ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 18 tháng 3 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
VỀ VIỆC XÚC TIẾN DU LỊCH TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2024
Căn cứ Chương trình hành động số 74/CTr-TU, ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 30/6/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Triển khai thực hiện Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; Quyết định số 226/QĐ-UBND ngày 31/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thay thế Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 06/12/2023 của UBND tỉnh về xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch, khai thác giá trị các tài nguyên du lịch, cung cấp thông tin, hình ảnh du lịch Lạng Sơn tới du khách, các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lạng Sơn.
Góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Lạng Sơn, khai thác có hiệu quả lợi thế,tiềm năng du lịch của tỉnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
2. Yêu cầu
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức nhằm đem lại hiệu quả cao và thiết thực; đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch phải lựa chọn kỹ nội dung, hình thức và đối tượng tuyên truyền. Chú trọng áp dụng công nghệ số, các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch thuật, chuyển ngôn ngữ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài phù hợp để quảng bá, xúc tiến du lịch trong giai đoạn mới.
Tăng cường vai trò của các sở, ban, ngành, đơn vị trong việc phát triển sự nghiệp du lịch chung, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các chương trình lồng ghép nội dung hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch.
Tổ chức hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nói chung và hoạt động quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch của doanh nghiệp nói riêng.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Công tác phát triển thị trường
- Tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, thông qua việc tham gia, tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch (hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du lịch) tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Việt Bắc và một số địa phương.
- Tăng cường công tác hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế để quảng bá du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế tại các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, các nước trong khối ASEAN...
- Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp cận các thị trường du lịch mục tiêu, thông qua các sự kiện xúc tiến du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị; nghiên cứu thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước; kết nối nhà đầu tư, đơn vị lữ hành trên cả nước đưa khách đến Lạng Sơn nhằm tiếp cận, quảng bá thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.
2. Sản xuất mới các ấn phẩm, sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm
- Xuất bản 3.000 ấn phẩm về các điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn phục vụ công tác thông tin quảng bá du lịch, gồm có: du lịch Lạng Sơn điểm đến hấp dẫn; sổ tay du lịch Lạng Sơn; tinh hoa ẩm thực Xứ Lạng; 2.000 tập gấp in song ngữ phục vụ công tác xúc tiến quảng bá tại nước ngoài.
- Tăng cường giới thiệu về sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Lạng Sơn thông quaxuất bản ấn phẩm, các ứng dụng trên thiết bị di động, đặc biệt là hệ thống du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh để giúp du khách tra cứu, tìm hiểu, dễ dàng lựa chọn ẩm thực khi đến Lạng Sơn. Thực hiện xây dựng và công bố chương trình du lịch ẩm thực đặc sắc Lạng Sơn.
- Xây dựng mới và tái bản 2.600 sản phẩm lưu niệm có gắn hình ảnh biểu trưng của bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn: tái bản sản phẩm du lịch em bé Đào; xây dựng mới sản phẩm lưu niệm bình gốm in hình ảnh bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn; xây dựng mới sản phẩm lưu niệm quạt cầm tay in hình ảnh du lịch Lạng Sơn, logo du lịch Lạng Sơn bằng chất liệu thân thiện môi trường.
3. Đa dạng hóa hình thức xúc tiến quảng bá trên các phương tiện truyền thông
- Quảng bá du lịch Lạng Sơn trên một số phương tiện truyền thông theo xu thế hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok bên cạnh những hình thức truyền thống như kênh truyền hình, quảng cáo trực tuyến, livestream tại một số điểm du lịch; trình chiếu video clip tại các màn hình Led trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và khu vực cửa khẩu. Xây dựng 01 video clip trở lên quảng bá du lịch của tỉnh trên kênh truyền hình Việt Nam, hệ thống kênh truyền hình VTC; xây dựng 01 video tổng quan về du lịch Lạng Sơn; sửa chữa, gia cố 05 biển chỉ dẫn, pano quảng bá hình ảnh, biển điểm du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 02 biển quảng bá du lịch tại các huyện không nằm trong vùng công viên địa chất; xây dựng bản đồ số về du lịch; tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch Lạng Sơn; phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng video clip quảng bá du lịch Lạng Sơn đăng tải trên các nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chương trình kích cầu du lịch Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025 với thông điệp: “Người Lạng Sơn đi du lịch Lạng Sơn”; “Lạng Sơn - Trải nghiệm và cảm nhận”; “ Lạng Sơn - Điểm đến an toàn, đậm đà bản sắc dân tộc”. Giới thiệu về mảnh đất, con người Xứ Lạng, đặc trưng văn hóa truyền thống trên các tạp chí nổi tiếng: Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch, Báo Làng nghề…
- Tiếp tục triển khai ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh trong quảng bá trên các ứng dụng mạng xã hội: Zalo, Messenger, Viber... đối với các biểu tượng cảm xúc (thích, vui, buồn, cảm ơn...) để quảng bá cho thương hiệu du lịch Lạng Sơn nhằm phổ biến rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và trong các hội nghị, hội thảo và đối ngoại.
