ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/KH-UBND |
Sơn La, ngày 03 tháng 04 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia; Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, ngành trung ương; Nghị quyết số 20- NQ/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 (viết tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 90/QĐ-TTg, Nghị quyết số 20-NQ/TU và Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 02/12/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La; đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững.
- Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo có hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng nghèo; hỗ trợ sản xuất phù hợp nguyện vọng và điều kiện thực tiễn địa phương nhằm giúp người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất và mô hình giảm nghèo, có việc làm bền vững, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, các địa phương và các nhóm dân cư; từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Bám sát các nhiệm vụ, nội dung hỗ trợ tại các Dự án thuộc Chương trình, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí thực hiện Chương trình, đúng quy định tài chính hiện hành; huy động, lồng ghép thêm nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
II. MỤC TIÊU NĂM 2023
1. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 14,83%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4 - 5%.
2. Hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp); xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
3. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có trên 10% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
4. Hỗ trợ đào tạo 5.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó có 1.000 lao động thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ đưa 44 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
5. 100% cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo và lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, người dân.
6. Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản:
- Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
- Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế theo quy định; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26,1%.
- Chiều thiếu hụt về giáo dục: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 96%; Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 54% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 20%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
- Chiều thiếu hụt về nhà ở: Giảm tỷ lệ thiếu hụt về chất lượng nhà ở của hộ nghèo xuống còn 30%, hộ cận nghèo xuống còn 10%; giảm tỷ lệ thiếu hụt về diện tích nhà ở của hộ nghèo xuống còn 32%, hộ cận nghèo xuống còn 13%.
- Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 39% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Chiều thiếu hụt về thông tin: 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 72% hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo, kiến thức, kỹ năng, mô hình giảm nghèo hiệu quả thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên địa bàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.
- Các huyện nghèo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho huyện nghèo.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình: 603.794 triệu đồng, bao gồm:
1. Kinh phí chuyển nguồn năm 2022: 211.095 triệu đồng, gồm:
- Vốn đầu tư: 147.707 triệu đồng;
- Vốn sự nghiệp: 63.388 triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 61.486 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 1.902 triệu đồng.
2. Kinh phí giao năm 2023: 392.699 triệu đồng, gồm:
- Vốn đầu tư: 172.389 triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 167.368 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 5.021 triệu đồng.
- Vốn sự nghiệp: 220.310 triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 213.893 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 6.417 triệu đồng.
V. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Dự án 1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
a) Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
* Kinh phí thực hiện: 264.693 triệu đồng (năm 2022: 118.767 triệu đồng; năm 2023: 145.926 triệu đồng), trong đó:
- Vốn đầu tư: 250.168 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 246.338 triệu đồng;
+ Ngân sách cấp huyện đối ứng: 3.830 triệu đồng;
- Vốn sự nghiệp: 14.525 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 13.996 triệu đồng;
+ Ngân sách cấp huyện đối ứng: 529 triệu đồng.
* Đối tượng: Huyện nghèo (Huyện Thuận Châu, huyện Sốp Cộp) theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
* Nội dung hỗ trợ:
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu tại các huyện nghèo (công trình đầu tư cấp huyện, liên xã) phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như các công trình giao thông, cầu, hạ tầng điện phục vụ dân sinh, sản xuất; các công trình y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao.
- Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng, góp phần duy trì công năng sử dụng của các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo.
b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025
* Đối tượng: Huyện Thuận Châu.
* Nội dung hỗ trợ: Thực hiện theo Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 02/02/2023 của UBND tỉnh Sơn La thực hiện một số nội dung hỗ trợ huyện Thuận Châu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 -2025.
2. Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
a) Kinh phí thực hiện Dự án: 82.526 triệu đồng, vốn sự nghiệp (năm 2022: 23.428 triệu đồng; năm 2023: 59.098 triệu đồng), trong đó:
- Ngân sách trung ương: 80.102 triệu đồng;
- Ngân sách cấp huyện đối ứng: 2.424 triệu đồng.
b) Đối tượng
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 03 năm), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
- Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng; nhân rộng, phát triển mô hình giảm nghèo nông nghiệp, phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nghèo; mô hình, dự án giảm nghèo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện. Tạo điều kiện để người yếu thế, người dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
c) Nội dung hỗ trợ
- Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
- Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất.
- Xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.
- Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất phù hợp phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.
3. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng
Kinh phí thực hiện Dự án: 43.127 triệu đồng, vốn sự nghiệp, trong đó:
a) Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
- Kinh phí thực hiện: 36.220 triệu đồng (năm 2022: 10.154 triệu đồng; năm 2023: 26.066 triệu đồng), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 35.161 triệu đồng;
+ Ngân sách cấp huyện đối ứng: 1.059 triệu đồng.
