ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 85/KH-UBND |
Thanh Hóa, ngày 09 tháng 06 năm 2015 |
PHÒNG CHỐNG CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM MỚI NỔI VÀ TÁI NỔI NĂM 2015
Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-BYT ngày 30/3/2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng, chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam”, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch phòng, chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi năm 2015 với các nội dung sau:
TÌNH HÌNH CHUNG VÀ SỰ BIẾN CHỦNG CỦA VI RÚT CÚM
1. Trên thế giới và khu vực:
Trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, dịch cúm diễn biến phức tạp với sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như A(H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8...). WHO đã cảnh báo sự gia tăng gần đây của vi rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các chủng vi rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành những chủng vi rút mới và làm đa dạng nguồn gen; gây nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng vi rút cúm và hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể dự đoán được và rất đáng lo ngại.
2. Tại Việt Nam và Thanh Hóa
Dịch cúm diễn biến phức tạp với sự xuất hiện và bùng phát của nhiều chủng cúm A mới, đã tạo nên các đợt dịch trên quy mô rộng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe với hàng loạt số ca mắc, tỷ lệ tử vong cao ở một số chủng (cúm A- H5N1) gây thiệt hại lớn đến kinh tế và gây ra mất ổn định về xã hội.
Tình hình dịch tại các địa phương: các ổ dịch cúm A lưu hành rộng tại các tỉnh trên địa bàn cả nước. Ý thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân còn nhiều hạn chế; phong tục, tập quán của một số vùng, miền còn lạc hậu, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất cao. Các hoạt động giám sát, phòng, chống đã được triển khai có hiệu quả tại tất cả các địa phương; tuy nhiên, việc bao vây, khống chế và dập tắt các ổ dịch mới còn gặp nhiều khó khăn.
Các chủng vi rút cúm A(H5N1), (H1N1) lưu hành rải rác trên địa bàn toàn quốc, nguy cơ lây lan thành dịch là rất cao; đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H7N9) trên người và trên gia cầm.
Tại Thanh Hóa, vi rút cúm A(H5N6) đã xuất hiện ổ dịch trên gia cầm tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, là nguy cơ lây nhiễm sang người và bùng phát dịch.
II. NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH DỊCH
Nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm và bùng phát các chủng cúm mới nổi, tái nổi tại Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa là rất lớn, diễn biến dịch phức tạp:
- Năm 2014 đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như A(H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8...) tại nhiều quốc gia trên thế giới; các chủng vi rút cúm có đặc tính biến đổi thường xuyên, nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới.
- Tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, dịch có xu hướng gia tăng trong những dịp đầu năm 2013, 2014 và 2015. Dịch xuất hiện ở một số tỉnh gần với Việt Nam (tỉnh Quảng Đông), đây là địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn.
- Vi rút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Việc phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm là rất khó, hiện chủ yếu phát hiện từ mẫu bệnh phẩm được lấy từ môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống.
- Tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư cũng làm cho khó kiểm soát dịch bệnh.
- Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, nhu cầu thực phẩm tăng cao trong các hoạt động lễ hội làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
- Năm 2014 các dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm vẫn phát ra rải rác tại một số địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt khu vực miền Nam nuôi nhiều thủy cầm, xung quanh chợ buôn bán gia cầm sống, khu vực có ổ dịch cũ.
- Vi rút cúm A(H5N6) đã ghi nhận trên gia cầm tại một số tỉnh khu vực miền Bắc và đã xuất hiện ổ dịch trên gia cầm tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang người và bùng phát dịch.
KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM MỚI NỔI VÀ TÁI NỔI NĂM 2015
1.1. Mục tiêu:
Chủ động phòng ngừa, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, tổ chức bao vây, khống chế và dập tắt ổ dịch kịp thời; không để lây lan thành dịch lớn trên địa bàn tỉnh.
1.2. Yêu cầu:
- Chuẩn bị đủ các điều kiện về vật tư, trang thiết bị và kỹ thuật và sẵn sàng ứng phó một cách có hiệu quả khi có dịch xảy ra.
- Chẩn đoán, tiên lượng, điều trị theo đúng phác đồ hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh dịch.
1.3. Các tình huống và mục tiêu cụ thể:
1.3.1. Tình huống 1: Chưa phát hiện các chủng vi rút cúm mới
Tăng cường các biện pháp quản lý, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm mới đầu tiên xâm nhập vào Thanh Hóa hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng; chủ động phát hiện các chủng vi rút cúm mới trên đàn gia cầm.