- Tiếp tục xây dựng Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn; duy trì và nâng cấp website www.dulichlangson.com.vn.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế lắp đặt mô hình quét QR code cung cấp thông tin du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chương trình “Đại sứ du lịch Lạng Sơn” với thông điệp: “Mỗi người dân Lạng Sơn hãy là một đại sứ du lịch”; “Thêm một nụ cười, thêm một vị khách”; “Lạng Sơn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”…
- Giới thiệu về mảnh đất, con người Xứ Lạng, đặc trưng văn hóa truyền thống trên các cơ quan truyền thông: Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch, Báo Làng nghề, Báo Văn hóa, Tạp chí Thương mại.
- Duy trì kết nối trang thông tin điện tử Du lịch tỉnh Lạng Sơn với trang thông tin điện tử của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và liên kết với website của các tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin và quảng bá du lịch Lạng Sơn, đặc biệt là các địa phương đã ký kết hợp tác phát triển du lịch như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh Việt Bắc, các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh trong cụm Quân Khu I.
4. Tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh
- Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn liền với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục - thể thao, hội nghị, hội chợ, hội thảo đặc biệt là các hoạt động gắn với Lễ hội hoa Đào năm 2024, tuần văn hóa, thể thao và du lịch.
- Tổ chức các sự kiện tuyên truyền quảng bá du lịch tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong tỉnh, như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI; Lễ hội Hoa đào 2024; Lễ hội thảo nguyên Đồng Lâm và lễ hội mùa vàng Bắc Sơn; Hội Háng Pỉnh năm 2024; Giải chạy bộ “Mẫu Sơn Mount path”; đăng cai tổ chức giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên quốc gia; diễn đàn hợp tác đầu tư du lịch, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại - Du lịch Việt Trung… tiến tới tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Lạng Sơn.
- Tổ chức Lễ đón đoàn khách đầu tiên qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị dịp đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024.
- Tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITE Hồ Chí Minh; Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM HANOI; Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng; chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2024; chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với 08 tỉnh Đông Bắc giai đoạn năm 2024 - 2025.
- Tham gia các hoạt động trong chương trình, sự kiện (hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du lịch) theo chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và các tỉnh, thành phố liên kết du lịch với Lạng Sơn tổ chức.
5. Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tại các huyện, thành phố
- Tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN giai đoạn 2022 - 2025. Thực hiện hoàn thiện hồ sơ trình Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thẩm định.
- Xây dựng, phát triển và tổ chức công bố chương trình du lịch ẩm thực Lạng Sơn nhằm tôn vinh các giá trị ẩm thực đặc sắc của tỉnh.
- Hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện Đình Lập. Đồng thời tiếp tục tập trung xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp tại xã Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn), xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) và xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng).
- Thực hiện tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch của các huyện, thành phố như: xây dựng ấn phẩm, tờ rơi, chương trình du lịch; xây dưng video clip quảng bá du lịch (sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội[1], sản phẩm du lịch văn hóa, di tích lịch sử[2] gắn với tâm linh, tín ngưỡng, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu, sản phẩm du lịch leo núi tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình…); tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch xanh, du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với mô hình du lịch nông thôn cho một số đơn vị có tiềm năng.
- Tăng cường lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá 04 tuyến tham quan và 37 điểm[3] của CVĐC Lạng Sơn để thu hút khách du lịch đến tham quan.
6. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tư vấn hỗ trợ khách du lịch; liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh
- Tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện tư vấn và kết nối, liên kết cho các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn... Hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch của địa phương.
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cuộc thi về nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng là quản lý, lao động đang làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cập nhật kiến thức cho các hướng dẫn viên du lịch.
- Tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, giữa các vùng thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu điểm đến của địa phương, tổ chức các đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố đã triển khai các thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch, nhất là đẩy mạnh triển khai các nội dung thoả thuận về hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Bắc, trong đó tăng cường mối quan hệ trong việc liên kết vùng, trọng điểm du lịch khu vực phía Bắc là thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh và các tỉnh, thành khác ký kết hợp tác và cam kết thực hiện việc đưa đón khách của doanh nghiệp mình đến địa phương khác và ngược lại.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, nguồn huy động xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (có Biểu dự toán kinh phí kèm theo Kế hoạch này).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ được phân công thực hiện tại Kế hoạch này đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Tăng cường phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các địa phương trong cả nước nhằm xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Lạng Sơn đến với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan xây dựng phương án huy động nguồn lực xã hội hóa.
Nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến du lịch; tư vấn cho doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng tour, tuyến du lịch đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch này.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến du lịch.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định của Nhà nước. Thực hiện hỗ trợ phát triển du lịch tại các huyện, thành phố. Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tại các địa phương.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho đội ngũ lao động tại các doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, giữa các vùng nhằm mở rộng phạm vi và đa dạng các hoạt động du lịch, thu hút du khách và nhà đầu tư du lịch đến với Lạng Sơn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, làm cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về về hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực quản lý thuộc Ngành.
Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch lồng ghép các nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch Lạng Sơn tại các diễn đàn kinh tế, hội nghị, hội thảo, các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh.
4. Sở Công Thương
Chủ trì, làm cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại.
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đến khách du lịch trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, duy trì mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
5. Sở Tài chính
Thẩm định kinh phí do các đơn vị xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông đảm bảo phủ sóng toàn tuyến giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, nhà đầu tư tiếp cận, sử dụng đầy đủ dịch vụ và ứng dụng công nghệ thông tin tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Ngoại vụ
Chủ trì lồng ghép tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của tỉnh với các đối tác nước ngoài; tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài tỉnh. Phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Phối hợp thực hiện công tác xúc tiến quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư ngoài nước phục vụ phát triển du lịch.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lồng ghép các hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động xúc tiến du lịch để giới thiệu du lịch Lạng Sơn đến du khách trong và ngoài nước; nghiên cứu các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đặc sản, quà tặng mẫu mã đẹp, hấp dẫn để phục vụ du lịch.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, di sản văn hóa Lạng Sơn thông qua dạy học và các hoạt động giáo dục ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với thông điệp “Người Lạng Sơn đi du lịch Lạng Sơn”. Phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu về di sản văn hóa, điểm đến du lịch Lạng Sơn.
10. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịchhướng dẫn, thẩm định việc sửa chữa, gia cố biển chỉ dẫn, pano quảng bá hình ảnh, biển điểm du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh.
11. Văn phòng UBND tỉnh
Chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến chương trình, chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh năm 2024 theo Kế hoạch; cung cấp thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, khảo sát tìm cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến của tỉnh.
12. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch Lạng Sơn trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn, liên kết quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn trên hệ thống VINASAT với các tỉnh trong cùng khu vực; quảng bá thông qua các ấn phẩm Báo Lạng Sơn.
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài giới thiệu về chủ trương, định hướng phát triển du lịch, sản phẩm du lịch và các điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Trên cơ sở kế hoạch này, rà soát chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép vào kế hoạch công tác du lịch năm 2024 (kế hoạch thay thế nếu cần), bố trí kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch tại địa phương.
Vận động doanh nghiệp lữ hành tích cực tham gia hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác liên kết phát triển sản phẩm, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm, dịch vụ du lịch của huyện, thành phố.
Tăng cường công tác phối hợp trong quản lý hoạt động du lịch; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
14. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
Phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương. Tăng cường vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng Nhân dân nâng cao nhận thức về phát triển du lịch.
15. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các huyện, thành phố phát động phong trào “Mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên du lịch” nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Lạng Sơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuyên truyền, quảng bá về du lịch, văn hóa, lịch sử và con người Lạng Sơn trên các phương tiện truyền thông, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại địa phương.
Tổ chức các đội tình nguyện, tuyên truyền, vận động du khách và cộng đồng tham gia xây dựng nếp sống văn minh và ứng xử thân thiện tại các khu, điểm du lịch và những nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động du lịch.
16. Hiệp hội Du lịch tỉnh
Tích cực, chủ động tham gia và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trong công tác tuyên truyền các văn bản quản lý nhà nước về du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết, hợp tác, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao nhằm thu hút du khách và tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Lạng Sơn.
17. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp cũng như hình ảnh du lịch của tỉnh đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chủ động xây dựng thương hiệu, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu dịch vụ đến các thị trường khách du lịch trọng điểm và tiềm năng. Phối hợp tổ chức và khai thác các tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này, trong quá trình thực hiện phát sinh khó khan,
vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo) xem xét, giải quyết.
(Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 06/12/2023 của UBND tỉnh)./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
[1] Một số lễ hội đã thu hút đông lượng khách du lịch như Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng), Lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn), Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ (Thành phố Lạng Sơn), Lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia), Lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định).
[2] Bắc Sơn, Văn Quan, Tràng Định, Chi Lăng...
[3] Tuyến số 01: TP Hà Nội - huyện Hữu Lũng - huyện Chi Lăng - TP Lạng Sơn, Tuyến số 02: TP Lạng Sơn - huyện Cao Lộc - huyện Văn Quan - huyện Bình Gia - huyện Bắc Sơn, Tuyến số 03: Huyện Bắc Sơn - huyện Văn Quan - huyện Chi Lăng - TP Lạng Sơn; Tuyến số 04: TP Lạng Sơn - huyện Cao Lộc - huyện Lộc Bình - TP Lạng Sơn. Các tuyến tham quan đều có các giá trị hoá thạch cổ sinh, di sản địa chất về văn hóa lịch sử khảo cổ, các ngành nghề địa phương tiêu biểu và điểm di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu...)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.