- Đối tượng:
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 03 năm), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác.
+ Hỗ trợ phát triển sản xuất đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng.
+ Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
+ Tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các nội dung hỗ trợ khác phù hợp với tính chất của hoạt động sinh kế định hướng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cam kết bao tiêu sản phẩm; thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
b) Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng
- Kinh phí thực hiện: 6.907 triệu đồng (năm 2023), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 6.706 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 201 triệu đồng.
- Đối tượng:
+ Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo (Huyện Sốp Cộp, huyện Thuận Châu).
+ Phụ nữ mang thai và đang cho con bú, hộ gia đình, cơ sở y tế, trường học trên địa bàn huyện nghèo.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung thực hiện:
+ Tập huấn truyền thông chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã.
+ Duy trì bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai tại 7 huyện; duy trì bổ sung vitamin A cho bà mẹ sau đẻ uống trong vòng 1 tháng.
+ Rà soát công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Rà soát hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; công tác can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em học đường (trẻ từ trên 5 - 16 tuổi).
+ Giám sát hỗ trợ hoạt động dinh dưỡng cộng đồng; giám sát chiến dịch uống vitamin tại cấp huyện.
4. Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững
Kinh phí thực hiện Dự án: 137.770 triệu đồng (năm 2022: 48.397 triệu đồng; năm 2023: 89.373 triệu đồng), trong đó:
- Vốn đầu tư: 69.927 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 68.737 triệu đồng;
+ Ngân sách cấp tỉnh đối ứng: 1.190 triệu đồng.
- Vốn sự nghiệp: 67.843 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 65.655 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 2.188 triệu đồng.
a) Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn
Kinh phí thực hiện: 116.621 triệu đồng, trong đó:
- Vốn đầu tư: 64.975 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 63.973 triệu đồng;
+ Ngân sách cấp tỉnh đối ứng: 1.002 triệu đồng.
- Vốn sự nghiệp: 51.646 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 49.956 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 1.690 triệu đồng.
- Đối tượng:
+ Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp.
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.
+ Các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
+ Xây dựng các chuẩn, phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người lao động.
+ Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
+ Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
- Thực hiện hỗ trợ cho 05 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho 19.000 người lao động trên địa bàn tỉnh.
b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Kinh phí thực hiện: 2.750 triệu đồng, vốn sự nghiệp, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 2.670 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 80 triệu đồng.
- Đối tượng:
+ Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo (không bao gồm các địa bàn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
+ Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
+ Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Hỗ trợ người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân.
+ Hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
- Các huyện nghèo dự kiến hỗ trợ 40 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
c) Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững
Kinh phí thực hiện: 16.876 triệu đồng; trong đó:
- Vốn đầu tư: 7.200 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 7.012 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 188 triệu đồng.
- Vốn sự nghiệp: 13.448 triệu đồng, bao gồm:
+ Ngân sách trung ương: 13.030 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 418 triệu đồng.
- Đối tượng:
+ Người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm.
+ Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
+ Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
5. Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
a) Kinh phí thực hiện Dự án: 13.720 triệu đồng, vốn sự nghiệp năm 2023, trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 13.320 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 400 triệu đồng.
b) Đối tượng:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.
- Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.
c) Nội dung thực hiện: Theo Quyết định số 2833/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
6. Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin
- Kinh phí thực hiện Dự án: 45.481 triệu đồng, vốn sự nghiệp (năm 2022: 7.140 triệu đồng; năm 2023: 38.341 triệu đồng), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 44.139 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 1.342 triệu đồng.
a) Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin
- Kinh phí thực hiện: 41.267 triệu đồng, trong đó:
+ Nguồn ngân sách trung ương: 40.062 triệu đồng;
+ Nguồn ngân sách địa phương đối ứng: 1.205 triệu đồng.
- Đối tượng:
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Các huyện nghèo, xã biên giới; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Các đối tượng khác theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung hỗ trợ:
+ Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông.
+ Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới.
+ Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở (bao gồm cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), đồn biên phòng để cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh trang bị cơ sở vật chất, nền tảng cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội.
+ Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội, ưu tiên đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
b) Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều
- Kinh phí thực hiện: 4.214 triệu đồng, trong đó:
+ Nguồn ngân sách trung ương: 4.077 triệu đồng;
+ Nguồn ngân sách địa phương đối ứng: 137 triệu đồng.
- Đối tượng: Người nghèo, người dân tại các địa bàn thực hiện Chương trình; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững.
+ Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo.
+ Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.
+ Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; biểu dương, khen thưởng đối với các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo.
