ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 770/KH-UBND |
Đắk Lắk, ngày 29 tháng 01 năm 2016 |
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”;
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, như sau:
I. Thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
1. Thực trạng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR)
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 17 đơn vị dịch vụ công ích hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt (trong đó có 01 đơn vị 100% vốn nhà nước), 100% các đô thị, trung tâm huyện lỵ và 27/151 xã khu vực nông thôn đã có tổ chức dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa.
Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt toàn tỉnh tăng trung bình trên 3%/năm. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị thu gom năm 2010 đạt 63,84%, năm 2015 ước đạt 78%. Phạm vi thu gom CTR sinh hoạt từng bước được mở rộng đến vùng ngoại thị, trung tâm các xã và các trục đường chính (Quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện ...).
Công nghệ xử lý CTR: Ngoài 02 bãi chôn lấp CTR được đầu tư, xây dựng theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư kuin, các bãi xử lý CTR khác đều là bãi tạm, quy mô nhỏ, chưa được đầu tư hạ tầng thiết yếu nên biện pháp xử lý chủ yếu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường (đổ tự do và xử lý sơ bộ bằng cách phun thuốc diệt ruồi, các chất khử mùi; đốt, chôn tại chỗ định kỳ 3-6 tháng/lần). Tất cả các bãi chôn lấp CTR hiện nay chưa thực hiện phân loại, xử lý theo các tiêu chí quy định về môi trường.
Chi phí xử lý CTR: tại thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 64.000đ/tấn, huyện Cư Kuin là 90.410đ/tấn (xử lý chôn lấp hợp vệ sinh), các bãi rác khác trên địa bàn tỉnh chi phí khoảng 40.000đ/tấn để xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kinh phí xử lý CTR được cấp từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường địa phương nhưng rất hạn hẹp. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường còn hạn chế nên nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp CTR hiện nay là rất cao.
2. Một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 đã được phê duyệt, tuy nhiên hầu hết các nội dung quy hoạch chưa được triển khai thực hiện.
Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt: dịch vụ thu gom chỉ tập trung các công trình công cộng và dọc theo các trục đường chính, riêng các khu dân cư trong các ngõ hẻm, xa đường giao thông chính thì chưa có hoạt động thu gom CTR sinh hoạt. Tỷ lệ thu phí vệ sinh trong cộng đồng dân cư thấp, năm 2014 tỷ lệ thu phí vệ sinh chỉ chiếm 15-17% trong tổng số chi phí dịch vụ. Một số địa phương chưa đủ điều kiện bố trí vốn cho dịch vụ công ích nên hoạt động thu gom, xử lý CTR sinh hoạt của các đơn vị dịch vụ công ích còn rất khó khăn, năng lực còn nhiều hạn chế do vậy chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.
Do nhận thức, ý thức của một số người dân còn thấp nên vẫn còn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định như: Bỏ rác sinh hoạt ra ngoài hè phố không đúng lộ trình xe đi thu gom của đơn vị thực hiện, xả rác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, hai bên bờ suối... gây ảnh hưởng đến dòng chảy, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.
Ngoài 02 Bãi chôn lấp CTR tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Ruin, các cơ sở xử lý CTR khác chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Hầu hết bãi chôn lấp đều xử lý CTR không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức/cá nhân đủ điều kiện hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chưa có khu xử lý chất thải nguy hại tập trung của tỉnh, gây khó khăn trong công tác quản lý chất thải nguy hại, đặc biệt là đối với các đơn vị/cơ sở quy mô nhỏ có phát sinh chất thải nguy hại. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn chưa được phân công cụ thể, chưa xử lý kịp thời và nghiêm túc theo quy định.
II. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Việc quản lý CTR sinh hoạt nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người; mọi hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Quản lý CTR sinh hoạt phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp; ưu tiên việc phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh CTR tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng CTR phải thu gom, xử lý.
3. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh khu vực làm việc, nơi công cộng, nơi cư trú không để chất thải, đất, phế thải ở hè, đường trước cửa cơ quan và nhà của mình; tự phân loại và thực hiện lưu giữ chất thải sinh hoạt trong khu vực của mình đảm bảo vệ sinh môi trường; đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.
III. Mục tiêu đạt được đến năm 2020
Đến năm 2020, tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 90,3%. Từng bước nâng tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc chế biến, sản xuất phân hữu cơ.
Xã hội hóa công tác thu gom, mạng lưới thu gom, vận chuyển CTR trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu 100% các đô thị và trên 70% khu vực nông thôn (trung tâm các xã, khu vực dân cư tập trung) có dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển CTR.
Đầu tư cơ sở hạ tầng các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt theo Quy hoạch đã được phê duyệt, trung bình mỗi huyện phải có một cơ sở xử lý CTR đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật về môi trường.
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường
Tăng cường công tác truyền thông, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương để tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTR nói riêng, giữ gìn tốt vệ sinh tại gia đình và nơi công cộng.
Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình thực hiện thu gom, chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và khu dân cư.
2. Về quy hoạch quản lý chất thải rắn
Rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch chuyên ngành hoặc nội dung quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các quy hoạch xây dựng (do sự thay đổi về quy mô dân số, tốc độ phát triển đô thị, công nghiệp hóa...) để xem xét quy mô các cơ sở xử lý đã quy hoạch còn phù hợp hay không, cần thiết điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.
3. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn
Mở rộng phạm vi thu gom CTR sinh hoạt đến các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.
Dọc theo các tuyến đường chính, tuyến phố, các điểm dân cư ven đường quốc lộ và tỉnh lộ, khu vực công cộng, UBND cấp xã phải xây dựng các điểm thu gom CTR sinh hoạt, đảm bảo mỹ quan chung để phục vụ việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt; phối hợp với các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường bố trí thùng chứa chất thải rắn (loại 200 và 500 lít) tại các địa điểm này; giám sát, theo dõi việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn.
Bố trí các bể chứa bằng bê tông cốt thép để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại tại các cụm dân cư khu vực nông thôn, các vị trí thích dọc theo cánh đồng nhằm thu gom lượng chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt và từ sản xuất nông nghiệp. Định kỳ hàng quý, UBND cấp xã hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Kiện toàn các đơn vị công ích, dịch vụ vệ sinh môi trường cấp huyện; xã hội hóa mô hình quản lý CTR sinh hoạt, đặc biệt là khu vực nông thôn; ưu tiên thành lập và phát triển tổ hợp tác thu gom CTR, tổ tự quản vệ sinh môi trường tại thôn/xóm khu vực xa xôi, giao thông không thuận tiện. Các tổ hợp tác này sẽ được trang bị xe thu gom rác thải (có thể là xe thô sơ hoặc xe tải) để thực hiện việc thu gom rác thải tại các hộ gia đình và vận chuyển đến điểm tập kết rác thải của thôn/xóm, tối thiểu 02 lần/tuần.
Tổ chức hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường.
4. Xử lý, chôn lấp CTR sinh hoạt
Cải tạo, nâng cấp các Bãi chôn lấp CTR hiện có của các huyện/thị xã, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các Bãi chôn lấp CTR/cơ sở xử lý CTR mới theo quy hoạch đã phê duyệt.
CTR sinh hoạt được xử lý theo công nghệ: chôn lấp hợp vệ sinh hoặc các công nghệ khác tùy theo tính chất chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, ưu tiên xử lý CTR theo khu liên hợp (tái chế, tái sử dụng, chế biến thành phần hữu cơ). Công nghệ xử lý phải phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, có hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường Việt Nam theo quy định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến năm 2020, ưu tiên chọn lựa mô hình xử lý chất thải rắn của huyện Cư Kuin (công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, mức đầu tư khoảng 10-12 tỷ/bãi chôn lấp), đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc 3-5 xã/phường/thị trấn gần nhau được bố trí 01 điểm tập kết chất thải rắn hoặc hình thành 01 cụm thu gom.
