ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6317/KH-UBND |
Đồng Nai, ngày 06 tháng 8 năm 2013 |
Căn cứ Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”;
Căn cứ Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân;
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 như sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, mỗi gia đình và toàn xã hội tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, cải thiện sức khỏe.
2. Triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng
a) 90% hộ gia đình thành thị, 85% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% theo quy chuẩn QCVN/02 BYT của Bộ Y tế.
b) 90% số hộ gia đình ở thành thị, 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy chuẩn QCVN/02 BYT của Bộ Y tế.
c) 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.
d) 100% các trường học mẫu giáo, mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trạm y tế xã có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
đ)Thu gom và xử lý 100% chất thải rắn y tế, chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại; thu gom 100% và xử lý trên 80% chất thải rắn nguy hại.
e) 50% người dân thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng.
2. Vệ sinh an toàn thực phẩm
a) Trên 90% lượt cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
b) 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý và 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
c) 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
d) 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm.
đ) Giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm.
3.Vệ sinh lao động
a) 100% cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh nhà xưởng, sắp xếp nơi làm việc gọn gàng.
b) 100% người lao động được tuyên truyền vệ sinh cá nhân tại nơi làm việc, sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân đúng quy định .
1. Hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng
Tập trung ưu tiên triển khai các hoạt động về vệ sinh nhằm giải quyết các dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh do các véc tơ lây truyền, các bệnh da, phụ khoa và một số bệnh không lây nhiễm liên quan đến vệ sinh phòng bệnh.
2. Hoạt động về thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân
a) Vận động nhân dân thực hiện vệ sinh cá nhân như: rửa tay với xà phòng, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể.
b) Thực hiện nếp sống ăn uống hợp vệ sinh và rèn luyện thân thể. Đẩy mạnh các hoạt động 3 sạch trong phong trào “5 không, 3 sạch”, bao gồm: sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường, sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể, sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm.
3.Hoạt động về cải thiện vệ sinh môi trường
a) Thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng, nơi cơ quan công sở.
b) Vận động nhân dân xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
c) Quản lý chặt chẽ việc xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường. Định kỳ hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tổng vệ sinh cơ quan, trường học, nơi công cộng để tạo thói quen và nề nếp vệ sinh trong nhân dân.
d) Thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn cung cấp nước ăn uống và sinh hoạt, vận động nhân dân sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, thực hiện tốt việc xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ.
4. Hoạt động về vệ sinh an toàn thực phẩm
a) Triển khai phong trào “Ba không”: các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cam kết thực hiện không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế.
b) Thực hiện tốt vệ sinh trong dịch vụ ăn uống, nhất là trong các dịp lễ hội, ăn uống tập thể, tập trung đông người; tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, tại bếp ăn hộ gia đình ngày càng sạch hơn, an toàn hơn, văn minh hơn.
c) Triển khai các hoạt động tuyên truyền về “Bữa ăn an toàn”.
1. Sở Y tế: Là cơ quan đầu mối, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước trên địa bàn tỉnh.
a) Hàng năm, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân theo chủ đề, hướng dẫn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
b) Triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã ban hành.
c) Chủ động phối hợp và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động của Phong trào Vệ sinh yêu nước, đảm bảo Phong trào được thực hiện sâu rộng và bền vững.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai các hoạt động liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn sử dụng. Vận động nhân dân xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, xa nhà, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng, nuôi thủy sản. Thực hiện vệ sinh trong nông nghiệp, đảm bảo thực phẩm cung cấp an toàn, hợp vệ sinh. Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở theo phân cấp quản lý.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc môi trường, củng cố, nâng cao năng lực quan trắc môi trường, kịp thời phát hiện, cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; phát động phong trào bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán của người dân trong phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường.
4. Sở Xây dựng: Tập trung chỉ đạo tốt việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời kiểm tra việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Căn cứ quy định hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy một số nội dung liên quan về giáo dục vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong nhà trường cho phù hợp với từng cấp học; phối hợp với ngành y tế, các ngành liên quan triển khai thực hiện công tác y tế học đường, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, sinh viên tạo thói quen thực hành các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe, góp phần xây dựng cộng đồng có nếp sống hợp vệ sinh, văn minh. Xây dựng và phát động phong trào học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn các ngành, đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các quy định trong hương ước, quy ước văn hóa của ấp, khu phố, khơi dậy những nét đẹp văn hóa, giữ gìn nếp sống văn minh, xóa bỏ dần các tập quán, hủ tục lạc hậu gây mất vệ sinh không có lợi cho sức khỏe trong cộng đồng dân cư. Tuyên truyền và vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động của Phong trào. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát Thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp tổ chức thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú về các hoạt động phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, cải thiện sức khỏe, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, mỗi người, mỗi gia đình về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh yêu nước đối với sức khoẻ.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung có liên quan nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm cho các chương trình, dự án liên quan các hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước, đảm bảo kinh phí thực hiện Phong trào của tỉnh đạt kết quả.
9. Sở Tài chính: Xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước của tỉnh; thẩm định, hướng dẫn Sở Y tế, các sở, ngành, đơn vị, địa phương sử dụng kinh phí đúng quy định của pháp luật.
10. Sở Công Thương: Phối hợp kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhằm đạt mục đích, chỉ tiêu của Kế hoạch.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Đồng Nai căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng, tự giác tham gia phong trào; đồng thời lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm:
a) Căn cứ nội dung Kế hoạch thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước của tỉnh và tình hình thực tế địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai tổ chức thực hiện phong trào đạt chỉ tiêu đề ra. Quá trình thực hiện, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân về các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; bảo đảm an toàn vệ sinh trong lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn.
b) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vệ sinh nâng cao sức khỏe, bảo đảm phong trào được thực hiện sâu rộng và bền vững.
c) Bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện Phong trào, đồng thời thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và các hộ gia đình để thực hiện phong trào.
1. Kinh phí triển khai phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo nguyên tắc cấp nào tổ chức thực hiện do ngân sách cấp đó bảo đảm kinh phí hoạt động.
2. Kinh phí để thực hiện các nội dung của 3 nhóm chỉ tiêu (Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Vệ sinh lao động) sử dụng từ kinh phí các chương trình mục tiêu, các dự án có liên quan đến vệ sinh và bảo vệ chăm sóc sức khỏe.
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền triển khai Kế hoạch thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 đạt kết quả tốt. Quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm và đưa ra những bài học, những mô hình, sáng kiến hay để nhân rộng. Phát động thi đua thực hiện phong trào trên cơ sở lồng nghép với các phong trào thi đua khác, kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào. Định kỳ, sơ kết, tổng kết, báo cáo về Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối, theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Phong trào, báo cáo kết quả gửi UBND tỉnh theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.