ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/KH-UBND |
Nam Định, ngày 12 tháng 4 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG “TỈNH AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY”
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 10/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao hơn nữa nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
2. Kiềm chế, giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; không để xảy ra các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
3. Bám sát thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về công tác PCCC và CNCH. Xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” gắn với thực tiễn công tác PCCC và CNCH, đặc điểm, tình hình quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
II. TIÊU CHÍ TỈNH AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
1. Tình hình cháy, nổ
- Hằng năm, số vụ cháy xảy ra không vượt quá 0,01% so với tổng số cơ sở, số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
- Hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
2. Về khu dân cư (tổ dân phố, thôn, xóm) an toàn PCCC
2.1. Về nội quy, quy định
Thành lập Tổ công tác PCCC và ban hành nội quy, quy định về PCCC và CNCH đối với khu dân cư.
2.2. Về cơ sở hạ tầng của khu dân cư
a) Phục vụ công tác tuyên truyền:
+ Có bảng tin để niêm yết nội quy, quy định về an toàn PCCC của khu dân cư, số điện thoại báo cháy 114, tranh ảnh cổ động tuyên truyền về PCCC.
+ Có hệ thống loa phát thanh phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC. Thành lập nhóm zalo kết nối giữa Tổ công tác PCCC, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của thôn, xóm, tổ dân phố phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC và CNCH.
b) Về đường giao thông phục vụ chữa cháy và CNCH:
Các đường giao thông không bảo đảm phục vụ chữa cháy và CNCH, có phương án quy hoạch, cải tạo để có nguồn nước và các điều kiện cho xe chữa cháy lưu thông hoạt động theo quy định.
c) Về hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông: Bảo đảm an toàn PCCC, chiều cao lưu thông của xe chữa cháy hoặc có phương án hạ ngầm lưới điện, cáp viễn thông…
2.3. Các đối tượng trong khu dân cư
a) Đối với các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh:
- Nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn PCCC.
- Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về PCCC.
- Khuyến khích mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay và tùy theo đặc điểm, tình hình có các phương tiện chữa cháy, thoát nạn khác (mặt nạ lọc độc, thang dây, dây thả chậm, xô, thùng chứa nước,…); có phương án thoát nạn dự phòng; trên các tầng nhà cần có lối ra ngoài ban công, không sử dụng kính chắn, pano quảng cáo che lấp ban công thoát nạn.
- Đối với các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các quy định về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; đối với các nhà liền kế phải tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC” bảo đảm theo tiêu chí hướng dẫn của Bộ Công an.
b) Đối với các cơ sở:
- Bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở; di dời ra xa khu dân cư đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc diện quy định tại Điều 63a Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013.
- Có biện pháp giải quyết xử lý triệt để, kiên quyết tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm, có nguy cơ cháy nổ xảy ra.
c) Về lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ:
- Đội dân phòng được thành lập, duy trì, trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC và CNCH bảo đảm quy định; được bồi dưỡng, huấn luyện và được cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ về PCCC và CNCH; được tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH đáp ứng yêu cầu tại chỗ khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
- Đối với các “Tổ liên gia an toàn PCCC” được thành lập, các thành viên trong Tổ liên gia phát huy vai trò tại chỗ, đồng thời huy động lực lượng dân phòng cùng phối hợp tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2.4. Xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
- Có phương án chữa cháy được Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt và định kỳ hàng năm phối hợp tổ chức thực tập các tình huống đã được xây dựng giả định trong phương án.
- Tích cực tuyên truyền và có phương án phòng chống đuối nước đối với các khu dân cư có ao, hồ, sông, biển tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; cắm biển cảnh báo; hàng năm tổ chức phối hợp thực tập các tình huống phòng chống đuối nước.
3. Cơ sở an toàn PCCC
3.1. Đối với các cơ sở đang hoạt động phải bảo đảm điều kiện an toàn PCCC theo quy định của pháp luật:
- Đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật về PCCC và các quy định khác có liên quan.
- Có nội quy, quy định, biển cấm, biển báo, sơ đồ và biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ sở. Có hồ sơ theo dõi hoạt động PCCC theo quy định pháp luật; có phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có phân công nhiệm vụ PCCC trong Tổ công tác PCCC; lực lượng PCCC cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH, trang bị trang phục, dụng cụ, phương tiện PCCC và CNCH theo danh mục trang thiết bị phương tiện theo quy định; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
- Có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt... Có hệ thống loa phát thanh (bảng tin nội bộ), nhóm zalo kết nối giữa Tổ công tác với cán bộ, công nhân viên, đội PCCC cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn công tác PCCC và CNCH.