Khuyến khích việc đầu tư xây dựng khu xử lý CTR tập trung quy mô cấp huyện; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại trong nước và thế giới, nhằm hạn chế tỷ lệ chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường.
Tùy theo hình thức đầu tư và thực trạng vận hành, các bãi chôn lấp CTR/cơ sở xử lý CTR sinh hoạt quy mô cấp huyện được giao cho các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường quản lý, vận hành. Đơn vị quản lý, vận hành có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình công nghệ và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
5. Cơ chế tài chính:
Cơ chế hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển, đầu tư xây dựng các điểm tập kết/trung chuyển CTR, các điểm xử lý, chôn lấp CTR sinh hoạt trên địa bàn các huyện
Ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các bãi chôn lấp CTR/cơ sở xử lý CTR hợp vệ sinh tập trung của huyện; hỗ trợ một phần để xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung của xã, phần còn lại UBND cấp huyện và cấp xã cân đối trong dự toán chi ngân sách cấp huyện và cấp xã.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ: chi phí thu gom, vận chuyển, lưu giữ CTR sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng; chi phí mua sắm các phương tiện thu gom, vận chuyển, trang thiết bị an toàn lao động cho các xã/phường/thị trấn tự tổ chức các tổ hợp tác thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt theo mô hình tự quản từ hộ gia đình/cộng đồng đến các điểm tập kết rác tập trung của xã/phường/thị trấn.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, phân loại, vận chuyển CTR thông thường và nguy hại; thu hút đầu tư cơ sở xử lý CTR trên địa bàn tỉnh.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ: đất đai (miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng), thuế, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào công trình (đường giao thông, năng lượng, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc), hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTR, hỗ trợ đào tạo lao động và vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước áp dụng theo các quy định hiện hành.
Nguồn vốn: ngân sách tỉnh giao dự toán chi ngân sách huyện/thị xã/thành phố hàng năm trong lĩnh vực chi sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn hợp pháp khác.
1. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành của tỉnh
a) Sở Xây dựng
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các bãi chôn lấp CTR trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Ban hành quy chế về quản lý chất thải rắn.
- Rà soát, đánh giá thực trạng quản lý, vận hành và bảo vệ môi trường của các bãi chôn lấp rác thải ở các đô thị hiện nay.
- Tổng hợp nhu cầu và lập danh mục các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn hàng năm, 05 năm.
- Xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư thí điểm (yêu cầu về công nghệ, chi phí đầu tư...).
Lựa chọn, lập danh mục, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt định mức kỹ thuật, định mức kinh tế về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt, xuất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, làm căn cứ tổ chức đấu thầu, đặt hàng thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp CTR sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
- Hướng dẫn thực hiện công tác xã hội hóa quản lý CTR thông thường.
- Xây dựng chỉ tiêu môi trường liên quan đến quản lý CTR trong từng giai đoạn, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung quản lý CTR sinh hoạt phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định nhu cầu kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường hàng năm để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ CTR sinh hoạt.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
c) Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của địa phương.
d) Sở Tài chính, Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư cơ sở xử lý CTR trên địa bàn tỉnh; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư cơ sở xử lý CTR theo Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020 và Quy hoạch quản lý CTR của tỉnh đã được phê duyệt; hướng dẫn các tổ chức/cá nhân thực hiện các thủ tục đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh các bãi chôn lấp CTR/cơ sở xử lý CTR theo phương thức xã hội hóa và các hình thức đầu tư khác.
- Sở Tài chính: Cân đối, bố trí dự toán ngân sách hàng năm đảm bảo cho hoạt động quản lý CTR sinh hoạt, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; xây dựng mức thu phí vệ sinh trên địa bàn, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
e) Các Sở, ban, ngành khác có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác vệ sinh môi trường, quản lý CTR theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc quản lý CTR thông thường (CTR sinh hoạt và các loại CTR không nguy hại khác); giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên ngành theo sự phân công của UBND tỉnh.
f) Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
Phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực CTR thông thường tại địa phương theo sự phân cấp.
