ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/KH-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2025
Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: số 788/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; số 196/QĐ-UBND ngày 24/3/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Quảng Ngãi; trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Công văn số 911/SNNMT-KL ngày 31/3/2025 và ý kiến thống nhất của thành viên UBND tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về Lâm nghiệp tại Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 và giữ vững ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2025 là 52%.
- Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp (Chính quyền địa phương cấp cơ sở) và các sở, ban, ngành có liên quan; ý thức trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động lâm nghiệp.
2. Yêu cầu
- Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên, diện tích khoanh nuôi tái sinh; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả.
II. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nội dung
Hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về lâm nghiệp tại Kế hoạch năm 2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 của UBND tỉnh, bao gồm: tổng diện tích rừng hiện có (rừng tự nhiên, rừng trồng), diện tích rừng trong quy hoạch 03 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất), quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng mới rừng tập trung (trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất), sản lượng khai thác từ gỗ rừng trồng (gỗ tròn), tỷ lệ độ che phủ rừng (Chi tiết số liệu theo phụ lục Kế hoạch trồng rừng phân theo huyện, thị xã, thành phố được ban hành tại Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025).
2. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nội dung phong phú và hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp huyện (Chính quyền địa phương cấp cơ sở).
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành liên quan.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
b) Rà soát các dự án đã chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác không phải lâm nghiệp nhưng chưa được loại ra khỏi Quy hoạch 03 loại rừng trong Bản đồ Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, tích hợp vào cơ sở dữ liệu trên Hệ thống thông tin ngành Lâm nghiệp.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường.
- Cơ quan phối hợp: UBND cấp huyện (Chính quyền địa phương cấp cơ sở).
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
c) Tập trung nguồn lực để hoàn thành Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc triển khai thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường.
- Cơ quan phối hợp: UBND cấp huyện (Chính quyền địa phương cấp cơ sở).
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
d) Tăng cường ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đặc biệt là phát hiện sớm các điểm biến động rừng trái với quy định của pháp luật, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để phát sinh hình thành các “điểm nóng” nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp huyện (Chính quyền địa phương cấp cơ sở).
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
đ) Thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo tất cả diện tích rừng trên địa bàn quản lý có chủ thực sự.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp huyện (Chính quyền địa phương cấp cơ sở).
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
e) Tranh thủ các nguồn viện trợ trong nước và quốc tế phục vụ hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Môi trường.
- Cơ quan phối hợp: UBND cấp huyện (Chính quyền địa phương cấp cơ sở).
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý hiện hành; lồng ghép nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu nhiệm vụ khác để thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện tốt các hoạt động lâm nghiệp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
- Tham mưu triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; phối hợp với các địa phương, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, vụ việc phức tạp; quản lý tốt các cơ sở chế biến lâm sản; tổng hợp báo cáo hiện trạng rừng theo quy định.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan có liên quan, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu cấp thẩm quyền cân đối bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục về lâm nghiệp; lồng ghép giáo dục nội dung bảo vệ rừng vào các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa.
4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và PCCC.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố (Chính quyền địa phương cấp cơ sở)
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về lâm nghiệp được giao năm 2025 trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất có cây gỗ tái sinh, xác định diện tích có khả năng thành rừng để khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, chăm sóc diện tích rừng trồng chưa thành rừng và chuyển giao thành rừng khi đảm bảo tiêu chí theo quy định; rà soát diện tích đất trống để trồng rừng mới, kiểm soát việc trồng rừng sau khai thác, đảm bảo toàn bộ diện tích sau khai thác phải được trồng lại rừng.
- Chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức truy quét, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị khi để xảy ra vụ việc gây thiệt hại rừng mà không có biện pháp xử lý kịp thời; thực hiện các chỉ tiêu quản lý, bảo vệ rừng; tổng hợp báo cáo, công bố hiện trạng rừng theo quy định.
- Kịp thời khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích; đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình xây dựng kế hoạch tham gia góp sức làm tốt các hoạt động lâm nghiệp; hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ rừng và PCCCR.
7. Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh và phát lại truyền hình các địa phương
Phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng và PCCCR; thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng ở thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao.
8. Trách nhiệm của chủ rừng
- Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng và PCCCR theo quy định của pháp luật trong phạm vi rừng mình quản lý. Xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án Quản lý rừng bền vững.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp; đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR.
- Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR theo quy định hiện hành của Nhà nước; thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn PCCCR thuộc phạm vi quản lý. Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR.
- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bảo đảm an toàn về bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận. Thực hiện các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
- Tổ chức việc rà soát, kiểm tra các loại đất, loại rừng trên lâm phận được giao đảm bảo đúng hiện trạng thực tế và trên bản đồ, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của địa phương và báo cáo kịp thời biến động các loại đất, loại rừng cho cơ quan Kiểm lâm sở tại theo đúng quy định.
9. Thời gian báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (Chính quyền địa phương cấp cơ sở) báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/11/2025 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.