- Có hệ thống điện được thiết kế và lắp đặt bảo đảm an toàn, có thiết bị bảo vệ chống quá tải. Có nguồn nước chữa cháy, phương tiện thiết bị chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với đặc điểm của cơ sở, bảo đảm về số lượng, chất lượng, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo quy định (đối với những cơ sở thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC). Có đường giao thông luôn bảo đảm cho xe chữa cháy tiếp cận, lối thoát nạn phải thông thoáng, bảo đảm thoát nạn an toàn khi có cháy. Trên các đường thoát nạn phải có biển chỉ dẫn và có đèn chiếu sáng sự cố để mọi người nhận biết thoát nạn an toàn.
- Duy trì công tác tự kiểm tra PCCC của cơ quan, doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 100% cán bộ, công nhân viên, đội PCCC cơ sở; thực tập phương án chữa cháy và CNCH theo quy định.
3.2. Tổ chức kiểm tra hướng dẫn, phân loại, yêu cầu các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC có lộ trình khắc phục theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật nếu cố tình không khắc phục.
3.3. Phân loại, giải quyết xử lý triệt để, kiên quyết tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm, có nguy cơ cháy, nổ cao.
4. Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác PCCC:
4.1. 100% người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cơ sở phải nắm rõ chức trách, nhiệm vụ về công tác PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; 100% các đảng viên, công chức cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; người đứng đầu các tổ chức, ban, ngành đoàn thể của xã, thôn, xóm, tổ dân phố phải được tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC.
4.2. 100% các hộ gia đình có ít nhất 01 thành viên (có năng lực, sức khỏe) được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm.
4.3. 100% cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên hàng năm được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm theo các cấp học.
4.4. 100% các cơ sở tôn giáo được phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành về công tác PCCC và CNCH, trọng tâm là: Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh.
- Tổ chức Hội nghị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
- Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực, giúp việc từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.
- Tổ chức ký cam kết với 100% cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về PCCC và CNCH, đồng thời tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân nơi cư trú tự giác thực hiện.
- Tăng cường kiểm tra, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH.
2. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào về PCCC
- Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” đến từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; thiết lập đường dây nóng phản ánh, kiến nghị, hướng dẫn bảo đảm an toàn về PCCC.
- Đổi mới các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về PCCC và CNCH, về an toàn sử dụng điện; chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, đảm bảo 100% người dân sử dụng thuần thục thiết bị chữa cháy được trang bị.
- Tổ chức ký cam kết với 100% hộ gia đình chấp hành các quy định về an toàn PCCC, đồng thời phát hành cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện; 100% các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, Tổ liên gia an toàn PCCC tự xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, thực tập thuần thục phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phấn đấu mỗi hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy và sử dụng thuần thục các thiết bị chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm được trang bị; 100% hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC (hoàn thành trước 30/6/2024).
- Tiếp tục xây dựng và duy trì các mô hình PCCC: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu dân cư an toàn PCCC; Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC… Xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH tại địa bàn thành phố Nam Định; sơ kết, tổng kết và nhân rộng tại các địa bàn huyện.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH
- Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, thanh tra công tác PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an, nhất là đối với lĩnh vực, địa bàn, cơ sở trọng điểm về PCCC trên địa bàn tỉnh; khắc phục dứt điểm vi phạm, thiếu sót trong thực hiện quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Định kỳ kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cấp (cấp huyện, xã) trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC theo phân cấp.
- Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã tổ chức kiểm tra hệ thống, thiết bị điện tại các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh (hoàn thành trong quý II/2024).
- Tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia.
4. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Nghiên cứu xây dựng Trung tâm chỉ huy, điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hệ thống truyền tin tự động báo cháy từ cơ sở đến trung tâm chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, phần mềm hỗ trợ công tác quản lý nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tiếp nhận và giải quyết 100% các thủ tục hành chính về lĩnh vực PCCC và CNCH trên cổng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
5. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phương tiện, thiết bị điện và các điều kiện khác về PCCC và CNCH
- Tập trung các nguồn lực, đầu tư kinh phí, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (hệ thống giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...).
- Bố trí kinh phí cho phát triển công nghệ kết hợp với xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí hợp pháp để tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, thiết bị cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng dân phòng theo quy định.
6. Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại
- UBND các huyện, thành phố có quy hoạch địa điểm, bố trí đất xây dựng doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC.
- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh: Tổ chức Hội nghị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực, giúp việc cấp tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố... tham mưu báo cáo Bộ Công an, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Nghiên cứu xây dựng Trung tâm chỉ huy, điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hệ thống truyền tin tự động báo cháy từ cơ sở đến trung tâm chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, phần mềm hỗ trợ công tác quản lý nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an). Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Triển khai đợt cao điểm:
+ Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” đến từng cơ quan, tổ chức, cơ sở và hộ gia đình (thực hiện trong Quý II/2024).
+ Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, Công an cấp xã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện, UBND cấp xã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, rà soát đối với các tuyến đường giao thông; các ngõ, hẻm của thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn; tham mưu cấp có thẩm quyền phương án bảo đảm hoạt động của xe chữa cháy, nguồn cấp nước chữa cháy (hoàn thành việc khảo sát và có phương án giải quyết đối với nguồn cấp nước, hoạt động lưu thông của xe chữa cháy trong Quý II/2024). Đến hết năm 2024, có 50% tuyến đường còn tồn tại về PCCC được giải quyết và hoàn thành 100% trong năm 2025.
+ Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản chỉ đạo Công ty Điện lực tỉnh, Viễn thông tỉnh... rà soát hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông, có phương án bảo đảm an toàn PCCC; sau rà soát có biên bản, số liệu thống kê, báo cáo đúng quy định (hoàn thành trước ngày 30/6/2024).
+ Tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH toàn diện các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (hoàn thành trong Quý II/2024) để đánh giá thực trạng về công tác PCCC. Trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng theo quy định.
- Tổ chức thanh tra và giám sát hàng tháng việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC của lực lượng Công an đối với các cơ sở thuộc Phụ lục V, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
- Xây dựng biểu mẫu ký cam kết, cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn an toàn PCCC gửi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức ký cam kết.
- Tiếp tục hướng dẫn xây dựng mới và duy trì các mô hình PCCC: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu dân cư an toàn PCCC; Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC; hướng dẫn các Tổ liên gia, điểm chữa cháy công cộng đã xây dựng khắc phục các tồn tại chưa bảo đảm tiêu chí theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an…; sơ kết, tổng kết và nhân rộng tại các địa bàn huyện trên địa bàn tỉnh.
- Thành lập các Đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện; kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
- Thường xuyên tổ chức họp đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, làm rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
- Tổ chức Hội nghị sơ kết sau 06 tháng triển khai thực hiện “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”; tiếp tục đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tiếp theo.
2. Văn phòng UBND tỉnh
Phối hợp với Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ tham mưu tổ chức họp đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, làm rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu với cấp có thẩm quyền bố trí các nguồn vốn đầu tư công theo đúng quy định để đảm bảo cơ sở vật chất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo các Kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư được phê duyệt phù hợp tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn vốn.
4. Sở Tài chính
- Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
- Hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố sử dụng kinh phí được cấp chi cho công tác PCCC và CNCH theo quy định hiện hành.
5. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đưa tiêu chí chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí để đánh giá thi đua, xếp loại hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Phối hợp với Công an tỉnh tham mưu, đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định
- Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
- Duy trì phát sóng chuyên mục “Alo 114” định kỳ hằng tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, lồng ghép tuyên truyền xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra hệ thống đường dây cáp viễn thông treo trên các cột tại các tuyến đường giao thông bảo đảm an toàn PCCC (hoàn thành trong năm 2024).
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục trực thuộc xây dựng kế hoạch và hàng năm đưa nội dung giảng dạy an toàn PCCC cho học sinh các cấp học (giảng dạy từ năm hoc 2024 - 2025).
- Phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra PCCC toàn diện các trụ sở làm việc, cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý. Kết thúc đợt kiểm tra, phân loại các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC, đề xuất phương án, lộ trình khắc phục, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết.
8. Sở Công Thương
- Phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra PCCC toàn diện các trụ sở làm việc thuộc thẩm quyền quản lý. Kết thúc đợt kiểm tra, phân loại các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC, đề xuất phương án, lộ trình khắc phục, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết.
- Chỉ đạo Công ty Điện lực Nam Định:
+ Giao nhiệm vụ cho Điện lực các huyện, thành phố Nam Định phối hợp với UBND cấp xã thành lập và tham gia đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc sử dụng điện an toàn phòng ngừa cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình;
+ Trong quá trình kiểm tra cần đánh giá việc lắp đặt dây dẫn, thiết bị bảo vệ; sử dụng thiết bị điện, nhất là thiết bị có sinh nhiệt khu vực sản xuất, kinh doanh, khu chứa nhiều hàng hóa dễ cháy;
+ Trước mắt tập trung kiểm tra, đo công suất với các hộ sử dụng điện kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ trên địa bàn thành phố, các huyện, thị trấn, thị tứ;
+ Bảo đảm an toàn PCCC đối với hệ thống lưới điện thuộc phạm vi quản lý của ngành.
9. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh
- Phối hợp với Công an tỉnh, chỉ đạo kiểm tra PCCC toàn diện các trụ sở làm việc thuộc thẩm quyền quản lý. Kết thúc đợt kiểm tra, phân loại các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC, đề xuất phương án, lộ trình khắc phục, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết.
- Tổ chức ký giao ước thi đua, tham gia xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” đối với các đơn vị quản lý hạ tầng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trong khu công nghiệp khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC; thành lập Đội PCCC chuyên ngành đối với các đối tượng thuộc diện.