Tổ chức lập, phê duyệt hoặc trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết các bãi chôn lấp CTR/cơ sở xử lý CTR trên địa bàn theo quy định; thực hiện đầu tư cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo chủ trương đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý CTR nêu trên; quyết định phương thức cung ứng dịch vụ công ích đối với hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt thuộc dự toán chi ngân sách của địa phương; thực hiện kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường phát sinh có liên quan đến CTR trên địa bàn quản lý.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và quản lý CTR trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và lực lượng quản lý trật tự đô thị các cấp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt, quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn theo quy định.
Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý CTR và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
g) Trách nhiệm của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố:
Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các chuyên mục, phóng sự, chương trình chuyên đề và lồng ghép trong các thể loại chương trình khác. Tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư tham gia tích cực vào các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Gương người tốt, việc tốt”...Công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của tỉnh để mọi người biết, không vi phạm.
2. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý CTR đến cộng đồng dân cư; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương để tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn tốt vệ sinh môi trường tại gia đình và nơi công cộng.
Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình thực hiện thu gom, chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và khu dân cư.
Xây dựng các điểm thu gom CTR sinh hoạt, đảm bảo mỹ quan chung để phục vụ việc thu gom, lưu giữ CTR sinh hoạt; bố trí các bể thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại dọc các cánh đồng và tại khu vực nông thôn.
Phối hợp với các đơn vị dịch vụ công ích, vệ sinh môi trường tổ chức thực hiện công tác thu gom, phân loại, vận chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn quản lý; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý CTR và nộp phí vệ sinh theo quy định; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.
Thành lập và phát triển tổ hợp tác thu gom rác thải, tổ tự quản vệ sinh môi trường tại thôn/xóm khu vực xa xôi, giao thông không thuận tiện để tăng cường hoạt động thu gom CTR sinh hoạt trên địa bàn.
3. Trách nhiệm của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường
Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Quản lý, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao. Thực hiện hàng ngày việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình, nơi công cộng, các điểm tập kết rác thải về bãi chôn lấp/cơ sở xử lý theo quy định; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thu gom, vận chuyển, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Trường hợp trên đường phố, nơi công cộng có đất, cát, phế thải xây dựng rơi vãi làm mất vệ sinh và mất an toàn giao thông, đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn phải chủ động khắc phục ngay khi kiểm tra hoặc có thông tin phát hiện.
Không thu gom và vận chuyển chất thải trong giờ cao điểm (từ 6- 8 giờ và từ 16 giờ 30 đến 19 giờ hàng ngày, trừ các trường hợp đột xuất). Trong quá trình vận chuyển CTR sinh hoạt, các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đi đúng tuyến đường, không làm rò rỉ, phát tán chất thải; khi đi vào khu vực xử lý chất thải phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.
Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để thu phí vệ sinh theo quy định. Theo dõi, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với việc đổ CTR không đúng nơi quy định, làm ô nhiễm môi trường, bụi bẩn đường phố, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông hoặc các vi phạm khác về quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn.
Đơn vị được giao quản lý, vận hành bãi chôn lấp CTR/cơ sở xử lý CTR: có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, công nghệ xử lý CTR sinh hoạt, đảm bảo hoạt động an toàn và vệ sinh môi trường. Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các biện pháp phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường, quan trắc môi trường đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; phối hợp với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn của khu vực xử lý và xung quanh.
4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình
Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể địa phương phát động.
Thực hiện việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đến đúng nơi quy định; nộp đủ và đúng hạn phí bảo vệ môi trường và phí vệ sinh theo quy định.
Căn cứ kế hoạch, các Sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; những khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo cho UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và môi trường) để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.