1.3.2. Tình huống 2: Ghi nhận các chủng cúm mới trên gia cầm nhưng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người.
Ngăn ngừa lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người.
1.3.3. Tình huống 3: Ghi nhận các trường hợp nhiễm các chủng cúm mới nổi hoặc tái nổi rải rác tại cộng đồng.
Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
1.3.4. Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.
Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.
2.1. Tình huống 1: Chưa phát hiện các chủng vi rút cúm mới.
- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch các cấp trình UBND phê duyệt; chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo theo dõi tình hình dịch bệnh trên các đàn gia cầm, thủy cầm và sụ lưu hành của chủng vi rút cúm.
- Các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao chủ động giám sát, kiểm tra công tác quản lý, chăn nuôi, mua bán giết mổ gia cầm, hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, ngăn chặn kịp thời gia cầm không qua kiểm dịch xâm nhập vào Thanh Hóa.
- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân; đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu Na Mèo, Cảng biển Nghi Sơn, Lệ Môn, Cảng hàng không Thọ Xuân, các khu vực có nguy cơ cao và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu.
- Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng vi rút cúm.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, khu vực cách ly; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Thành lập mạng lưới các bệnh viện khu vực thu dung điều trị bệnh nhân cúm.
- Tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, sử dụng các thuốc kháng vi rút phù hợp, hiệu quả.
- Phát hành các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch tại cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, đồng thời phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế.
- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hỗ trợ cho các địa phương.
2.2. Tình huống 2: Ghi nhận các chủng cúm mới trên gia cầm nhưng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người
- Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên gia cầm, đặc biệt tại khu vực có nguy cơ cao, tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch không để lây lan sang người; theo dõi sự lưu hành, biến đổi gen của các chủng vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm và chim trời tại Thanh Hóa.
- Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các sở, ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Thanh Hóa. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống các chủng vi rút cúm trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt; chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tại địa phương.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và các biện pháp phòng bệnh khác.
- Tăng cường giám sát tại các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia, giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không nguyên nhân, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt tại nơi có ổ dịch cúm gia cầm; tổ chức cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.
- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, khai báo y tế tại các cửa khẩu.
- Hình thành mạng lưới các bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân cúm. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, khu vực cách ly, sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân.
- Cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, nghiên cứu sử dụng các thuốc kháng vi rút phù hợp, hiệu quả. Tổ chức công tác tập huấn về giám sát, phát hiện bệnh, lấy mẫu, biện pháp phòng tránh; công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phòng lây nhiễm và công tác truyền thông.
- Tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ cho các tuyến khi có dịch bệnh xâm nhập và xảy ra; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế khi cần thiết.
- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch tại các tuyến, tại các cửa khẩu, chủ động bổ sung và sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.
- Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và bố trí các nguồn kinh phí để mua thuốc kháng vi rút dự trữ cho công tác điều trị BN cúm, xử lý ổ dịch.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, chú trọng những nơi có các ổ dịch cúm trên gia cầm và các tỉnh biên giới.
2.3. Tình huống 3: Ghi nhận các trường hợp nhiễm các chủng cúm mới nổi hoặc tái nổi rải rác tại cộng đồng.
- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Tổ chức họp Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
- Báo cáo diễn biến tình hình dịch thường xuyên; kịp thời xin ý kiến chỉ đạo và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch.
- Tăng cường giám sát tại cộng đồng, đặc biệt lưu ý các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân và theo dõi các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc để phát hiện trường hợp mắc bệnh để điều trị, cách ly kịp thời làm nguồn lây truyền bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong, tổ chức điều tra dịch dễ, phân tích, đánh giá và báo cáo kịp thời diễn biến của ổ dịch và trường hợp bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt ổ dịch.
- Sở y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sự lưu hành của các chủng vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm; xử lý triệt để các ổ dịch cúm mới phát sinh trên đàn gia cầm, ngăn ngừa lây truyền vi rút cúm từ gia cầm sang người.
- Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường; ngăn ngừa nhập lậu gia cầm; ngăn chặn kịp thời gia cầm không qua kiểm dịch xâm nhập vào Thanh Hóa.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm cúm tại các trường học, công sở, khu vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người và tại cộng đồng.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm nhằm xác định sự lưu hành, biến đổi, độc lực, mức độ lây lan của các chủng vi rút cúm.
- Tổ chức thu dung, điều trị, cách ly bệnh nhân, xử lý ổ dịch theo quy định, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Triển khai chế độ thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch. Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác dự phòng, giám sát, chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ dịch; kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, khai báo y tế tại các cửa khẩu.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân và các biện pháp phòng bệnh thông thường khác; thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ.