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới cho người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
+ Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường truyền thông về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách.
7. Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình
- Kinh phí thực hiện: 16.476 triệu đồng, vốn sự nghiệp (năm 2022: 3.210 triệu đồng; năm 2023: 13.266 triệu đồng), trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 15.844 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương đối ứng: 632 triệu đồng.
a) Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình
- Đối tượng: Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở (cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; chú trọng các nội dung thực hiện Chương trình, giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
+ Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước; tổ chức hội thảo, hội nghị và các hoạt động khác về công tác giảm nghèo.
b) Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá
- Đối tượng: Cơ quan chủ trì Chương trình các cấp, các cơ quan chủ trì các dự án thành phần/nội dung trong các dự án thành phần các cấp và các cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Nội dung thực hiện:
+ Kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023.
+ Kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh định kỳ hằng năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu nhiệm vụ).
VI. CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, qua đó thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững trong từng giai đoạn. Đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở, tuyên truyền về các tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hiệu quả từ đó nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo.
2. Tiếp tục phân cấp trao quyền cho địa phương, cơ sở để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện Kế hoạch. Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện Kế hoạch từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến khâu lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện.
3. Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình giảm nghèo phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
4. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ”Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh, huyện, xã. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo, tạo điều kiện và động viên, khuyến khích các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo; tập trung các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn những hộ đăng ký thoát nghèo phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, thu nhập ổn định.
5. Các cấp, các ngành tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Thường xuyên giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; đảm bảo sự tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả Chương trình của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và người dân.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan thường trực Chương trình; phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát UBND các huyện, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình theo quy định.
- Chủ trì tổng hợp, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách, dự toán kinh phí trong quá trình thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ thuộc Dự án 1; Dự án 2, Dự án 4, Tiểu dự án 2 - Dự án 6, Dự án 7 của Kế hoạch.
- Triển khai thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 4, Tiểu dự án 2-Dự án 6, Dự án 7 của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình định kỳ (hàng tháng, quý, năm) và đột xuất theo quy định. Sơ kết tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp chung.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tổng hợp kết quả thực hiện chương trình (theo báo cáo của cơ quan thường trực) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch thực hiện Chương trình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng hợp, xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chủ trì tổng hợp, thẩm định nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình trình Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
- Tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng nghèo; tham mưu cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn xã nghèo, huyện nghèo.
- Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Kế hoạch.
- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ quản Chương trình) điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Kế hoạch (nếu có) trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 2 và Tiểu dự án 1, Dự án 3 trong lĩnh vực nông nghiệp của Kế hoạch.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành phụ trách báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Y tế
- Chủ trì hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 (cải thiện dinh dưỡng) của Kế hoạch.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành phụ trách báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Xây dựng
- Chủ trì hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung thuộc Dự án 5 (chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo) của Kế hoạch.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành phụ trách báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn huyện nghèo.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì hướng dẫn và triển khai thực hiện các nội dung thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 6 (Giảm nghèo về thông tin) của Kế hoạch.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành phụ trách báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
8. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
- Chủ trì phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
9. Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước và địa phương về giảm nghèo, thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát, hiến kế cũng như phản biện để hoàn thiện chính sách; truyền thông, phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả để giảm nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giúp người nghèo có động lực khao khát vươn lên thoát nghèo.
10. Nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành tỉnh
- Triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi nội dung chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do Sở, ban, ngành quản lý; chịu trách nhiệm rà soát, xây dựng, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội gắn với chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và các tổ chức thành viên
- Phát huy vai trò, hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các dự án thuộc Chương trình. Tăng cường vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân tham gia chương trình giảm nghèo và công tác xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới; chủ trì triển khai thực hiện một số mô hình giảm nghèo trong hội viên, đoàn viên nghèo.
- Tăng cường huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế trong lao động sản xuất, cải thiện nhà ở, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình năm 2023 tại địa phương; bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các dự án thuộc Chương trình. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chương trình giảm nghèo trên địa bàn; ưu tiên các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; lồng ghép các nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội vùng nghèo, vùng khó khăn và thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, kế hoạch và giải ngân nguồn vốn được giao. Trường hợp cần điều chỉnh nguồn vốn (Tiểu dự án trong Dự án), tổng hợp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
- Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát các phòng chuyên môn, UBND cấp xã trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch về các sở, ngành liên quan và cơ quan thường trực Chương trình.
VIII. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
Định kỳ trước ngày 15/5/2023 và ngày 15/11/2023, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Chương trình năm 2023 về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.