10. Các sở, ban, ngành của tỉnh
- Phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra PCCC toàn diện các trụ sở làm việc thuộc thẩm quyền quản lý. Kết thúc đợt kiểm tra, phân loại các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC, đề xuất phương án, lộ trình khắc phục, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết (hoàn thành trước ngày 30/6/2024).
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai ký cam kết với 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về PCCC và CNCH (hoàn thành trong tháng 5/2024).
- Thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền, trực tiếp kiểm tra, đốc đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; đưa tiêu chí chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí để đánh giá thi đua, xếp loại hàng năm của cơ quan, đơn vị.
11. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn hoàn thành, để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo kinh phí thực hiện theo quy định; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực, giúp việc trong triển khai thực hiện của cấp huyện.
- Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai ký cam kết với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về PCCC và CNCH.
- Phối hợp với Công an tỉnh, chỉ đạo kiểm tra PCCC toàn diện các trụ sở làm việc và các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Kết thúc đợt kiểm tra, phân loại các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý theo quy định
- Triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, vận động xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” đến từng cơ quan, tổ chức, cơ sở và hộ gia đình trên địa bàn (thực hiện trong Quý II/2024). Đổi mới các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về PCCC và CNCH, chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, đảm bảo 100% người dân sử dụng thuần thục thiết bị chữa cháy được trang bị.
- Tiếp tục hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng và duy trì các mô hình PCCC: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu dân cư an toàn PCCC.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH hàng năm. Trong đó, tập trung các nguồn lực, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (hệ thống giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...). Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn, định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn phụ trách.
- Định kỳ tổ chức họp đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, làm rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo.
- Chỉ đạo UBND cấp xã:
+ Xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể, rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện các nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực, giúp việc cấp xã về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” (hoàn thành trong tháng 5/2024);
+ Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, chỉ đạo của cấp huyện, Nghị quyết của Đảng ủy và kế hoạch của UBND cấp xã về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”; chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, chi bộ, tổ dân phố, thôn, xóm triển khai ký cam kết với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC;
+ Chỉ đạo Công an cấp xã, tổ trưởng thôn, xóm, tổ dân phố phối hợp với các đơn vị chức năng cấp xã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, rà soát đối với các tuyến đường giao thông; các dong, ngõ, hẻm của thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án bảo đảm hoạt động của xe chữa cháy, nguồn cấp nước chữa cháy;
+ Tổ chức rà soát, kiểm tra toàn diện trụ sở làm việc và các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC của UBND cấp xã; trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng theo quy định.
+ Tổ chức thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, vận động đến từng cơ quan, tổ chức, cơ sở và hộ gia đình trên địa bàn quản lý thực hiện xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC” (thực hiện trong Quý II/2024);
+ Duy trì các mô hình PCCC đã xây dựng: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu dân cư an toàn PCCC; khắc phục các tồn tại đối với các Tổ liên gia, Điểm chữa cháy công cộng đã xây dựng; thường xuyên rà soát xây dựng bổ sung mới các Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng mới phát sinh;
+ Hướng dẫn, đôn đốc 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn đăng ký tự tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (đối với cơ sở tổ chức ít nhất 01 lần/năm, Tổ liên gia tổ chức ít nhất 2 lần/năm);
+ Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của cấp xã do lãnh đạo UBND cấp xã làm trưởng đoàn, định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn phụ trách, báo cáo kết quả về UBND cấp huyện để theo dõi, chỉ đạo.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
- Phối hợp với Công an tỉnh, chỉ đạo kiểm tra PCCC toàn diện các trụ sở làm việc thuộc thẩm quyền quản lý. Kết thúc đợt kiểm tra, phân loại các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC, đề xuất phương án, lộ trình khắc phục, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết.
- Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan gặp gỡ chức sắc của Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh, Giáo phận Bùi Chu, Giáo phận Hà Nội để tuyên truyền Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”; thông qua các chức sắc, chức việc tôn giáo để vận động quần chúng, tín đồ thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Đề nghị Tỉnh đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai mô hình đoàn, hội xung kích tham gia đảm bảo an toàn PCCC và CNCH (hoàn thành trong tháng 6/2024); Định kỳ sơ kết, tổng kết và nhân rộng tại các địa bàn huyện.
- Chỉ đạo các cấp hội trực thuộc tổ chức ký cam kết với cán bộ, đoàn viên, hội viên, người lao động gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC; phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, tham gia xây dựng, nhân rộng các mô hình an toàn PCCC tại cơ sở, khu dân cư.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; gửi về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 15/5/2024 để theo dõi, tổng hợp.
2. Định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch này về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh). Hằng năm tiến hành sơ kết, đánh giá triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh.
3. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo theo quy định.
Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh) để hướng dẫn, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.