BỘ
Y TẾ - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 790/KH-BYT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2011 |
Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi rút đường ruột gây bệnh, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có chứa vi rút gây bệnh. Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Năm 2011, tại Việt Nam tình hình dịch tễ học bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, chủng EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay chân miệng. Đến ngày 09/9/2011 cả nước đã ghi nhận 46.269 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 61 địa phương trong đó có 100 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc và tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung tại các nhà trẻ, các trường mầm non và mẫu giáo.
Thực hiện Công điện số 1439/CĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tay chân miệng; nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong, đảm bảo sức khỏe cho trẻ và học sinh trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (nay gọi tắt là các cơ sở giáo dục) và các cơ sở chăm sóc trẻ; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công và trách nhiệm đối với sức khỏe của các trẻ và học sinh trong các sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất chỉ đạo Kế hoạch Phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2011 - 2012, với các nội dung sau:
1. Mục tiêu chung
Tăng cường sự phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục trong giám sát, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng, nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong.
2. Mục tiêu cụ thể
- Trên 80% cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ được truyền thông để hiểu rõ về bệnh tay chân miệng và kỹ năng vệ sinh cá nhân, cách pha và sử dụng Chloramin B để chủ động phòng chống bệnh dịch.
- Trên 90% cơ sở giáo dục và cơ sở chăm sóc trẻ phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và tổ chức cách ly, điều trị kịp thời nhằm hạn chế lây lan cho trẻ, học sinh.
- Trên 90% cơ sở giáo dục và cơ sở chăm sóc trẻ đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi áp dụng
Triển khai tới tất cả các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ trên phạm vi cả nước. Thời gian áp dụng từ tháng 9 năm 2011 đến tháng 9 năm 2012.
2. Đối tượng áp dụng
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các sở y tế, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh, đơn vị y tế dự phòng các tuyến.
- Các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ.
1. Tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng, chống bệnh cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ
- Các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ phối hợp với ngành y tế tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ. Hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh truyền thông về phòng, chống bệnh tay chân miệng tới các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.
- Các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ kết hợp các buổi họp phụ huynh phổ biến cách phòng, chống bệnh tay chân miệng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, có biện pháp cách ly để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng; đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình.
2. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm
- Các cô nuôi dạy trẻ, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi thay tã lót và rửa cho trẻ sau khi đi vệ sinh.
- Không dùng chung gối, chung khăn mặt cho trẻ. Sau mỗi ngày phải giặt và khử trùng khăn mặt của trẻ.
- Đảm bảo ăn chín, uống chín; không cho trẻ uống chung cốc và ăn chung thìa, đũa, bát.
3. Tiến hành chiến dịch vệ sinh môi trường tại cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ
- Thường xuyên lau sạch các các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn thông thường (Chloramin B) ít nhất 2 lần trong ngày, đảm bảo lớp học được thông gió hằng ngày.
- Đảm bảo môi trường xung quanh cơ sở giáo dục và cơ sở chăm sóc trẻ sạch sẽ, thoáng mát.
- Bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo thường xuyên có xà phòng và nước sạch để rửa tay.
- Có khu vực xử lý chất thải theo quy định.
4. Theo dõi sức khỏe của trẻ và học sinh, cách ly và điều trị kịp thời
- Đảm bảo tất cả các trẻ, học sinh khi đi học được theo dõi sát sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh.
- Nếu trẻ, học sinh có các biểu hiện bệnh như bị sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, phải thông báo cho cha mẹ biết để trẻ, học sinh được cách ly, đưa đến cơ sở y tế khám và được điều trị kịp thời.
- Khi trẻ, học sinh có các dấu hiệu trên thì cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho các trẻ, học sinh khác trong trường học.
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học năm học 2011 - 2012 tới các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ trên toàn quốc.
- Tổ chức tập huấn cho các sở giáo dục và đào tạo về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống trong trường học và tại cộng đồng.
- Chỉ đạo, đôn đốc Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ khẩn trương triển khai chiến dịch truyền thông cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường; vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm; theo dõi sát sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để được cách ly và điều trị kịp thời.
- Phối hợp với cơ quan y tế từ Trung ương đến địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ.
- Phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Khi phát hiện các ổ dịch tại cơ sở giáo dục phải thông báo cho cơ sở y tế để xử lý ổ dịch kịp thời.
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp chỉ đạo phòng, chống bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế để kịp thời phối hợp chỉ đạo.
2. Bộ Y tế:
- Phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học năm học 2011 - 2012 tới các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh, đơn vị y tế dự phòng các tuyến trên toàn quốc.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ triển khai các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học.
- Hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, hóa chất sát khuẩn, tờ rơi, các tài liệu truyền thông về bệnh tay chân miệng cho các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ để phục vụ các hoạt động phòng chống bệnh dịch.
- Tổ chức việc thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp trẻ, học sinh bị ốm, xác định sớm nguyên nhân và thông báo kịp thời cho gia đình, nhà trường để có biện pháp xử trí kịp thời.
- Tổ chức điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ.
- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã kiểm tra, chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các các cơ sở giáo dục và cơ sở chăm sóc trẻ.
- Thông báo tình hình dịch bệnh trên cả nước thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở y tế và giáo dục được biết và phối hợp phòng, chống dịch.
- Tổ chức các cuộc họp chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng với các đơn vị liên quan để kịp thời phối hợp chỉ đạo.
- Bộ Y tế sẽ vận động Quỹ Unilever Việt Nam và các Nhà tài trợ khác thông qua hệ thống y tế dự phòng địa phương để hỗ trợ xà phòng rửa tay cho các trường học, gia đình học sinh vùng khó khăn và vùng có nguy cơ cao.
1. Trên cơ sở các biện pháp phòng chống dịch cụ thể nêu trên, ngành Y tế và ngành Giáo dục triển khai các hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng của ngành mình và căn cứ vào mục đích, yêu cầu đặt ra trong kế hoạch liên ngành để hướng dẫn các tỉnh, thành phố theo hệ thống ngành dọc.
2. Các sở y tế, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc địa bàn quản lý phối hợp chặt chẽ thực hiện các hoạt động nhằm kiểm soát tốt tình hình bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ.
3. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương tổ chức truyền thông về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng; tuyên truyền các hoạt động phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong việc triển khai phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học và tại cộng đồng.
4. Các cơ quan y tế và giáo dục từ Trung ương đến địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
5. Yêu cầu các sở y tế, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả hoạt động vào cuối năm 2011 và cuối năm học 2011-2012 về Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá việc thực hiện triển khai kế hoạch.
6. Tổ chức khen thưởng những tập thể, cá nhân thuộc ngành Y tế và ngành Giáo dục có thành tích xuất sắc trong các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học vào tháng 9 năm 2012.
BỘ
TRƯỞNG |
BỘ
TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.