: kehoachqltt.na@gmail.com và báo cáo bằng văn bản về Cục Quản lý thị trường - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (Địa chỉ: số 94 đường Mai Hắc Đế, thành phố Vinh, Nghệ An).
Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị có kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (qua Cục Quản lý thị trường Nghệ An) để kịp thời xem xét, xử lý./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.