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.
- Tại các địa phương chưa có dịch cần kiểm tra, rà soát các hoạt động phòng chống tại tất cả các tuyến để sẵn sàng ứng phó khi có dịch; trường hợp bệnh xuất hiện, bổ sung những thiếu hụt và nhu cầu; kiểm tra đánh giá về công tác thu dung điều trị, cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị.
- Cung cấp, bổ sung thuốc, hóa chất, trang thiết bị và vật tư phục vụ công tác phát hiện chẩn đoán và điều trị, nguồn kinh phí và dự trữ phòng, chống dịch bệnh.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn các địa phương chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
2.4. Tình huống 4: Dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.
- Báo cáo hàng ngày diễn biến tình hình dịch, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đề nghị công bố dịch theo quy định, trong trường hợp dịch bùng phát ở mức độ nguy hiểm, khó kiểm soát.
- Tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Họp Ban chỉ đạo hàng ngày về phòng chống dịch bệnh để triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó phù hợp, ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động phòng chống dịch theo quy định.
- Huy động các ban, ngành đoàn thể tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành chỉ đạo các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu triển khai các kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng không để rối loạn các hoạt động về kinh tế xã hội.
- Thực hiện chế độ thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các đơn vị y tế; tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu cơ động để ứng phó và hỗ trợ cho các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
- Tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, điều trị, cách ly kịp thời và giám sát thông qua hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia để kiểm soát sự lưu hành, biến đổi của các chủng vi rút cúm. Triển khai các hoạt động xử lý kịp thời, triệt để, khoanh vùng ổ dịch, hạn chế số mắc và tử vong; khống chế dịch không để lây lan, bùng phát trên diện rộng.
- Tổ chức thu dung, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp bệnh và nâng cao công tác chẩn đoán phân loại bệnh để có phương án xử trí và điều trị tốt nhất hạn chế tử vong. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân tuyến điều trị, hạn chế chuyển bệnh nhân; khi cần thiết thành lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân để tránh quá tải bệnh viện.
- Cập nhật bổ sung các hướng dẫn về giám sát, phát hiện, chẩn đoán, điều trị, biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giảm nhẹ tác hại của bệnh dịch đối với người dân, phối hợp thực hiện tốt các biện pháp cách ly, phòng bệnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin, đổi mới các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ.
- Cung cấp đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị, phòng chống dịch bệnh.
- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hỗ trợ việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và điều phối các hoạt động phòng, chống dịch.
3.1. Tổ chức, chỉ đạo:
- UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm tại địa phương.
- Các đơn vị dự phòng, điều trị, cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân.
- Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và phối hợp với các đơn vị thuộc hệ điều trị thực hiện giám sát các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân trên địa bàn phụ trách, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, gửi mẫu về Viện Vệ sinh Dịch tễ TW theo quy định và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng), Sở Y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát ca bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng không rõ nguyên cho các huyện, thị xã, thành phố.
- Phối hợp các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu kiểm dịch chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, không để bệnh dịch xâm nhập.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngành thú y nắm chắc tình hình dịch bệnh trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo và phối hợp xử lý ổ dịch.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch: phụ cấp chống dịch, trực dịch...
3.2. Các giải pháp thực hiện:
a) Giải pháp giảm mắc
- Tăng cường năng lực giám sát chủng vi rút đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.
- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước, kể cả sự lưu hành vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời để kịp thời triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp.
- Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, không để lây lan sang người hoặc không để lây lan từ người sang người.
- Đẩy mạnh hoạt động giám sát chú ý xét nghiệm phát hiện các trường hợp cúm trong cộng đồng.
- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.
- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh.
- Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thành lập các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra công tác sẵn sàng phòng chống, dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.
- Dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm:
+ Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề xuất bổ sung trang thiết bị, phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm xác định các chủng vi rút cúm.
+ Tổ chức tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm cho các tuyến.
b) Giải pháp giảm tử vong
- Sở Y tế thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung điều trị hoặc thành lập các bệnh viện dã chiến theo tình huống dịch.
- Thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh dịch từ Bộ Y tế.
- Chuẩn bị cơ số dự trữ: trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ v.v..
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh về:
+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh nhân khi có dịch xảy ra, đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu bệnh nhân nặng.
+ Thành lập các nhóm cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp dịch lan rộng, có nhiều bệnh nhân.
+ Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường, hạn chế chuyển tuyến, tránh lây lan, lây chéo.
- Tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán, điều trị bệnh dịch cúm và các chủng vi rút mới nổi; sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu hiệu quả.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
c) Giải pháp truyền thông giáo dục sức khỏe
- Chỉ đạo các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch, phổ biến các biện pháp phòng, chống thông thường, tăng cường vệ sinh cá nhân, nâng cao thể trạng, hạn chế đi lại đến vùng có ổ dịch...để người dân có kiến thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, không hoang mang hoặc chủ quan.
- Chủ động tuyên truyền, phát hiện, dự phòng các ca bệnh đến từ các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao cư trú hoặc đi qua vùng có dịch xâm nhập vào Thanh Hóa.
- Tuyên truyền trực tiếp (tờ rơi, phát thanh) cho các đối tượng nguy cơ cao tiếp xúc với người Việt Nam và người nước ngoài trở về từ vùng có dịch.
- Tăng cường công tác truyền thông, truyền thông nguy cơ, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh trên các kênh thông tin tại địa phương.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình, truyền thanh, phối hợp với ngành y tế để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống dịch cúm và các chủng vi rút cúm mới nổi.
- Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
- Nâng cao kỹ năng đáp ứng của cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực; huy động các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
d) Phối hợp liên ngành
- Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ...) trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.
- Tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp trong việc giám sát sự lưu hành vi rút cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người. Phối hợp giám sát chủ động tại các đàn gia cầm, thủy cầm nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút không biểu hiện bệnh.
- Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Thanh Hóa. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua, bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Kịp thời thông báo và chia sẻ thông tin với các tỉnh bạn về tình hình dịch bệnh để phối hợp triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để dịch lây lan sang diện rộng.
- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm trên gia cầm và trên người tại các địa phương.
4.1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh
- Chỉ đạo xây dựng dự toán kinh phí phù hợp với kế hoạch phòng, chống dịch tại địa phương và tổ chức quản lý có hiệu quả nguồn kinh phí đã được giao trong dự toán ngân sách hàng năm;
- Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt;
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ y tế và quân y bộ đội biên phòng trước các đợt triển khai các chiến dịch tiêm chủng;
- Chỉ đạo việc kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Phân công trách nhiệm chỉ đạo cụ thể cho các thành viên. Ban chỉ đạo họp định kỳ hoặc đột xuất để sẵn sàng có phương án ứng phó, theo phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ;
- Thiết lập hệ thống giám sát và đáp ứng nhanh theo phân cấp quản lý củng cố tổ chức, tăng cường năng lực hệ thống giám sát đảm bảo khả năng giám sát, điều tra phát hiện sớm; theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi ngờ; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực đảm bảo đáp ứng nhanh và xử lý kịp thời khi mới xuất hiện bệnh nhân đầu tiên theo quy trình xử lý ổ dịch đã được Bộ Y tế ban hành;
- Chỉ đạo và tăng cường sự phối hợp với các sở, ban ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội nhằm huy động tối đa các nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch;
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng phổ biến các kiến thức về pháp luật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hình thức truyền thông phong phú, nội dung ngắn gọn, dễ ghi nhớ trong đó chú trọng đến biện pháp phòng chống dịch...; kịp thời đưa tin, bài phản ánh về các đơn vị thực hiện tốt, chưa tốt công tác chủ động phòng, chống dịch.
4.2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
4.2.1. Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo):
- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện phòng, chống dịch và dự toán kinh phí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trình Chủ tịch UBND tỉnh.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn và tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện.
- Phối hợp với các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai tốt các nội dung:
Đối với hệ y tế dự phòng:
- Tăng cường giám sát dịch, phát hiện sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phù hợp. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất dự phòng; huy động nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Tổ chức điều tra giám sát phát hiện sớm các ổ dịch bệnh, tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống dịch kịp thời và đạt hiệu quả.
- Củng cố, nâng cao năng lực và đảm bảo các điều kiện hoạt động cần thiết cho đội chống dịch cơ động tuyến tỉnh theo quy định của Bộ Y tế. Dự trù và cung cấp thuốc, hóa chất đảm bảo cho các tình huống theo quy mô của dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; sẵn sàng chi viện hỗ trợ cho cơ sở.
- Tổng hợp tình hình dịch bệnh báo cáo Sở Y tế, UBND tỉnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan trên địa bàn để tuyên truyền các biện pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm trong công tác phòng, chống dịch.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
- Khi có dịch xảy ra tổ chức trực 24/24 giờ, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch về Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch theo đúng quy định.
Đối với hệ điều trị.
- Kiểm tra hướng dẫn và chỉ đạo tuyến về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại cơ sở y tế; chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng để tập huấn công tác phòng, chống dịch cho y tế cơ sở.
- Thường xuyên kiểm tra và báo cáo các bệnh nhân nghi ngờ tại bệnh viện cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để phối hợp giám sát xác minh ca bệnh và chẩn đoán dịch tại cộng đồng.
- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị và phương tiện để tiếp đón, cách ly và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
- Thành lập đội điều trị cơ động với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc để sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có dịch xảy ra.
Công ty cổ phần dược VTYT và Công ty cổ phần thiết bị VTYT:
Có trách nhiệm chuẩn bị dự trữ và cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, dịch truyền cho các đơn vị y tế nhằm đáp ứng đủ nhu cầu khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Sở Y tế.
4.2.2. Sở Tài chính:
- Khi có dịch xảy ra, chủ động phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch kinh phí mua thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng, trang bị phòng hộ, trang thiết bị y tế...trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung cho công tác phòng, chống dịch khẩn cấp.
- Chỉ đạo các phòng tài chính huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với ngành y tế xây dựng kế hoạch và cấp kinh phí dự phòng hàng năm cho công tác phòng, chống dịch tại các địa phương theo phân cấp quản lý.
4.2.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo và kiểm tra các địa phương theo sự phân công của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh.
- Chủ động lập kế hoạch và phối hợp đề xuất với các ngành có liên quan trong công tác phòng, chống dịch.
- Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường để nâng tỷ lệ người dân dùng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống.
4.2.4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Đẩy mạnh công tác hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch. Khi có dịch xảy ra cần chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố giảm các hoạt động lễ hội, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
- Giám sát chặt chẽ du khách nghỉ tại các khách sạn và nhân viên làm việc trong các cơ sở du lịch của tỉnh. Nếu có hiện tượng nghi ngờ ca bệnh báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý;
- Thực hiện tốt việc đăng ký tờ khai sức khoẻ theo mẫu của Bộ Y tế cho các khách vào tham quan du lịch tại Thanh Hóa.
4.2.5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh theo từng mùa.
- Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
4.2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Huy động học sinh tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường, tuyên truyền đến các em về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại gia đình và cộng đồng.
- Kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế về công tác y tế trường học.
- Phối hợp với ngành y tế triển khai công tác tập huấn cho cán bộ giáo viên về công tác phòng, chống dịch.
4.2.7. Sở Giao thông - Vận tải:
- Công tác tuyên truyền:
+ Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tuyên truyền cho các đơn vị trong ngành quản lý về cách phòng, chống dịch;
+ Chủ động chỉ đạo các đơn vị có phương tiện vận tải tham gia giao thông đi và đến các khu vực có dịch xảy ra phải chấp hành triệt để các nội dung của các biện pháp phòng, chống dịch.
- Công tác triển khai: Chủ động lập kế hoạch và phối hợp đề xuất với các ngành có liên quan, khẩn trương tiến hành khử trùng, tẩy uế các phương tiện vận tải lưu thông qua vùng có dịch.
4.2.8. Công an tỉnh:
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tốt đảm bảo cho cán bộ chiến sĩ trong ngành hoàn thành các nhiệm vụ được giao, tham gia giám sát dịch bệnh thông qua việc theo dõi các hoạt động của khách nước ngoài đến làm việc trong tỉnh.Chỉ đạo các địa phương trên địa bàn được Ban Chỉ đạo phân công.
Xây dựng phương án đảm bảo An ninh, trật tự trong các tình huống bùng phát dịch và dịch lây lan sang cộng đồng.
4.2.9. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
- Phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế và cơ quan Hải quan tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh phương tiện, con người và hàng hóa qua cửa khẩu;
- Thực hiện tốt công tác phối hợp quân - dân y trong công tác phòng, chống dịch;
- Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo sức khỏe phòng chống dịch bệnh cho cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng.
4.2.10. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, xây dựng triển khai kế hoạch phòng, chống dịch. Thường xuyên nắm bắt tình hình và báo cáo lên Ban Chỉ đạo tỉnh về diễn biến dịch bệnh, đề xuất các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp với phòng chức năng để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế để sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
4.2.11. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức, đoàn thể thành viên:
- Tích cực vận động các hội thành viên và quần chúng nhân dân tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch góp phần bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng.
- Phối hợp với ngành y tế tập huấn cho các hội viên về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, cách phát hiện, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và công tác phòng dịch tại cộng đồng.
Các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo tình hình hoạt động phòng chống dịch về Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người của tỉnh qua Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.